Hậu Troussier, bóng đá Việt đứt gãy lứa cầu thủ kế cận
Sau 5 năm thành công cùng HLV Park Hang Seo, đội tuyển Việt Nam nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung đang ở chu kỳ đi xuống. Quãng trầm hiện tại báo hiệu tương lai khó khăn, nhưng đây là giai đoạn chuyển giao không tránh khỏi. Bóng đá Việt Nam cần định vị lại chỗ đứng, củng cố nền tảng, tăng cường sức mạnh nội lực để chuẩn bị cho một chu kỳ thành công mới.
Nhìn lại 1 năm qua với những thất bại ê chề ở vòng loại thứ 2 World Cup 2026 và Asian Cup 2023, có thể thẳng thắn thừa nhận đội tuyển Việt Nam đang thiếu lứa kế cận đủ tầm để vạch ra chiến lược dài hơi hướng tới sân chơi châu Á cũng như thế giới.
Đào tạo trẻ đang đi xuống, không có tính kế thừa
Kể từ thời điểm của Nguyễn Quang Hải, Tuấn Anh, Văn Toàn, Công Phượng, Văn Hậu... nền bóng đá của chúng ta gần như chẳng có thêm một lứa đàn em đủ sức kế cận. Những cái tên như Thái Sơn, Minh Trọng, Văn Khang... phần nào đó đã thể hiện được mình, nhưng chất lượng chuyên môn vẫn không hơn được các đàn anh lúc ở cùng độ tuổi của họ.
Vậy công tác đào tạo trẻ phải chăng đang đi xuống? Hãy nhìn vào những lò đào tạo nổi tiếng nhất Việt Nam như: HAGL, Hà Nội, Đà Nẵng, SLNA... bao năm nay ngụp lặn thế nào? Ngay cả lò đào tạo PVF với cơ sở vật chất ở tầm khu vực, mà gần 5 năm qua cũng chẳng có một gương mặt nào nổi trội được trình làng.
Xây dựng bóng đá trẻ bền vững, có tính kế thừa và gối đầu, lứa sau phải nổi trội hơn lứa trước là một nhiệm vụ tiên quyết để có một nền bóng đá phát triển bền vững. Nếu không phải chuyên môn thì ít nhất lứa trẻ cũng phải tiến bộ hơn về mặt thể hình, thể lực. Nhưng với những gì mà lứa cầu thủ trẻ thể hiện trong thời gian qua thì liệu có thể gọi là kế thừa, phát triển?
Nhìn nhận thực tế, trước khi HLV Park Hang Seo tiếp quản đội tuyển, lứa cầu thủ sinh năm 1995 - 1997 đã có nhiều năm thi đấu ở V-League. Thế hệ của Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Văn Thanh, Hồng Duy, Xuân Trường… được đào tạo bài bản theo giáo án chuẩn châu Âu, tập huấn và giao hữu với đối thủ mạnh liên tục, "va đập" tại V-League ở tuổi đôi mươi. Lứa Quang Hải, Đình Trọng, Văn Hậu cũng gây ấn tượng mạnh khi giành vé dự U20 World Cup 2017, vô địch nhiều giải trẻ. Hai lứa tài năng gặp nhau ở một thời điểm, để rồi với HLV phù hợp, bóng đá Việt Nam đã cất cánh.
Đây cũng là giai đoạn bóng đá nước nhà nở rộ những trung tâm đào tạo trẻ nổi danh như Hà Nội, PVF, HAGL, Viettel hay SLNA. "Lò luyện ngọc" nào cũng có những sản phẩm đáng tự hào. Hà Nội có Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh, Văn Hậu; HAGL có lứa khóa 1 và 2 đã quá nổi tiếng; Viettel có Hoàng Đức, Bùi Tiến Dũng, hay SLNA có Văn Đức, Xuân Mạnh...
Tuy nhiên vẫn là những trung tâm ấy, vào lúc này lại chưa thể sản sinh lứa cầu thủ giỏi có đẳng cấp tiệm cận đàn anh. Những "viên ngọc thô" ở cấp độ U23, U19 hiện tại đều thiếu gương mặt nổi trội. Ở sân chơi trẻ, U22 Việt Nam chỉ giành huy chương Đồng tại SEA Games 32 sau hai kỳ liên tục giành vàng. Tỷ lệ cầu thủ U23 được đôn lên thi đấu và đặt dấu ấn tại V-League cũng suy giảm nghiêm trọng so với trước đây.
