Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” - báu vật vô song của triều Nguyễn, di sản quý hiếm bậc nhất của quốc gia, sau bao năm trời lưu lạc nơi viễn xứ đã trở về cố quốc.
Chiếc kim bảo lớn với tạo hình đẹp xuất sắc, đường nét tinh xảo, thể hiện nét đặc trưng của Rồng triều Nguyễn, là biểu trưng cho chế độ quân chủ, hiện đang được người dân Việt Nam bảo quản, giữ gìn như một chứng tích vàng son của quá khứ, một chứng nhân của lịch sử. Hành trình hồi hương của báu vật từng là biểu tượng quyền lực tối cao của một vương triều cũng đầy kịch tính, sóng gió như số phận thăng trầm của nó.
Ngày 19/10/2022, Hãng đấu giá Millon nổi tiếng của Pháp đăng tải thông tin vào lúc 11h ngày 31/10/2022 sẽ đưa ra đấu giá hai cổ vật cực kỳ quý hiếm của nhà Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Trong đó có ấn Hoàng đế chi bảo - tức ấn báu của hoàng đế. Chiếc ấn này từng được các vua nhà Nguyễn truyền từ đời này sang đời khác và cuối cùng là vua Bảo Đại.
Video: Ấn vàng Hoàng đế chi bảo
Sách “Đại Nam thực lục chính biên của Quốc sử quán triều Nguyễn” ghi lại: “Ngày Giáp Thìn năm Minh Mạng thứ 4 (tức 15/3/1823), đúc ấn Hoàng đế chi bảo, núm làm rồng cuốn hai tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân ( tức dài 12,8cm và dày 2cm ), bằng vàng 10 tuổi.
Mặt dưới của ấn khắc 4 chữ triện “Hoàng đế chi bảo” (Ấn báu của hoàng đế). Mặt trên của ấn, phía 2 bên quai khắc nổi 2 dòng chữ: “Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo” (đúc vào giờ tốt ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4). “Thập thành hoàng kim, trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân” (làm bằng vàng mười, trọng lượng 280 lạng, 9 chỉ, 2 phân).
Chiếc ấn mang một vẻ đẹp hoàn hảo không chỉ từ ánh vàng tinh khiết mà còn ở nghệ thuật tạo hình và các chi tiết tinh xảo. Ấn có hình dáng một con rồng nằm cuộn, thân uốn cong, mềm mại theo một vòng tròn vừa vặn trên một chiếc đế vuông. Đầu rồng ngẩng cao, vươn về phía trước, mắt nhìn thẳng, mũi sư tử, sừng hươu, râu dài tới cổ, đuôi dựng đứng có hình xoáy, vây lưng hình tam giác dựng đứng, có 4 chân mỗi chân có 5 móng bám chặt xuống đế tạo nên một thế trụ vững chãi, uy nghi.
Triều Nguyễn có hàng trăm chiếc ấn, nhưng ấn đẹp nhất, quan trọng, quý giá nhất là ấn Hoàng đế chi bảo - chiếc ấn là biểu tượng cho hoàng đế. Ấn được dùng vào các dịp như: Khánh tiết gia ân, đại xá thiên hạ, cáo dụ thân huân…Khi tuần xem địa phương, ban sắc thư cho ngoại quốc.
Vì thế, khi tuyên bố thoái vị vào ngày 30/8/1945, trong số hơn 200 ấn triện các loại đang còn lưu giữ tại điện Cần Chánh và Ngự tiền văn phòng (bên trong Hoàng Thành Huế), vua Bảo Đại đã chọn kim ấn “Hoàng đế chi bảo” cùng thanh bảo kiếm để bàn giao cho chính quyền Cách mạng.
Hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, ta chưa thể bảo quản, cất giữ ấn quý được an toàn nên ấn đã bị rơi vào tay thực dân Pháp.
Ngày 3/3/1952, tại Đà Lạt, Pháp đã trao lại ấn cho Quốc trưởng Bảo Đại.
