Hòa Bình phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn | Trăm miền hội tụ | 20/10/2023

Không chỉ có vị trí thuận lợi, nằm ở cửa ngõ phía Tây của thủ đô Hà Nội, Hoà Bình còn là địa phương được biết đến với tiềm năng du lịch khám phá và du lịch văn hoá. Đây là vùng di sản với bề dày văn hoá được hình thành, lưu giữ và phát triển lâu đời của đồng bào các dân tộc đang sinh sống.

Những năm gần đây, trong định hướng quy hoạch của tỉnh, Hòa Bình đã hỗ trợ và tạo điều kiện thu hút đầu tư, đồng thời kêu gọi người dân cùng nỗ lực chung tay giữ gìn bản sắc dân tộc, bởi đó cũng chính là thế mạnh để Hòa Bình chuyển đổi kinh tế từ thuần nông sang phát triển du lịch, dịch vụ, từ đó tạo “lực đẩy” cùng các tỉnh Tây Bắc bứt phá.

Nét đặc trưng của tỉnh Hòa Bình là có cộng đồng dân tộc Mường sống rải rác khắp các địa bàn trong tỉnh. Cộng đồng người Mường ở Hòa Bình đã góp phần lưu giữ cho văn hóa dân tộc Việt Nam rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể như: cồng chiêng, mo Mường, dân vũ hay hát cò ke, cùng nhiều nét văn hóa ẩm thực độc đáo. Từ xa xưa, cồng chiêng không đơn thuần là nhạc khí dân tộc mà còn là thanh âm quan trọng nhất, linh thiêng nhất trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở các làng bản. Chính vì vậy, năm 2016, cùng với mo Mường thì chiêng Mường cũng đã được tôn vinh là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Mốc son này không chỉ là niềm tự hào đối với đồng bào dân tộc Mường, mà còn là niềm vui lớn cho mỗi người dân Hòa Bình, bởi đây là những nét văn hóa đặc sắc đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được công nhận là di sản văn hóa Quốc gia. Nhờ sự nỗ lực của các cộng đồng, giờ đây, chiêng Mường đã có một chỗ đứng xứng đáng. Hiện nay, những lớp học thế này đã và đang đang được tỉnh Hòa Bình chú trọng đầu tư, nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương

Bảo tàng Di sản văn hóa Mường của tỉnh là một trong những Bảo tàng tư nhân do nghệ nhân ưu tú Bùi Thanh Bình đứng ra thành lập. Hiện bảo tàng đã và đang lưu giữ hơn 6.000 hiện vật, gồm di sản văn hóa Mường thời tiền sử, thời đại đồ đồng, đồ gốm sứ, nhạc cụ, dụng cụ bằng đồng cùng các vật dụng tín ngưỡng dân gian Mường..Trong công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc của Quốc gia và của mỗi địa phương, sự có mặt của những Bảo tàng như thế này không chỉ là điểm đến cho du khách trong và ngoài nước, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục kiến thức lịch sử, giá trị văn hóa, từ đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định: giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu và gắn với phát triển du lịch là một trong 10 dự án trọng điểm. Điều đó cũng cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong sự phát triển chung của đất nước.

Chỉ cần search Google với “từ khóa” du lịch Mai Châu, quý vị sẽ nhận được hàng trăm kết quả những địa danh nổi tiếng của một huyện vùng cao tỉnh Hòa Bình. Cách Hà Nội không xa, với giao thông thuận lợi, du khách trong và ngoài nước đã khá thích thú khi được trải nghiệm địa hình rừng núi và văn hóa các dân tộc của Hòa Bình. Xã Mai Hịch, huyện Mai Châu được du khách biết đến là một điểm du lịch miền núi hấp dẫn với những ngôi nhà sàn truyền thống nằm rải rác trên các sườn đồi. Dân cư nơi đây chủ yếu là người Thái trắng sinh sống, với những nét văn hóa độc đáo. Toàn xã Mai Hịch có 7 xóm với 923 hộ gia đình, thì có tới 20 hộ kinh doanh homestay. Với bản chất thông minh và nhanh nhẹn, đồng bào Thái trắng ở đây, từ lâu đã cập nhật thông tin và đã biết phát triển kinh doanh từ thế mạnh của địa phương. Đến nay, ngoài dịch vụ lưu trú, ăn uống, thì các hoạt động đi bộ, leo núi, đạp xe quanh các con đèo, lội suối bắt cá đều đã được các chủ nhà triển khai với nhiều hình thức hấp dẫn, đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. Những món ăn dân dã đậm đà hương vị dân tộc cũng được bà con nhiệt tình giới thiệu với khách du lịch. Bên bếp nhà sàn, những vị khách phương xa được thưởng thức trọn vẹn những nét văn hóa đặc sắc của đồng báo Thái trắng với rượu quê, những món ăn dân dã và hòa cùng điệu múa xòe của các cô gái Thái.. Khi hoạt động du lịch đã đi vào ổn định, các homestay trên địa bàn xã đã tăng cường liên kết, tạo tour, tuyến với các bản du lịch khác như bản Bước (xã Xăm Khòe), bản Lác (xã Chiềng Châu), bản Pom Coọng (thị trấn Mai Châu) để tạo thêm sức hút cho du lịch của tỉnh Hòa Bình.

