Hình ảnh đầu tiên về tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội
Dự án đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội sử dụng 10 đoàn tàu được nhà sản xuất Alstom (Cộng hòa Pháp) thiết kế riêng. Với chủ đề “Hành trình xanh”, đoàn tàu gồm ba màu xanh lá mạ, hồng đỏ và trắng. Màu đỏ tượng trưng cho quả thanh long, màu xanh tượng trưng cho cây lúa. Thiết kế này đã đạt giải thưởng thiết kế ngoại thất tại Pháp.
Ông Nguyễn Bá Sơn - Phó Trưởng ban Ban Quản lý đường sắt Hà Nội chia sẻ: “Tuyến sắt thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội (Tuyến sắt độ thị số 3) được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, các thiết bị và hệ thống điều khiển đều áp dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Chúng tôi tin rằng, tuyến này là một tuyến tốt, chất lượng an toàn, đầy đủ tiện nghi phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân”.
Phó Trưởng ban Ban Quản lý đường sắt Hà Nội cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đã đào tạo được 353 nhân sự cần được đào tạo cho dự án này. Các nhân sự này cũng đã thực hiện vận hành thử trong vòng hơn hai tháng và họ đã minh chứng được khả năng vận hành của họ, được tư vấn chứng nhận an toàn hệ thống của Pháp đánh giá đảm bảo tính sẵn sàng. Chúng tôi tin tưởng bộ máy này sẽ vận hành tốt”.
“Toàn bộ công tác thi công cũng như các thủ tục cần thiết cho công tác nghiệm thu dự án đã hoàn thành và có đầy đủ điều kiện để đưa vào vận hành thương mại. Tuy nhiên theo quy định, UBND thành phố Hà Nội cấp quyết định đầu tư của dự án sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về thời điểm đưa tuyến vào vận hành thương mại. Trong buổi kiểm tra hiện trường ngày 6/8, Chủ tịch thành phố Hà Nội cũng đã yêu cầu các bên hoàn thiện thủ tục cuối cùng để đưa tuyến vào vận hành thương mại trong đầu tháng 8. Hiện nay chúng tôi cũng đang chờ văn bản chính thức của thành phố Hà Nội về ngày sẽ vận hành”, ông Sơn chia sẻ thêm.
Toàn bộ tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội có 12,5 km và đã hoàn thành toàn bộ 8,5 km đoạn đi trên cao, sẵn sàng đưa vào vận hành thương mại. Đối với 4 km tuyến đi ngầm vẫn tiếp tục triển khai thi công. Ngày 30/7, đơn vị đã khởi công khoan hầm bằng máy đào hầm TBM.
Hiện nay, máy đào hầm vẫn tiếp tục làm việc 24/24h cả tuần. Theo kế hoạch, toàn bộ đoạn hầm này sẽ được hoàn thành vào tháng 11 năm 2025. Sau đó, các nhà thầu tiến hành lắp đặt thiết bị vào nhà ga và lắp đặt đường ray trên toàn bộ tuyến hầm, tích hợp các hệ thống để đưa toàn bộ đoạn ngầm cũng với đoạn trên cao vào vận hành vào năm 2027 theo đúng tiến độ.
Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo đơn vị vận hành xe buýt điều chỉnh lại các luồng tuyến xe buýt nhằm kết nối, các tuyến xe buýt vào các ga trên cao của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội giúp hành khách di chuyển thuận lợi.
Để chuẩn bị đưa dự án vào vận hành thương mại, ngoài các thủ tục về nghiệm thu, các nhà thầu thi công cũng đã tiến hành vệ sinh công nghiệp toàn bộ nhà ga trên cao, rà soát toàn bộ hệ thống để đảm bảo tính sẵn sàng dự án.
TS. Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Hà Nội Metro chia sẻ: “Thứ nhất về phần tàu, đoàn tàu của tuyến 3.1 có bốn toa như tuyến Cát Linh – Hà Đông, nhưng tuyến Cát Linh – Hà Đông có sức chứa 960 hành khách (bao gồm khách ngồi và đứng), tỷ lệ ghế ngồi là 144/960 (95%). Còn tuyến Nhổn – Ga Hà Nội có sức chứa 944 hành khách (bao gồm khách ngồi và đứng), nhưng tỷ lệ ghế ngồi chỉ chiếm 10%”.
Chia sẻ thêm về sự khác biệt giữa hai tàu, TS. Vũ Hồng Trường cho hay: “Khác biệt thứ hai của tàu tuyến Cát Linh – Hà Đông với tàu tuyến 3.1 là tốc độ và tính năng gia tốc của tàu 3.1 cao hơn. Khi trải nghiệm có thể thấy, lúc bắt đầu tàu sẽ dúi một cái nhưng mà rồi sẽ quen vì đó là theo tiêu chuẩn của châu Âu. Một đặc điểm nữa là đối với tuyến tàu 3.1 có nút chống ngủ gật, cho nên trong quy trình tác nghiệp của lái tàu không phải cứ mỗi một bến là phải xuống, đi ra. Tuyến này còn có camera để lái tàu không phải rời vị trí tàu”.