Một năm sau, cựu hoàng đã ủy quyền cho bà Mộng Điệp mang ấn sang Pháp, trao cho Hoàng hậu Nam Phương và Hoàng Thái tử Bảo Long.
Một thời gian sau, tại Pháp, cũng vì chiếc ấn và một số bảo vật khác mà hai cha con Bảo Đại - Bảo Long đã xảy ra mâu thuẫn dẫn đến kiện tụng tranh giành quyền sở hữu.
Sau nhiều phiên xét xử, tòa án đã phán quyết Bảo Đại được giữ chiếc ấn.
Năm 1982, khi kết hôn với bà Monique Baudot, Bảo Đại đã lập di chúc trao toàn quyền thừa kế tài sản, trong đó có cả báu ấn cho người vợ cuối cùng này.
Năm 2021, bà Baudot qua đời và ấn vàng biến mất không để lại dấu vết từ đó.
Sự xuất hiện trở lại đầy đột ngột của chiếc ấn đã không chỉ khiến giới sưu tầm cổ vật thế giới ngỡ ngàng mà đồng thời cũng khiến các cơ quan hữu trách của Việt Nam bất ngờ.
Xác định việc đưa ấn trở về Tổ quốc là nhiệm vụ đặc biệt, cực kỳ quan trọng, cần phải thực hiện ngay và bằng mọi cách, mọi giá. Với tinh thần đó, cho dù quỹ thời gian tối đa chỉ có 10 ngày, một chiến dịch đưa ấn quý trở về Tổ quốc đã được kích hoạt. Một kế hoạch tổng thể, quy mô lớn tức tốc được vạch ra, huy động sự vào cuộc cùng lúc của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Hàng loạt chỉ đạo quyết liệt, nhanh chóng, kịp thời từ cấp cao nhất là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp… đã được đưa ra. Tất cả hướng đến mục tiêu ngăn cuộc đấu giá diễn ra và đưa ấn hồi hương.
Ngày 20/10/2022, tức chỉ một ngày hãng Millon công bố thông tin về cuộc đấu giá, Cục Di sản văn hóa đã có Công văn báo cáo Bộ trưởng và đề xuất cho phép Cục Di sản văn hóa phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế và Bảo tàng Lịch sử quốc gia thông báo tới Đại sứ quán Việt Nam và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp có phương án hồi hương bảo vật.
Ngày 21/10/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn gửi Bộ Ngoại giao đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp phối hợp làm việc trực tiếp với hãng Millon để xác định chính xác đó có đúng là ấn vàng Hoàng đế chi bảo của triều Nguyễn hay không? Đàm phán dừng đấu giá và tìm kiếm người bán để thỏa thuận mua lại trực tiếp không qua đấu giá.
Trước đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, khi có được thông tin về việc ấn chuẩn bị đem ra bán đấu giá, đã chủ động tìm hiểu, nắm tình hình và cử cán bộ theo dõi sát diễn tiến của vụ việc.
Tuy nhiên, do nguồn gốc cũng như giá trị về lịch sử và kinh tế của chiếc ấn quá lớn, người bán đã giữ bí mật về danh tính của mình cũng như thông tin về nguồn gốc của cổ vật (theo quy định về việc bán đấu giá tại Pháp) nên các thông tin gần như không có hoặc rất mơ hồ.
Tình huống gấp rút, thông tin lại rất mông lung, các cán bộ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp vẫn không nản lòng, quyết tìm ra tung tích người bán để tiếp cận. Các cán bộ Đại sứ quán tỏa ra tìm kiếm, gặp gỡ, dò tìm thông tin qua nhiều kênh khác nhau. Chiến dịch diễn ra thần tốc, nhưng ngày qua ngày vẫn chưa có một manh mối nào về chủ nhân hiện tại của kim ấn… sự việc tưởng chừng bế tắc.