Khi mới tiếp quản ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam thay ông Park, HLV Philippe Troussier đã nêu quan điểm: "Bóng đá Việt cần 100 cầu thủ cho mục tiêu World Cup". Danh sách nói trên bao gồm những trụ cột dưới thời ông Park, cùng những cầu thủ trẻ ở cấp độ U23, U19, U17, thậm chí U15, cần được "nhào nặn" vào chung một guồng máy, cùng được thấm nhuần một triết lý huấn luyện, để tạo ra đội tuyển Việt Nam đầy sức cạnh tranh cho những mục tiêu lâu dài.
Trong 1 năm ngắn ngủi đồng hành, HLV Troussier đã tích cực trẻ hóa đội tuyển Việt Nam, với rất nhiều gương mặt được trao cơ hội như Tuấn Tài, Minh Trọng, Văn Tùng (sinh năm 2001); Thái Sơn, Văn Khang (sinh năm 2003); Đình Bắc (sinh năm 2004).
Mục tiêu của chiến lược gia người Pháp là nhào nặn lớp kế cận để từng bước thay thế đàn anh. Đây là cách làm gần giống chiến lược mà ông Park từng áp dụng ở đầu năm 2018, khi ông cũng đưa một loạt cầu thủ trẻ lên đội tuyển. Tuy nhiên, tại sao ông Park thành công rực rỡ, còn HLV Troussier thất bại? Bên cạnh khác biệt về triết lý huấn luyện giữa hai nhà cầm quân, chất lượng cầu thủ cũng trở thành một trong những nguyên nhân chủ yếu.
Cầu thủ trẻ thấp bé, khả năng cạnh tranh thấp
Thể chất là một yếu tố rất quan trọng trong thể thao thành tích cao, đặc biệt là với bóng đá. Thế nhưng, cứ so sánh để thấy, lứa trước của chúng ta còn cao hơn khá nhiều lứa trẻ hiện tại. Trước đây, chúng ta có Hoàng Đức, Văn Hậu, Tấn Tài, Tiến Linh, Duy Mạnh, Quế Ngọc Hải... tới hơn nửa đội hình cao từ 1,8 m trở lên. Bây giờ, nhìn vào đội tuyển lại chỉ toàn cầu thủ thấp bé, nhẹ cân, chỉ vài ba cầu thủ cao đến 1,8 m (không kể thủ môn). Đó rõ ràng là một bước thụt lùi trong công tác tuyển chọn, đào tạo cầu thủ của bóng đá nước nhà.
Tại vòng chung kết Asian Cup 2023, đội tuyển Việt Nam có chiều cao trung bình 1,754 m, thấp nhất trong số 24 đội dự giải.
Ở đội tuyển Việt Nam hiện tại, thủ môn Nguyễn Filip là người cao nhất - 1,92 m. Người cao thứ hai là trung vệ Bùi Hoàng Việt Anh - 1,84 m. Trung vệ Nguyễn Thanh Bình và thủ môn Nguyễn Văn Việt cùng cao 1,81 m.
5 cái tên có chiều cao 1,80 m là Đỗ Duy Mạnh, Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Đình Bắc, Nguyễn Đình Triệu và Hồ Tấn Tài. Bốn cầu thủ dưới 1,70 m là Trương Tiến Anh (1,69 m), Nguyễn Hai Long (1,68 m), Nguyễn Quang Hải (1,66 m) và Lê Phạm Thành Long (1,65 m).
Trong khi đó, nhìn sang Indonesia bây giờ, họ không ngần ngại nhập tịch những cầu thủ ngoại cao hơn, dày người hơn. Đơn giản vì họ nhìn ra điểm yếu cố hữu ở thể hình của người Đông Nam Á, nên phải khắc phục trước khi nghĩ đến những chuyện xa hơn. Ví dụ, trong hai trận đấu với đội tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ hai World Cup 2026, Indonesia trình làng cầu thủ vô cùng ấn tượng, đó là trung vệ Jay Idzes. Cầu thủ đang thi đấu ở Italy trong màu áo Venezia đã cho thấy đẳng cấp châu Âu.
Với chiều cao 1,9m, Jay Idzes sừng sững như tòa tháp. Cầu thủ này ngăn cản rất nhiều đợt tấn công của đội tuyển Việt Nam nhờ khả năng phán đoán và tranh chấp tốt. Không những vậy, cầu thủ gốc Hà Lan còn ghi bàn mở tỷ số trong trận lượt về.