TS. Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Hà Nội Metro cho biết thêm: “Thời điểm này, về phía đơn vị tiếp nhận, chúng tôi đã chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng đưa vào vận hành, phục vụ nhu cầu người dân một cách tốt nhất. Tất cả kinh nghiệm và bài học từ tuyến Cát Linh – Hà Đông đã vận hành được ba năm đã được chúng tôi rút kinh nghiệm để phối hợp với chủ đầu tư, các đơn vị liên quan để phục vụ vận hành tuyến 3.1 một cách tốt nhất. Chúng tôi đã tiếp cận với dự án này rất sớm.
Ở giai đoạn nước rút, chúng tôi đồng thời triển khai 7 nhóm công việc: Hình thành tổ chức tiếp nhận; Đào tạo và tuyển dụng nhân sự; Phối hợp với chủ đầu tư vận hành thử; Phối hợp với chủ đầu tư và tư vấn để rà soát các quy trình bảo dưỡng của tuyến; Phối hợp với chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thực hiện những nhiệm vụ đánh giá an toàn hệ thống; Xây dựng phương án vận hành trong giai đoạn đầu khai thác và những giai đoạn tiếp theo; Chuẩn bị xây dựng đơn giá tạm, đặt hàng, chính sách giá vé. Đến hôm nay, tất cả nhiệm vụ chúng tôi đặt ra đã được thực hiện theo đúng tiến độ, đưa vào vận hành một cách tốt nhất”.
1. Thông tin về tuyến:
Đoạn trên cao: Chiều dài 8,5 km từ Nhổn đến Cầu Giấy, bao gồm 8 ga:
Nhổn (S1); Minh Khai (S2); Phú Diễn (S3); Cầu Diễn (S4); Lê Đức Thọ (S5); Đại Học Quốc Gia (S6); Chùa Hà (S7); Cầu Giấy (S8).
2. Thông tin vận hành tuyến:
(I) Trong 03 tháng đầu:
- Giờ mở tuyến: 05h30
- Giờ đóng tuyến: 22h00
- Giãn cách chạy tàu: Đều đặn 10 phút/chuyến.
(II) Trong thời gian tiếp theo:
Tuỳ theo nhu cầu hành khách sẽ điều chỉnh cho phù hợp để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách trên tuyến.
3. Về giá vé:
(I) Vé lượt (vé chặng): Đi một ga 8.000đ và đi cả tuyến 12.000 đồng/lượt.
(II) Vé ngày: 24.000 đồng, có giá trị trong một ngày và không hạn chế số lượt.
(III) Vé tháng (phổ thông, ưu tiên):
- Phổ thông: 200.000 đồng/ tháng;
- Ưu tiên đối với học sinh, sinh viên là 100.000 đồng/ tháng.
(IV) Vé tập thể: 140.000 đồng/ tháng.
(V) Vé miễn phí: Dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, người cao tuổi trên 60 tuổi, người khuyết tật.
(VI) Trong 15 ngày đầu tuyến đi vào khai thác thương mại, toàn bộ hành khách được phục vụ miễn phí theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.
Cách đây đúng một năm, bờ vở sông Hồng còn là một bãi rác phía sau thành phố, chứa khoảng 200 tấn rác thải, cỏ dại mọc um tùm. Nhờ sự chung tay góp sức của cộng đồng, bãi đất hoang đầy rác 9.000m² đã thay da đổi thịt thành không gian xanh.
Khu dân cư mới và Khu đất dịch vụ phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, được đầu tư hạ tầng tương đối đồng bộ. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, khu vực này bị để hoang hóa, rác thải, phế thải đổ bừa bãi khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường.
Dự án cải tạo nâng cấp Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Phúc Thọ là công trình trọng điểm, Ban Quản lý dự án Đầu tư - Xây dựng huyện xác định đảm bảo an toàn lao động trong quá trình thi công phải được đặt lên hàng đầu.
Theo thông tin từ Ban Tổ chức Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam lần thứ hai, triển lãm lần này có chủ đề “Hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển”, sẽ được tổ chức với quy mô lớn hơn lần thứ nhất, diễn ra nhiều hoạt động phong phú và hấp dẫn.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải đã ký ban hành Kế hoạch số 310 về việc phát triển, nâng cấp, triển khai mở rộng nền tảng Công dân Thủ đô số - iHanoi trên địa bàn thành phố giai đoạn 2025 – 2026.
Triển khai kế hoạch hoạt động đối ngoại của thành phố Hà Nội năm 2024, Đoàn đại biểu cấp cao thành phố do đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc chính thức tại Ai Cập và Nam Phi từ ngày 24/10 đến 1/11.
0