Hồ sơ chiến tranh Ukraine - Phần 4
Khi cuộc chiến nổ ra, Mỹ và phương Tây tin rằng Nga sẽ bị vây hãm và bóp nghẹt trong những nước cờ mà họ đã lập sẵn từ nhiều năm trước trên mảnh đất Ukraine. Tuy nhiên đây lại là ván cờ chính trị của người Nga và thế trận chỉ có thể được định đoạt bởi một kỳ thủ lão luyện – cựu sĩ quan tình báo Vladimir Putin.
Người Nga không khó để nhận ra rằng Obama đã quá tự tin khi cho rằng toàn bộ cộng đồng quốc tế sẽ đi theo Mỹ và phương Tây trong cuộc xung đột địa chính trị với Nga. Nước Nga đã lần lượt từng bước tiến hành một hệ thống chính sách đối nội và đối ngoại hiệu quả để đảm bảo chia rẽ liên minh mà Mỹ dự định lập ra trong tương lai, khi cuộc chiến Ukraine nổ ra.
Các hoạt động phát triển nông nghiệp và công nghiệp là vấn đề được ưu tiên hàng đầu của Nga. Hoạt động này vừa có tác dụng nâng cao sức đề kháng của nền kinh tế, vừa là biện pháp chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh trong tương lai. Bên cạnh đó Nga cũng thực thi hàng loạt các hoạt động phòng ngừa khác.
Đối với cách thâm nhập truyền thống của phương Tây thông qua các tổ chức phi chính phủ, Nga đã luật hóa thành quy định hạn chế hoạt động của các tổ chức này, thậm chí kiên quyết đóng cửa các tổ chức có xu hướng tác động tiêu cực vào đời sống chính trị, xã hội Nga.
Hệ thống internet - kênh lan truyền thông tin chống chính phủ thường thấy trong các cuộc “cách mạng màu” cũng được kiểm soát chặt chẽ. Nga là quốc gia đầu tiên triển khai và thực nghiệm việc ngắt kết nối hoàn toàn hệ thống internet trong nước với quốc tế.
Các quy định nhằm bảo vệ “giá trị truyền thống” của dân tộc Nga và Chính thống giáo cũng được ban hành, đặc biệt là nhắm vào các đối tượng đồng tính luyến ái (LGBT). Cùng với việc loại trừ các ảnh hưởng của phương Tây trong đời sống xã hội, các hoạt động về giáo dục lịch sử, truyền thống dân tộc cũng được triển khai.
Khi cuộc chiến tranh nổ ra, Putin và toàn thể các lãnh đạo của Nga đã có những buổi tường thuật trực tiếp trên truyền hình về việc ra quyết định mở chiến dịch quân sự tại Ukraine cũng như việc sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine vào Nga. Nhiều người cho rằng Putin chỉ đơn thuần là diễn kịch. Trên thực tế, Putin đã có những toan tính cặn kẽ với những hành động này. Bằng việc truyền hình trực tiếp công khai, Putin cho thấy ông đã đưa toàn bộ nước Nga vào con đường chỉ có tiến lên chứ không thể lùi và không một cá nhân lãnh đạo nào có thể tìm cách “nhảy khỏi con tàu” khi có khó khăn xảy ra hoặc có tư tưởng "xét lại" về cuộc chiến trong tương lai.
Đức - quốc gia mạnh nhất trong khối EU đã trở thành quốc gia có tỷ lệ phụ thuộc vào khí đốt của Nga lớn nhất. Trong năm 2022, tổng số các gói hỗ trợ của chính phủ Đức dành cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu tăng là khoảng 1.300 tỷ EU. Và ngay cả với một nước giàu như Đức thì việc tiếp tục hỗ trợ như vậy cũng sẽ nhanh chóng khiến quốc gia này đuối sức. Trong khi đó, người Ukraine khó có khả năng đánh bại Nga trên chiến trường và người Nga thì chưa hề có ý định bỏ cuộc. Đó cũng là lý do khiến cho Đức là nước dè dặt nhất trong việc hỗ trợ vũ khí cho Ukraine khi chiến tranh nổ ra.
