Hoa của mùa thu
Có một mùa thu không trở lại. Có nhiều mùa thu không trở lại. Có những khoảnh khắc tưởng chừng rơi vào lãng quên, nhưng rồi lại thành chiếc neo của kỷ niệm. Nhất là khi tình cờ, ta chạm phải một tín hiệu gợi nhớ thu. Lúc đó thì cảm xúc hôm nào, hình ảnh hôm nào bỗng bừng sống lại như vừa hôm qua.
Hoa sữa, với thời thiếu nữ của tôi và bạn bè cùng trang lứa, nó chỉ là hình ảnh tưởng tượng ở trong nhạc và thơ. Đó là loài hoa giăng giăng cả miền tưởng tượng, như trong thơ của ai đó:
“Hôm ấy mùa thu anh vẫn nhớ
Hoa sữa thơm ngây ngất quanh hồ”.
Mùi hoa tan trong áo em và mái tóc. Mùi hoa nào thoáng mùi hương êm đềm. Toàn là màu kỷ niệm tinh khôi, thấm đẫm chất lãng mạn, tiếc nuối của tình yêu mong manh như sương khói.
Rồi “Nhớ phố Quang Trung đường Nguyễn Du những đêm hoa sữa thơm nồng”. Hoa sữa bấy giờ, dường như là đặc ân của đất trời dành cho Hà Nội.
Là mùi hương đặc trưng của đêm thu ngây ngất quanh hồ Gươm, tỏa ngan ngát những con phố cổ. Hoa thơm lừng phố.
Là loài hoa của trí tưởng tượng mộng mơ nhất thời thanh xuân. Đẹp như một ước lệ tình đầu. Tuyệt nhiên, thuở ấy, chúng tôi không có bất cứ phương tiện tra cứu hình ảnh nào, nên hoa cứ thế mà bay bổng trong miền yêu.
Mang cảm xúc ấy đến Hà Nội vào một ngày cuối thu năm 1995, tôi chỉ ước rằng được nhìn thấy hoa “bằng xương bằng thịt”. Tôi mơ một vài đóa nở muộn.
Kỷ niệm chuyến tham quan ngắn ngủi thời sinh viên của tôi không nhiều nhưng thật ấn tượng. Đó là được anh Dũng chở bằng xe đạp lóc cóc lòng vòng phố phường. Hà Nội thuở ấy thưa vắng và hiền hòa.
Đó là được chị Hà chở trên chiếc Chaly trong cái lạnh buốt khuya vắng của những con đường tên đã gọi quen, được tận mắt thấy những gánh hàng hoa đẹp như thơ làm mềm con phố.
Đó là đi dạo hồ Gươm một mình và trở lại nơi xuất phát thì không tìm ra phố Hàng Trống đâu. Đó là nhờ bác xe ôm chở đến Lăng Bác, cũng một mình, vì ngày theo lịch đi cùng lớp, tôi với chị Hương lại đi chơi riêng với bạn bè - những người bạn Hà Nội nhiệt tình, mến khách và giọng nói thì dễ thương hơn cả giọng phát thanh viên tôi từng nghe.
Tôi chưa kịp cảm nhận gì nhiều về Hà Nội thì ngày chia tay đã đến. Tôi vẫn chưa được chạm vào cây hoa sữa, chùm hoa sữa nào. Thế có tiếc không?
Thật bất ngờ, lúc đoàn chúng tôi lên xe, anh Dũng xuất hiện. Một bài thơ viết dở trong cuốn sổ tay vì cây bút hết mực, tôi vẫn còn nhớ:
"Đêm dần buông
Ghế đá trầm tư ngồi đó
Sương thầm giăng
Như nhắc một thời đã qua (gởi tặng các bạn sinh viên sư phạm Huế).
Và đặc biệt hơn: Một cành hoa sữa nhỏ. Chao ôi! Cành thu Hà Nội riêng dành cho tôi. Bất ngờ hạnh phúc. Chùm hoa trắng xanh tròn tròn, vô số hoa li ti trên cành lá xanh đậm. Hương đêm còn đọng lại trên cành, phảng phất mùi dịu dàng, thoang thoảng.
