Hồ sơ chiến tranh Ukraine - Phần 2

Là một quốc gia được tách ra từ Liên bang Xô Viết cũ, Ukraine vốn có nhiều mối quan hệ gần gũi với Nga, cả về văn hóa, quân sự, chính trị. Nhưng ở vào thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XXI, cùng với những biến động nội bộ và những chính sách ngoại giao của mình, Ukraine lại rơi vào vòng xoáy của cuộc xung đột địa chính trị giữa Nga và các quốc gia khác trong khu vực.

Trong con mắt của người Nga, phương Tây đang chuẩn bị cho một cuộc chiến toàn diện chống lại Nga một cách trực tiếp hoặc gián tiếp tùy hoàn cảnh. Và mục đích của cuộc chiến đó là đánh quỵ nước Nga như họ đã từng làm với Liên bang Xô Viết.

Là một quốc gia được tách ra từ Liên bang Xô Viết cũ, Ukraine vốn có nhiều mối quan hệ gần gũi với Nga, cả về văn hóa, quân sự, chính trị. Nhưng ở vào thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XXI, cùng với những biến động nội bộ và những chính sách ngoại giao của mình, Ukraine lại rơi vào vòng xoáy của cuộc xung đột địa chính trị giữa Nga và các quốc gia khác trong khu vực.

Có lẽ rằng người Nga đã bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc chiến gần như là trực tiếp với NATO từ sau sự kiện xung đột với Gruzia vào năm 2008. Trong 2 cuộc chiến với Chechnya, người Nga biết rằng phương Tây gián tiếp tài trợ cho các lực lượng ly khai Chechnya thông qua các nhóm hồi giáo mà họ đã hỗ trợ trong chiến tranh Afghanistan 1979-1989 với mục đích khiến cho Nga bị sa lầy vào một cuộc nội chiến.

Ở Gruzia năm 2008, người Nga đã nhận thấy rằng NATO đã bắt đầu trực tiếp trang bị cho một quốc gia có thể gây chiến với lực lượng thân Nga ở Nam Ossetia và Abkhazia. Cùng khoảng thời gian mà Saakashvili lên nắm quyền tại Gruzia (và dẫn tới cuộc chiến 2008) thì một nhân vật khác thân phương Tây cũng lên nắm quyền ở Ukraine (tổng thống Yuschenko lên nắm quyền năm 2004 sau các hỗn loạn xã hội tương tự như ở Maidan 10 năm sau).  

Lực lượng Nga kéo về biên giới Gruzia trong cuộc chiến năm 2008. (Ảnh: AP)

Vào lúc đó, rất có thể Putin đã tin rằng sớm hay muộn, NATO sẽ biến Ukraine thành một Gruzia khác trong cuộc xung đột với Nga. Mặc dù người Nga đã thành công ở Gruzia trong chiến tranh 2008 và sau đó tổng thống Saakashvili bị thất cử và trở thành tội phạm phải lưu vong, nhưng cuộc chiến đó đã bộc lộ rõ sự lạc hậu của lực lượng vũ trang Nga. Quân Nga đã chiến thắng trong cuộc chiến 2008 là do: (I) sự dũng cảm của binh sỹ và tướng lĩnh Nga tại Quân khu Bắc Caucasus chứ không phải do trình độ kỹ thuật, hậu cần của Nga, và (II) quy mô nhỏ bé của quân đội Gruzia.

Binh lính Nga tại Gruzia năm 2008. Trang bị của họ không khác gì quân đội Xô Viết những năm 1990.

Các phân tích cho thấy, nếu phương Tây tách được Ukraine khỏi ảnh hưởng của Nga và NATO trang bị vũ khí cho Ukraine thì vấn đề của Nga sẽ trở nên vô cùng nghiêm trọng. 

Vào thời điểm Liên Xô tan rã, các nước Baltic là nơi sản xuất thiết bị điện tử, bán dẫn lắp trên các vũ khí của Liên Xô; và Ukraine là nơi sản xuất xe tăng, thiết giáp, tàu chiến, máy bay, tên lửa; nơi nghiên cứu và sản xuất các loại hợp kim đặc biệt, các loại động cơ cho toàn bộ các khí tài của liên bang. Các phòng thiết kế từ xe tăng tới máy bay, tên lửa và tàu chiến cũng chủ yếu nằm tại Ukraine chứ không phải ở Nga.

