Hết thời nặc danh trên mạng xã hội

Từ ngày 25/12, Nghị định 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc quản lý và sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam sẽ chính thức có hiệu lực, chấm dứt thời nick ảo, tài khoản mạo danh khi mỗi tài khoản sẽ phải gắn liền với một danh tính thật.

Lừa đảo tràn lan do nick ảo trên mạng

Facebook chính thức của luật sư Nguyễn An Bình và facebook do các nhóm đối tượng lừa đảo mạo danh luật sư Bình lập nên để lừa đảo qua mạng, rất khó để phân biệt giữa thật và giả, bởi vì trên facebook giả mạo cũng có những bài đăng cập nhật hình ảnh cuộc sống đời thường của luật sư. Thậm chí các đối tượng lừa đảo còn copy từng câu từng chữ của những bài đăng từ facebook chính chủ. Chỉ đến khi các nạn nhân đến tận văn phòng luật sư hay điện thoại cho ông để xác minh thì luật sư Nguyễn An Bình mới biết mình đang bị giả mạo.

Luật sư Nguyễn An Bình - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, cho biết: "Đây là trang facebook mà bọn chúng giả mạo tôi. Khi mà những đối tượng này tiếp cận, nói với người bị hại là luật sư chắc chắn sẽ lấy lại được tiền bị mất, sau khi con mồi chuyển tiền cho chúng, ngay lập tức chúng sẽ chặn luôn và không liên hệ lại nữa".

Một người bị hại cho biết: "Khi mà em mất tiền thì những trang quảng cáo luật sư Bình, luật sư Hà hay của những luật sư khác, khi em bấm vào thì họ bảo em sẽ cần những hồ sơ nào, khoảng 300-500. Sau đó em bị suy sụp mất gần 1 tháng".

Một người bị hại khác kể lại: "Cô hỏi số điện thoại đâu, đưa cho cô để gọi thử. Sau khi có số điện thoại, cô vào Zalo xem mặt chứ gọi bâng quơ như thế thì cô không tin. Song, chúng nó bảo đang làm việc, không có quyền cho xem mặt, bây giờ cô cứ chuyển tiền cho cháu để cháu còn giải ngân ngay tối nay. Cô chỉ muốn chính quyền đưa bọn lừa đảo này ra pháp luật, đừng để cho mọi người khổ nữa".

Bắt nạt qua mạng: hệ lụy từ ẩn danh qua nick ảo

Sử dụng mạng xã hội được 8 năm, anh Đức Huy từng là nạn nhân của việc công kích bằng nick ảo trên mạng xã hội với những lời lẽ khiếm nhã. Mặc dù đã chặn hết các nick không rõ danh tính, nhưng sự tổn thương thì còn mãi cho đến tận bây giờ.

Anh Lưu Đình Đức Huy (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Em cũng đã từng bị công kích 1 lần, hôm đấy em cũng đi comment dạo, kiểu có 1 bài viết mà em đã từng bình luận, sau đó người ta dùng 1 nick vô danh để người ta chửi em, em cảm thấy rất tổn thương. Nhiều khi em bị ám ảnh bởi điều đấy tại vì không chỉ 1, 2 người công kích em mà chắc phải mấy chục bạn mà em không biết rõ là ai. Khi ra luật định danh như bây giờ, mọi người đi công kích sẽ phải chịu trách nhiệm cho lời nói của mình".

Đồng cảm với tình huống Đức Huy đã gặp phải, anh Đào Văn Chung (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) cho rằng nên có những quy định cụ thể để giảm các hệ hụy trên thế giới ảo ảnh hưởng tới cuộc sống thật của người dùng: "Tôi hoàn toàn đồng tình với việc định danh vì nó tăng tính minh bạch và trách nhiệm. Khi người dùng phải sử dụng danh tính thật sẽ có thể ngăn chặn các tài khoản giả mạo, lừa đảo hoặc sử dụng mạng xã hội với mục đích xấu".

Chấm dứt nick ảo, tạo môi trường kinh doanh minh bạch

Mua sắm trên mạng xã hội tiện lợi, nhanh chóng, nhưng cũng đầy rủi ro. Trước đây, khi tài khoản mạng xã hội chưa cần định danh, cả người bán lẫn người mua đều phải đối mặt với những tình huống dở khóc dở cười, thậm chí là lừa đảo.

Thường xuyên lựa chọn mua sắm trên các sàn thương mại điện tử, nhưng chị Nguyễn Thị Ngọc Hoàng (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) vẫn luôn có một nỗi lo thường trực, bởi cùng một sản phẩm nhưng lại có rất nhiều nơi bán, trong khi những thông tin về người bán rất sơ sài: "Mình lo là nếu trong trường hợp trả lại hay như thế nào. Ví dụ theo thói quen, mình tìm đến các đánh giá từ khách hàng thì cũng không biết người bán hàng đó có phải nơi đáng tin cậy hay không".

