Hành trình phở: Từ gánh hàng rong đến di sản văn hoá
Bức tượng người gánh phở: Ký ức về cội nguồn
Khác với hai cổng chào giáp phố Điện Biên Phủ và phố Hàng Bông, bức tượng đồng người đàn ông gánh phở vừa được dựng tại quảng trường trục Trần Phú như một điểm nhấn tinh tế, nhẹ nhàng làm mới cảnh quan khu phố. Tác phẩm nghệ thuật này mang đến một làn gió tươi mới, khiến không gian nơi đây bừng lên vẻ sôi động, ngay cả trong những khoảnh khắc bình yên của ban ngày.
Bức tượng không chỉ thu hút được sự quan tâm của các du khách tham quan mà còn cả người dân Thủ đô. Hình ảnh gánh phở xưa như bừng tỉnh trong ký ức. Đôi quang gánh nhỏ, phía trước là chiếc rương đơn sơ chứa bánh phở, thịt bò, hành tươi và gia vị; phía sau là cái bếp dầu đang giữ ấm cho nước dùng - hình ảnh giản dị ấy dường như đang làm sống dậy nét truyền thống của Hà Nội một thời.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, chủ quán phở tại phố ẩm thực Tống Duy Tân, chia sẻ: “Đây là một hình tượng của phở gánh từ thời xưa, thời bao cấp. Từ khi tượng được dựng, có rất nhiều thực khách người nước ngoài và trong nước hiếu kỳ đứng tham quan, chụp ảnh”.
Bức tượng bằng đồng cao 1,6 m được đặt tại khu vực cổng chào phố ẩm thực Tống Duy Tân không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật ấn tượng mà còn là sự khẳng định giá trị văn hóa đặc biệt của phở Hà Nội. Tác phẩm này được thực hiện bởi họa sĩ Thế Sơn và nhà điêu khắc Nguyễn Văn Thịnh, những người đã dày công tái hiện lại hình ảnh phở gánh xưa với tỉ lệ 1:1, mang đến một biểu tượng sống động, chân thực.
Việc đặt bức tượng tại quảng trường đã nhanh chóng phát huy sức hút, khiến bất cứ ai ghé qua đều muốn check in cùng tác phẩm nghệ thuật độc đáo này. Không phô trương mà tinh tế, cầu kỳ trong từng chi tiết nhỏ, đã khiến cho bức tượng làm nên một dấu ấn khó có thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác.
Giữa nhịp sống vội vã, hiện đại của thành phố, bức tượng như một dấu lặng giữa dòng chảy không ngừng nghỉ của thời gian. Nó không chỉ là tác phẩm nghệ thuật mà là một lời nhắc nhớ nhẹ nhàng về những giá trị văn hóa xưa cũ của Hà Nội, về một thời phở gánh giản dị mà đầm ấm. Đó là hình ảnh của những người gánh phở rong, gắn bó với phố phường Hà Nội, là hương thơm ngào ngạt từ những nồi nước dùng nguyên hương vị truyền thống, là những khoảnh khắc yên bình...
Bức tượng không chỉ làm sống lại ký ức về một Hà Nội xưa, mà còn khơi dậy tình yêu và niềm tự hào với những giá trị văn hóa, khiến mỗi người dân Thủ đô cảm thấy gắn bó, gần gũi hơn với quê hương giữa nhịp sống hối hả của thời đại mới.
Dấu ấn phở trong văn chương
Văn xuôi viết về phở có thể còn nhiều nhưng thơ về phở mà lưu lại được trong lòng người, xem chừng chỉ có một. Nhà thơ Tú Mỡ viết “Phở đức tụng” năm 1934:
"Trong các món ăn 'quân tử vị',
Phở là quà đáng quý trên đời.
Một vài xu, nào đắt đỏ mấy mươi,
Mà đủ vị: ngọt, bùi, thơm, béo, bổ.
Này bánh cuốn, này thịt bò, này nước dùng sao nhánh mỡ,
Ngọn rau thơm, hành củ thái trên.
Nước mắm, hồ tiêu, cùng dấm, ớt điểm thêm,
Khói nghi ngút đưa lên thơm ngát mũi"
Nguyễn Tuân phát hiện ra các đơn vị từ thú vị khác của “chuyên ngành” phở như: quả thăn, mũ phở. Tên của các hàng phở thường chỉ có một tiếng và là những cái tên dân dã như: phở Phúc, phở Tư, phở Gù, phở Sứt… Bài tùy bút “Phở” được viết trong chuyến đi công tác tại Phần Lan, nhà văn được mời đủ các món ngon vật lạ nước bạn mà vẫn không nguôi nhớ món phở quê mình mà ông gọi là một “món quà cổ điển rất tính chất dân tộc của ta”. Và bát phở ngon nhất đối với Nguyễn Tuân luôn luôn là một “bát phở cổ truyền Hà Nội ăn ngay bên lò than quả bàng đỏ lửa giữa ngàn năm văn vật”.
Sau Nguyễn Tuân, cũng có một người xa đất Bắc nhớ về phở, đó là Vũ Bằng. Trong cuốn tùy bút “Miếng ngon Hà Nội” in năm 1960, phở là món ăn được nhớ tới đầu tiên qua bài viết “Phở bò - món quà căn bản”. Theo Vũ Bằng, một người Việt Nam bình thường có thể không ăn bánh bao, bánh bè, không ăn mì không ăn xôi nhưng chắc chắn là ai cũng từng ăn phở. Ông nhớ về từng hàng phở của Hà Nội xưa như: phở Sứt, phở Nhà Thương Phủ Doãn, phở Đông Mỹ ở phố Mới, phở Cống Vọng kéo xe, phở Mũ Đỏ đằng sau miếu chợ Hôm, phở Tàu Bay ở ngã ba phố Hàm Long… Mỗi hàng phở lại có một đặc điểm riêng, nhưng tóm lại có ba hình thức bán phở cơ bản là phở xe, phở gánh và phở hiệu.
