Hành trình trở lại Nhà Trắng của ông Trump
Chiến lược mới thu hút cử tri
Theo giới quan sát, với lần tranh cử thứ 3, ông Trump giành chiến thắng vang dội nhờ xây dựng được những lợi thế vững chắc về mặt cử tri cũng như chính sách.
Ông Donald Trump đã bước vào cuộc đua Tổng thống Mỹ với một hành trang khác thường. Dù từng hai lần bị luận tội, 4 lần bị truy tố hình sự, từng bị kết án và có số lượng lớn người không thiện cảm nhưng cựu Tổng thống Mỹ vẫn vượt qua tất cả những trở ngại để tái đắc cử.
Nước Mỹ đã trao cho chúng tôi một nhiệm vụ chưa từng có và mạnh mẽ. Và chúng tôi đã giành lại quyền kiểm soát Thượng viện. Điều đó thật tuyệt.
Ông Donald Trump – Tổng thống đắc cử Mỹ.
Theo giới quan sát, khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 trước ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris, kết quả này không chỉ là chiến thắng của ông, mà còn là chiến thắng cho nền chính trị phi truyền thống của chủ nghĩa Trump.
Những người trong cuộc và gần gũi với chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump cho rằng chiến thắng lần này của ông là nhờ vào nhiều yếu tố, trong đó có một yếu tố không nhỏ là chiến dịch tranh cử lần ba của ông ngay từ đầu đã tỏ ra kỷ luật và thận trọng hơn nhiều so với hai chiến dịch trước, với ít vụ rò rỉ hơn, ít đấu đá nội bộ hơn, có chiến lược thận trọng hơn và được các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm mài giũa hơn.
Đặc biệt, ngay từ đầu, chiến dịch của cựu Tổng thống Mỹ đã nhắm đến việc tái thiết các liên minh chính trị đã hỗ trợ các cuộc bầu cử của Mỹ trong nhiều thế hệ. Ông Trump đã tiếp cận các khu vực bầu cử truyền thống trung thành với đảng Dân chủ. Ông đã tổ chức một cuộc mít tinh ở Bronx dành cho những cử tri da màu và gốc Mỹ Latinh. Ông cũng đến thăm những vùng đất có nhiều người da màu sinh sống, tin rằng việc mở rộng nỗ lực của mình ra ngoài bản đồ chiến trường truyền thống có thể giúp ông giành được phiếu bầu phổ thông.
Thống kê cho thấy trong cuộc bầu cử lần này, ông Donald Trump giành được sự ủng hộ của 1/3 cử tri da màu. Đây có thể là thành tích tốt nhất của bất kỳ ứng cử viên tổng thống nào thuộc đảng Cộng hòa kể từ thời khi ông George W. Bush nỗ lực tái tranh cử năm 2004. Đồng thời, ông Donald Trump cũng thu hút những cử tri nam giới rải rác ở khắp những nơi bị lãng quên của nước Mỹ, những người đã từ lâu từ bỏ chính trị bầu cử.
Phát biểu khi vận động tranh cử tại bang Pennsylvania hôm 29/10, ông cho biết: “Tôi rất tự hào khi chúng tôi nhận được sự ủng hộ từ người Mỹ gốc Latinh và gốc Tây Ban Nha nhiều hơn bao giờ hết. Chúng tôi đang phá vỡ mọi kỷ lục. Không ai yêu cộng đồng người Mỹ gốc Latinh hơn tôi. Không ai cả”.
Theo chiến lược gia kỳ cựu của đảng Cộng hòa Jason Cabel, thành công đó là nhờ ông Trump đã có một chiến lược thu hút cử tri thực sự hiệu quả.
Để thu hút cử tri, ông Trump cũng tích cực sử dụng mạng xã hội. Ông Trump đã lập một tài khoản TikTok, mặc dù đã từng đe dọa sẽ đóng cửa công ty truyền thông xã hội Trung Quốc này. Ông cũng dành thời gian để trả lời phỏng vấn với một hệ sinh thái truyền thông mới nổi gồm những người có sức ảnh hưởng là nam giới và người dẫn chương trình podcast nổi tiếng, những người mà chiến dịch của ông tin rằng đã tác động đến những người đàn ông thuộc mọi tầng lớp.
Ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hoà cũng cố gắng xây dựng khả năng tiếp cận của mình thông qua các khoảnh khắc lan truyền, với những hình ảnh chụp khi làm việc tại McDonald's và lái xe vệ sinh trên đường băng sân bay để đáp lại việc Tổng thống Biden dường như gọi những người ủng hộ ông là “rác rưởi”.
