Hiện thực hoá khát vọng phát triển Hà Nội | Hà Nội tin mỗi chiều

Hiện thực hoá khát vọng phát triển Hà Nội; Hà Nội đã có 373 phiếu lý lịch tư pháp được cấp qua VNeID; Trẻ mầm non 5 tuổi ở các trường công lập được miễn học phí... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hiện thực hoá khát vọng phát triển Hà Nội

Ngày 28/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Có thể khẳng định, dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 bảo đảm chặt chẽ về kỹ thuật lập pháp, chất lượng các quy phạm pháp luật và xứng tầm với vị trí, vai trò của Thủ đô Hà Nội. Các đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian và tâm huyết đóng góp nhiều ý kiến cho Luật Thủ đô (sửa đổi).

Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Viết Thành.

Các đại biểu đều nhất trí dự thảo luật sửa đổi có tính kế thừa cao, bám sát các chủ trương, chính sách của Trung ương đối với sự phát triển của đất nước nói chung và Thủ đô trong thời gian tới nói riêng. Dự thảo Luật Thủ đô lần này đã cụ thể hóa khá đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều điểm mới thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 7 chương và 54 điều (giảm 5 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, trong đó bỏ 7 điều, bổ sung mới 2 điều). Dự thảo luật đã được rà soát, chỉnh lý theo hướng Luật Thủ đô chỉ quy định những cơ chế, chính sách đặc thù. Đặc biệt, dự thảo luật thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội, đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chính quyền thành phố trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội nêu ý kiến dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có những thay đổi căn bản và mang tính đột phá với tinh thần là trao quyền quyết định nhiều hơn cho Thủ đô trong việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quyết định khác biệt so với quy định chung của cả nước.

Tại kỳ họp này, bên cạnh xem xét, thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), Quốc hội cũng cho ý kiến về hai quy hoạch là quy hoạch Thủ đô và quy hoạch chung Thủ đô. Để tạo ra định hướng phát triển và mang tính chất đột phá theo các phương án quy hoạch đặt ra thì phải có cơ chế, chính sách để khai thác, huy động, sử dụng tốt nhất các nguồn lực cho phát triển. Cơ chế, chính sách để khai thác, tạo ra nguồn lực tốt nhất để phát triển Thủ đô phải được thể chế hóa thành một khuôn khổ luật pháp. Việc Quốc hội xem xét ba nội dung này cùng với nhau vừa tạo ra định hướng phát triển, vừa đưa ra các phương án để thực thi và đưa ra trong khuôn khổ về mặt pháp lý để tạo ra sự thay đổi, đột phá của Thủ đô trong thời gian tới.

Sự phát triển của Thủ đô sẽ tạo ra động lực lan tỏa cho khu vực và cho cả nước. Muốn vậy, việc sửa đổi Luật Thủ đô phải tính trong tổng thể mối quan hệ ràng buộc hữu cơ với các địa phương ở khu vực, của vùng và của cả nước. Yêu cầu này có thể được giải quyết thông qua các nội dung về quy hoạch đặt ra trong dự thảo luật. Quy hoạch Thủ đô phải tạo ra sự kết nối liên thông để Thủ đô có thể chia sẻ cho các địa phương nhiều nguồn lực phát triển và nhận lại về sự chia sẻ, đóng góp.

Sự phát triển của Thủ đô sẽ tạo ra động lực lan tỏa cho khu vực và cho cả nước. Ảnh: Hanoimoi.

Phát triển Thủ đô không phải trách nhiệm của riêng Thủ đô mà còn là trách nhiệm của cả nước. Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giúp Hà Nội giải quyết được các hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ.

Việc sửa đổi Luật Thủ đô thực sự là trách nhiệm nhưng cũng là tình cảm với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội". Với phạm vi điều chỉnh khá toàn diện, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được kỳ vọng góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và bảo đảm thực thi pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội để phát triển Thủ đô. Hy vọng rằng khi được thông qua, Luật Thủ đô sẽ giúp Hà Nội chủ động, linh hoạt bám sát tình hình thực tế hơn trong công tác quản lý, thực hiện quy hoạch với những cơ chế cụ thể tạo đà cho Hà Nội bứt phá, vươn lên tầm cao mới, xứng đáng là Thủ đô của cả nước.

Hà Nội đã có 373 phiếu lý lịch tư pháp được cấp qua VNeID

Từ ngày 22/4 đến 14/5/2024, Sở Tư pháp thành phố thực hiện tiếp nhận 3.206 hồ sơ đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID; tổng số hồ sơ đã trả kết quả điện tử về VNeID là 373 hồ sơ. Việc cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID được thực hiện với thủ tục đơn giản, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ; bảo đảm tính công khai, minh bạch, tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Hà Nội là một trong hai địa phương đầu tiên trên cả nước thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID). Thành phố cũng đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp, xây dựng 28 mô hình điểm về chuyển đổi số để triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 và Chỉ thị số 04 trên địa bàn Hà Nội trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Hà Nội đã có 373 phiếu lý lịch tư pháp được cấp qua VNeID. Ảnh: Kinh tế đô thị.