Trước nguy cơ trở thành một quốc gia có quân đội và lượng vũ khí lớn nhất Liên bang Xô Viết cũ nhưng lại không có nền công nghiệp quốc phòng đáng kể (từ nghiên cứu tới sản xuất nguyên liệu cơ bản và động cơ), người Nga đã phải cố làm tất cả những gì có thể. Họ chấp nhận trách nhiệm trả toàn bộ các khoản nợ của Liên bang Xô Viết để đổi lại việc nhận về càng nhiều vũ khí hạng nặng càng tốt - từ máy bay ném bom chiến lược tới tàu chiến. Đối với Hạm đội Biển Đen, thậm chí tình báo Nga đã phải kích động các binh lính và sỹ quan của hạm đội từ chối tuyên thệ trung thành với Ukraine (dù rằng theo nguyên tắc đã thống nhất thì quân đội đóng ở đâu sẽ thuộc về quốc gia nơi đóng) để tuyên thệ trung thành với Nga. Trong 10 năm sau đó, người Nga dùng khí gas và dầu giá rẻ cung cấp cho Ukraine để đổi lại động cơ, thép và các phụ tùng mà họ không thể sản xuất được cho vũ khí hạng nặng của mình.

Vào năm 2004, khi Yuschenko lên nắm quyền tại Ukraine, một cơn ác mộng có thể xảy ra với Nga là Ukraine sẽ cắt bỏ toàn bộ các hoạt động hợp tác quân sự với Nga (khiến cho toàn bộ hải quân, không quân của Nga sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì không có phụ tùng thay thế). Thêm vào đó, nếu lực lượng quân đội Ukraine được NATO tái trang bị lại và trở nên thù địch với Nga thì tình hình sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Cái bắt tay giữa hai nhà lãnh đạo Ukraine và Mỹ vào năm 2005

Dưới thời Liên bang Xô Viết, Hồng quân có hai cụm mạnh nhất, được trang bị hiện đại nhất đóng tại Đông Đức và Ukraine. Các lực lượng Hồng quân đóng tại Nga và Belarussia đều được trang bị và huấn luyện kém hơn cụm quân tại Đông Đức (đối đầu trực tiếp với NATO) và cụm tại Ukraine (bảo vệ trung tâm kinh tế, quân sự quan trọng nhất của Liên bang Xô Viết). Theo thỏa thuận với Tây Đức và Mỹ, cụm Hồng quân từ Đông Đức rút về đã được giải thể. Trong khi đó toàn bộ lực lượng Hồng quân tại Ukraine đã trở thành nòng cốt của quân đội Ukraine sau này.

Các yếu tố trên dẫn tới một vấn đề nghiêm trọng là, nếu Ukraine chuyển hướng  theo NATO mà Nga chưa kịp xây dựng lại nền công nghiệp quốc phòng (từ nguyên liệu cơ bản như thép, hợp kim tới các thiết bị tinh vi như thiết bị bán dẫn và điện tử, với sản phẩm hoàn thiện cho cả hải, lục, không quân và lực lượng tên lửa chiến lược) thì nước Nga sẽ là một người khổng lồ có đôi chân đất sét khi quân đội của họ không có nền công nghiệp quốc phòng hỗ trợ.

Thêm vào đó, quân đội Ukraine cho tới năm 2000 không phải trải qua thiệt hại của các cuộc chiến. Nếu chất lượng của đội quân này đi xuống thì chỉ là vì họ tự thoái hóa. Trong khi đó quân đội Nga đã phải trải qua hai cuộc chiến dài ngày tại Chechnya và một cuộc chiến ngắn ngày tại Gruzia. Lực lượng quân sự của Nga bị tổn thất qua các cuộc chiến này, đặc biệt là trong hai cuộc chiến tại Chechnya. Về số lượng, quân đội Ukraine đứng thứ 2 ở châu Âu, chỉ sau quân đội Nga. Các sỹ quan của Ukraine hiểu quân đội Nga như trong lòng bàn tay vì trước năm 1991, họ là một và sau năm 1991 quân đội Nga không có nhiều thay đổi cả về khoa học, kỹ thuật, tổ chức, chiến thuật, chiến lược. Trong khi đó, nếu quân đội Ukraine được sự hỗ trợ của NATO về vũ khí, tổ chức, hậu cần và tình báo thì dù Ukraine có quy mô kinh tế, dân số nhỏ hơn Nga nhưng với sự hiểu biết về Nga và các hỗ trợ kỹ thuật, tình báo từ phương Tây, quân đội Ukraine sẽ là đối thủ ngang ngửa với quân đội Nga.

Người Nga nhận thức được vấn đề trên nên sau khi Yuschenko lên nắm quyền ở Ukraine, họ đã bắt đầu đẩy nhanh tốc độ xây dựng lại nền công nghiệp quốc phòng. Tuy nhiên, chỉ sau cuộc chiến với Gruzia năm 2008 với sự thật phũ phàng về quân đội bị phơi bày, người Nga mới dồn lực vào phát triển công nghiệp quốc phòng và tái trang bị vũ khí, khí tài cho quân đội. Sau năm 2008, lần đầu tiên sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, Putin (lúc đó là thủ tướng) đưa ra một chương trình hiện đại hóa quân đội với một ngân sách khổng lồ trong nhiều năm tiếp theo.