Kinh tế: vấn đề quyết định lá phiếu của cử tri
Theo các cuộc thăm dò dư luận mà đài NBC News đã thực hiện, có đến 45% số cử tri được hỏi cho biết tình hình tài chính của họ xấu hơn so với 4 năm trước. Đây là mức độ bất mãn về tài chính cao nhất so với mức độ ghi nhận trong các cuộc thăm dò ý kiến cử tri sau khi bỏ phiếu trong bất kỳ cuộc bầu cử nào ở Mỹ kể từ năm 2008. Trong bối cảnh ấy, chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump cũng đã sớm nhận thức rằng kinh tế sẽ là vấn đề quyết định lá phiếu của cử tri trong năm 2024.
Không thể phủ nhận những thành công của chính quyền Mỹ hiện tại, nhất là việc đưa nước Mỹ vượt qua đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, tạo ra nhiều công ăn việc làm, củng cố giá trị đồng USD. Nhưng việc để giá cả sinh hoạt leo thang, nhất là giá những mặt hàng thiết yếu, đã ảnh hưởng đến tất cả các tầng lớp dân cư, đặc biệt là đa số người lao động và dân nghèo trong xã hội.
Trong khi đó, dù rời chính quyền đã 4 năm, nhưng danh tiếng của ông Trump về khả năng điều hành nền kinh tế tốt hơn vẫn còn khá đậm trong đa số người Mỹ, khiến họ quyết định bỏ phiếu cho cựu Tổng thống với hy vọng ông sẽ chèo lái con tàu kinh tế giữa sóng to gió lớn hiện nay thành công hơn một ứng cử viên của đảng Dân chủ.
Tôi đã bỏ phiếu cho ông Trump. Để nền kinh tế phát triển hơn nữa và để chúng tôi có một đất nước tốt đẹp hơn.
Ông Juan Mendoza - người dân hạt Starr, Texas.
Trên hành trình vận động tranh cử, ông Trump từng hứa dành cho những người theo chủ nghĩa tự do một vị trí trong nội các, và với những người đam mê Bitcoin, ông khẳng định sẽ thành lập một chính quyền ủng hộ tiền điện tử. Ông cũng đưa ra những ưu đãi tài chính với cam kết không đánh thuế đối với tiền boa cho những người làm dịch vụ ở Nevada; không đánh thuế đối với tiền lương làm thêm giờ đối với công nhân lao động chân tay; không đánh thuế an sinh xã hội đối với người cao tuổi. Quan trọng hơn cả, ông tìm cách thuyết phục từng nhóm cử tri rằng dòng người di cư qua biên giới phía Nam nước Mỹ đang đe dọa đến công việc, sự an toàn và lối sống của họ.
Không những vậy, chiến dịch tranh cử của ông Trump còn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhóm như America PAC, Uỷ ban vận động chính trị ủng hộ ông Trump do tỷ phú công nghệ Elon Musk thành lập, người trong những tháng cuối cùng đã điều hướng khối tài sản và ảnh hưởng to lớn của mình cùng trang web truyền thông xã hội X để giúp ông Trump tái đắc cử. Tính đến cuối tháng 10, Uỷ ban vận động chính trị ủng hộ ông Trump của tỷ phú Musk đã chi hơn 140 triệu USD để thúc đẩy nỗ lực tái tranh cử của cựu tổng thống. Ông Musk cũng tuyên bố tặng 1 triệu USD mỗi ngày cho những cử tri đã đăng ký tại các tiểu bang chiến trường.
Cái bóng quá lớn của Tổng thống Biden
Theo giới quan sát, với lần tranh cử thứ 3, ông Trump giành chiến thắng nhờ xây dựng được những lợi thế vững chắc về mặt cử tri cũng như chính sách. Trong khi đó, giới quan sát cũng đang đặt ra câu hỏi liệu điều gì đã khiến bà Harris thất bại? Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của đảng Dân chủ, tuy nhiên một trong những lý do quan trọng nhất là ứng viên Kamala Harris đã không tìm ra giải pháp linh hoạt về mặt chính trị nhằm khẳng định dấu ấn cá nhân và tách biệt khỏi Tổng thống Joe Biden - người mà nhiều tờ báo Mỹ gọi là vị tổng thống không được lòng dân khi 2/3 cử tri toàn quốc cho rằng đất nước đang đi sai hướng.
Sau thất bại toàn diện của Phó Tổng thống Kamala Harris trước đối thủ Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2024, các chuyên gia cho biết bà Harris đã tranh cử trong một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi lạm phát kéo dài và tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Joe Biden - người đã từ bỏ cơ hội tái đắc cử để dọn đường cho Harris, ở mức thấp.
Tôi nghĩ khi nhìn lại, một trong những thách thức lớn nhất của bà Harris không phải là về bản thân bà. Mà là về thực tế ngay từ đầu, bà đã tranh cử với tư cách là một ứng cử viên bị ràng buộc với một chính quyền cực kỳ không được lòng dân.