Và rồi trời đã không phụ lòng người, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã tiếp cận được một nhân vật vô cùng quan trọng là ông Pascal Lê Phát Tân - một kiều bào cốt cán luôn nhiệt thành ủng hộ Việt Nam, ông đồng thời cũng là cháu họ của cựu Nam Phương hoàng hậu.
Theo thông tin từ ông Tân, chiếc ấn hiện không do con cháu trực hệ của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương nắm giữ. Tuy nhiên, ông Tân đã giúp Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp kết nối với con cháu của Bảo Đại và Nam Phương.
Và từ các đầu mối này, cuối cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã xác định được chiếc ấn đang nằm trong tay em gái của người vợ Pháp của vua Bảo Đại Monique Baudot. Chiếc ấn được con gái của người này rao bán.
Ngày 24/10/2022, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã gửi thư tới Cố vấn quan hệ Á - Úc của Tổng thống Macron, Cố vấn đối ngoại của Thủ tướng, Vụ trưởng Vụ Á - Úc Bộ Ngoại giao Pháp để vận động ngoại giao từ đó tranh thủ sự hỗ trợ từ phía bạn.
Ngày 28/10/2022, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam có thư gửi Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc đề nghị giúp tìm hướng giải quyết phù hợp nhất.
Ấn vàng Hoàng đế chi bảo là Di sản quốc gia có giá trị biểu trưng, lịch sử đặc biệt, không phải cổ vật thông thường, nên không thể mang ra bán đấu giá. Đây cũng là cổ vật của Hoàng gia Việt Nam, được triều Nguyễn lưu truyền qua các đời vua khác nhau và chỉ là sở hữu của các nhà vua khi vua còn đang tại vị. Do vậy, sau khi trao ấn vàng cho đại diện của chính quyền Cách mạng Việt Nam vào năm 1945, kim ấn không còn là tài sản riêng của gia đình vua Bảo Đại. Và người sở hữu ấn vàng hiện nay cũng không phải con cháu trực hệ của vua Bảo Đại. Nguồn gốc và việc sở hữu ấn vàng của người sở hữu hiện nay cũng còn gây tranh cãi. Và người mua sẽ gặp những phản ứng, và cả khả năng khiếu kiện của Nhà nước Việt Nam và con cháu trực hệ của vua Bảo Đại.
Với những lập luận trên cùng các tác động ngoại giao cùng lúc và dồn dập gửi tới hãng Millon, chúng ta đã có những kết quả bước đầu. Trước cuộc đấu giá 01 ngày, hãng Millon đã công bố tạm thời rút ấn vàng ra khỏi buổi đấu giá dự kiến do có ý kiến của Nhà nước Việt Nam.
Và tiếp theo đó, các cuộc thương thuyết liên tục do Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp làm nòng cốt đã đạt được thỏa thuận với hãng Millon là hoãn đấu giá ấn vàng thêm 10 ngày, tức đến 12h trưa ngày 10/11/2022.
Bà Phạm Thị Kim Yến, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp chia sẻ:
“Để có thể đàm phán được với hãng Millon về việc tạm hoãn buổi đấu giá, chúng tôi đã chạy đua không ngừng nghỉ với thời gian khi chỉ có chưa tới 10 ngày trước buổi đấu giá. Từ việc thăm dò, tìm kiếm thông tin về người nắm giữ và rao bán cổ vật, chuẩn bị hồ sơ pháp lý, thủ tục đàm phán cho đến thương lượng với hãng đấu giá. Bên cạnh đó, không chỉ có chúng tôi, nhiều nhà sưu tầm cổ vật tới từ các quốc gia và vùng lãnh thổ lớn như Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan… cũng đang có thể sẵn sàng chi trả số tiền khổng lồ để có được ấn vàng. Chỉ vỏn vẹn trong vòng vài ngày, việc hãng đồng ý tạm hoãn đấu giá được xem là một bước khởi đầu vô cùng quan trọng trong hành trình đưa báu ấn hồi hương của Việt Nam”.