Điều này khiến cho bộ trưởng tài chính Nga phải từ chức vì ông cho rằng kế hoạch đó sẽ dẫn tới việc nước Nga lại rơi vào tình trạng phá sản một lần nữa khi đi theo vết xe đổ của Liên bang Xô Viết vì chi quá nhiều cho quân sự. Quá trình hiện đại hóa quân đội Nga bị chậm lại vì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, và chỉ bắt đầu tăng tốc sau khi Nga thoát khỏi cuộc khủng hoảng.

Tại Ukraine người Nga cũng đã chơi theo luật chơi của phương Tây. Họ cũng chi tiền, hỗ trợ các đảng phái thân Nga thắng cử và dùng các lợi ích kinh tế (gas và dầu giá rẻ, các khoản tín dụng ưu đãi) để giữ Ukraine trong vòng ảnh hưởng của mình. Người Nga hiểu rằng, kể cả trường hợp khi một chính quyền Ukraine thân phương Tây và được NATO đào tạo, huấn luyện quân đội, thì cũng sẽ không thể dễ dàng phát động một cuộc chiến chống Nga khi mà văn hóa Nga và tiếng Nga còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống của Ukraine.

Muốn để cho Ukraine có chiến tranh với Nga thì phương Tây cần phải loại bỏ ảnh hưởng của văn hóa Nga, thay đổi lại nhận thức về lịch sử của Ukraine. 

Nội các của tổng thống Poroshenko sau cách mạng Maidan đã cố gắng sử dụng tiếng Ukraine và tiếng Anh để thay thế tiếng Nga, nhưng rồi cuối cùng đành phải chấp nhận sử dụng tiếng Nga trong các cuộc họp vì đó là thứ tiếng duy nhất mà tất cả các thành viên chính phủ có thể nghe nói mà không cần phiên dịch. Dưới các thời tổng thống Yuschenko và Yanukovic, ảnh hưởng của phương Tây lên Ukraine tăng lên rõ rệt, thế nhưng văn hóa Nga vẫn được tôn trọng và lịch sử gắn liền giữa Ukraine với Nga và Liên bang Xô Viết không bị xâm phạm.

Từ sau vụ bạo loạn Maidan 2014, ý định của phương Tây đã bộc lộ rõ. Dự luật đầu tiên của chính quyền mới (thực tế là chính quyền này được bầu ra khi tổng thống Yanukovic bị phế truất không đúng pháp luật) là loại bỏ tiếng Nga khỏi đời sống. Dù dự luật không được thông qua nhưng nó đã thổi bùng ngọn lửa ly khai ở miền đông, nơi đại đa số người dân coi tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ.

Quảng trường Độc lập tại Kiev tan hoang sau khi những người biểu tình thuộc phe thân phương Tây tiến hành vụ bạo loạn Maidan 2014. Tổng thống Ukraine Viktor Fedorovych Yanukovych đã bị lật đổ sau đó và phải chạy sang Nga.

Tiếp theo là sự trỗi dậy của các lực lượng dân tộc chủ nghĩa cực đoan của Ukraine với lịch sử phục vụ cho Đức Quốc xã trong thế chiến 2 và việc Kiev coi Stepan Bandera - nhà sáng lập của phong trào này, là anh hùng của Ukraine. Quyết định đó không chỉ khiến người Nga ghê tởm mà nó cũng khiến cho đồng minh thân cận thứ hai của Ukraine trong cuộc chiến này là Ba Lan khó chịu. Bandera và phong trào dân tộc của ông ta đã giết hại hàng trăm ngàn người Ba Lan cùng người Do Thái và người Nga khi họ mặc bộ quân phục Đức Quốc xã. Tiếp sau các thất bại nặng nề trong cuộc chạm trán với các lực lượng chính quy Nga (các lực lượng này đã tiến hành một cuộc chiến tranh ngắn nhưng khốc liệt dưới danh nghĩa quân ly khai Donbass với Ukraine) dẫn tới việc Ukraine phải ký thỏa thuận Minsk để mua thời gian tái trang bị như Merkel và Hollande xác nhận.

Quân đội Ukraine đã tiến hành một cuộc chiến tranh không tuyên bố, liên tục trong 8 năm đối với các vùng ly khai ở Donbass. Cùng lúc đó, sách giáo khoa mới được biên soạn, môn lịch sử được thay đổi, các hoạt động đào tạo quân sự và bài Nga đối với tầng lớp trẻ được ráo riết tiến hành. Ukraine, mặc dù vẫn coi Crimea và các vùng ly khai miền đông và người dân ở đó là người Ukraine, nhưng đã tiến hành mọi biện pháp từ kinh tế (cấm vận, ngừng cấp lương hưu cho người về hưu, chặn nguồn cung cấp nước cho cả Crimea và vùng Donetsk) tới quân sự nhắm vào khu vực này. Việc hợp tác với NATO trở nên chặt chẽ. Các chuyên gia NATO trong 8 năm tiếp theo đó đã đào tạo và huấn luyện cho quân đội Ukraine ngay trên đất Ukraine. Vũ khí phương Tây được cung cấp để tấn công vào các vùng ly khai.

