Hạnh phúc đâu cần phải phức tạp

Cuộc sống này có quá nhiều thị phi, quá nhiều thứ hỗn độn, phức tạp, cho nên chúng ta đừng cố gắng phức tạp hóa vấn đề, truy tìm sự đơn giản mới là hạnh phúc thật sự.

Lâu lắm mới có một ngày chủ nhật được nghỉ trọn vẹn, chị bạn tôi mới có thời gian nhìn lại căn nhà mình đang sống. Nhà chị giống như một nhà kho. Bàn ghế trong phòng đáng nhẽ phải là chỗ để tiếp khách, uống trà, nhưng từ lâu đã thành nơi chất đồ. Nhìn quanh phòng chỉ toàn thấy sách vở, quần áo, túi xách, đủ thứ tràn từ bàn xuống ghế. Mỗi ngày từ cơ quan trở về, chị hầu như kiệt quệ sức lực, nên trên tay cầm gì là chị bạ đâu bỏ đấy, tiện đâu đặt đấy cũng chả buồn thu dọn. Chị có sở thích mua đồ. Cứ nhìn thấy thứ gì vừa mắt, hay hay là mua không cần biết nó có cần thiết hay không. Nên từ phòng khách qua phòng bếp, đến phòng ngủ, đồ đạc chị mang về xếp chật kín.

Chồng chị thì khác, anh theo chủ nghĩa tối giản. Anh chỉ có đúng một đôi giày đi làm, thêm một đôi giày thể thao để đi chơi và tập thể dục. Quần áo của anh cũng chỉ có dăm bộ đếm trên đầu ngón tay. Mỗi lần mở chiếc tủ bốn ngăn cao từ trần nhà xuống chỉ thấy ngồn ngộn toàn là váy áo của chị. Quần áo nhiều cũng còn vì lý do mỗi lần cứ có chuyện buồn, chị lại đi mua sắm. Có nhiều bộ váy áo vẫn còn nguyên nhãn mác, chị chưa mặc lần nào dù đã được mua từ vài năm trước. Chồng chị nhiều lần muốn cho hết đám đồ cũ đi, nhưng chị không cho, bảo sau này còn có thể dùng đến. Cũng vì thế mà hai vợ chồng nhiều lần tranh cãi, giận nhau.

Thời gian gần đây, chị thấy trong người thiếu sức sống, nhớ nhớ quên quên, về nhà chỉ thấy mệt mỏi, bức bối, chật chội. Đến khi nhìn lại, chị mới phát hiện ra xung quanh mình có quá nhiều đồ không cần thiết. Đã vậy, bản thân chị lại không phân rõ cái nào nên nhớ cái nào nên quên, không hiểu rõ mình cần điều gì, nên mới khiến bản thân luôn sống mơ hồ như vậy.

Nhìn đống đồ đạc và quần áo trong nhà, chị giật mình, hóa ra, chỉ có 20% trong số đó là được chị dùng hàng ngày, còn lại 80% chị không hề dùng tới. Nghĩ lại những mỏi mệt, bức bối suốt thời gian qua, chị nghĩ có lẽ mình cần phải làm gì đó để thay đổi. Và thế là chị quyết định bắt đầu từ việc dọn nhà. Chọn ngày chủ nhật cuối tuần được nghỉ, hai vợ chồng chị hì hụi dọn đồ. Nhìn đống đồ không dùng đến được tập kết ra ngoài mà anh chị hết hồn. Trong số đó, có những món mấy năm rồi chẳng đụng tới, nhưng vì vẫn còn dùng được nên chị tiếc giữ lại.

Dọn dẹp xong xuôi, chị thở phào nhẹ nhõm và nghĩ mình đâu cần nhiều thứ như mình tưởng. Căn phòng khi được lọc đi hơn phân nửa số đồ dùng, trở nên thoáng đãng hẳn. Chị cắm một bình hoa ly, pha một ly cà phê, rồi lặng lẽ ngồi ngắm lại không gian vừa được làm mới. Ánh nắng tràn vào khung cửa trong hương thơm phảng phất của ly cà phê như xua tan đi cái giá lạnh của mùa đông. Chị cảm nhận thấy dường như có một sức sống mới đang dần trở lại.

