Hoại tử, nguy cơ mất ngón tay sau khi bị điện giật
Theo Bệnh viên Đa khoa Đức Giang, bệnh viện mới tiếp nhận điều trị cho một trường hợp hoại tử nhiễm trùng nặng bàn ngón tay trái sau tai nạn bị điện giật. Đó là nam bệnh nhân H.T.B, 41 tuổi, trú tại Gia Lâm, Hà Nội, nhập viện trong tình trạng hoại tử da khô, chảy dịch mủ hôi ngón IV, V bàn tay (T). Đây là trường hợp tổn thương rất phức tạp, hoại tử ngón tay, lại đang có nhiễm trùng tổ chức nặng.
Bệnh nhân B. cho biết hơn một tháng trước, khi đang sửa bình nóng lạnh, không may bị điện giật. Bệnh nhân bất tỉnh, được đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất để điều trị các tổn thương cơ quan, trong đó có những vết thương ở bàn ngón tay (T). Lúc đầu, tổn thương ở tay chỉ là những vết thương khuyết da kích thước nhỏ đơn thuần. Càng ngày, hai ngón tay càng tím tái, chảy dịch, co cứng tăng lên, không vận động được.
Sau tai nạn hơn 20 ngày, bệnh nhân mới đi khám tay tại nhiều bệnh viện. Hầu hết các bác sĩ đều nhận định đây là tình trạng tổn thương rất phức tạp do điện giật, nguy cơ cao không giữ được các ngón tay.
Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình, BVĐK Đức Giang, nhận định đây là một ca khó. Tổn thương không đi kèm tổn thương xương, nhưng lại bị co kéo, chảy dịch mủ hôi, đau nhức nhiều dẫn đến mất vận động ngón V.
Bệnh nhân là một tài xế xe bus nên rất mong muốn giữ được ngón tay để đủ điều kiện tiếp tục công việc. Các bác sĩ đã quyết định tiến hành hai thì phẫu thuật. Thì đầu tiên, cắt lọc làm sạch tổ chức hoại tử nhiễm trùng, cấy khuẩn làm kháng sinh đồ, cố gắng bảo tồn tối đa các tổ chức, kết hợp biện pháp hút áp lực âm (VAC). Mục đích giúp liền vết thương tốt hơn, phục hồi một phần tổ chức.
Sau hơn hai tuần điều trị, bệnh nhân được phẫu thuật thì hai, sử dụng kỹ thuật chuyên sâu chuyển vạt da vùng gan bàn tay, giúp tái tạo, che phủ tổn khuyết của ngón. Đây là một kỹ thuật khó, đòi hỏi kỹ thuật cao, giúp bệnh nhân hồi phục tối đa cả về mặt liền thương, một phần chức năng vận động các ngón tay và thẩm mỹ.
Theo ThS.BS Phạm Duy Linh - Khoa Phẫu thuật tạo hình, BVĐK Đức Giang: “Sau phẫu thuật, để đạt được hiệu quả mong muốn, người bệnh cần đặc biệt tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ. Cần theo dõi, nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, chăm sóc vệ sinh vết mổ đúng cách giúp vạt da sống tốt, lành nhanh, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn. Bệnh nhân sẽ cần thường xuyên tái khám, cần một vài chỉnh sửa nhỏ nữa để giúp ngón tay hồi phục dần về vận động và đảm bảo về mặt thẩm mỹ".
Nếu như bỏng lửa và bỏng nước sôi gây ra các tổn thương trên da từ ngoài vào trong thì bỏng điện lại gây ra vết bỏng sâu từ trong ra ngoài. Bỏng do dòng điện có thể gây ra các tổn thương bệnh lý toàn thân hoặc tại chỗ như ngừng hô hấp, ngừng tim, hoặc tàn phế. Tổn thương do điện giật thường rất phức tạp. Chính vì thế, cần có những bước xử lý cấp cứu ban đầu nhanh chóng và chính xác để giúp bệnh nhân bảo toàn tính mạng, sau đó là hạn chế tối đa những tổn thương, biến chứng nặng có thể xảy ra./.
100% trạm y tế ở 10 tỉnh vùng cao, miền núi, khó khăn sẽ được triển khai khám, chữa bệnh từ xa thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Chiều 21/11, Quốc hội đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Dược, trong đó nghiêm cấm hành vi bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử với thuốc kê đơn.
Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) vừa tiếp nhận 7 nạn nhân bị ngộ độc thực phẩm do ăn thịt của chó bị bệnh.
Sở Y tế Hà Nội và Cơ quan Quản lý các bệnh viện công Paris đã ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2024 - 2029.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam đang tiếp tục đối mặt với tình trạng kháng thuốc gia tăng - mối đe dọa sức khỏe và sự phát triển toàn cầu. Việc phòng chống kháng thuốc đòi hỏi sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội.
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 37 quy định nguyên tắc xây dựng, cập nhật danh mục thuốc, các tiêu chí xem xét thuốc đưa vào danh mục, xem xét thuốc cần quy định tỉ lệ, điều kiện thanh toán BHYT, xem xét đưa thuốc ra khỏi danh mục; bỏ quy định phân chia danh mục thuốc theo hạng bệnh viện.
0