Với sự bổ sung Jay Idzes, hàng thủ của Indonesia được nâng lên tầm cao mới. Họ không ngại thách thức lớn ở thời điểm này. Nhiều quan điểm cho rằng nếu trung vệ sinh năm 2000 được bổ sung ở Asian Cup 2023, có lẽ Indonesia đã mang tới thách thức lớn hơn cho các đội bóng mạnh như Iraq, Nhật Bản hay Australia.
Một cầu thủ khác của Đông Nam Á được vinh danh là thủ môn Patiwat Khammai của Thái Lan. Người gác đền này đã chơi cực kỳ xuất sắc trong trận đấu lượt đi khi có 8 tình huống cứu thua, giúp cho Thái Lan cầm hòa Hàn Quốc ngay trên sân khách.
Nếu chúng ta vẫn cứ trông chờ vào một dàn cầu thủ như hiện nay rồi mơ mộng vào một tấm vé dự World Cup thì chắc chắn sẽ không có cửa để thắng các đối thủ lớn của châu lục.
Một bạn đọc đã gửi bình luận trong bài đăng tải của Đài Hà Nội trên mạng xã hội như sau: "Vấn đề chính là tầm nhìn và sự phát triển. Suy nghĩ ảo tưởng cho rằng chúng ta là "anh cả Đông Nam Á" hay "vươn tầm châu lục" đã khiến người hâm mộ vô tình gây áp lực cho HLV mới, cầu thủ mới và đặc biệt nguy hiểm nhất là tư duy sợ đổi mới của những người làm thể thao nói chung.
Vài năm qua, thành công thực chất chỉ gắn liền với một thế hệ cầu thủ nổi trội. Khi họ chấn thương và mất phong độ, bản chất của nền bóng đá lại hiện ra. HLV vừa rồi có thể dở, nhưng ta phải chấp nhận rằng bởi học trò của ông cũng dở. Phải có tư tưởng như vậy mới giúp chúng ta phát triển được".
Thực tế, chất lượng cầu thủ đi xuống một phần nguyên do cũng đến từ sự sa sút của giải quốc nội. Giờ nhắc đến V-League, công chúng sẽ chỉ nhớ đến những sự việc lùm xùm như các vụ kiện tụng trọng tài, một ông bầu ôm quá nhiều đội bóng, tranh cãi về lịch nghỉ thi đấu... chứ ít ai có thể say sưa bàn luận về chuyên môn bóng đá.
Chất lượng chuyên môn của V-League cũng chẳng hơn là bao, một phần do các CLB không chịu đầu tư, chăm sóc sân bãi – một điều kiện cơ bản của bóng đá chuyên nghiệp.
Bao năm nay, cứ đến đợt đội tuyển U23 hay đội tuyển quốc gia tập trung thì V-League lại nghỉ cả tháng, khiến cho cả một hệ thống bóng đá phải ngừng lại để các cầu thủ trẻ (chưa chắc có nhiều đóng góp cho CLB) thi đấu. CLB không thể vận hành liên tục chỉ vì vài cầu thủ - điều khá lạ lẫm với bóng đá ở các nước lân cận.
Việc nghỉ V-League đã để lại những hậu quả khó lường. Với việc toàn bộ cầu thủ không thể thi đấu để duy trì thể trạng và cảm giác bóng, lối chơi của tuyển Việt Nam dần trở nên kém hiệu quả, thể lực của một số cầu thủ cũng không đảm bảo.
Đây chính là quyết định sai lầm của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Có thể thấy lỗi từ cách làm của ban tổ chức V-League khi chúng ta đang lầm tưởng rằng mình có một giải vô địch quốc gia hấp dẫn, có chất lượng chuyên môn cao, nhưng thực tế lại không phải vậy. Tất cả những gì chúng ta có là một giải đấu thiếu tính cạnh tranh, ăn xổi, trọng cầu thủ ngoại, đầy bạo lực và không có tính kế thừa.
Các cầu thủ trẻ không có nền tảng vững chắc
Đội tuyển Thái Lan thay đổi chóng mặt trong thời gian ngắn chỉ bằng một thao tác: thay HLV trưởng. “Voi chiến” thiếu một loạt ngôi sao lớn ở Asian Cup 2023, bao gồm Chanathip, Teerasil Dangda và Ekanit Panya nhưng họ còn chơi hay hơn. HLV Masatada Ishii chính thức ký hợp đồng vào ngày 22/11/2023 và triệu tập cầu thủ lần đầu tiên sau đó 1 tháng. Thời gian làm việc thực sự của ông với các cầu thủ Thái Lan trước Asian Cup 2023 có lẽ chỉ hơn 2 tuần, nhưng ông lập tức giúp họ chơi bóng ở đẳng cấp rất cao, vượt xa đội bóng của HLV Mano Polking trước đây.