Vậy là còn 10 ngày nữa để tiếp tục công cuộc cho việc hồi hương của báu ấn
Ngay khi có được kết quả quý giá này, “chiến dịch” hồi hương ấn vàng ngay lập tức chuyển sang giai đoạn mới.
Thách thức đặt ra lúc này là làm cách nào để mang được ấn vàng về nước. Ba phương án được đưa ra là:
- Mua thông qua đấu giá
- Kiện đòi trao trả tài sản quốc gia
- Thương lượng để cùng thỏa thuận chuyển nhượng bằng ngoại giao văn hóa.
Năm 1980, Tòa án Pháp đã ra phán quyết sau năm 1980 công nhận là chiếc ấn thuộc tài sản của vua Bảo Đại. Sau khi vua Bảo Đại qua đời, đã trao quyền thừa kế cho vợ hợp pháp của ông tại Pháp là Monique Baudot. Khi bà qua đời, nếu bà trao quyền thừa kế cho con cháu bà, thì con cháu bà có quyền bán.
Bên cạnh đó, cũng không có điều khoản hay luật lệ nào của UNESCO nói về việc các nước thực dân phải trả lại tài sản họ chiếm đoạt trong quá trình thực dân trước đây. Chỉ có một số nước phương Tây gồm Hà Lan, Anh, Đức và Pháp mới bắt đầu ra những nghị định về việc trả lại cổ vật do cướp bóc mà có cho các nước bị cướp bóc, chứ ko phải trả lại cho cá nhân hay dòng họ nào, nhưng việc trả lại rất gian truân vì có nhiều trở ngại khác nhau và mỗi cổ vật là một câu chuyện với nhiều yếu tố rất phức tạp.
TS. Trần Đức Anh Sơn, nguyên Giám đốc bảo tàng cổ vật cung đình Huế từng nhận định rằng, ấn vàng Hoàng đế chi bảo bị mất, người Pháp có được, đã trả lại cho nhà nước Việt Nam mà người Pháp công nhận lúc đó, với người đại diện là Quốc trưởng Bảo Đại, nên việc “đòi” lại ấn vàng là điều rất khó khăn.
Trên thực tế, nếu để đấu giá công khai, nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định rằng không thể ước lượng được mức giá cuối cùng và điều này có thể vượt quá khả năng chi trả cho cổ vật của Việt Nam khi mức giá liên tục được đẩy lên cao.
Hãng đấu giá Millon cũng từng ước tính rằng, nếu mang ra đấu giá công khai, giá trị của chiếc ấn có thể lên tới 20 lần so với mức giá khởi điểm là 3 triệu Euro. Và hiện đang có trên 25 nhà đấu giá ngoại quốc đang rất quan tâm và mong muốn được sở hữu báu ấn.
Cách duy nhất phù hợp là đàm phán, thương lượng mua lại ấn vàng theo cách đền bù quyền sở hữu.
Thời gian 10 ngày, Việt Nam cần giải quyết các vấn đề thương lượng, chuyển nhượng gồm: chi phí giao dịch của hãng Millon; chi phí chi trả quyền lợi thừa kế ấn vàng theo quy định của pháp luật của Pháp theo nguyên tắc thỏa thuận giữa hai bên.
Hướng giải quyết đã có, bước tiếp theo được xác định sẽ là một cuộc “tổng tấn công” có tính chất quyết định sự thành bại của “chiến dịch” hồi hương ấn vàng.
Để chủ động về mặt pháp lý, phía Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã mời được những luật sư nổi tiếng nhất của Pháp chuyên về giao dịch, đấu giá cổ vật để bảo vệ quyền lợi cho Việt Nam. Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã thành lập một nhóm công tác để sẵn sàng hỗ trợ nếu cuộc chiến pháp lý nổ ra. Trong khi đó, việc làm công tác tư tưởng cho con cháu của vua Bảo Đại để cùng đi đến đồng thuận hỗ trợ cho ấn vàng hồi hương vẫn được tiến hành khẩn trương. Việc thương thuyết với hãng đấu giá cũng được tiến hành quyết liệt cả về chính trị-ngoại giao và pháp lý-lịch sử.
