Hàng nghìn lượt sấm sét dội xuống Hà Nội| Hà Nội tin mỗi chiều

Hàng nghìn lượt sấm sét dội xuống Hà Nội; Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông; Hà Nội giải quyết thủ tục hành chính sang VNeID trước ngày 1/7... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hàng nghìn lượt sấm sét dội xuống Hà Nội

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trong sáng nay (5/6) xảy ra mưa lớn ở khu vực Hà Nội.

Mưa lớn đã gây ngập lụt và ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại thành phố Hà Nội. Ảnh: Hữu Hưng/ Nld.

Mưa lớn kèm theo hàng nghìn cú sấm sét dội xuống đất. Tại khu vực Hà Nội và một phần lãnh thổ các tỉnh lân cận như Hải Dương, Hưng Yên từ 6 - 7h, cơ quan quan trắc ghi nhận có 3.513 cú sét (trong đó sét đánh xuống đất là 2.322 lần); Thời gian từ 7 - 8h, có 4.060 cú sét (sét đánh xuống đất là 2.855 lần); Thời gian từ 8 - 9h, có 2.642 cú sét (sét đánh xuống đất là 1.848 lần). Tổng cộng có khoảng 7.025 lượt sấm sét dội xuống đất trong sáng 5/6.

Tổng cộng có khoảng 7.025 lượt sấm sét dội xuống đất trong sáng 5/6. Ảnh: Nld.

Cường độ sét từ 7h40 đến 8h50 là mạnh nhất. Tuy nhiên, ông Cường cho hay, không phải tất cả hơn 7.000 cú sét đều ảnh hưởng tới mặt đất. Tuỳ thuộc vào cường độ sẽ có ảnh hưởng khác nhau tới cơ sở hạ tầng, lưới điện, con người.

Bản đồ phân bố sấm sét ở Hà Nội lúc 8h sáng nay. Ảnh: Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia.

Vào lúc 6h45 sáng 5/6, Khoa Cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân ở Thanh Trì, Hà Nội bị sét đánh khi đang đi cắt rau ngoài đồng. Theo bệnh viện, tại thời điểm nhập viện, người phụ nữ hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn tim phổi. Tại đây, các bác sĩ tiến hành ép tim, hô hấp nhân tạo trong 15 phút, nạn nhân có nhịp tim trở lại. Tuy nhiên, hiện chị vẫn hôn mê sâu, thở máy, tiên lượng xấu.

Nạn nhân đang cấp cứu tại Bệnh viện Nông nghiệp, Thanh Trì - Hà Nội.

Lý giải về việc xuất hiện nhiều sấm sét, Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho hay, nguyên nhân khi trời mưa dông thường hay xảy ra hiện tượng sấm chớp và sét. Sấm sét thường xuất hiện nhiều trong giai đoạn đầu mùa mưa, sau một thời gian nắng nóng, khô hạn. Việt Nam nằm ở tâm dông châu Á - một trong ba tâm dông trên thế giới, có hoạt động dông sét mạnh. Mùa dông ở Việt Nam tương đối dài, số ngày dông trung bình 100 ngày mỗi năm và số giờ dông trung bình là 250 giờ một năm. Mỗi năm, Việt Nam hứng chịu tới hai triệu cú sét. Tần suất sét lớn hơn ở vùng núi, vùng trung du phía Bắc và đồng bằng Nam Bộ.

Theo thông tin từ Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay mạng lưới định vị sét của Việt Nam có 18 trạm định vị sét. Mạng lưới định vị sét này được kết nối với hệ thống định vị sét quốc tế.

Mạng lưới định vị sét của Việt Nam hiện nay được thiết kế để phát hiện, định vị, phân tích, hiển thị, lưu trữ và phân phối số liệu theo thời gian thực, các sự kiện sét trong mây, xuống mặt đất (CG) và trong mây (IC). Với mạng lưới các đầu đo hiện tại thì khoảng cách mà các đầu đo có thể phát hiện được sét trong dải từ 400 - 600 km.

Khu vực có thể phát hiện dông sét. Ảnh: Báo Giao thông.

