Hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm trong văn hóa người Việt

Trong đời sống của người dân Việt, hình ảnh Quán Thế Âm đã ăn sâu vào trong tâm khảm của nhiều người, được biểu hiện nơi nhiều phương diện của đời sống, ở trong những tác phẩm văn học và trong lĩnh vực nghệ thuật - trong đó, nổi bật là tác phẩm văn học dân gian Quan Âm Thị Kính

Bồ Tát Quán Thế Âm tiếng Sankrit gọi Avalokiteśvara dịch sang tiếng Hán là Quan Thế Âm hay Quán Tự Tại. Theo kinh điển Phật giáo, đây là vị Bồ tát hiện thân trong mọi hình tướng để cứu độ chúng sinh, nhất là trong các nạn lửa, nước, quỷ dữ và đao kiếm. Quán Thế Âm mang ý nghĩa là xem xét, quán sát âm thanh của thế gian mà cứu khổ cứu nạn.

Ngày vía Quán Thế Âm Bồ Tát là ngày nào?

Theo quan niệm Phật giáo, có ba ngày quan trọng gắn với cuộc đời của Bồ tát Quan Thế Âm đó là: 19/2 kỷ niệm Bồ tát Quan Thế Âm đản sinh, 19/6 kỷ niệm Bồ tát Quan Thế Âm thành đạo, 19/9 kỷ niệm Bồ tát Quan Thế Âm xuất gia. Giải thích một cách dễ hiểu thì “vía” ý chỉ những ngày kỷ niệm của các vị Bồ Tát, các vị Thánh và các vị bề trên. Và hôm nay (19/6 âm lịch) theo lịch Phật là kỷ niệm Đức Quán Thế Âm Bồ Tát thành đạo.

Chùa Dâu, Bắc Ninh

Ý nghĩa của danh hiệu Quán Thế Âm

Theo Phật giáo, khi tu thành chính quả, thì ngũ giác tương thông. Lúc đó, mắt có thể thấy, tai có thể nghe được mọi đau khổ, lầm than của chúng sanh. Theo đó, danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát mang ý nghĩa vị Bồ Tát luôn nhìn và nghe thấy nỗi đau của loài người và luôn sẵn sàng cứu giúp những người đang trong khốn cảnh đó.

Trên bình diện triết lý, Quán Thế Âm là nhân cách hóa của đức hạnh từ bi. Do vậy, ai sống với hạnh nguyện “sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ” chính là đặc sứ của Quán Thế Âm, hay chính là hiện thân của Đức Quán Thế Âm. Nói cho dễ hiểu, Bồ Tát Quán Thế Âm không nhất thiết ở trong rừng trúc, tay cầm cành dương liễu và tịnh bình, mà ngay trong cuộc sống này, bạn gặp ai cho bạn sự lắng nghe, sự không sợ hãi, đó đều là một sự hóa hiện của Ngài.

Hình ảnh Đức Quán Thế Âm trong tác phẩm văn học Việt Nam

Sự tích Quan Âm Thị Kính được lưu truyền phổ biến trong dân gian Việt Nam từ xưa qua nghệ thuật hát chèo, truyện thơ và gần đây nhất là truyện văn xuôi. Theo tác giả Nguyễn Lang, sách Việt Nam Phật giáo sử luận, tập II, “Truyện thơ Quan Âm Thị Kính (bản Nôm) hiện chưa xác định được sáng tác trong thời gian nào. Bản Việt ngữ do Nguyễn Văn Vĩnh ấn hành năm 1911, gồm 788 câu lục bát và một lá thư Kính Tâm viết cho cha mẹ bằng văn biền ngẫu”. Cứ vào nội dung của truyện Quan Âm Thị Kính thì có thể đây là một dị bản của Phật giáo Cao Ly (Triều Tiên): “Thị Kính là con gái của nhà họ Mãng, quận Lũng Tài, thành Đại Bang, nước Cao Ly”. 