Tài năng của HLV Masatada Ishii là điều không thể phủ nhận ở thời điểm này. Thái Lan đánh bại Kyrgyzstan đầy thuyết phục trước khi cầm hòa 2 đối thủ mạnh hơn là Oman và Saudi Arabia. Ở trận cuối cùng của vòng bảng với Saudi Arabia, HLV Masatada Ishii thậm chí thay mới toàn bộ đội hình xuất phát.
Tìm được một HLV giỏi và phù hợp không phải điều đơn giản. Thành công của Thái Lan nằm ở nền tảng vững chắc của họ. Nền bóng đá Thái Lan vốn là số 1 Đông Nam Á và họ đã theo đuổi mục tiêu hướng ra châu lục từ lâu. Thái League được đầu tư và phát triển mạnh mẽ. Bằng chứng rõ nét nhất là việc Bangkok United vượt qua cả Jeonbuk Hyundai Motors để giành ngôi đầu bảng tại Cúp C1 châu Á. Để học hỏi điều này, bóng đá Việt Nam cần thời gian và chiến lược đúng đắn.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, các ngôi sao của Thái Lan cũng lần lượt xuất ngoại sau khi tỏa sáng ở Thái League, từ Chanathip, Theerathon Bunmathan, Supachok Sarachat cho đến Ekanit Panya. Điểm đến yêu thích của họ là Nhật Bản, nơi có phong cách bóng đá tương đồng. Họ xuất ngoại với mục đích cải thiện chuyên môn rất rõ ràng. Ekanit Panya đã xin rút lui khỏi Asian Cup 2023 để hội quân sớm và đảm bảo cơ hội ở Urawa Red Diamonds. Đó là điều mà các cầu thủ Việt Nam không làm được. Hầu hết ngôi sao Việt Nam khi xuất ngoại đều không biết lượng sức mình, không có mục tiêu cụ thể và kết cục là luôn luôn thất bại điển hình như Quang Hải thảm bại ở Pau FC, Văn Hậu thất sủng tại Heerenveen, Văn Lâm bị bỏ rơi tại Cerezo Osaka, Công Phượng lang thang qua 3 đội bóng đều thất bại hay mới nhất là Văn Toàn mờ nhạt tại giải hạng 2 Hàn Quốc.
Nên thẳng thắn nhìn nhận trình độ cầu thủ Việt Nam hiện còn rất nhiều hạn chế so với các tiêu chuẩn thi đấu quốc tế, mới chỉ đáp ứng cường độ thi đấu đối với giải quốc nội cũng như khu vực Đông Nam Á. Ngay cả những cầu thủ được cho giỏi nhất Việt Nam như Công Phượng, Quang Hải, Văn Hậu… khi ra nước ngoài, tất cả đều chỉ gia nhập đội bóng hạng "nhẹ". Vậy mà vẫn thường xuyên phải ngồi ghế dự bị. Bởi thế, muốn vươn ra thế giới, chúng ta hãy trân trọng những gì mình đang có, đừng quá đặt ra những mục tiêu quá xa vời và quan trọng hơn cả là phải tìm mọi cách nâng cao trình độ cầu thủ.
Một thực tế phũ phàng mà chúng ta cũng cần phải nhìn nhận một cách khách quan, ngay trong giai đoạn hoàng kim ở những năm qua, trình độ cầu thủ Việt Nam vẫn chưa thực sự được đánh giá cao. Dưới góc độ tập thể, đội tuyển Việt Nam có thể chơi sòng phẳng với kỳ phùng địch thủ là đội tuyển Thái Lan. Nhưng nếu xé lẻ từng cá nhân và đặt dưới hệ quy chiếu đánh giá năng lực cầu thủ của các nền bóng đá phát triển, rõ ràng vẫn còn khoảng cách giữa cầu thủ Việt Nam và những nền bóng đá trong khu vực.
Cái hay của HLV Park Hang Seo là biết cách động viên tinh thần cầu thủ, gắn kết họ thành một khối để chiến đấu vì màu cờ sắc áo. Điều này có lợi cho đội tuyển, song có cái hại là che giấu đi vô số khuyết điểm của cầu thủ Việt Nam. Để rồi khi một HLV khác thay thế, điểm yếu này ngày càng lộ rõ. HLV Troussier tệ, đó là điều không phải bàn cãi, nhưng cũng nên thẳng thắn nhìn nhận rằng trình độ cầu thủ của chúng ta đang ở đâu, để từ đó đưa ra giải pháp phù hợp giúp cải thiện vấn đề trên.