Ông Julian Zelizer - Giáo sư Đại học Princeton.
Xuyên suốt chiến dịch vận động tranh cử, bà Harris xem mình là ứng viên đại diện cho một thế hệ lãnh đạo mới, với tầm nhìn tiến bộ. Bà cũng cam kết sẵn sàng làm việc với các đảng phái khác nhau và tìm kiếm giải pháp hòa bình, thay vì đối đầu, để đạt được mục tiêu cuối cùng là giải quyết các nỗi lo của người Mỹ về giá cả và chi phí nhà ở tăng cao.
Sự xuất hiện của bà đã đảo ngược một cuộc đua mà đảng của bà dường như sẽ thua. Bà Harris đã đi vào lịch sử với tư cách là người phụ nữ da màu đầu tiên đứng đầu một liên danh của một đảng lớn.
Bà đã tạo nên làn sóng ủng hộ mạnh mẽ, phá vỡ kỷ lục gây quỹ – huy động được 1 tỷ đô la trong vòng chưa đầy ba tháng – và nhận được sự ủng hộ từ những người nổi tiếng, từ ngôi sao nhạc pop Taylor Swift đến diễn viên kiêm cựu Thống đốc California Arnold Schwarzenegger.
Tuy nhiên, truyền thông Mỹ đánh giá với tư cách là Phó Tổng thống đương nhiệm, bà Harris rất khó để thoát khỏi cái bóng quá lớn của đương kim Tổng thống Joe Biden và thuyết phục cử tri tin rằng bà có thể mang lại những sự thay đổi.
Điều này càng mâu thuẫn hơn khi bà vẫn luôn trung thành với ông Biden, ngay cả khi người Mỹ bất bình về cách đương kim Tổng thống Mỹ giải quyết các vấn đề liên quan đến lạm phát và nhập cư. Một số đồng minh từng ngờ vực rằng liệu bà Harris có quá trung thành với ông Biden hay không. Và chính điều này đã đặt bà vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Có thể nói từ khi tiếp nhận “ngọn đuốc” từ Tổng thống Joe Biden, bà Harris đã thổi một luồng gió mới vào cục diện bầu cử Mỹ khi là người phụ nữ da màu đầu tiên đại diện một đảng lớn để cầm trong tay chiếc vé tranh cử tổng thống đầy quyền lực. Nhưng cuối cùng chiến dịch tranh cử của bà đã thất bại khi không thể giải quyết được những mối quan tâm hàng đầu của người Mỹ là lạm phát và nhập cư. Trong khi đó, sự tái xuất mạnh mẽ của ông Donald Trump sau vụ ám sát hụt chấn động tại Pennsylvania hồi tháng 7 đã trở thành bước ngoặt trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Hình ảnh ông Trump giơ nắm đấm kiên cường cùng vệt máu trên gương mặt đã đi vào lịch sử chính trị Mỹ hiện đại về một biểu tượng anh hùng, báo trước một cuộc trở lại mang tính lịch sử. Và kết quả bầu cử đưa ông Trump trở lại Nhà Trắng vừa qua, không phải điều gây bất ngờ hoàn toàn, mà dường như còn là hợp lý.
Một chàng trai người Ai Cập đã trở thành người nổi tiếng trên mạng xã hội, thu hút hơn 750.000 người theo dõi trên Instagram khi anh thực hiện hành trình đường bộ dài hơn chu vi trái đất từ Ai Cập tới Nhật Bản trong vòng 274 ngày.
Mỹ đã công bố gói viện trợ an ninh mới trị giá 275 triệu USD cho Ukraine, trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đã vượt qua mốc 1.000 ngày và được dự báo sẽ còn kéo dài.
Lực lượng không quân Ukraine thông báo Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa vào Ukraine hôm thứ Năm. Đây là lần đầu tiên trong cuộc chiến, Nga sử dụng một loại vũ khí mạnh mẽ, có khả năng hạt nhân với tầm bắn hàng nghìn km.
Nvidia vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3 ấn tượng và kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh khi nhu cầu chip AI vẫn còn rất cao.
Ukraine cáo buộc Nga tập kích thành phố Dnipro bằng loạt vũ khí, trong đó có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, nhấn mạnh không có thiệt hại đáng kể. Tên lửa này có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đi xa hàng nghìn km.
Hội đồng thành phố Los Angeles (Mỹ) đã thông qua một sắc lệnh nhằm bảo vệ quyền lợi của người nhập cư, trong đó cấm sử dụng các nguồn lực và nhân sự của thành phố để thực hiện các biện pháp thi hành luật nhập cư của chính quyền liên bang.
0