Tuy vậy, bối cảnh của câu chuyện Quan Âm Thị Kính liên quan mật thiết đến một ngôi chùa cổ ở miền Bắc nước ta, Pháp Vân tự (chùa Dâu, Bắc Ninh). Và Phật Bà chùa Dâu được xem là Phật Bà Quan Âm Thị Kính, “Xem trong cõi nước Nam ta/Chùa Vân có Đức Phật Bà Quan Âm”. Hình ảnh Quan Âm Thị Kính bồng con trên tay, qua nhiều dị bản rất gần gũi và tương đồng với những câu chuyện về Quan Âm đồng tử và Quan Âm tống tử. Theo các nhà nghiên cứu, tượng Quan Âm tay ôm đồng tử lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử tín ngưỡng tượng hình tại Việt Nam vào thế kỷ thứ XVII và đã trở nên nổi tiếng vào thế kỷ thứ XVIII, hiện nay vẫn còn bảo lưu tại nhiều chùa.

Một cảnh trong vở chèo Quan Âm Thị Kính

 Truyện “Quan Âm Thị Kính”, tác giả khuyết danh, đã được lưu truyền trong dân gian nước ta bao đời, qua nhiều hình thức như kịch, phim, tuồng, chèo, kịch múa đương đại… và đặc biệt nhất là truyền lưu dưới dạng truyện thơ lục bát dễ nhớ, dễ thuộc, nên dân ta thường dùng làm lời ru êm ái du dương bên võng nôi cho hài nhi nghe trước khi đi vào giấc ngủ an lành. Nội dung câu chuyện có thể tóm tắt như sau:

Tiền kiếp của đức Quan Âm là một người đàn ông tu hành tinh tấn gần đạt chứng quả  nhưng khi đến cửa ải thử thách về ái dục thì ông rơi vào mê muội, buột miệng hẹn thề kiếp sau sẽ nên duyên trăm năm với giai nhân. Vì vậy, ông bị đầu thai làm con gái họ Mãng ở Cao Ly Quốc, chịu một kiếp người đầy gian nan thử thách. Người con gái ấy tên là Thị Kính, tài sắc vẹn toàn, lớn lên được cha mẹ gả cho thư sinh tên là Sùng Thiện Sĩ, vợ chồng sống rất êm ấm. Nhưng một hôm, khi Thị Kính ngồi khâu bên chồng, người chồng đọc sách rồi mệt mỏi tựa vào vợ mà thiếp đi, nàng nhìn thấy nơi cằm chồng có sợi râu mọc ngược, sẵn dao nơi tay nàng định cắt cái chướng mắt ấy. Bất ngờ, người chồng giật mình mở mắt, tưởng vợ có ý giết mình liền tri hô, nhà chồng buộc nàng tội âm mưu sát hại chồng, trả nàng lại về nhà cho cha mẹ ruột. Thị Kính oan ức không bày tỏ được cùng ai, định tự vẫn nhưng vì nghĩ đến cha mẹ già yếu nên không nỡ dứt tình, bèn quyết chí đi tu. Nàng giả dạng thành nam nhi để đến chùa Vân Tự xin thế phát quy y, được sư cụ thu nhận rồi đặt cho pháp danh là Kính Tâm. 

Xuất gia học Phật được một thời gian, nhờ câu kinh tiếng kệ mà nỗi buồn phiền trong lòng Thị Kính vơi đi rất nhiều, nhưng oan khiên nghiệp chướng đâu đã từ bỏ. Nguyên trong làng có con gái của một phú ông tên là Thị Mầu thường hay đến lễ chùa, thấy chú tiểu Kính Tâm cốt cách trang nhã thanh tao liền đem lòng yêu thương say đắm, cứ theo ngỏ lời ong bướm gió trăng, nhưng chú tiểu Kính Tâm lại thờ ơ lạnh nhạt, không muốn tiếp xúc giao du. Thị Mầu tương tư, mơ tưởng nguyệt hoa quá mức, nên lửa dục bốc lên không kiềm chế được, bèn thông dâm với một tên tôi tớ trong nhà hậu quả là có mang. Chuyện không giấu diếm được, vỡ lở ra cả làng, làng tra hỏi thì Thị Mầu khai cha đứa bé chính là… chú tiểu Kính Tâm. Bị vu tội oan ức khó bày tỏ, Kính Tâm đã bằng tâm từ bi của người xuất gia mà nhận lấy sự trừng phạt của làng, cũng như gánh chịu bao lời đàm tiếu nhục mạ.

