Hết thời nhà siêu mỏng, siêu méo
Việc mở đường thường tạo ra cơ hội để chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, sau khi triển khai thu hồi đất xây dựng đường, những căn nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên, thậm chí, có những căn có diện tích nền chưa đến 15m2.
Theo Quyết định 61, các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại đối với đất ở, thửa đất sau thu hồi có ít nhất một cạnh tiếp giáp tuyến đường giao thông và có diện tích đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ dưới 15m2, kích thước mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng dưới 3m. Thửa đất sau thu hồi không có lối đi và có diện tích đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa cũng sẽ không được tồn tại.
Sống tại nhà siêu mỏng
Căn nhà duy nhất còn lại sau khi dự án mở rộng ngõ 102 đường Trường Chinh vào năm 2007, từ 60 mét vuông, sau giải phóng mặt bằng chỉ còn vỏn vẹn còn 9 m2. Số tiền đền bù khoảng 70 triệu đồng không đủ để gia đình ông Kỳ tìm nơi ở mới. Vậy nên dù thiếu điện, thiếu nước, thiếu không gian sống nhưng gia đình ông không còn cách nào khác ngoài tiếp tục sinh sống tại đây.
Ông Nguyễn Ngọc Kỳ (phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Nói chung là sống như thế này không giống ai cả. Ở đây nó chỉ tiện cái là ở mặt đường thôi chứ còn thật sự rất vất vả".
Không gian tầng 1 vô cùng chật hẹp được ông Kỳ tận dụng làm nơi nấu ăn và làm nghề sửa chữa máy móc. Lối lên tầng 2,3 được ông thiết kế cầu thang leo dựng đứng với chiều rộng khoảng 40cm chỉ đủ cho một người đi lại. Cách đó vài bước chân là phần còn lại của ngôi nhà, có diện tích hơn 1 mét vuông, ban đầu được xây với mục đích làm nhà vệ sinh, tuy nhiên diện tích quá nhỏ nên nay được tận dụng làm nơi chứa đồ sửa chữa.
Ông Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết: “Mình ở với 2 con, nhưng khi giải tỏa thì bạn thứ 2, sinh năm 1994, có công việc dạy học nên phải đi ra ngoài thuê, riêng tiền thuê nhà thêm đã mất khoảng 5 triệu/tháng rồi nên cũng rất vất vả". Ông bày tỏ: “Mong muốn có một chỗ ở thì ai cũng mong muốn, bởi vì bây giờ đến lúc này rồi thì mình già cả không làm được nữa mà chỗ ở không có. Con cái nó lớn như thế rồi mà không có chỗ ở thì cũng bất tiện".
Tương tự căn nhà của ông Kỳ, hiện nay còn rất nhiều căn nhà siêu mỏng, siêu méo có chiều rộng chưa đến 1 mét vuông, gần như không thể ở được. Những căn nhà siêu mỏng, với đủ các hình thù kì quái chồng lên nhau nhiều tầng không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào...
Xóa bỏ nhà siêu mỏng, siêu méo
Với Quyết định 61/2024/QĐ-UBND, những căn nhà này khó có thể tồn tại. Theo quyết định này:
+ Thửa đất nằm vào diện “không đủ điều kiện tồn tại” nếu sau thu hồi có ít nhất một cạnh tiếp giáp tuyến đường giao thông và có diện tích đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ dưới 15m²
+ Có kích thước mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng dưới 3m
+ Thửa đất sau thu hồi không có lối đi và có diện tích đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa quy định tại khoản 1 Điều 14 Quyết định 61/2024/QĐ-UBND.
- Đối với đất khác: Thửa đất sẽ không đủ điều kiện tồn tại nếu sau khi thu hồi có diện tích đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ dưới 50m2.
Đây được coi là giải pháp mạnh để xóa bỏ tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo gây mất mỹ quan đô thị vốn xuất hiện khá phổ biến sau mỗi dự án mở đường ở Hà Nội.
Cần nói thêm là để giải quyết tình trạng này, nhiều giải pháp cũng đã được đề ra trong đó có việc hợp thửa, hợp khối nhưng chỉ trên tinh thần khuyến khích, tự nguyện nên kết quả không như kỳ vọng. Ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, cho biết: "Việc hợp khối đấy có nhiều chủ đầu tư khác nhau, dẫn đến sự liên thông và giải quyết quyền lợi của tất cả các chủ đầu tư cũng có những vấn đề. Điều đó đòi hỏi phải có thỏa thuận giữa các chủ đầu tư với nha, để đảm bảo không chỉ có công năng sử dụng mà còn phải hình thái kiến trúc nữa".
Việc hợp thửa đất đối với các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại cũng đã được quy định rõ:
- Trường hợp người sử dụng đất có giấy tờ hợp pháp: UBND cấp huyện thông báo, hướng dẫn, tạo điều kiện cho người đang sử dụng đất thực hiện thỏa thuận về chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất để hợp thửa đất theo quy định…
- Trường hợp đất chưa được cấp Giấy chứng nhận nhưng đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận: UBND cấp huyện tiến hành kiểm tra, xét duyệt, thông báo, hướng dẫn người đang sử dụng đất thỏa thuận và thực hiện thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để hợp thửa đất…
Quy định này đã nhận được nhiều ủng hộ trong giới chuyên gia. Bên cạnh đó, có ý kiến đề xuất việc mở rộng thêm hành lang đất 2 bên đường và tổ chức đấu giá. Đây cũng là kinh nghiệm từ các nước phát triển.