Việc tái vũ trang cho Ukraine, bài trừ văn hóa cũng như ảnh hưởng Nga và thay đổi lịch sử để tạo ra một vết cắt không thể nối liền giữa hai nước; đồng thời chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh trực tiếp giữa Ukraine và Nga chỉ là một phần nhỏ trong các nỗ lực của phương Tây nhằm làm suy yếu Nga.

Những gì phương Tây làm với Ukraine chỉ là phần nổi nhỏ của một tảng băng chìm. Phần chìm của tảng băng là toàn bộ các hoạt động cấm vận được tiến hành một cách toàn diện để đánh quỵ nền kinh tế, xói mòn sự ổn định chính trị và xã hội tại Nga. 

Về kinh tế, đó là một hệ thống cấm vận toàn diện và phức tạp nhất từ trước tới nay được phương Tây áp dụng chống lại Nga. Hệ thống cấm vận này đánh vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế: từ nông nghiệp tới công nghiệp và tài chính; từ các ngành sinh lợi nhất cho ngân sách nhà nước Nga tới các ngành cần thiết cho cuộc sống của người dân.

Về chính trị và ngoại giao, phương Tây đã làm mọi cách để cô lập nước Nga và độc ác hóa hình ảnh của quốc gia, dân tộc, văn hóa Nga. Việc này được thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc, với mức độ từ tinh vi tới thô thiển. Chúng ta đã thấy sự sắp xếp cố ý của phương Tây trong nhiều cuộc gặp quốc tế sau năm 2014; trong đó ghế ngồi của các quan chức Nga, và thậm chí của cả tổng thống Putin bị đặt vào các vị trí cô lập, tách biệt với những người khác. Hình ảnh của nước Nga, người Nga trong điện ảnh, báo chí của phương Tây luôn luôn gắn với một quốc gia độc tài, tàn ác, mafia và luôn là nguồn nguy hiểm cho hòa bình thế giới (khác hẳn với con số thống kê thực tế là sau chiến tranh thế giới thứ hai tới nay thì số cuộc chiến mà Mỹ khởi đầu nhiều hơn số cuộc chiến mà Liên Xô, Nga và Trung Quốc tham gia cộng lại).

Phương Tây quy mọi thứ xấu xảy ra là do Nga – từ việc Trump trúng cử tổng thống Mỹ tới giá cả hay lạm phát gia tăng. Hệ thống tuyên truyền này đã tạo ra một nỗi sợ Nga (Russophobia) tương tự như cách họ đã tạo ra nỗi sợ Trung Quốc (Chinophobia), lớn tới mức khi cuộc chiến Ukraine – Nga nổ ra, các hoạt động bài trừ mọi yếu tố Nga diễn ra ở mọi lĩnh vực, từ văn hóa tới thể thao, từ hoạt động nhân đạo tới ngoại giao quốc tế. Thậm chí mèo Nga cũng không được tham dự các cuộc thi quốc tế. Các tác phẩm của nhạc sỹ Nga từ trước thế kỷ 20 cũng không được chơi và thậm chí các viện bảo tàng phương Tây còn công khai tuyên bố không trả các tác phẩm nghệ thuật mà họ mượn viện bảo tàng Nga để trưng bày.

Trong con mắt của người Nga, phương Tây đang chuẩn bị cho một cuộc chiến toàn diện chống lại Nga một cách trực tiếp hoặc gián tiếp tùy hoàn cảnh. Và mục đích của cuộc chiến đó là đánh quỵ nước Nga như họ đã từng làm với Liên bang Xô Viết trước đây.

***

Vậy người Nga đã chuẩn bị và chủ động tham gia vào cuộc chiến này như thế nào? Kính mời quý vị theo dõi tiếp phần 3 loạt bài “Hồ sơ chiến tranh Ukraine” của tác giả Thái Bảo Anh.

Bài viết: Thái Bảo Anh
Đồ họa: Thanh Nga

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.

Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.

Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.

Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.

Việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ được dư luận quốc tế nhìn nhận như một thách thức mới cho quan hệ Mỹ - Trung, vốn đã trải qua nhiều sóng gió trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.

Trong bối cảnh các thảm họa thiên nhiên gia tăng nhanh chóng và lượng khí nhà kính đang ở mức cao nhất mọi thời đại, Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lần thứ 29 của Liên hợp quốc (COP29) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hành động bảo vệ môi trường mạnh mẽ hơn trên toàn cầu.