Hồ sơ chiến tranh Ukraine - Phần 3

Phần chìm của tảng băng – cuộc chiến giữa Nga và phương Tây đã đã âm thầm diễn ra rất lâu trước khi súng nổ trên đất Ukraine vào ngày 24/2/2022. Trong cuộc chiến ấy, người Nga đã toan tính thận trọng và chủ động tấn công để tránh bị rơi vào bẫy của các cuộc cách mạng màu mà Mỹ và phương Tây từng thúc đẩy tại các quốc gia thuộc Liên bang Xô Viết cũ.
 
Putin là một võ sĩ Judo giỏi, và có vẻ như các chính sách của ông trong việc đối phó với Mỹ và phương Tây có dùng triết lý của các đòn thế Judo: sử dụng chính sức nặng của đối thủ để gây ra thương tích cho đối thủ sau khi khóa thế và quật họ ngã xuống.

 

Người Nga chắc chắn đã xác định rất rõ ràng rằng, cuộc chiến sắp tới sẽ là cuộc chiến giữa phương Tây và Nga dưới hình thức một cuộc chiến tranh ủy nhiệm trên đất Ukraine. Và kết cục của cuộc chiến đó sẽ là sự tồn vong của Liên bang Nga. Họ tin rằng phương Tây sẽ dùng Ukraine là cú hích để đẩy Nga vào con đường sụp đổ như Liên bang Xô Viết trước đó. Do đó, họ đã hành động và phát súng đầu tiên của cuộc chiến không phải là một quả tên lửa hành trình bắn vào đất Ukraine vào tháng 2 năm 2022, mà thực ra nó đã diễn ra âm thầm từ rất lâu trước đó.

 

Vào năm 2015, Tổng thống Mỹ Obama đã phát biểu khá tự tin về nước Nga trong một cuộc họp báo quốc tế. Đại ý của ông là Putin đã sai lầm khi can thiệp vào Ukraine, sau đó sáp nhập Crimea vào Nga. Và rằng nước Nga đang đánh mất tất cả những thành tựu trong 25 năm trước đó (tính từ thời Liên Xô sụp đổ). Phương Tây, hơn bao giờ hết đã đoàn kết để chống lại Nga.

 

Khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm 2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra lời chỉ trích mạnh mẽ đối với Vladimir Putin về vấn đề Ukraine. Bảy nhà lãnh đạo khối G7 ra tín hiệu sẵn sàng thắt chặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga nếu xung đột ở Ukraine leo thang.

Các biện pháp cấm vận kinh tế khiến nước Nga lâm vào suy thoái, và nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế là thấy trước, khi giá trị đồng Ruble tụt thê thảm. Các lệnh cấm vận, về mặt lý thuyết sẽ khiến cho nước Nga không có cơ hội để hiện đại hóa đất nước của mình và nguồn thu chủ yếu dựa vào dầu khí của Nga sẽ tụt thảm hại. Cuộc sống của những người dân Nga sẽ bị ảnh hưởng khủng khiếp bởi quyết định được cho là liều lĩnh của Putin và giới tinh hoa Nga. Vào thời điểm đó, Putin không bình luận về những gì mà Obama nói. Tuy nhiên, Mỹ và phương Tây sẽ không thể hiểu được những toan tính và biện pháp tự vệ của người Nga.

Phương Tây nhìn nhận rằng, nền kinh tế của Nga (vào năm 2014) rất phiến diện và hoàn toàn phụ thuộc vào việc xuất khẩu năng lượng. Thậm chí nền nông nghiệp Nga không thể cung cấp đủ cho nhu cầu cơ bản của người dân và họ phải nhập lương thực, thực phẩm của phương Tây bằng ngoại tệ thu được từ việc bán năng lượng. Nếu giá dầu tụt xuống tới một mức nhất định thì ngân sách của Nga sẽ bị thâm hụt và nếu như việc đó kéo dài, Nga sẽ lâm vào một cuộc khủng hoảng. Một cuộc khủng hoảng sẽ là tiền đề để cho các hoạt động xâm nhập của phương Tây tại Nga tổ chức một cuộc cách mạng loại bỏ Putin khỏi vị trí quyền lực như họ đã làm ở Ukraine và một số nước cộng hòa Xô Viết cũ. 

Công nghệ khai thác dầu đá phiến của Mỹ từng được kỳ vọng là một trong những vũ khí chiến lược để làm suy yếu kinh tế của Nga.