Trước khi cuộc chiến nổ ra, Nga đã giữ một thái độ bình thản và lạnh lùng. Trong khi Đức và Pháp lầm tưởng rằng mình đã ru ngủ được Nga bằng việc ký 2 thỏa thuận Minsk, và Ukraine nhìn nhận sự ủng hộ hạn chế của Nga đối với vùng Donbass trong suốt 8 năm bị Ukraine dội pháo - là sự ngần ngại của Nga đối với việc leo thang xung đột, thì cả châu Âu và Ukraine đều không nhận ra được một thực tế là Nga đang từng bước cài thế cho một ván cờ quyết định trong tương lai.
Khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, EU áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga. Nga đã thực hiện các biện pháp đáp trả theo nhiều cách khác nhau đối với các quốc gia EU để chia tách sự đoàn kết của khối này. Đối với các quốc gia cuồng nhiệt chống Nga nhất - 3 nước vùng Baltic và Ba Lan, Nga cắt toàn bộ các nguồn cung năng lượng – từ dầu khí tới điện – ngay khi các nước này từ chối thanh toán theo hợp đồng đã ký và thực hiện cấm vận. Với các nước khác như Đức và Trung Âu, Nga mở lối để họ vẫn giữ được thể diện là đang thực hiện cấm vận nhưng thực ra là vẫn thực hiện hợp đồng đã ký với Nga. Đó là việc không thanh toán bằng tiền Nga nhưng chuyển tiền EUR cho ngân hàng Nga để ngân hàng đổi sang đồng RUB và chuyển cho bên bán.
"Chúng tôi sẽ không cho phép thực hiện kế hoạch đưa năng lượng hạt nhân vào danh sách trừng phạt. Lệnh trừng phạt như vậy là không thể chấp nhận được" - Viktor Orban – Thủ tướng Hungary
Điều này đã dẫn tới những quan điểm và hành động không đồng bộ của các quốc gia phương Tây trong giai đoạn đầu. Điển hình nhất là Hungary. Hungary đã chỉ thực thi một phần cấm vận và từ chối những biện pháp gây thiệt hại cho nội bộ cho quốc gia này. Thái độ cứng rắn của thủ tướng Viktor Orban đã dẫn tới việc bà Ursula von der Layen, Chủ tịch ủy ban châu Âu phát biểu rằng sẽ có biện pháp xử lý Hungary. Phát biểu đó đã dẫn tới phản ứng dữ dội từ phía đảng cánh tả tại các nước EU. Họ gọi đó là một hành động đe dọa phi pháp, phi dân chủ. Từ khi cuộc chiến nổ ra, Hungary vẫn hành động theo lợi ích của mình, từ chối cung cấp vũ khí, tiền bạc cho Ukraine và từ chối thực hiện các cấm vận có nguy cơ gây hại cho Hungary - nhưng EU cũng không thể đưa ra bất kỳ biện pháp nào để trừng phạt quốc gia này. Thực tế này đã khiến cho chính phủ mới ở một số nước sau khi chính phủ cũ (với quan điểm chống Nga triệt để) sụp đổ đã giảm hẳn cường độ chống Nga (ví dụ như Bulgary và Ý).
Phản ứng về mặt ngoại giao của Nga với Đức và Ba Lan cũng khác nhau. Trong khi Nga luôn có bình luận đối với các phát biểu ngoại giao của Đức liên quan tới cuộc chiến thì họ lại thường xuyên phớt lờ đối với các phát biểu của Ba Lan. Trường hợp có phát ngôn thì người Nga luôn ý tứ ám chỉ dã tâm của Ba Lan khi nhiệt tình giúp đỡ Ukraine là nhằm chiếm lại vùng lãnh thổ miền tây Ukraine. Ngay cả việc Ba Lan tăng cường cho quân đội thêm 250 ngàn quân gần đây thì Nga cũng cho rằng rằng số quân đó là để bù cho số quân sẽ tiến vào chiếm vùng phía tây Ukraine.
Trong khi mối quan hệ giữa Ba Lan và Nga đã bị đóng băng thì quốc gia này lại hào hứng với sự gia tăng vai trò quốc tế kể từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra. Ba Lan đã quay sang yêu cầu Đức bồi thường hàng ngàn tỷ EUR cho các thiệt hại mà Đức gây ra cho Ba Lan trong Thế chiến II. Mặc dù Đức đã thẳng thừng từ chối nhưng Ba Lan vẫn tiếp tục lời qua tiếng lại. Điều này cho thấy rằng các quốc gia lớn nhất của châu Âu đang bị phân tâm, không tập trung vào việc chống Nga khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu chuyển sang giai đoạn quyết định.
Trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một ví dụ điển hình khác trong chính sách ngoại giao của Nga. Thổ tuy không phải là một thành viên của EU nhưng lại là thành viên quan trọng của NATO khi họ kiểm soát eo biển Dardanelles và Bosphorus nối giữa Địa Trung Hải và Biển Đen. Vào năm 2015, người Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự ở Syria, quốc gia phía nam Thổ Nhĩ Kỳ để chống ISIS. Sau 5 năm, ISIS đã gần như bị tiêu diệt hoàn toàn nhưng người Nga đã nắm được một quân bài quan trọng để đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ.
Kẹp ở giữa Thổ Nhĩ Kỳ về phía bắc và vùng kiểm soát của chính phủ Syria về phía nam là khu vực của người Kurds được Mỹ hỗ trợ. Trước đó người Mỹ đã viện trợ và trang bị vũ trang cho lực lượng này để họ chống lại ISIS. Tuy nhiên, bản thân người Kurds lại có giấc mộng riêng, họ muốn có một quốc gia Kurdistan riêng của mình – và quốc gia đó sẽ bao trùm các vùng đất có người Kurds sống (tức là có cả một phần phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ). Điều này đã khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ đi từ đối đầu với Nga (Thổ từng bắn hạ một máy bay Su-24 của Nga vào năm 2015) đến hợp tác với Nga tại Syria. Họ có chung một mục đích là sử dụng các biện pháp từ kinh tế tới quân sự để loại trừ lực lượng nổi dậy người Kurds thân Mỹ. Sự hợp tác này đã dẫn tới việc Thổ trở thành một cực khác ngoài Mỹ (và châu Âu), Nga, và Ukraine trong cuộc chiến.
Cho đến thời điểm này, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia duy nhất có thể khiến Nga nghiêm túc nói chuyện. Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến cho cả Ukraine lẫn Nga ngồi lại đàm phán. Thổ Nhĩ Kỳ từng thực hiện việc giữ các tù binh Ukraine mà Nga chấp nhận trao đổi khi cuộc chiến mới diễn ra. Họ cũng là người trung gian đàm phán và bảo đảm thực hiện cho thỏa thuận bán lúa mì cho Ukraine. Và quan trọng hơn nữa, họ đang trở thành trung tâm vận chuyển khí đốt của Nga cho các quốc gia ở phía nam châu Âu thay thế cho Ukraine.
Việc chơi hai mang của Thổ Nhĩ Kỳ là rõ ràng với tất cả các bên. Thế nhưng càng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ càng nghiêng về phía Nga vì có lợi hơn (và Nga cũng có lợi hơn cả về mặt kinh tế lẫn chính trị, ngoại giao khi hợp tác với Thổ).
Trong chiến tranh lạnh, Thổ Nhĩ Kỳ từng được phương Tây o bế vì họ có thể ngăn chặn Hạm đội Biển Đen của Liên Xô tiến sang Địa Trung Hải. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô sụp đổ thì Thổ Nhĩ Kỳ mất vai trò quan trọng với NATO. Quốc gia này thường xuyên bị châu Âu chỉ trích vì các chính sách của mình, và dù đã xếp hàng 20 năm nhưng Thổ vẫn chưa được gia nhập EU.
Khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện ra rằng, nếu họ duy trì quan hệ tốt với Moscow thì không chỉ biên giới phía nam của họ yên ổn (với sự ủng hộ của Nga, họ có thể khống chế được lực lượng người Kurds thân Mỹ) mà vị thế của họ với Mỹ và EU cũng tăng vượt bậc. Vào giai đoạn đầu của cuộc chiến, việc cung cấp các thiết bị bay không người lái (UAV) của Thổ Nhĩ Kỳ cho Ukraine được sử dụng như là một con bài để đàm phán với Nga. Tuy nhiên, chỉ một thời gian rất ngắn sau khi thấy rằng Nga có đầy đủ phương tiện để tiêu diệt các UAV này thì Thổ Nhĩ Kỳ đã ngừng cung cấp các sản phẩm này cho Ukraine và chuyển sang đàm phán với Nga về trung chuyển dầu khí.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì nếu tiếp tục cung cấp UAV cho Ukraine, thiết bị bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục bị quân đội Nga bắn rụng hàng loạt, sẽ mất uy tín - thứ mà họ đã có được một cách vang dội trong cuộc chiến Armenia – Azerbaijan trước đó. Trong khi việc trở thành bên trung chuyển khí đốt cho Nga sẽ mang lại một nguồn lợi lớn và ổn định trong thời gian dài cho Thổ Nhĩ Kỳ. Với mức lạm phát có thời điểm lên tới 30%/năm như hiện nay, nguồn thu từ Nga sẽ có ý nghĩa sống còn với Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong mối quan hệ với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sử dụng lợi thế của mình để mặc cả với phương Tây. Ví dụ điển hình nhất là Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu chống đơn gia nhập NATO của Thụy Điển nếu nước này không giao cho Thổ Nhĩ Kỳ những lãnh đạo của Đảng Công nhân người Kurds thân Mỹ. Biểu hiện rõ ràng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Mỹ (và phương Tây) là phát biểu của ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ khi nghe tin Mỹ gửi lời chia buồn đối với vụ đánh bom tại thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ khiến nhiều người chết hồi cuối năm 2022. Ông nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ từ chối nhận lời chia buồn đó vì họ biết rất rõ ai là người huấn luyện, đào tạo, hỗ trợ những kẻ đánh bom.
Saudi Arabia là đồng minh quan trọng bậc nhất của Mỹ ở vùng Vịnh. Quốc gia này là nước bỏ nhiều tiền nhất cho hai cuộc chiến của Mỹ tại Iraq. Tuy nhiên, kể từ khi hợp tác với Nga trong việc triệt hạ ngành dầu đá phiến của Mỹ giai đoạn 2015-2020, Saudi Arabia càng ngày càng trở nên độc lập với Mỹ.
Đỉnh điểm của việc này là sau khi cuộc chiến Ukraine nổ ra và giá dầu trên thế giới tăng phi mã, cả tổng thống Mỹ, tổng thống Pháp và thủ tướng Anh đã lần lượt tới Saudi Arabia để đề nghị nước này giúp giảm giá dầu bằng cách tăng sản lượng hoặc cung cấp cho họ với giá ưu đãi.
Tuy nhiên, cùng với việc đón tiếp lạnh nhạt, câu trả lời của Saudi Arabia là cắt giảm sản lượng khiến cho giá tăng còn cao hơn. Hành động này - không có gì nghi ngờ nữa, đã giúp cho Nga cả về thế và lực trong việc duy trì chiến tranh.
Cuộc chiến Ukraine mang lại lợi ích cho Trung Quốc ở nhiều mặt. Là một quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới và đang soán ngôi nền kinh tế số 1 của Mỹ, Trung Quốc luôn khát năng lượng. ¾ năng lượng của Trung Quốc được chuyên chở qua eo biển Singapore và biển Đông. Nếu có biến, Hạm đội 7 của Mỹ sẽ có thể dễ dàng chặn 2 điểm này và Trung Quốc sẽ bị bóp nghẹt về năng lượng. Do đó, một nguồn năng lượng cung cấp trên bộ, giá rẻ và ổn định, với khối lượng lớn là sự bảo đảm mang tính chiến lược cho Trung Quốc đối với quá trình phát triển ổn định lâu dài.
Nga là một đối tác lý tưởng về cung cấp năng lượng vì Trung Quốc biết Nga ý thức rất rõ rằng họ không thể xâm chiếm, hay kiểm soát được Trung Quốc, và họ sẽ bị thiệt hại to lớn nếu Trung Quốc sụp đổ. Ngược lại, Nga cũng hiểu rõ rằng Trung Quốc không có tham vọng về đất đai với một quốc gia có tiềm lực vũ khí hạt nhân mạnh nhất thế giới như Nga. Những người nói rằng Trung Quốc đang nhòm ngó vùng Siberia của Nga thực ra không biết gì về việc ảnh hưởng và sự hiện diện của Trung Quốc tại châu Phi.
Với quy mô dân số 1,5 tỷ người và nền kinh tế số 1 thế giới, tương lai xa, Trung Quốc hoàn toàn có thể trở thành khách hàng tiềm năng thay thế châu Âu trong việc mua khí đốt của Nga nếu châu Âu đoạn tuyệt với nguồn năng lượng giá rẻ này.
Trong những năm 70 của thế kỷ XX, người Mỹ đã hy sinh hàng loạt quyền lợi ở Đông Nam Á cũng như Đài Loan để tiếp cận và hợp tác với Trung Quốc nhằm chống Liên Xô. Kissinger lúc đó đã nhận xét rất đúng rằng tuy Trung Quốc thời điểm ấy còn nghèo khó nhưng không thể không cần Trung Quốc trong việc đánh bại Liên Xô. Tuy nhiên sang đầu thế kỷ 21, người Mỹ lại đi ngược cái nguyên tắc thành công đó. Họ cùng lúc coi Nga và Trung Quốc là hai kẻ thù và để cho hai đối thủ này bắt tay liên minh với nhau. Và cái bắt tay ấy cũng chính là một thế cờ ẩn trong ván cờ của người Nga tại Ukraine khiến Mỹ và phương Tây lúng túng trong việc giải vây khi cuộc chiến nổ ra.
Cùng với Trung Quốc, Ấn Độ là nước được hưởng lợi lớn qua cuộc chiến Ukraine. Trong khi phương Tây cấm vận đối với dầu khí của Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đã nhập dầu của Nga về rồi trộn với dầu có nguồn gốc khác và bán lại cho phương Tây để hưởng một khoản lớn từ giá chiết khấu của Nga cũng như phần giá tăng do thị trường.
Khi bị chỉ trích về việc mua dầu của Nga, ngoại trưởng Ấn Độ đã vỗ mặt nhà báo châu Âu rằng, đã đến lúc châu Âu dừng việc cho rằng mọi vấn đề của của họ là vấn đề của thế giới còn mọi vấn đề của phần còn lại của thế giới thì không liên quan tới họ. Trong một cuộc phỏng vấn khác, ông nói rằng phương Tây nên nhớ rằng Ấn Độ từ lâu đã không còn là một nước thuộc địa và họ sẽ hành động không phải theo cách mà phương Tây muốn, mà là cách tốt nhất cho lợi ích quốc gia của họ.
Vào tháng 7/2022 lãnh đạo các nước G7 và NATO có những cuộc họp thượng đỉnh cách nhau chỉ vài ngày với mục đích là thống nhất hành động chống Nga. Cuộc họp này diễn ra sau cuộc họp thượng đỉnh của khối BRICs (với các thành viên là Nga, Trung Quốc, Brasil, Ấn Độ và Nam Phi. Tại cuộc họp này các thành viên không có bất kỳ hành động nào chống hay lên án cuộc chiến của Nga tại Ukraine. Đồng thời, sau cuộc họp đã có hai quốc gia là Algeria, Argentina và Iran nộp đơn gia nhập khối. Các quốc gia khác đang quan tâm tới việc gia nhập và thường xuyên cử đại diện dự thính các cuộc họp của khối là Saudi Arabia, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Nigeria, Senegal, Thái Lan và United Arab Emirates.
Với 5 quốc gia thành viên hiện tại thì vào năm 2023, GDP tổng cộng của khối theo sức mua liên quan (PPP) sẽ chiếm 36% thế giới trong khi G7 chiếm 27%. Tỷ lệ này sẽ còn thay đổi hơn theo hướng tăng thêm cho BRICs vì dân số của nhóm này chiếm 41% dân số thế giới so với 17% của nhóm G7. Tất cả các nền kinh tế này đều là các nền kinh tế năng động và đang đi lên.
Một sự trùng hợp khó chịu cho phương Tây là tất cả các nước thành viên của khối BRICs và các nước đang muốn trở thành thành viên đều không tham gia vào các lệnh cấm vận trừng phạt Nga. Khởi đầu là sự khác nhau giữa hai khối về quan điểm liên quan tới cách vận hành nền thương mại quốc tế. Giờ đây, hai khối này đã bắt đầu thể hiện sự khác nhau về quan điểm chính trị.
Trước đây nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào quan điểm của hai khối là G7 và G20, trong đó G7 đóng vai trò chủ chốt. Để khuyến khích Nga hợp tác, G7 đã tạo ra cơ chế G7+1 để Nga có thể tham gia dự thính các cuộc họp của khối. Tuy nhiên, sau khi khối BRICs được tạo ra thì các lời đe dọa của phương Tây là loại Nga ra khỏi khối G7+1 không có ý nghĩa. Và thực tế là giờ đây không ai nhớ là G7 đã loại Nga ra khỏi nhóm G7+1 lúc nào (vì nó không ảnh hưởng gì tới các diễn biến đang xảy ra). Tương tự, khối G20 cũng mất ý nghĩa khi các thành viên chủ chốt của khối lại là thành viên của G7 và BRICs. Điều đó dẫn tới việc người ta quan tâm tới quan điểm của G7 và BRICs chứ không để ý G20 bàn cái gì.
Khi chiến tranh Ukraine nổ ra, phương Tây chợt phát hiện ra rằng G7 không còn là cực kinh tế duy nhất của thế giới và khối này không còn quyền lực để buộc cả thế giới phải tuân theo các quyết định cấm vận của khối nữa. Đến lúc đó, có lẽ họ đã nhận ra rằng sự phát triển của BRICs chính là một phần quan trọng của kế hoạch chuẩn bị chiến tranh của Nga - nó đã làm xói mòn nghiêm trọng sức mạnh kinh tế của phương Tây trong cuộc chiến chống Nga.
Về thực lực tương quan giữa Nga và Ukraine năm 2014, quân đội Nga có thể đè bẹp quân đội Ukraine và tiến thẳng tới Kiev. Tuy nhiên, nếu nhìn về tương quan lực lượng giữa phương Tây và Nga thì chiến thắng đó có thể sẽ dẫn tới sự sụp đổ của nước Nga. Vào thời điểm ấy, khối đoàn kết của phương Tây rất chặt chẽ. Nước Nga chưa chuẩn bị và chưa có khả năng chủ động chống lại một cuộc cấm vận ngặt nghèo khiến nền kinh tế có thể sụp đổ. Nền công nghiệp quốc phòng của Nga lúc đó cũng chưa được chuẩn bị. Về bối cảnh quốc tế thì nước Nga cũng chưa tạo ra được các liên minh, đồng minh có chung lợi ích với mình.
Sau khi ký 2 thỏa thuận Minsk, Putin đã áp dụng thành công chiến thuật “thao quang dưỡng hối” của Đặng Tiểu Bình trước đây, đồng thời liên kết với Trung Quốc để chống lại gọng kìm bao vây của Mỹ và Phương Tây.
Nước Nga đã “náu mình chờ thời” như Trung Quốc những năm 1980. Họ thầm lặng tái cấu trúc lại nền kinh tế và phát triển nền công nghiệp quốc phòng để chuẩn bị cho chiến tranh. Về mặt đối ngoại, không chỉ bắt tay với Trung Quốc theo thuyết của Kissinger, Nga đã bắt tay với những đối thủ khó nhằn nhất và tiến vào những vùng khó khăn, phức tạp nhất để tạo uy thế. Đó là việc tiến vào Syria. Việc cắm quân ở Syria đã giúp cho Nga có quân bài đàm phán, và thực tế đã lôi kéo được hai đối tác quan trọng cho cuộc chiến sắp tới. Đó là Saudi Arabia - quốc gia đã giúp Nga “bẻ nanh hổ” bằng cách triệt hạ nền công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - vừa là “kỳ đà cản mũi” khối NATO và phương Tây trong nỗ lực chống Nga vừa thay thế Ukraine trong việc cung cấp khí cho các quốc gia ở phía nam châu Âu, giúp Nga duy trì sự ảnh hưởng vào châu Âu.
Người Nga đã sử dụng tiền bán khí đốt cho châu Âu để đánh ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ, rồi sau đó lại dùng tiền bán khí đốt cho Trung Quốc để ngăn chặn cấm vận của châu Âu.
Không chỉ dừng lại ở đó, để chuẩn bị cho một cuộc chiến tại Ukraine, Nga đã tiến hành các bước để thay đổi cuộc chơi kinh tế toàn cầu. Đó là việc cùng Trung Quốc lập ra khối BRICs và các thỏa thuận sử dụng đồng tiền nội tệ của khối để mua bán dầu và hàng hóa trong khối. Phương Tây quen lối suy nghĩ là Liên Xô trước đây và người Nga hiện nay chỉ mạnh về quân sự và không có khả năng ứng phó về kinh tế. Thế nhưng, Nga đã bắt đầu cuộc chiến một cách thầm lặng ở mặt trận kinh tế - nơi mà phương Tây tự tin cho rằng mình mạnh nhất. Bằng cách lùi lại và chấp nhận những thiệt thòi kinh tế nhất định, họ đã khiến cho các nước đồng minh trong BRICs thoát khỏi sự đe dọa của phương Tây và tìm thấy lợi ích chung khi chống lại các hoạt động cấm vận của phương Tây. Thay vì việc để phương Tây cô lập và bao vây mình, họ tạo ra nhiều mặt trận với nhiều đối thủ mới cho phương Tây.
Như một tay chơi cờ vua lão luyện, Nga ru ngủ châu Âu và khiến cho họ trở nên phụ thuộc vào khí đốt của mình. Khi cuộc chiến nổ ra, phương Tây tưởng rằng, trong các nước đi trên bàn cờ, mình có thể ăn một con xe của Nga (cắt nguồn thu từ khí đốt cho châu Âu và dầu mỏ) thì họ phát hiện ra Nga không mất con xe đó (vì đã có Ấn Độ và Trung Quốc thế vào). Ngược lại, thế cờ mất cân bằng thay đổi khi châu Âu rơi vào một cơn lốc tăng giá sinh hoạt - giống việc như mất một con mã. Khi họ bỏ tiền ra để mua khí giá cao từ Mỹ để có đủ năng lượng sưởi qua mùa đông thì họ phát hiện ra là họ có thể sẽ mất thêm một con xe (nền công nghiệp cần nhiều năng lượng có thể sống sót trong năm nay nhưng không thể sống sót trong những năm tới). Nếu châu Âu không có biện pháp xử lý thì họ sẽ mất tiếp con xe khác (các ngành công nghiệp cần nhiều năng lượng tạo ra sản phẩm trực tiếp hoặc là đầu vào của nhiều ngành khác. Ví dụ ngành phân bón là đầu vào của nông nghiệp, luyện kim là đầu vào của nhiều ngành công nghiệp nhẹ, ngành điện là đầu vào của mọi ngành khác…). Nếu họ tiếp tục vay tiền để bù lỗ năng lượng và tạo ra nguồn năng lượng mới (điện mặt trời, điện gió) thì giá thành năng lượng còn cao hơn giá bù lỗ và số tiền đó sẽ làm lợi cho Trung Quốc (9/10 công ty hàng đầu về tấm pin mặt trời là của Trung Quốc). Cuối cùng, châu Âu sẽ có những chính phủ nợ nần, và nền công nghiệp không thể cạnh tranh với Trung Quốc. Lúc đó, việc Trung Quốc thôn tính các doanh nghiệp quan trọng của châu Âu sẽ trở thành hiện thực chứ không còn là mối đe dọa nữa... Lúc đó, phương Tây sẽ mất luôn con hậu trên bàn cờ. Thực tế là đã có 6 chính phủ chống Nga hàng đầu ở châu Âu sụp đổ trong năm 2022 vì không giải được nước cờ trên.
Nói một cách ngắn gọn, cuộc chiến tranh Ukraine 2022 đã bắt đầu từ rất lâu trước khi súng nổ ở Ukraine. Người Nga đã âm thầm chuẩn bị cho cuộc chiến này từ trước và có tính toán cẩn thận. Nếu hiểu rõ điều trên, chúng ta sẽ biết rằng việc các nhà lãnh đạo Ukraine và phương Tây tuyên bố Nga sắp hết tên lửa để ám chỉ rằng Nga sắp bỏ cuộc trong cuộc chiến này là một điều phi lý...
***
Thái độ của các bên liên quan tới cuộc chiến sẽ được thể hiện rõ ràng thông qua các ngôn ngữ và động thái ngoại giao. Trên thực tế, thái độ của Mỹ và phương Tây về cuộc chiến tranh Ukraine đã thay đổi như thế nào so với thời điểm trước khi súng nổ trên đất Ukraine? Kính mời quý vị theo dõi phần 5 loạt bài “Hồ sơ chiến tranh Ukraine” của tác giả Thái Bảo Anh để cùng soi chiếu diễn biến cuộc chiến thông qua lăng kính ngôn ngữ ngoại giao của phương Tây.
Bài viết: Thái Bảo Anh
Đồ họa: Thanh Nga
Khi cuộc chiến Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ 4, nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra ba kịch bản để giải quyết cuộc xung đột khi ông chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.
TikTok có thể xem là một trong những ứng dụng "xấu số" nhất thế giới. Dù có lượng người dùng đông đảo, ứng dụng này cũng đang bị cấm tại rất nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều lý do khác nhau.
Sáng 17/12, một thiết bị nổ được cài trong một chiếc xe scooter điện đã phát nổ gần lối vào của một tòa dân cư trên Đại lộ Ryazansky ở Moscow, vào đúng thời điểm người đứng đầu Lực lượng Phòng chống Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga Igor Kirillov cùng trợ lý của ông đi ngang qua, khiến hai người thiệt mạng.
Theo các nguồn tin Ukraine, tính đến tháng 11 năm nay, ít nhất 18 tướng, một đô đốc Nga đã thiệt mạng. Tuy nhiên, phía Nga mới xác nhận 8 trường hợp, và thêm trường hợp mới nhất là Trung tướng Igor Kirillov.
Ở tuổi 73, ông Francois Bayrou trở thành thủ tướng thứ 4 của nước Pháp chỉ trong vòng một năm. Ông sẽ đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua và vực dậy nền kinh tế.
Israel đã tận dụng khoảng trống quyền lực ở Syria để ném bom các mục tiêu trên khắp đất nước nước này. Israel tuyên bố chiến dịch quân sự của họ ở Syria chỉ là “biện pháp tạm thời” để đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn vũ khí của Syria rơi vào tay những kẻ cực đoan.
0