Tôi từng đọc ở đâu đó có người nói rằng, phép loại trừ đôi khi lại mang đến cho ta một sức mạnh. Nó không khiến con người trở nên thiếu thốn mà ngược lại, khiến cho thân tâm mỗi người trở nên đủ đầy, sáng tỏ hơn. Nếu như mỗi ngày, chúng ta đều tự thanh lọc chính mình, làm phép loại trừ những điều không cần thiết ra khỏi tâm trí, bao gồm những ý nghĩ tiêu cực, những lo lắng, bất an cho điều chưa tới, những ký ức không vui đã qua… Khi đó chỉ còn giữ lại mảng xanh của những hạt giống thiện lành, yêu thương, điều đó sẽ tốt hơn biết bao nhiêu.

Thỉnh thoảng, có lẽ tôi cũng cần dọn dẹp căn phòng cũng như tâm trí của mình, dám làm phép loại trừ, bỏ hết những đồ đạc không cần thiết, gạt đi những chuyện, những người không quan trọng, dành không gian cho ánh nắng tràn vào, để có thể đón nhận được nguồn năng lượng tươi mới thấm đẫm trong không gian sống và cả tâm hồn mình./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hoa lưu ly (forget me not) - một loài hoa tím nhỏ thủy chung, suốt đời ôm thương nhớ về mối tình vô vọng. Loài hoa tím ấy như tượng trưng cho một cuộc tình tàn phai rồi hồi sinh, hồi sinh rồi lại phai tàn từ kiếp này qua kiếp khác mặc cho trong đời ai nhớ ai quên.

Dường như hầu hết ở các làng quê Việt bây giờ, cùng với những thiết chế văn hóa được xây dựng khang trang, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân, thì cổng làng gắn với tên làng đã tạo nên nét riêng dáng dấp của một làng lưu dấu trong tâm khảm mỗi người. Những tên gọi của làng thường hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa nhân văn sâu xa, mang cả ước vọng khát khao của cha ông một thuở lập làng với sự bình an, ấm no đầy đủ. Vì thế, danh xưng những tên làng cứ lưu mãi qua từng thế hệ…

Hà Nội đón tôi đương vào khoảnh khắc giao mùa. Gánh hoa loa kèn trắng tinh khôi tỏa mùi hương dịu nhẹ giao hòa trong làn gió nhè nhẹ khiến tâm hồn đa cảm thêm khắc khoải giao cảm với đời, để mênh mang thương nhớ hương vị cà phê Giảng - thức uống trở thành một phần thân thương, một phần văn hóa của Hà Nội phố.

Mẹ tôi không nghiện trầu cau nhưng mẹ vẫn trồng một giàn trầu xanh mơn mởn. Mẹ bảo nhà có giàn trầu mới ấm áp. Nhưng tôi hiểu mẹ đã gửi gắm vào đó biết bao nhiêu ân tình và cả nỗi nhớ về ngoại khôn nguôi.

Sống nhẩn nha giữa đời vội vã có thể chưa từng dễ dàng với chúng ta. Nhưng khi bước đi dưới những tán lá xanh xào xạc theo con gió, dưới bầu trời một màu ngăn ngắt xa xôi, tôi cảm giác hồn mình như cánh bồ công anh mảnh khảnh tự do bay mãi, chẳng nghĩ ngợi gì. Có những ngày như thế, những khoảnh khắc như thế. Chỉ cần im lặng hít thở thôi cũng đủ hạnh phúc.

Hà Nội với tôi là những thương nhớ đầu tiên từ hồi tôi đi thi đại học. Hà Nội đã lấy đi của tôi bao nhiêu nước mắt và còn là giấc mơ mà tôi chẳng thể chạm vào. Hà Nội là nhưng kỷ niệm của tôi khi biết người thương nhập viện, là khoảnh khắc thót tim khi đưa con ra cấp cứu viện nhi, là khoảnh khắc cháy lòng khi cha bệnh trọng. Và là khoảnh khắc đi chơi về muộn, thấy những người dân lầm lũi ngủ ngon lành nơi gầm cầu, trong lòng cống...