Vào tháng 9/2013, giá dầu thế giới đạt mức cao kỷ lục là 110 đô la Mỹ/thùng. Cũng vào thời điểm này, Mỹ đã phát triển được công nghệ khai thác dầu từ đá phiến và tạo ra một bước đột phá trong ngành công nghiệp khai thác dầu. Mỹ rất tự tin vào dầu đá phiến và coi đó là một thứ vũ khí chiến lược để triệt hạ nền kinh tế Nga vốn được cho là đang phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ. Trên thực tế, Mỹ đã sử dụng vũ khí này để đánh tụt giá dầu thế giới nhằm làm suy yếu nền kinh tế của Nga.

Sản lượng dầu đá phiến đã khiến cho giá dầu mỏ tụt từ mức 110 đô la Mỹ/thùng năm 2013 xuống còn 43 đô la Mỹ/thùng vào tháng 3/2015 và tới mức 28 đô la Mỹ/thùng vào tháng 2/2016. 

Cùng với hàng loạt các biện pháp cấm vận, việc giá dầu giảm gần 6 lần đã khiến cho ngân sách của chính phủ Nga bị âm. Lúc này, phương Tây tin rằng chỉ là vấn đề thời gian cho tới thời điểm dự trữ ngoại hối của Nga cạn kiệt, và nước Nga hoặc sẽ phải từ bỏ Crimea và vùng Donbass hoặc cách mạng sẽ xảy ra. 

Thế nhưng một điều bất ngờ là người Nga đã không chỉ nhận diện được ý đồ của Mỹ và phương Tây mà còn có các biện pháp kháng cự dựa trên chính sự tự tin về khả năng chi phối giá dầu thế giới bằng công nghệ dầu đá phiến của Mỹ. Nga đã chủ động bắt tay với các nước sản xuất dầu thuộc khối OPEC (trái với dự đoán của phương Tây) để đẩy giá dầu xuống thấp hơn nữa bằng cách không ngừng tăng sản lượng khai thác

Vũ khí công nghệ dầu đá phiến của Mỹ đã bị vô hiệu hóa khi Nga và Saudi Arabia bắt tay tăng sản lượng, khiến giá dầu thế giới tụt xuống mức thấp kỷ lục.

Hành động này của nga đã tiếp tục đẩy giá dầu xuống tới mức thấp kỷ lục là 11 đô la Mỹ/thùng vào tháng 4/2020. Đây là đòn quyết định hạ gục ngành khai thác dầu đá phiến của Mỹ. Ngành này đã liên tục chịu lỗ kể từ năm 2015 sau khi giá dầu xuống mức 40 đô la Mỹ/thùng. Vào năm 2020, hầu hết các doanh nghiệp dầu đá phiến của Mỹ phải đóng cửa và phá sản. Từ năm 2020 tới nay, kể cả khi giá dầu tăng vì cuộc chiến Ukraine, có hơn 500 doanh nghiệp dầu đá phiến của Mỹ tiếp tục phá sản.

Vì sao Nga có thể thành công với đòn tự vệ táo bạo này? Trên thực tế, để có thể kéo tụt giá dầu thế giới xuống mức thấp và duy trì trong một khoảng thời gian nhất định ngoài tầm kiểm soát của Mỹ nhằm triệt hạ dầu đá phiến, Nga phải buộc phải tăng sản lượng dầu khai thác. Tuy nhiên, nếu hạ giá dầu thì Nga cũng sẽ cạn nguồn thu và có vẻ cuộc chơi sẽ là ai ngạt thở trước. Trên thực tế, Nga đã không rơi vào cái bẫy đó.

Song song với việc hạ giá dầu thì họ tăng nguồn thu bằng cách bán khí đốt cho châu Âu. Với hệ thống đường ống được xây dựng tiện lợi cho việc cung cấp khí tới hầu hết các quốc gia ở châu Âu, Nga không có đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực cấp khí đốt ở thị trường này. Trong khi Merkel và Hollande nghĩ rằng họ đã ru ngủ được Putin bằng hai thỏa thuận Minsk thì Putin ru ngủ lại họ bằng cách khiến họ tin rằng Putin tin vào tất cả những gì họ ký. Chính vì lý do đó, họ không ngừng tăng lượng khí mua từ Nga (và điều đó khiến họ phụ thuộc vào Nga nhiều hơn). Chính trong thời kỳ này thì đường ống dẫn khí North Stream 2 được bắt đầu xây dựng vì đường ống North Stream 1 đã bị khai thác hết công suất. 