Tới đây, theo Nghị định 147, tất cả tài khoản mạng xã hội phải định danh bằng số điện thoại hoặc thông tin cá nhân. Điều này không chỉ bảo vệ người dùng mà còn tạo cơ hội phát triển minh bạch cho các doanh nghiệp trực tuyến. Bà Nguyễn Quỳnh Dương - CEO Công ty phần mềm nhanh.vn, cho biết: "Hiện nay các sàn TMĐT cũng chỉ thu thập thông tin của người bán hàng theo dạng người bán hàng sẽ tự khai thông tin, mã số định danh của mình là gì mà chưa có việc xác minh. Tôi nghĩ rằng để có thể kiểm soát tốt hơn thì cần phải có sự vào cuộc của công an để xác thực tính đúng đắn của thông tin".

Các vụ việc vi phạm pháp luật trên môi trường mạng ngày càng phức tạp. Bởi vậy, việc bổ sung các quy định về xác thực tài khoản người kinh doanh trực tuyến là thực sự cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho cả người mua và người bán. Các giao dịch sẽ trở nên minh bạch hơn, giảm các hành vi lừa đảo hoặc bán hàng kém chất lượng.

Thiếu tá Đào Đình Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân - Bộ Công an, cho biết: "Bộ Công an là đơn vị tham mưu thường trực cho tổ Đề án 06 của chính phủ để triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư, xác thực định danh điện tử, phục vụ định danh cá nhân, tổ chức trên các môi trường điện tử để giúp cá nhân, tổ chức xác minh danh tính để giảm thiểu những rủi ro".

Theo bà Lê Thị Hà - Cục TMĐT và kinh tế số - Bộ Công Thương: "Chúng tôi vẫn tiếp tục phối hợp với Bộ Công an thực hiện Đề án 06 và trên cơ sở thực hiện Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ thì chúng tôi đang tiếp tục thực hiện nghiên cứu và tiến hành rà soát để làm sao quản lý được tốt dữ liệu của người bán trên các nền tảng xã hội. Chúng tôi đã khuyến khích những nền tảng đó cho phép người bán xác thực định danh điện tử và cũng có những nền tảng đã sẵn sàng".

Hiện nay, việc xác thực người dùng trên mạng xã hội tại Việt Nam thường thực hiện qua 3 cách: email, số điện thoại và CCCD. Trong đó, số điện thoại đang được xem là phương án phù hợp nhất vì người dùng đang ngày càng có xu hướng chuyển sang thiết bị di động thay vì máy tính. Sau khi tiến hành chuẩn hóa thuê bao vào năm ngoái, rất nhiều sim rác và sim không chính chủ đã được xử lý, giúp cho việc xác thực trở nên rõ ràng và hiệu quả hơn rất nhiều.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang triển khai hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia, xác thực định danh điện tử. Nếu như hệ thống này được đồng bộ với dữ liệu người dùng thì mỗi phát ngôn, mỗi hành vi của người dùng mạng xã hội sẽ được gắn với trách nhiệm của mỗi cá nhân để có thể hạn chế được những tiêu cực. Hy vọng mỗi người trong chúng ta sẽ để ý hơn đến lời nói của mình trên không gian ảo.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Với 4 lỗi vi phạm về an toàn thực phẩm, UBND quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, đã quyết định xử phạt chủ cơ sở bánh cốm gia truyền Nguyên Ninh (số 11 Hàng Than) số tiền 40 triệu đồng.

Chiều 6/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về “tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 Trung ương khoá XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” chủ trì Phiên họp thứ tám của Ban Chỉ đạo.

Trên các cánh đồng trồng đào Vân Tảo, nông dân đang tất bật chăm bón, chuẩn bị giai đoạn cuối để xuất bán. Nhiều người tin giá đào năm nay sẽ tăng cao.

Nhằm bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, nhất là trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản về việc tăng cường biện pháp quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Sau 10 năm đưa vào khai thác (2014 - 2024), tour thám hiểm Sơn Đoòng đã có 7.552 người chinh phục hang động lớn nhất thế giới. Trong đó, có khoảng 20 người đã chinh phục từ 2-8 lần. Sơn Đoòng đã góp phần đưa Phong Nha - Kẻ Bàng vào bản đồ du lịch thế giới, biến Phong Nha thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.

Chương trình "Bánh chưng xanh - Tết vì người nghèo" năm 2025 sẽ diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vào ngày 19/1, là hoạt động thường niên do Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức.