Hiệu ứng kích thích kinh tế từ Taylor Swift
Cú hích kinh tế với các địa phương tổ chức lưu diễn
Theo ước tính của Pollstar, một ấn phẩm của ngành công nghiệp âm nhạc chuyên theo dõi doanh thu của các buổi hòa nhạc, Eras Tour của Taylor Swift đã thu về khoảng 1,04 tỷ USD từ 60 buổi biểu diễn vào năm 2023. Con số này khiến Eras Tour trở thành chuyến lưu diễn có doanh thu cao nhất mọi thời đại, vượt qua chuyến lưu diễn Farewell Yellow Brick Road của nam danh ca Elton John, vốn đã thu về khoảng 939 triệu USD. Tuy nhiên, Elton John phải mất đến 328 buổi biểu diễn mới đạt được doanh thu trên, gấp hơn 5 lần số lượng buổi diễn của Taylor Swift. Thành công của Eras Tour đã giúp Taylor Swift trở thành nữ tỷ phú đầu tiên nhờ doanh thu hoàn toàn từ âm nhạc.
Chuyến lưu diễn Eras Tour không mang lại số tiền khổng lồ cho Taylor Swift mà còn thúc đẩy nền kinh tế mỗi nơi cô đi qua. Tính riêng tại Mỹ, các nền tảng bán vé Ticket Master và Seat Geek ghi nhận doanh thu đáng kinh ngạc là 554 triệu USD và luôn trong tình trạng cháy vé khi ghế ngồi tại các sân vận động trên khắp đất nước chật kín. Ngoài việc mua vé xem ca nhạc, mỗi du khách còn chi thêm trung bình 1.300 USD cho chi phí khách sạn, ăn uống, đi lại và mua sắm. Từ quý 1 đến quý 3/2023, tour diễn của Taylor Swift đã nâng doanh số bán lẻ danh nghĩa ở Mỹ thêm 0,03% và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế tăng 0,02%. Theo tính toán của các nhà phân tích, trong cả năm 2023, Eras Tour chiếm 0,5% mức tăng trưởng tiêu dùng danh nghĩa.
20 thành phố của Mỹ mà Taylor Swift tổ chức hòa nhạc đều ghi nhận động lực tiêu dùng tăng vọt. Chẳng hạn, giá phòng khách sạn tại Chicago đã tăng 3,1% và doanh thu khách sạn trên mỗi phòng tăng 59% trong thời gian Taylor Swift biểu diễn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố Illinois tăng 0,5% từ chuyến lưu diễn của nữ ca sĩ nói riêng. Tổng cộng các buổi hòa nhạc tại Mỹ của Taylor Swift đã tạo ra 4,6 tỷ USD chi tiêu của người tiêu dùng.
Những động lực kinh tế tương tự cũng diễn ra ở châu Á vào đầu năm nay. Theo Mitsumasa Etou, Giảng viên ngành Nghiên cứu Tác động Kinh tế của Đại học Tokyo, Eras Tour ước tính tạo ra tới 34,1 tỷ yên, tương đương 230 triệu USD trong bốn ngày biểu diễn ở Nhật Bản từ 7-10/2. Tính riêng doanh thu bán vé đã thu về 5,4 tỷ yên. Ông Etou gọi chuyến lưu diễn này là sự kiện âm nhạc lớn nhất từ trước đến nay xét về tác động kinh tế được dự đoán, nơi Tokyo chứng kiến doanh thu tăng tối thiểu 25% mỗi đêm.
Chương trình chỉ được tổ chức ở Tokyo, do đó người hâm mộ Nhật Bản phải di chuyển từ khắp nơi trên toàn quốc để tham dự buổi biểu diễn. Ước tính người hâm mộ Nhật Bản đã phải trả chi phí đi lại khoảng 800 triệu yên và chi khoảng một tỷ yên cho chỗ ở. Đây được gọi là “hiệu ứng gợn sóng kinh tế”, khi các buổi hòa nhạc kích thích chi tiêu cho vận tải và du lịch.
Còn tại Australia, điểm dừng chân gần đây nhất của Taylor Swift, chuyến lưu diễn đã mở ra một làn sóng lợi ích kinh tế chưa từng có cho các thành phố Sydney và Melbourne. Các phòng khách sạn tại đây trải qua thời kỳ bận rộn nhất kể từ Thế vận hội Olympic Sydney 2000, với mức giá tăng vọt. Nhà hàng và quán bar chật cứng, và số lượng lớn người hâm mộ vung tiền mua hàng hóa. Thống kê cho thấy hơn 600.000 người đã tham dự chặng Australia của Eras Tour. Kỷ lục số người xem trong một đêm diễn là 96.000 người ở Melbourne và hơn 83.000 người ở Sydney. Ước tính các buổi biểu diễn của nữ ca sĩ đã bơm 150 đến 200 triệu USD vào nền kinh tế của mỗi thành phố.