Cách HLV Troussier đối xử với các "công thần" thời HLV Park là không thể chấp nhận. Quang Hải, Hoàng Đức, Văn Toàn, Văn Thanh, Tấn Tài hay Tiến Linh… đều là những cầu thủ giỏi, đã góp phần mang lại vinh quang cho bóng đá Việt Nam trong thời gian qua. Họ đã rất hiểu đồng đội, chơi rất hay cùng nhau, dưới đấu pháp của hLV Park Hang Seo. Nhưng nếu tách riêng từng cầu thủ và đặt lên "bàn cân" theo các tiêu chuẩn bóng đá chuyên nghiệp đăng cấp thế giới thì sao? Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng kể cả ở thời điểm đỉnh cao phong độ, họ thậm chí chưa bao giờ đạt tới đẳng cấp châu lục chứ đừng nói chạm tới đẳng cấp châu Âu của các cầu thủ Indonesia nhập tịch hiện nay như Thom Haye, Jay Idzes, Elkan Baggott, Jordi Amat, Nathan Tjoe-A-On hay Ragnar Oratmangoen.
Trong khi đó, lứa cầu thủ kế cận lại vừa thiếu, vừa yếu. Ngay từ cuối "triều đại" HLV Park Hang Seo, đội tuyển Việt Nam đã có những dấu hiệu hụt hơi và bị bắt bài ở điểm yếu cốt tử này.
Đào tạo cầu thủ trẻ: thiếu một tầm nhìn chiến lược
Bóng đá trẻ Việt Nam xuống dốc là bởi thiếu đầu tư, cũng như thiếu một quy trình đào tạo chuẩn mực. Hiện nay, các CLB không có định hướng phát triển cụ thể và sống chủ yếu vào túi tiền và niềm vui của ông bầu. Còn bóng đá không tự thân làm ra tiền. Do đó, dù có 26 CLB chuyên nghiệp ở V-League và hạng nhất, nhưng phần nhiều không đủ tiêu chuẩn theo quy định của FIFA, AFC về vấn đề tài chính, cơ sở vật chất, điều kiện đào tạo cầu thủ. Rất ít CLB chăm sóc khâu đào tạo trẻ, còn lại đều đầu tư từ ngọn.
Ngay cả với những đội chăm bẵm tốt cho lứa trẻ cũng không có quy trình đào tạo trẻ thống nhất trên toàn quốc. PVF, Viettel, Hà Nội hay HAGL, mỗi nơi làm một kiểu và không có quy chuẩn cụ thể. Việc tuyển chọn, đào tạo trẻ cũng không ứng dụng khoa học kỹ thuật, mà chủ yếu dựa trên chủ nghĩa kinh nghiệm. Các nhà tuyển chọn, huấn luyện chưa thể đưa ra một công thức, triết lý đào tạo lối chơi mang tính thống nhất để hình thành hệ thống. Mỗi trung tâm đào tạo đang phát triển đơn lẻ theo điều kiện và tư duy của họ và việc đầu tư buộc phải căn cứ vào "túi tiền" và quan điểm của ông chủ. Xét về mặt tổng thể và tầm nhìn trung hạn, liên đoàn bóng đá hoàn toàn chưa có một chiến lược phát triển chung cho các lớp kế cận của đội tuyển Việt Nam trong những năm tiếp theo. Đào tạo cầu thủ trẻ ở Việt Nam do vậy hoàn toàn "tuỳ duyên", mang tính may mắn, thi thoảng sẽ có được những lứa giỏi, và thường xuyên không có "sản phẩm đầu ra" tốt một cách thường xuyên và đều đặn.
Trái ngược lại, ở góc độ đào tạo trẻ, Thái Lan không tiếc tiền trong việc đầu tư. Bên cạnh giải đấu lớn nhất là Thai League thì cuộc cách tân hệ thống thi đấu các giải trẻ là kế hoạch trong chiến lược vươn tầm ra châu Á của bóng đá Thái Lan.
Theo con số thống kê ở mùa giải 2019, giải trẻ Thái Lan có đến 4 nhóm tuổi với tổng cộng 489 đội, 17.115 VĐV tham gia. Liên đoàn bóng đá Thái Lan đã tạo điều kiện tối đa cho các cầu thủ trẻ được thi đấu nhiều nhất. Một đội trẻ ở Thái League 1 và Thái League 2 chỉ cần đá vòng đến vòng 2 thôi đã có tới 18 trận.