Hiện tại, Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia đang vận hành hệ thống mạng lưới phát hiện, định vị, sét hiển thị website hymetnet.gov.vn. Trang web này có thể thực hiện việc theo dõi liên tục các thông tin về sét và rada thời tiết. Người dân có thể theo dõi các cảnh báo nguy cơ sét trên trang web và các vùng cảnh báo phản hồi vô tuyến mây của rada thời tiết, để có thể phòng, tránh các rủi ro do dông sét gây ra.

Về cách phòng tránh hiện tượng sét, chuyên gia khí tượng khuyến cáo không nên sử dụng điện thoại ngoài đồng, vì điện thoại là loại thu sóng có thể thu hút sét hay sử dụng kim loại cuốc, xẻng. Người dân không nên trú dông dưới những tán cây to mà nên trú gần những cột thu lôi. Trường hợp khẩn cấp nên nằm hoặc ngồi sát mặt đất khả năng bị ảnh hưởng bởi sét ít hơn so với đứng.

Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông

Để chuẩn bị tốt cho công tác tổ chức thi, Hà Nội đã thành lập 201 điểm thi với hơn 4.500 phòng thi chính thức, hơn 400 phòng thi dự phòng đặt tại các THCS, THPT trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã. Đây đều là những nơi có cơ sở vật chất khang trang, rộng rãi, bảo đảm các điều kiện về an ninh, an toàn. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã huy động gần 15.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia phục vụ kỳ thi. Cùng với đó, Sở cũng huy động hơn 600 cán bộ làm công tác thanh tra để thực hiện thanh tra tất cả các khâu của kỳ thi.

Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT giải đáp thắc mắc của một số điểm thi về công tác tổ chức tại các điểm thi.
Ảnh: Kinh tế & Đô thị.

Tại Hội nghị hướng dẫn coi thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2024 - 2025 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức ngày hôm qua (4/6). Tất cả cán bộ coi thi tại 201 điểm thi trên địa bàn thành phố đã được phổ biến và nắm vững  quy chế thi và hướng dẫn nghiệp vụ, bảo đảm tổ chức coi thi chặt chẽ, chủ động phương án ứng phó với mọi tình huống phát sinh để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh. Đồng thời, cán bộ coi thi được phổ biến kỹ cách nhận diện các thiết bị có thể sử dụng để gian lận trong kỳ thi và cách phòng tránh, ngăn chặn.

Công an thành phố Hà Nội hướng dẫn cán bộ coi thi nhận diện những thiết bị có thể sử dụng để gian lận trong phòng thi. Ảnh: Hanoimoi.

Thượng tá Ngô Xuân Hải, Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an thành phố Hà Nội) nhận định, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là rất quan trọng, được dư luận quan tâm bởi mức độ cạnh tranh cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố gian lận thi cử. Do đó, cán bộ coi thi cần nâng cao ý thức cảnh giác để phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc, nếu có.

Để tránh việc thí sinh vi phạm quy chế thi do sử dụng điện thoại di động, các điểm thi cần quán triệt, nhắc nhở thí sinh thực hiện nghiêm quy định. Khi phát hiện thí sinh sử dụng thiết bị gian lận, trưởng điểm thi cần lập biên bản và thông tin ngay cho lực lượng công an để kịp thời truy xét, khoanh vùng, khẩn trương ngăn chặn việc phát tán ra bên ngoài.

Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Đoàn Thị Kiều Oanh cho biết, đến hết ngày 3/6, toàn bộ 19 đoàn kiểm tra của Sở đã hoàn thành kiểm tra tại 100% các điểm thi. Về cơ bản, các điểm thi đều chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức kỳ thi, sẵn sàng về nhân lực theo quy định với quyết tâm tổ chức kỳ thi an toàn, minh bạch, thực chất.

Mỗi cá nhân, đơn vị phải có nhận thức nghiêm túc, đúng đắn về kỳ thi; phải chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Ảnh: Kinh tế & Đô thị.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cũng yêu cầu, cán bộ, giáo viên, nhân viên cần ghi nhớ, thực hiện “3 chủ động, 4 đúng, 3 không” khi làm nhiệm vụ. Trong đó, 3 chủ động là: Chủ động làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền; Chủ động đề xuất các điều kiện phục vụ thi, nhất là các biện pháp bảo đảm an toàn; Chủ động thông tin báo cáo và xử lý thông tin.