Trong khi đó, Luật sư thuế Harry Dell tiết lộ rằng Taylor Swift sẽ phải trả 30% thuế cho Cơ quan Thuế Australia đối với thu nhập từ các buổi hòa nhạc. Điều đó có nghĩa là Chính phủ Australia thu được khoảng 10 triệu USD tiền thuế từ chuyến lưu diễn.
Một điều thú vị là Taylor Swift không chỉ có ảnh hưởng tới giới trẻ, mà còn cả các chính trị gia. Trong bài phát biểu cuối cùng trước khi chính thức nghỉ hưu tại Hạ viện Australia hôm 27/2, cựu Thủ tướng Australia Scott Morrison đã lồng ghép vào rất nhiều tên album và các ca khúc nổi tiếng của Taylor Swift. Bài diễn văn đã thu hút được sự tán thưởng nhiệt liệt từ Hạ viện. Được biết hai con gái của ông Morrison là “fan cứng” của nữ ca sĩ.
Cạnh tranh để độc quyền tổ chức Eras Tour
Những con số đáng kinh ngạc về kinh tế là lý do khiến nhiều quốc gia nỗ lực mời gọi Taylor Swift tổ chức biểu diễn tại đất nước họ. Trước sức hút của Eras Tour, Chính phủ Singapore đã “nhanh tay” chi hàng triệu USD để ký hợp đồng mời Taylor Swift biểu diễn độc quyền vào đầu tháng 3. Điều này khiến Singapore trở thành điểm dừng chân duy nhất ở Đông Nam Á của nữ ca sĩ, giúp kích thích nhu cầu du lịch đến đảo quốc sư tử.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin tiết lộ Singapore đã tài trợ hai đến ba triệu USD cho mỗi đêm diễn của Taylor Swift tại đây. Với tổng cộng 6 buổi biểu diễn, có nghĩa là Singapore đã mạnh tay chi khoảng 18 triệu USD. Nhà lãnh đạo Thái Lan nhận xét động thái của nhà chức trách Singapore là rất thông minh và đáng giá, thừa nhận sẽ hành động giống nước bạn nếu biết thỏa thuận trên.
Tờ Straits Times ước tính chuyến lưu diễn có thể mang đến lợi nhuận kinh tế 500 triệu USD cho Singapore, con số gấp nhiều lần chi phí đầu tư ban đầu.
Đối với các quốc gia nhỏ như Singapore, Eras Tour có thể mang đến nhiều cơ hội hơn thế. Phó giáo sư Lau Kong Cheen của Đại học Singapore nhận định các buổi biểu diễn có thể khôi phục lại danh tiếng của đất nước về mặt du lịch. “Hiệu ứng gợn sóng” từ chuyến lưu diễn khiến Singapore trông hiện đại, cởi mở và sôi động, tạo ra hình ảnh về một quốc gia mời gọi các hoạt động giải trí từ khắp nơi trên thế giới.
Theo Christopher Khoo, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn du lịch MasterConsult Services, việc Singapore hào phóng chi thêm một khoản phí để tổ chức độc quyền tour diễn của Taylor Swift là một chiến lược kinh doanh thông minh, dù không phải ý tưởng quá mới mẻ nhưng lại được triển khai nhanh chóng và rất đúng thời điểm.
Trên thực tế, các buổi biểu diễn của Taylor Swift đang thu hút hàng nghìn người đến Singapore, bao gồm cả người hâm mộ từ khắp Đông Nam Á và xa hơn nữa. Du lịch của nước này đang tăng nhanh chóng, đạt khoảng 80% mức trước đại dịch.
300.000 vé của buổi diễn đều đã “cháy hàng” ngay từ khi mở bán, trong đó có một lượng lớn người hâm mộ đến từ các quốc gia khác. Nhiều đại diện khách sạn và hãng hàng không Singapore tiết lộ rằng nhu cầu về chuyến bay và chỗ ở trong những ngày diễn ra concert của Taylor Swift đã tăng tới 30%.
Chuyến lưu diễn Eras Tour của Taylor Swift gây tiếng vang lớn vì tác động kinh tế lan tỏa, đồng thời đã đặt ra tiền lệ cho ngành giải trí nói chung. Khi các thành phố trên toàn thế giới cạnh tranh cơ hội tổ chức các sự kiện nổi bật tương tự, “hiệu ứng Taylor Swift” có thể trở thành hình mẫu về cách tận dụng sự kiện giải trí để đa dạng hóa chiến lược phát triển kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng.
Mối quan hệ tình cảm thúc đẩy kinh tế
Không chỉ làm bùng nổ lợi nhuận kinh tế tại các thành phố tổ chức Eras Tour, Taylor Swift còn đặc biệt thúc đẩy nền kinh tế tại thành phố Kansas, Mỹ, qua mối tình với cầu thủ bóng bầu dục nổi tiếng Travis Kelce. Sự xuất hiện của Taylor Swift tại các trận đấu bóng bầu dục nhằm ủng hộ bạn trai đã góp phần tăng thêm doanh thu và lợi nhuận cho các doanh nghiệp địa phương, cũng như thu hút thêm sự chú ý của công chúng tới môn bóng bầu dục.