Thị Mầu sinh được một đứa con trai, mang đến chùa bắt Kính Tâm nuôi dưỡng, Kính Tâm vẫn nhẫn nhục nhận con người để nuôi nấng cho đến khi đứa bé được ba tuổi. Cho đến một hôm biết mình đã đến ngày siêu hóa, Kính Tâm gọi con trai nuôi đến dặn dò, rồi viết một bức thư để lại cho cha mẹ trước khi thanh thản rời khỏi chốn bụi trần khổ lụy. Lúc các sư trong chùa liệm thi hài của người ra đi, mọi người mới hay Kính Tâm chính là một nữ nhân. Làng hay, bắt phú ông lo việc ma chay chôn cất cho chu đáo. Thị Mầu xấu hổ phải tự vẫn. Thị Kính được Phật Thiên Tôn truyền cho lên trời làm Phật Quan Âm. Cha mẹ cũng như đứa con trai nuôi của Thị Kính cũng được siêu thăng về cõi Tịnh Độ. Riêng người chồng của Thị Kính năm xưa thì bị hóa thành con vẹt… Sau dân ta có thờ hình tượng Quan Âm Thị Kính luôn có một hài nhi theo hầu, được gọi là Quan Âm Tống Tử. Truyện “Quan Âm Thị Kính” bằng thơ lục bát được chia thành 31 đoạn, dài 788 câu, rất sinh động và dễ hiểu. 

Ảnh minh họa

Từ dân gian truyền khẩu, nếu ở Trung Quốc có hình tượng sống động của một đức Quan Âm Diệu Thiện, được thờ cúng nhiều nơi, thì ở nước ta có hình bóng đức Quan Âm Thị Kính đi vào trong tâm tưởng, thần thức của bao thế hệ. Quan Âm Thị Kính là câu chuyện cảm động về một kiếp người vượt qua nhiều nghịch duyên oan trái, kiên tâm, nhẫn nhục, giữ tròn đạo hạnh tu hành cho đến khi đắc đạo, trở thành vị Bồ tát linh thiêng huyền nhiệm cứu độ biết bao người qua khổ đau. Câu chuyện Quan Âm Thị Kính với giá trị tư tưởng to lớn của mình đã có những ảnh hưởng lớn đến nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam hiện đại, và trở thành một trong những tác phẩm được chuyển thể nhiều nhất chỉ đứng sau Truyện Kiều

Tổng hợp

 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
Từ khóa:
user image
user image
User
Ý KIẾN

Do giá vé máy bay tăng cao, nhiều công ty lữ hành chọn giải pháp phát triển sản phẩm đường bộ, đường thủy, đường sắt trong dịp hè 2024.

Ngày 17/5 tới đây, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ diễn ra lễ khai mạc Triển lãm “Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ”.

Trải qua hàng trăm năm phát triển, làng Cự Đà thuộc xã Cự Kê, huyện Thanh Oai, Hà Nội, vẫn giữ cho mình vẻ đẹp yên bình, cổ kính. Đây là điểm đến thú vị với những ai muốn tìm hiểu về nét văn hoá đặc trưng của vùng Bắc Bộ xưa.

Đàm Vĩnh Hưng – một ca sỹ nổi tiếng và nhiều tai tiếng đang gây tranh cãi sau khi mắc thêm lỗi đeo huân chương rất phản cảm, gợi nhớ hình ảnh tôn vinh quân đội chế độ cũ trong một thời điểm nhạy cảm: dịp kỷ niệm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Không ít ý kiến cho rằng cần có hành động xử lý cứng rắn hơn, trước khi ca sỹ này có thể tiếp nối những trò lố gây hại khác không chỉ về văn hóa

Sáng 14/5, trong phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành cho ý kiến và thông qua Quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Qua thảo luận, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao cần thiết, cấp bách phải trình Quốc hội thông qua.

Bộ trang phục của Đàm Vĩnh Hưng trong liveshow “Ngày em thắp sao trời” tối 4/5 tại TP HCM đã gây tranh cãi trong dư luận. Tới đây, liveshow này sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 18/5, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã yêu cầu đơn vị tổ chức và phía Đàm Vĩnh Hưng cam kết các vấn đề liên quan đến trang phục đảm bảo đúng quy định pháp luật.