Khác với vùng cao Tây Bắc, tận dụng tiềm năng lợi thế về địa hình và lòng hồ, Bản Ngòi xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc nhiều năm gần đây đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn với khách quốc tế. Cuộc sống của đồng bào Mường nơi đây hoàn toàn đổi khác kể từ khi cả bản cùng nhau làm du lịch. Các đây 7 năm, UBND tỉnh Hòa Bình đã công nhận bản Ngòi là Điểm du lịch Văn hóa cộng đồng dân tộc Mường. Trước kia, đồng bào dân tộc Mường nơi đây có nghề làm hương và đánh bắt thủy sản trên hồ Hòa Bình làm kế sinh nhai, nhưng nay bản đã có 7 hộ gia đình làm du lịch cộng đồng và đón khách. Nhờ chủ trương phát triển kinh tế của tỉnh, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, thậm chí đã có được một cuộc sống khấm khá nhờ việc làm du lịch. Tư duy, tác phong lao động của người Mường ở nhiều bản làng đã đổi khác. Họ chủ động cập nhật thông tin, quảng bá điểm đến, giới thiệu nét hóa dân tộc mình tới du khách.

Khi những điểm du lịch cộng đồng  như bản Lác, Mai Châu, bản Ngòi đã trở nên nổi tiếng, có thương hiệu thì việc mở rộng mô hình ra nhiều bản làng khác cũng trở nên thuận lợi hơn. Khu du lịch cộng đồng xóm Chiến, xã Vân Sơn hay còn gọi là Thung Mây là một trong những bản hiếm hoi còn giữ được nguyên vẹn những nếp nhà sàn của người Mường. Toàn xã có 70 hộ, thì có 3 hộ được chọn làm thí điểm mô hình du lịch cộng đồng dựa vào việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Theo anh Hà Văn Thạn, chủ một homestay, từ khi được Tổ chức phi chính phủ của Australia (AOP) hỗ trợ dự án cải thiện sinh kế bền vững thông qua phát triển du lịch cộng đồng, hiện mỗi hộ có thể phục vụ 14 - 16 chỗ ăn, nghỉ cho du khách, doanh thu có lúc lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, tuy vẫn còn ở hình thái sơ khai, nhiều dịch vụ còn thiếu, không gian cảnh quan vẫn cần được hoàn thiện, nhưng địa danh Thung Mây cũng đã dần có tên trên bản đồ du lịch của Hòa Bình.

Bảo tồn các giá trị truyền thống gắn với phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Hòa Bình trong những năm qua và cả những năm tiếp theo nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch trong tương lai. Để trở thành một địa phương có nguồn thu từ du lịch, Hòa Bình đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong khu vực Tây Bắc, đặc biệt là sự liên kết với thủ đô Hà Nội để mở rộng thị trường, phát triển các sản phẩm du lịch, trao đổi học tập kinh nghiệm quản lý, phát triển khu du lịch tâm linh, từng bước phấn đấu trở thành điểm đến du khách thủ đô cũng như du khách từ thủ đô mà nối thêm chặng đường lên với Hòa Bình.

Có thể nói, du lịch cộng đồng đang dần trở thành thế mạnh được Hòa Bình khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đầu tư, khai thác. Loại hình này đã và đang mang lại nhiều lợi ích trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế bền vững, tạo thêm việc làm và cải thiện, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc bản địa. Đồng thời, du lịch cộng đồng cũng góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn, phát huy những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc, từng bước khẳng định thương hiệu của du lịch Hòa Bình trên bản đồ du lịch của khu vực và thế giới.

Du lịch Hòa Bình đang dần khởi sắc nhưng thực sự còn chậm so với kế hoạch mà tỉnh đề ra. Sự hợp tác bền chặt giữa ngành du lịch của Hòa Bình với Hà Nội không chỉ là thúc đẩy phát triển du lịch mà còn là tiền đề cho các dự án đầu tư mang tính chiến lược cho tương lai.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Quảng Trị không chỉ được biết đến là vùng đất cách mạng gắn với các di tích lịch sử nổi tiếng mà còn là vùng đất có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng hệ thống biển đảo hấp dẫn như đảo Cồn Cỏ, biển cửa Tùng, cửa Việt và nhiều địa danh du lịch đặc sắc ít nơi nào có được.

Đỉnh Pha Luông nằm trên địa phận xã Lóng Sập (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La). Với độ cao gần 2.000 m so với mực nước biển, dãy núi Pha Luông được ví như là "nóc nhà" của Mộc Châu. Nơi đây có hệ thực vật vô cùng phong phú và đa dạng, thu hút rất đông du khách đến trải nghiệm và khám phá.

Cao Bằng được ví như “viên ngọc xanh” của vùng Đông Bắc với nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp cùng hơn 90 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng. Hòa cùng xu thế toàn cầu, ngành du lịch Cao Bằng xác định du lịch xanh là con đường phát triển xuyên suốt, bền vững của địa phương.

Mỗi mùa quả ngọt về trên cao nguyên Mộc Châu không chỉ đem lại niềm vui cho bà con mà những khu vườn nơi đây còn trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách gần xa.

Những sợi chỉ tơ óng ả, nhiều màu sắc như cầu vồng cùng bàn tay khéo léo của những người thợ và nghệ nhân trên khắp mọi miền đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tranh thêu độc đáo. Các làng nghề thêu như Quất Động ở Hà Nội, Minh Lãng ở Thái Bình, Thanh Hà ở Hà Nam hay Thuận Lộc ở Thừa Thiên Huế đều đã trở thành những làng nghề du lịch phát triển.

Trên bản đồ du lịch Việt Nam, miền Tây Bắc không chỉ hấp dẫn du khách với thiên nhiên hoang sơ mà còn bởi ẩm thực độc đáo. Trong rất nhiều đặc sản được ưa thích thì cơm lam luôn được thực khách nhắc đến như một món quà đặc biệt, không thể thiếu. Du khách có thể thưởng thức đặc sản này khi khám phá ẩm thực của người Mường ở Kim Bôi, Hoà Bình, người Thái ở Sơn La và nhiều dân tộc khác ở Tây Bắc.