Một điều nực cười là châu Âu, trong khi cùng Mỹ giúp Ukraine chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh với Nga thì họ lại tin rằng Nga hoàn toàn bị họ xỏ mũi và đang ngây thơ cung cấp khí gas giá rẻ cho họ. Cùng với lượng khí gas được châu Âu tiêu thụ không ngừng tăng thì ngân sách của Nga không bị ảnh hưởng bởi giá dầu giảm mà thực tế ngân sách chính phủ Nga lại bội thu. Điều này khiến cho Putin có thể ra đòn quyết định cùng OPEC hạ gục ngành dầu đá phiến của Mỹ bằng cách hạ giá dầu không thương tiếc. Nói một cách ngắn gọn là Putin đã dùng tiền của châu Âu để ra đòn triệt hạ vũ khí dầu đá phiến của Mỹ. Việc châu Âu phụ thuộc vào khí đốt giá rẻ của Nga cũng sẽ khiến họ trả giá sau này, khi cuộc chiến Ukraine nổ ra.

Chính sự triệt hạ ngành dầu đá phiến của Mỹ, đồng thời buộc châu Âu phụ thuộc vào khí đốt giá rẻ của Nga đã khiến cho Mỹ và châu Âu phải viện đến các biện pháp phi thị trường là cấm nhập khẩu dầu và tiến dần tới cấm nhập khí đốt của Nga  khi cuộc chiến Ukraine xảy ra. Tuy nhiên những biện pháp phi thị trường này thể hiện rõ là nó gây hậu quả nặng nề cho các nước nhập dầu và khí của Nga hơn là cho Nga. 

Trong giai đoạn từ 2014 tới 2022, các biện pháp cấm vận của phương Tây chủ yếu nhằm vào các mặt hàng tiêu dùng và các dịch vụ cao cấp như tài chính, ngân hàng. Họ cho rằng vì nền sản xuất và dịch vụ cao cấp của Nga yếu kém nên khi cấm vận các ngành này, cuộc sống của người Nga sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức. Việc biến mất các sản phẩm lương thực từ phương Tây như bơ, sữa từ Hà Lan, rượu vang từ Pháp và các thiết bị điện tử cao cấp sẽ khiến cho người Nga thấy rằng chất lượng cuộc sống của họ đi xuống. Các biện pháp cấm vận đối với dịch vụ cao cấp như tài chính, ngân hàng sẽ khiến người dân, đặc biệt là tầng lớp giàu và trung lưu sẽ bất mãn với chính quyền.  

Để đối phó lại, người Nga phát triển các ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu và dồn nỗ lực vào các ngành xuất khẩu có ý nghĩa quan trọng mà phương Tây không nhận ra.

Trong suốt 8 năm quân đội Ukraine nã pháo vào hai nước cộng hòa ly khai vùng Donbass, khi mà “con em chúng ta thì đi học còn con em họ thì phải ngồi dưới hầm” như lời tổng thống Ukraine Poroshenko nói, thì nền nông nghiệp Nga đã tiến bộ nhảy vọt. Từ chỗ là một quốc gia nhập khẩu lương thực (một truyền thống kéo dài từ thời Liên Xô), nước Nga trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về lúa mạch, thịt heo và nhiều mặt hàng khác. Toàn bộ lương thực của Nga được sản xuất trong nước (và điều này khiến cho cuộc sống của người dân không bị ảnh hưởng khi cuộc chiến với Ukraine xảy ra). 

Đặc biệt hơn, tận dụng lợi thế nguồn năng lượng giá rẻ, nước Nga đã trở thành nước xuất khẩu các mặt hàng nghe tiếng thì không ấn tượng nhưng thực ra có ý nghĩa sống còn với nền kinh tế. Đó là ngành phân bón. Chỉ khi cuộc chiến xảy ra và các biện pháp cấm vận triệt để được phương Tây tuyên bố thì người ta mới phát hiện ra là nạn đói ở nhiều nơi sẽ xảy ra ngay trong năm 2022 nếu không có lúa mì của Nga và sẽ xảy ra ở nhiều nơi khác nữa trong những năm tới nếu không có phân bón do Nga sản xuất.

Tàu chở phân bón xuất khẩu của Nga trong hành trình tới Địa Trung Hải ngày 27/5/2022. Nếu giá phân bón tăng “dựng đứng”, hàng chục nước sẽ rơi vào “thảm cảnh” thiếu lương thực.

Tương tự như thế, khi cuộc chiến nổ ra, bất chấp những cảnh báo từ cựu tổng thống Nga Medvedev, châu Âu tin rằng họ có đủ tiền để mua khí hóa lỏng từ Mỹ dù giá cao để đảm bảo nhu cầu sưởi của người dân qua mùa đông. Thế nhưng khi tất cả các kho dự trữ đã đầy và họ không còn phải lo cho việc sưởi nữa thì họ phát hiện ra rằng người Nga không có ý định từ bỏ mục đích của mình và họ đã chuyển sang một mô hình chiến tranh lâu dài. Lúc này thì vấn đề với châu Âu không phải là làm thế nào để cai nghiện “khí đốt Nga” mà là cai nghiện “khí đốt giá rẻ của Nga”.