Một đoàn công tác liên ngành do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì đã được thành lập.
Và từ ngày 08/11/2022 đến ngày 11/11/2022, Đoàn đã khẩn trương sang Pháp phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam làm việc với hãng Millon, Pháp đàm phán, thương thảo việc hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” về Việt Nam.
TS Nguyễn Quốc Quân và TS Nguyễn Văn Đoàn, hai uỷ viên Hội đồng di sản văn hoá quốc gia, những người rất quan trọng trong việc góp phần khẳng định hồ sơ pháp lý, khoa học khớp với hiện vật gốc là ấn vàng Hoàng đế chi bảo.
VIDEO: Đoàn liên ngành của Việt Nam kiểm tra ấn vàng tại Pháp:
Sau nhiều cuộc họp, hai bên đã thống nhất việc chuyển giao ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cho phía Việt Nam trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu giữa hai bên và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Cộng hoà Pháp.
Ngày 13/01/2023, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và luật sư đại diện phía Việt Nam, ông Nguyễn Thế Hồng, giám đốc Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, tổ chức được Việt Nam lựa chọn thay mặt cho Việt Nam nhận chuyển nhượng Ấn vàng, đã ký kết Hợp đồng Mua bán tác phẩm nghệ thuật (ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”) với hãng đấu giá Millon (đơn vị được ủy quyền ký kết thay mặt người nắm giữ Ấn vàng) với giá 6,1 triệu Euro và đã thực hiện các nội dung điều khoản thanh toán theo Hợp đồng.
Chiều 16/11/2023, tại Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp, buổi lễ chuyển giao ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cho Việt Nam đã diễn ra trong niềm vui vỡ òa.
Trong suốt hơn 01 năm từ ngày đầu tiên tiếp nhận thông tin về việc bán đấu giá ấn vàng cho đến khi quá trình thủ tục hồi hương ấn vàng hoàn tất, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã đóng vai trò là đầu mối thông tin giữa nhóm luật sư Pháp với các cơ quan, đơn vị trong nước cũng như giữa phía Việt Nam và hãng Millon về trình tự, thủ tục liên quan đến chuyển nhượng, chuyển giao ấn; đồng thời tư vấn, tham mưu cho các cơ quan trong nước và Bảo tàng Nam Hồng trong các bước triển khai cụ thể nhằm hồi hương ấn.
Chia sẻ với phóng viên Đài Hà Nội, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho biết:
“Thành công của việc hồi hương ấn vàng lần này phải kể đến sự tổng hợp của nhiều yếu tố: sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của các lãnh đạo và các cơ quan chức năng; sự phối hợp nhịp nhàng của các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan và tham gia vào quá trình thương lượng, đàm phán; sự hợp tác của các cơ quan chức năng sở tại, của các đối tác, bạn bè, cộng đồng tại Pháp để giúp đỡ, hỗ trợ Đại sứ quán. Đại sứ quán biết ơn và trân trọng những sự hỗ trợ quý báu đó. Tôi cho rằng việc nắm bắt thông tin và xử lý thông tin, báo cáo kịp thời và tham mưu đầy đủ là những trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan đại diện. Vì vậy, Đại sứ quán sẽ tiếp tục nghiêm túc thực hiện đúng trọng trách và sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được giao phó”.