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội, cho rằng: "Có thể ngăn chặn nhà siêu mỏng, siêu méo bằng việc mở rộng phạm vi, diện tích thu hồi 2 bên đường khi thực hiện quy hoạch áp dụng cơ chế góp đất, và điều chỉnh đất đai, tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi được bố trí tái định cư tại chỗ".
Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, cho biết: "Nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan đã dùng cơ chế góp đất và điều chỉnh đất đai trong việc mở đường tại các đô thị. Một phần đất còn lại sau khi đền bù được đấu giá để lấy tiền xây dựng con đường. Với phương thức này, lợi ích từ hạ tầng mới được chia sẻ hợp lý giữa Nhà nước và người đang sử dụng đất".
Đường Nguyễn Tuân mở rộng không còn nhà siêu mỏng, siêu méo
Đường Nguyễn Tuân đang thực hiện GPMB là dự án đầu tiên thực hiện Quyết định 61 của UBND thành phố. Đường Nguyễn Tuân mở rộng có điểm đầu giao với đường Nguyễn Trãi, điểm cuối đến ngõ 162 Nguyễn Tuân, dài 720m. Tuyến đường sẽ có mặt cắt ngang 21m, gồm phần lòng đường rộng 15m và 2 bên lề rộng 3m.
Để thực hiện Dự án, đến nay đã có 11 tổ chức và 160 hộ gia đình, cá nhân đồng thuận bàn giao mặt bằng. Trong đó có những diện tích không đủ điều kiện để xây nhà ở theo quyết định 61 của UBND thành phố
Ông Phạm Anh Đức (phố Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) cho biết: "Có những nhà chỉ rộng có 3m, sâu vào 4 m, có những nhà sâu có 2 m thôi nhưng trải dài đến 7, 8 m thì đó là những đặc thù rất khó khăn, bởi vì cái mưu cầu cuộc sống của mỗi người cần phải đảm bảo cho họ có chỗ để kinh doanh, bày bán trên mặt phố. Do đó, chỉ mong sao chính sách có thể giúp đỡ, người dân chúng tôi hoàn toàn ủng hộ để chúng ta cùng đồng lòng, dù nhà cửa có diện tích nào cũng phải được thực hiện chính xác, cụ thể".
Ồng Bùi Đức Hùng - Phó Giám đốc BQL Dự án quận Thanh Xuân, cho biết: "Diện tích nhỏ hơn 15 m2, và các cạnh tường nhỏ hơn 3 m, thì chúng tôi được phép cưỡng chế thu hồi. Trường hợp thứ 2, sau khi GPMB thì diện tích đất còn lại thuộc diện không có đường vào, không đủ điều kiện tách thửa theo quy định thì quận Thanh Xuân cũng sẽ tổ chức thu hồi. Tất nhiên, chúng tôi vẫn thực hiện theo đúng yêu cầu của thành phố, tiếp tục vận động để người dân tự nguyện cho phép thu hồi đất, tùy từng trường hợp cụ thể mà chúng tôi sẽ có báo cáo cụ thể với thành phố".
Không còn tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, sau khi hoàn thành, đường Nguyễn Tuân được kỳ vọng sẽ giảm ùn tắc giao thông, cảnh quan đô thị khu vực cũng được chỉnh trang, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Những quy định mới trong Quyết định 61 của UBND TP Hà Nội được đánh giá là cơ sở pháp lý quan trọng để các quận nội thành không có thêm những ngôi nhà siêu mỏng siêu méo như trước. Còn đối với những căn nhà siêu nhỏ, lô đất méo mó hiện vẫn đang tồn tại, thành phố đã yêu cầu các địa phương rà soát, thu hồi sử dụng vào mục đích công cộng.
Ngày 9/12 tới đây, huyện Thanh Oai, Hà Nội, tiếp tục đấu giá 19 thửa đất tại xã Đỗ Động với giá khởi điểm chỉ 5,3 triệu đồng/m².
Tại diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” do Đài PT-TH Hà Nội chủ trì tổ chức, các chuyên gia đã thảo luận chi tiết về điểm mới của Luật Đất đai 2024 trong việc định giá đất. Một trong số đó là bỏ khung giá đất và xây dựng bảng giá đất hàng năm tiệm cận với giá thị trường.
Nguồn vốn FDI đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự khởi sắc của thị trường bất động sản. Nhiều phân khúc đang có những diễn biến tích cực nhờ nguồn vốn ngoại.
Ngày 6/12, Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mỹ Đức sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 82 thửa đất tại khu lô 3 Đồng Chùa, thôn Kinh Đào, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.
Sáng 21/11, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã thảo luận dự thảo nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Theo trang dữ liệu batdongsan.com.vn, nhu cầu tìm mua bất động sản tại Việt Nam trong tháng 10/2024 tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
0