Áng tùy bút đầu tiên viết về phở có lẽ thuộc về Thạch Lam trong tập sách “Hà Nội 36 phố phường”, do Nhà xuất bản Đời nay in lần đầu năm 1943. Trong bài “Quà Hà Nội - Hàng quà rong”, nhà văn dành một đoạn riêng để nói về phở. Đối với Thạch Lam, một bát phở ngon là khi “nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt với hành tây đủ cả”. Ông còn phát hiện ra một nơi có phở rất ngon mà ít người biết đến, đó là gánh phở trong nhà thương mà bà bán hàng cùng hai cô con gái đều là những người ngoan đạo: “Nước thì trong và lúc nào cũng nóng bỏng, khói lên nghi ngút. Rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm chút cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ”.
Nghệ nhân phở gia truyền: Người gìn giữ hồn cốt món phở
Trong menu ẩm thực đa dạng của Hà Nội, phở gánh từ lâu đã giữ cho mình một vị trí riêng biệt. Nhắc đến phở gánh, nhiều thế hệ yêu phở sẽ nhớ ngay đến phở gánh cô Thoa - Hàng Chiếu. Từ khi còn là một cô gái trẻ gắn bó với đôi quang gánh đơn sơ bên góc phố vào những năm 90 của thế kỷ trước, gánh phở của cô là điểm dừng chân quen thuộc của những người lao động dậy từ rất sớm. Điều làm nên sự đặc biệt của hương vị phở cô Thoa là tình yêu nghề cô gửi gắm vào từng bát phở.
Cô Nguyễn Kim Thoa, chủ quán Phở Gánh, cho biết: “Cô bán hàng từ lúc 3h30 sáng đến 9h30. Tất cả các bạn khách cứ xếp hàng chờ mặc dù rất đông để được ăn bát phở. Cô nghĩ rằng do bản thân nhất tâm với nghề, lúc nào cũng đặt vệ sinh lên hàng đầu nên mọi người mới đến ủng hộ đông như vậy”.
Từ đôi quang gánh ngày đầu đến quán phở hiện tại, hành trình của cô Thoa không chỉ là chặng đường của một người làm nghề mà còn là câu chuyện về sự bền bỉ, gắn liền với niềm đam mê và quyết tâm giữ gìn một nét văn hóa ẩm thực Hà Nội. Việc dọn từ gánh hàng nơi ngã tư phố lên một cửa hàng khang trang, chứa được nhiều khách hơn không chỉ giúp cô Thoa giữ gìn được sức khỏe khi tuổi đã không còn trẻ mà còn là nỗ lực của gia đình trong việc gìn giữ hương vị trứ danh.
Từ đôi “gánh phở” bên góc phố đến thương hiệu “Phở gánh Hàng Chiếu”, câu chuyện của cô Thoa là minh chứng sống động cho sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, nơi mà nét cổ kính của Hà Nội vẫn hiển hiện trong dòng nhịp sống hiện đại. Ở đó, không chỉ có hương vị của bát phở nóng hổi, mà còn nồng nàn hương vị của ký ức. Phở, từ món ăn trở thành “di sản sống” gắn liền với ký ức gia đình cô Thoa, với nhiều thế hệ khách hàng đã từng ghé chân qua đây.
Những ngày cuối năm, phố Hàng Quạt khoác lên mình một diện mạo sống động hơn. Âm thanh của cuộc sống hòa với những điều xưa cũ trên con phố, tạo nên một không gian đầy hoài niệm, một nét đẹp văn hóa truyền thống ko dễ bị phai mờ giữa cuộc sống hiện đại.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, cửa hàng kem 35 Tràng Tiền đã trở thành một phần ký ức không thể thiếu của bao thế hệ người Hà Nội. Dù là mùa đông lạnh giá hay mùa hạ oi ả, ai qua đây cũng không thể không dừng chân, thưởng thức một cây kem Tràng Tiền ngọt ngào.
Nhiều con phố, các điểm tham quan du lịch nổi tiếng của Hà Nội đã được trang hoàng lộng lẫy, tạo nên một không gian vừa quen thuộc, vừa mới mẻ, ngập tràn không khí mùa Noel.
Khi cái lạnh se sắt len lỏi vào từng góc phố thủ đô, những hàng chè nóng đã trở thành một lựa chọn đầy thú vị, một món quà ăn không thể thiếu trong nhịp sống của người dân.
Giáng sinh đang rất gần. Phố Hàng Mã, Nhà thờ Lớn hay những khu vực trung tâm đều trở thành những điểm được du khách đổ về tham quan, chụp ảnh và tận hưởng bầu không khí vui tươi, ấm áp của dịp lễ hội cuối năm.
Những bề bộn của cuộc sống có thể làm cái 'chất' Hà Nội bị pha loãng hơn. Tuy nhiên, trong sự thay đổi ấy, vẫn có những giá trị cốt lõi được giữ gìn và tiếp nối qua các thế hệ. 'Chất' người Hà Nội, dù có biến chuyển, vẫn là thứ không thể mất đi, chỉ cần thời gian và sự bồi đắp đúng cách để trở lại mạnh mẽ hơn trong một Hà Nội hiện đại và năng động.
0