Nếu vấn đề chỉ là thay thế khí đốt Nga thì châu Âu có thể kiếm nguồn thay thế bằng khí hóa lỏng trong thời gian trước mắt từ Mỹ và nguồn năng lượng mặt trời, gió về lâu dài. Tuy nhiên, khi vấn đề là “khí đốt giá rẻ” thì họ không thể tìm được nguồn năng lượng nào rẻ hơn nguồn khí đốt của Nga trong thời gian trước mắt lẫn lâu dài. Họ phát hiện ra rằng các ngành công nghiệp của họ hiện tại tuy mất dần thị phần thế giới vào tay Trung Quốc nhưng vẫn còn cầm cự được ở châu Âu vì giá thành họ còn cạnh tranh ở mức nào đó được với hàng Trung Quốc. 

Tuy nhiên, nếu không còn nguồn khí đốt giá rẻ của Nga, giá thành của tất cả các ngành sử dụng nhiều năng lượng sẽ tăng tới mức không thể cạnh tranh với Trung Quốc. Mà các ngành công nghiệp này, nguy hiểm hơn, lại là đầu vào của nhiều ngành công nghiệp khác. Ví dụ như công nghiệp hóa chất cơ bản, các ngành luyện kim, phân bón. Nếu các ngành này phá sản hoặc bị Trung Quốc thâu tóm thì các ngành khác là đầu ra của các ngành này sớm hay muộn cũng chịu chung số phận.

Để đối phó với việc nguồn xuất khẩu khí đốt sang châu Âu giảm, người Nga đã xây dựng hệ thống cung cấp khí đốt tới Trung Quốc, quốc gia có nền công nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Nền công nghiệp Trung Quốc được hưởng lợi từ khối lượng khí lớn, ổn định và giá rẻ trong cuộc cạnh tranh với châu Âu sẽ như hổ mọc thêm cánh (trong khi châu Âu như một con hổ không cánh mà lại bị mất chân). Cần lưu ý ở đây là dù Nga bán khí cho Trung Quốc với giá rẻ nhưng việc rẻ ở đây là so với thị trường. Với cuộc chiến ở Ukraine ngày càng khốc liệt và các hãng khí hóa lỏng Mỹ bán khí hóa lỏng cho châu Âu cao gấp 3-4 lần giá ở Mỹ đã khiến cho mặt bằng giá khí tăng cao. Điều này dẫn tới giá bán khí của Nga lại cao hơn giá bán cho châu Âu lúc chưa chiến tranh. Điều này tạo ra một nghịch cảnh là Ukraine bị tàn phá và quân đội bị tiêu hao vì chiến tranh, châu Âu dốc hầu bao để trả tiền cho năng lượng tăng giá, và tiền đó rơi vào túi của các nhà sản xuất khí hóa lỏng Mỹ, giúp Nga thu thêm tiền từ Trung Quốc và giúp Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh hơn trong sản xuất so với châu Âu. Và cuộc chiến càng kéo dài thì xu thế này càng tiếp tục, trừ khi Mỹ bán khí hóa lỏng cho châu Âu với giá thấp. 

Người Nga đã dùng tiền mà châu Âu mua khí đốt từ Nga để triệt hại ngành dầu đá phiến của Mỹ; dùng tiền mà Trung Quốc mua khí đốt để nuôi cuộc chiến tranh tại Ukraine; đồng thời dùng khả năng cạnh tranh của hàng Trung Quốc để kìm hãm nền công nghiệp châu Âu. Putin là một võ sĩ Judo giỏi, và có vẻ như các chính sách của ông có dùng triết lý của các đòn thế Judo: sử dụng chính sức nặng của đối thủ để gây ra thương tích cho đối thủ sau khi khóa thế và quật họ ngã xuống.

***

Ngoài những hành động đáp trả mạnh mẽ để ứng phó với cuộc chiến tranh kinh tế và bao vây cấm vận từ phía Mỹ và phương Tây, Nga còn thực hiện hàng loạt các chính sách đối nội và đối ngoại hiệu quả để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thực thụ sẽ diễn ra trong tương lai. Vậy những chính sách này là gì? Kính mời quý vị theo dõi tiếp phần 4 loạt bài “Hồ sơ chiến tranh Ukraine” của tác giả Thái Bảo Anh.

 Bài viết: Thái Bảo Anh
Đồ họa: Thanh Nga

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.

Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.

Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.

Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.

Việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ được dư luận quốc tế nhìn nhận như một thách thức mới cho quan hệ Mỹ - Trung, vốn đã trải qua nhiều sóng gió trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.