Từ ngày 1/6/2024, Hà Nội sẽ hỗ trợ 100% phí cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VneID cho công dân Việt Nam thường trú trên địa bàn thành phố Hà Nội. Người dân có thể ngồi tại nhà để thực hiện đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID chỉ với vài thao tác đơn giản trong vài phút. Phiếu lý lịch tư pháp điện tử này có thể sử dụng nhiều lần, nộp ở nhiều doanh nghiệp khác nhau, người dân không phải mất phí đề nghị cấp thêm bản giấy. Các cơ quan Nhà nước sẽ tái sử dụng các kết quả, phiếu lý lịch tư pháp điện tử để áp dụng ngay vào các thủ tục hành chính, không yêu cầu người dân xuất trình bản giấy, qua đó giảm chi phí và tiết kiệm cho xã hội. Theo ước tính, việc triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID hiện nay giúp người dân không chỉ tiết kiệm được thời gian, công sức mà còn tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết việc triển khai này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và chuyển đổi từng bước các quy trình cấp, ứng dụng phiếu lý lịch tư pháp từ thủ công sang quy trình điện tử, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Cùng với thành phố Hà Nội, việc thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID tỉnh Thừa Thiên Huế bắt đầu từ ngày 22/4 đến ngày 22/6. Từ việc thí điểm thành công, chính sách này sẽ được nhân rộng trên địa bàn cả nước, nhất là ở các địa phương có nhu cầu lớn về cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Trẻ mầm non 5 tuổi ở các trường công lập được miễn học phí

Đây là thông tin được nêu trong văn bản ngày 13/5 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện các khoản thu năm học 2024 - 2025. Bộ lưu ý các địa phương thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 81. Như vậy, tất cả trẻ mầm non 5 tuổi ở các trường công lập (chưa tự chủ) sẽ được miễn học phí bắt đầu từ ngày 1/9.

Nghị định 81 quy định trần học phí của tất cả bậc học giai đoạn 2021 - 2026. Ở mầm non, từ năm học 2022 - 2023, các trường công lập chưa đảm bảo chi thường xuyên (chưa tự chủ) được thu tối đa 50.000 đến 540.000 đồng mỗi học sinh mỗi tháng (tùy địa bàn). Hàng năm, mức này có thể tăng, nhưng không quá 7,5%. Do ảnh hưởng của Covid-19 nên chính sách trên chưa được thực hiện. Năm học vừa qua, các địa phương vẫn áp dụng mức thu từ 2021 trở về trước, cao nhất là 200.000 đồng một tháng.

Trẻ mầm non 5 tuổi ở các trường công lập được miễn học phí từ 1/9. Ảnh minh hoạ.

Trước đó, Nhà nước mới chỉ thực hiện miễn giảm đối với các đối tượng chính sách như trẻ khuyết tật, diện hộ nghèo, mồ côi, ở vùng sâu, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Việc Nhà nước đã phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi nhưng lại chỉ miễn học phí cấp tiểu học đã gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là học sinh vùng núi. Chính vì vậy, chính sách miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi ở các trường công lập rất có ý nghĩa để thúc đẩy phát triển giáo dục, tạo sự bình đẳng, mang lại cơ hội học tập cho mọi người.

Hiện nay, Nhà nước chưa đáp ứng đủ cơ sở trường lớp cho bậc học mầm non nên nhiều gia đình phải gửi trẻ vào trường tư thục. Số đông trong nhóm trẻ này lại là con em của công nhân, lao động tự do từ quê nghèo lên thành phố làm việc, không có hộ khẩu đúng tuyến nên không thể vào học trường công. Do đó, các chuyên gia giáo dục cũng đề nghị cần có chính sách hỗ trợ một phần học phí cho trẻ ở mầm non tư thục.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tối 17/11, ở chùa Bái Đính, một chương trình đặc biệt - Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông với thông điệp "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” một lần nữa khiến hàng ngàn khán giả cả nước rơi nước mắt.

Sẽ có gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành giai đoạn 2024 - 2025. Thông tin này được Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra trong phần tham luận tại Diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” do Đài Hà Nội tổ chức ngày 16/11.

Với những người trẻ, các hoạt động sôi nổi ở phố đi bộ Hồ Gươm có lẽ là điểm đến không thể thiếu mỗi dịp cuối tuần. Những hoạt động tại phố đi bộ còn có cả các buổi phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội với ekip khá chuyên nghiệp. Thế nhưng, ngay dưới bộ dụng cụ hành nghề của những ekip này đều gắn logo quảng cáo trá hình cho trang web cờ bạc như OK VIP.

Khoảng 40 nghìn khách tham quan trong một ngày - gần bằng những ngày đông khách nhất tại Bảo tàng Louvre của Pháp năm 2019, với 45.000 lượt người. Đó là con số ấn tượng của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - cũng là lượng khách cao kỷ lục mà một bảo tàng có thể thu hút được.

Hiện nay, tình trạng vỉa hè tại nhiều tuyến đường đang bị lấn chiếm một cách vô tội vạ. Lối đi dành riêng cho người đi bộ giờ lại hoá thành nơi buôn bán.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, khi có những tiêu chí thế nào là mê tín dị đoan, Bộ sẽ phát triển các công cụ mà nhìn vào hình ảnh có thể đánh giá được hành vi và báo sang Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xử lý.