Nếu vào được vòng 3 mỗi đội sẽ có thêm 3 trận nữa là 21 trận, đặc biệt là từ vòng này các cầu thủ sẽ phải chơi những trận đấu với chất lượng chuyên môn cao và quyết liệt hơn. Cộng thêm 3 trận knock-out những đội bóng vào sâu nhất có thể chơi đến 24 trận. Các cầu thủ trẻ của Thái Lan sẽ trưởng thành và tự tin hơn rất nhiều khi được thi đấu và cọ sát liên tục. Những học viện bóng đá của các CLB hàng đầu Thái Lan như SCG Muangthong United, Buriram United, Chonburi FC, Bangkok Glass FC đều gửi quân tham dự để các tài năng nhí có thêm nhiều cơ hội cọ xát. Ngoài ra, họ cũng phối hợp với các chuyên gia nước ngoài để xây dựng một hệ thống phát triển bóng đá trẻ bài bản và khoa học.
Trong khoảng 5 năm qua, Thái Lan đã nhiều lần khủng hoảng nghiêm trọng. Trong đó, nỗi đau lớn nhất của họ là mất chức vô địch AFF Cup 2018 vào tay Việt Nam và không thể lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Đây là giai đoạn mà Thái Lan đi sai hướng khi đặt niềm tin vào HLV Milovan Rajevac.
HLV người Serbia có hồ sơ khá hoành tráng, nhưng thiếu kinh nghiệm ở Thái Lan. Phong cách chiến thuật của ông cũng hoàn toàn trái ngược với những gì người Thái Lan theo đuổi. Để sửa sai, “Voi chiến” chơi lớn mời về Akira Nishino. Rất khó đánh giá Akira Nishino thành công hay thất bại, khi ông đến đúng vào thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát.
Sau khi Akira Nishino tự ý ở lại Nhật Bản, Thái Lan bổ nhiệm Mano Polking và lập tức lấy lại vị thế ở Đông Nam Á với 2 chức vô địch liên tiếp. Đây là lúc bản sắc của họ được khôi phục. Polking từng gây ấn tượng mạnh cùng Bangkok United ở Thái League và không mất nhiều thời gian để “chữa cháy”. Tương tự như vậy là Masatada Ishii.
Từ những điều trên, người hâm mộ có thể dễ dàng nhận ra rằng, việc đào tạo trẻ và xây dựng nguồn lực kế cận cho đội tuyển của chúng ta đang gặp vấn đề. Chúng ta không thể chỉ trông chờ vào một lứa cầu thủ thế hệ vàng để giúp đội tuyển vụt sáng rồi lụi tàn mà cần có một chiến lược dài hơi, thông minh và nhất quán từ chính VFF - đơn vị đang đóng vai trò "chủ công" trong việc phát triển bóng đá Việt Nam.
CLB Barcelona sẽ bước vào trận đấu cuối cùng của năm 2024 khi tiếp đón Aletico Madrid trên sân nhà tại vòng 18 giải vô địch quốc gia Tây Ban Nha. Đây là trận đấu mà đội nào giành chiến thắng sẽ giữ vị trí số 1 trên bảng xếp hạng.
Tại giải vô địch quốc gia Italia, AC Milan có chuyến làm khách trên sân của Verona. Mặc dù được đánh giá cao hơn đối thủ tuy nhiên thầy trò HLV Paulo Fonseca đã phải trải qua 90 phút thi đấu đầy khó khăn.
Trận đấu sớm vòng 15 giải vô địch quốc gia Đức (Bundesliga) là cuộc so tài giữa Bayern Munich và RB Leipzig. Đây là lượt trận cuối cùng để khép lại năm 2024 của các đội bóng trước khi bước vào kỳ nghỉ đông.
Hành trình vòng bảng AFF Cup của ĐT Việt Nam sẽ khép lại bằng cuộc chạm trán ĐT Myanmar vào 20h tối nay (21/12) trên sân nhà Việt Trì, Phú Thọ.
Tuyển Malaysia đụng độ Singapore trong trận đấu mang tính quyết định cho tấm vé thứ 2 vào bán kết AFF Cup 2024 của bảng A.
Đội tuyển Thái Lan có trận cuối cùng ở vòng bảng ASEAN cup 2024, đón tiếp Campuchia trên sân nhà.
0