4 đúng là: Đúng quy chế, hướng dẫn; Đúng, đủ quy trình; Đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ; Đúng thời điểm, kịp thời xử lý tình huống bất thường.

3 không là: Không chủ quan, lơ là; Không tự ý xử lý tình huống bất thường; Không gây căng thẳng quá mức.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được cả xã hội quan tâm. Dù diễn ra hàng năm nhưng theo yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà - Trưởng Ban Chỉ đạo thi tuyển sinh thành phố năm 2024, các đơn vị, địa phương tuyệt đối không chủ quan trong mọi khâu; chuẩn bị chu đáo các nội dung và rà soát thật kỹ lưỡng về mọi mặt, dự báo được các tình huống phát sinh, tránh bị động bất ngờ. Các đơn vị có trách nhiệm chủ động xây dựng phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối các khâu và tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.

Hà Nội giải quyết thủ tục hành chính sang VNeID trước ngày 1/7

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải đã ký ban hành văn bản số 1695 về việc chuyển đổi, sử dụng tài khoản VNeID trong thực hiện thủ tục hành chính và rà soát, làm sạch dữ liệu trên Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại bộ phận "Một cửa" các cơ quan, đơn vị tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và thông báo, hướng dẫn trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính về việc chuyển đổi tài khoản Cổng dịch vụ công quốc gia sang VNeID từ ngày 15/6/2024.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” UBND quận Cầu Giấy.
Ảnh: Hiền Chi/ Vietnamnet.

UBND thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, chủ động xây dựng lộ trình, phương án hoặc kế hoạch thực hiện việc chuyển đổi, làm sạch tài khoản công dân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố và các hệ thống có liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính sang VNeID trước ngày 01/7/2024 theo quy định tại Nghị định số 59 của Chính phủ.

Thời gian qua, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã triển khai thực hiện có hiệu quả việc đổi mới cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính, trong đó tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, gắn việc số hóa với thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa giữa các đơn vị thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin của đơn vị đáp ứng phù hợp yêu cầu chuyển đổi số quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.

Ảnh minh họa: Vietnam+.

Trước đây khi cấp phiếu lý lịch tư pháp, nếu làm theo phương thức truyền thống, thành phố Hà Nội tiếp đón khoảng 900 - 1.000 người mỗi ngày, tạo áp lực lớn cho cán bộ làm công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp. Để khắc phục tình trạng trên, thành phố Hà Nội bắt đầu triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID từ ngày 22/4/2024, theo đó công dân có thể yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID mọi lúc, mọi nơi thông qua điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet, thanh toán trực tuyến không cần đến trực tiếp cơ quan có thẩm quyền.

Trong lĩnh vực bảo hiểm, kể từ tháng 10/2023 đến nay, đã có hơn 8 triệu lượt sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam, giúp người dân có thêm lựa chọn khi có nhu cầu khai thác thông tin, sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Chính vì vậy, nếu chúng ta làm tốt công tác thông tin tuyên truyền sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ trên các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng mạng xã hội, để người dân hiểu rõ tiện ích cũng như cách thức sử dụng tài khoản VNeID.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hà Nội phấn đấu có 10.000 doanh nghiệp công nghệ số; Giả danh công an lừa người dân bán vàng để chuyển tiền... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội sẽ có nhà ở xã hội tại tất cả các khu công nghiệp; Vướng mắc khiến tuyến đường 1.500 tỷ đồng tại Hà Nội vẫn mãi dang dở... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Làm rõ trách nhiệm vụ cháy tại Định Công Hạ; Trận mưa lớn kèm theo gió to ở Hà Nội khiến nhiều cây xanh bị gãy đổ, đè lên hàng loạt ô tô... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội sẽ đưa hồ điều hoà công viên 744 tỷ vào hoạt động; Chính thức cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội nói không với thịt chó, mèo; Cảnh giác với bẫy lừa đảo mạo danh 'học kỳ công an,' 'trại hè quân đội'... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Phố đi bộ hồ Ngọc Khánh sẽ hoạt động trước Ngày Giải phóng Thủ đô; Vụ salon tóc bị tố "ăn bớt" 700 bộ tóc dành cho bệnh nhân ung thư là tin đồn thất thiệt... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.