Tôi đã chạm tay vào niềm mơ ước thanh xuân. Mang về đến Huế sau chặng đường xe gần hai ngày, hoa đã héo nhưng lòng tôi tràn đầy bâng khuâng, lưu luyến.
Tôi mang về tất cả những cảm xúc thơ mộng nhất từ phố phường Hà Nội, từ những người bạn mới gặp lần đầu mà ngỡ rất thân quen.
Hình như màu hoa sữa chính là màu nắng thu, dịu nhẹ, chơi vơi. Mỗi bông hoa bé tí trong chùm hoa tròn như loài cẩm cù, long lanh, say đắm. Mùa thu treo trên cao. Hèn chi Hà Nội cứ mơ màng mỗi khi vào mùa hoa sữa?
Giờ đây, hoa sữa không còn của riêng Hà Nội. Loài hoa nồng nàn của mùa thu được trồng khắp nơi. Quê tôi cũng có. Nhưng nếu trồng dày san sát, hoa sữa non tơ sẽ tỏa mùi rất đậm. Nên mỗi con đường hay góc phố, chỉ cần thì thầm một tín hiệu thu.
Bất chợt một mùi hoa, người thường giật mình thêm một mùa thu đến, thêm một mùa sẽ qua. Bất chợt một loài hoa, nở bừng màu kỷ niệm. Tôi nghe gió mùa thu rất ân cần khẽ luồn qua mái tóc, thơm từng cơn gió xôn xao.
Dịu Hiền
Theo dòng hồi ức về một thời xưa cũ, tìm về vùng ánh sáng của những chiếc đèn dầu một thuở đã gắn liền cùng nếp sống sinh hoạt và văn hóa của bà con. Điện xưa rất yếu, ban ngày gần như không có điện, ngoài đường rất tối, không sáng như ngày nay, trong nhà lúc nào cũng phải có chiếc đèn dầu.
Với khán giả của Hà Nội thập niên 90 của thế kỷ trước và đầu những năm 2000, Tuyết Nhung là cái tên không hề xa lạ. Trong ký ức của nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung đồng thời là một chuyên gia trong lĩnh vực ẩm thực, căn bếp của gia đình khi bà con nhỏ ngoài một bóng đèn dây tóc leo lét chỉ đủ soi sáng để gia đình dọn mâm bát, còn lại không có bất cứ đồ dùng nào chạy bằng điện.
Nếu bạn đã thấy hơi lạnh tràn về trên phố mỗi sớm mai, đã thấy cuốn lịch trên tường mỏng dần đi theo ngày tháng... thì cho dù có bận rộn để hoàn thành kế hoạch của năm, cho dù có đang mải miết chinh chiến vì áo vì cơm, cũng có đôi lần lòng chùng xuống. Vì ngoài kia, tháng 12 đã về, đã lấp ló đâu đó, trên vệt nắng vàng nhạt đầu ngày, trong cơn gió se se mỗi sáng, trong những đêm lành lạnh một mình.
Đầu đông, những cây phượng bắt đầu trút lá. Trên vòm cây lá vẫn xanh đó mà dưới gốc cây xác lá đã trải vàng một đoạn đường. Một cơn gió nhẹ lay. Lòng người cũng say say với những chiếc lá phượng bay bay trong gió, vương vào mái tóc, vương trên vai áo. Vậy là cũng sắp hết một năm!
Chớm đông, ấy là khi những ngày cuối cùng của tháng 10 dần đi qua và tháng 11 bắt đầu kéo về. Ta chẳng còn mấy khi có dịp được ngắm bầu trời trong vắt với ánh nắng vàng ruộm trải dài mênh mang mỗi buổi chiều tà mà thay vào đó là một màu trời xám xịt với những cơn mưa phùn lê thê ướt rượt.
Thời bao cấp đi đã qua hơn 40 năm nhưng với nhiều người, những hình ảnh về dòng người chen chúc xếp hàng chờ mua thực phẩm với tờ tem phiếu trên tay thật khó quên. Trong những năm tháng ấy, cơm độn - một món ăn giản dị nhưng chứa đựng biết bao cảm xúc và kỷ niệm của người Hà Nội xưa - luôn khiến ta bồi hồi nhớ về những năm tháng khó khăn nhưng cũng đầy tình thương yêu.
0