Sau khi mối quan hệ của Taylor Swift với Travis Kelce được công khai, doanh số bán vé cho tất cả các trận đấu trên sân nhà của đội bóng bầu dục Kansas City Chiefs đã tăng gấp ba lần trong phần còn lại của mùa giải. Trong giai đoạn từ tháng 9/2023 đến tháng 1/2024, giá trị thương hiệu của đội bóng tăng lên 331,5 triệu USD. Các trận đấu của đội chứng kiến sự tăng đột biến lượng người xem, nhất là khán giả nữ.
Mối quan hệ giữa hai người nổi tiếng cũng mở ra rất nhiều cánh cửa để thành phố Kansas quảng bá hình ảnh. Theo phân tích của Google Trends, số lượt tìm kiếm về Kansas đã tăng hơn gấp đôi ở Mỹ trong ba tháng cuối năm 2023, và mức độ quan tâm tìm kiếm đối với các nhà hàng địa phương tăng vọt mỗi khi cặp đôi ghé thăm. Các doanh nghiệp địa phương cũng tăng vọt doanh thu, lượt xem trên các trang mạng xã hội và lưu lượng truy cập trang web trong vài tháng qua. Ngay sau sự xuất hiện của Taylor Swift trong chiếc áo của đội bóng bầu dục Chiefs, cửa hàng Westside Storey đã đạt được 100 đơn hàng trực tuyến. Đây là điều chưa từng có trong hai, ba ngày sau trận đấu trước đây.
Kansas cũng là một trong những địa điểm tổ chức Eras Tour. Thống kê cho thấy các buổi biểu diễn của Taylor Swift ở thành phố Kansas đã tạo ra doanh thu 88,8 triệu USD tiền vé. Người hâm mộ cũng mua các loại mặt hàng trị giá từ 1.300 - 1.500 USD trong suốt chuyến lưu diễn. Tổng cộng thành phố đã kiếm được khoảng 200 triệu USD chỉ từ Eras Tour vào mùa hè năm ngoái.
Trận chung kết giải bóng bầu dục nhà nghề Mỹ Super Bowl, sự kiện thể thao lớn nhất nước này, cũng hưởng lợi từ chuyện tình cảm giữa hai ngôi sao. Các trang thống kê thể thao nổi tiếng tại Mỹ đã cho biết trận Super Bowl 2024 đã thu hút hơn 123,4 triệu lượt người xem trên các nền tảng phát sóng, nhiều nhất trong lịch sử. Sự xuất hiện của Taylor Swift trên khán đài để cổ vũ cho bạn trai là cầu thủ Travis Kelce của đội Kansas City Chiefs cũng đã góp phần mang tới sức hút không hề nhỏ.
Dù một số khán giả thể thao trung thành phàn nàn và chỉ trích về việc giải đấu này chiếu hình ảnh của Taylor Swift quá nhiều trên màn hình, nhưng không thể phủ nhận sức hút của Taylor Swift đã “hâm nóng” bộ môn bóng bầu dục. Theo khảo sát của trang Lending Tree, 13% người Mỹ quan tâm bóng bầu dục hơn nhờ Taylor Swift.
Có thể thấy rõ rằng sức hấp dẫn của người nổi tiếng có thể vượt qua ranh giới văn hóa để khơi dậy những lợi ích kinh tế. Khi các quốc gia, các thành phố và doanh nghiệp tìm cách tận dụng những cơ hội tương tự, những bài học thu được từ “hiệu ứng Taylor Swift” có thể thúc đẩy những nỗ lực trong tương lai nhằm khai thác sức mạnh kinh tế của các biểu tượng giải trí toàn cầu.
Việc kiểm soát biên giới và xử lý người nhập cư bất hợp pháp đã trở thành trọng tâm trong suốt chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ngay sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, ông đã bắt tay vào thực hiện kế hoạch. Bước đầu tiên là ông đề cử những nhân vật có quan điểm cứng rắn về nhập cư vào các vị trí chủ chốt trong nội các mới của mình.
Ngày 21/11, Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu đã lên án quyết định của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ ông và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant với cáo buộc tội ác chiến tranh ở Gaza, cho rằng đây là quyết định "chống Do Thái".
Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa bế mạc tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil). Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này chính là vấn đề chống đói nghèo và bất bình đẳng.
Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Azerbaijan được coi là Hội nghị tài chính khí hậu vì các quốc gia đặt ra mục tiêu sau 10 năm nữa, nguồn tài chính khí hậu phải đạt ít nhất là 1.000 tỷ USD mỗi năm.
Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.
Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.
0