Trao đổi với phóng viên Đài Hà Nội, PGS.TS Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Uỷ viên thường trực Hội đồng di sản văn hoá quốc gia cũng cho biết:
“Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in những mốc thời gian và cả những xúc cảm trong quá trình làm việc. Từ lúc thẩm định báu ấn, cho tới những ngày đêm thay phiên nhau không ngủ bởi lệch múi giờ, cần bám sát thông tin liên tục, nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, thuyết phục đàm phán… Tất cả đều là những khoảnh khắc thật đặc biệt. Việc chuyển giao thành công ấn vàng cũng là một trong những sự kiện thành công nhất trong năm nay của chúng tôi. Tôi rất tự hào về hành trình vừa qua với sự nỗ lực của tất cả mọi người"
Chiều 16/11/2023, tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng, Đại sứ ĐMTQ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân, PGS.TS Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Uỷ viên thường trực Hội đồng di sản văn hoá quốc gia cùng đại diện Bộ Công an Việt Nam và đại diện Bộ Ngoại giao Pháp, đại diện UNESCO đã chứng kiến buổi lễ chuyển giao ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cho Việt Nam. Việc đưa báu vật hoàng cung trở về với giá trị lên tới hơn 6,1 triệu Euro cũng có sự góp sức của các chuyên gia bảo tàng là TS. Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia và TS. Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Đây là hai chuyên gia tham gia vào quá trình thẩm định hiện vật.
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” sau khi hồi hương từ Pháp về Việt Nam đã được lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (phường Đình Bảng, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) của doanh nhân Nguyễn Thế Hồng từ ngày 18/11/2023.
Chia sẻ với phóng viên Đài Hà Nội, ông Hồng cho biết ông vô cùng tự hào khi cùng góp sức để đưa được bảo vật quốc gia hồi hương, đây là một việc làm hết sức ý nghĩa với đất nước nói chung và đối với một người dành nhiều tình yêu với việc sưu tầm cổ vật như ông nói riêng.
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” mang một ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng. Báu ấn là biểu tượng của một triều đại và của Hoàng đế Minh Mạng, người có công mở rộng bờ cõi, khẳng định vị trí của nước Đại Nam trên bản đồ thế giới. Một vật chứng gắn liền với một sự kiện lịch sử quan trọng, khi đất nước chuyển sang một thời đại mới.
PGS.TS Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Uỷ viên thường trực Hội đồng di sản văn hoá quốc gia cho biết thêm: “Cục Di sản văn hóa nói riêng và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã, đang và tiếp tục nỗ lực trong việc cải thiện các quy định liên quan đến các cổ vật còn bị thất lạc ở nước ngoài của Việt Nam.
Để thúc đẩy quá trình này, dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi hiện nay cũng có điều chỉnh liên quan đến việc đưa hiện vật văn hóa hồi hương. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ đề xuất tạo lập quỹ liên quan đến việc hỗ trợ tài chính để hồi hương nhiều cổ vật khác vẫn còn thất lạc bên ngoài.
Ngoài ra, cũng sẽ hướng tới việc tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức kinh doanh có cơ hội cùng chung tay đóng góp với nhà nước vào những sự kiện hồi hương cổ vật khác trong tương lai”.
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” mang một ý nghĩa lịch sử vô cùng ý nghĩa và quan trọng. Báu ấn là biểu tượng của một triều đại và của Hoàng đế Minh Mạng, người có công mở rộng bờ cõi, khẳng định vị trí của nước Đại Nam trên bản đồ thế giới. Một vật chứng gắn liền với một sự kiện lịch sử quan trọng, khi đất nước chuyển sang một thời đại mới.
Tính đến xuân Giáp Thìn 2024, ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đã ra đời được tròn 200 mùa xuân, một con số thiêng. Và câu chuyện về chiếc báu ấn hình rồng triều Nguyễn đã kết thúc có hậu. Trải qua bao thăng trầm, chứng kiến bao thịnh suy, từ là biểu tượng quyền lực tối cao của một vương triều, đến lúc lưu lạc nơi viễn xứ, rồi trở thành vật bị tranh giành và đem ra bán đấu giá... ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đã được trở về cố quốc.
Sau một hành trình dài với những biến cố của nhiều giai đoạn lịch, sự trở về của ấn vàng là một minh chứng rõ nét về tinh thần tự tôn dân tộc, ý thức bảo vệ các di sản văn hóa của nhà nước và nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước.
© Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội