Học sinh Hà Nội không được dùng điện thoại trong giờ học

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có văn bản gửi các trưởng phòng giáo dục và đào tạo, giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, hiệu trưởng các trường trực thuộc yêu cầu học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.

Học sinh không được dùng điện thoại trong giờ học

Chiếc hộp thu điện thoại của các lớp học tại trường THCS Đồng Tháp (huyện Đan Phượng) luôn trong tình trạng trống rỗng. Không phải vì học sinh không nộp, mà từ lâu, nhà trường đã khuyến khích các em không mang điện thoại đến lớp. Quyết định này được thống nhất giữa nhà trường và phụ huynh vào đầu năm học. Ngoại trừ những trường hợp thật sự cần thiết, học sinh thường để điện thoại ở nhà, giúp các em tập trung vào việc học hơn.

Chiếc hộp thu điện thoại được cô giáo mang vào lớp.

Việc cấm học sinh không sử dụng điện thoại tại trường chủ yếu để rèn nhận thức, ý thức, hướng đến tinh thần tự giác học tập của các em. Thay vì ngồi lướt điện thoại, các em sẽ có nhiều thời gian hơn để tham gia vào các sân chơi lành mạnh, các hoạt động ngoài trời, gắn kết với bạn bè.

Thay đổi thói quen dùng điện thoại cũng là cách thay đổi thói quen giao tiếp của học sinh, trước hết là với bạn bè, thầy cô. Vậy nên việc hạn chế mang điện thoại đến trường cũng là một cách an toàn và hiệu quả để bảo vệ học sinh khỏi sự phiền nhiễu từ các thiết bị điện tử.

Cất điện thoại vào tủ chung của lớp vào mỗi đầu giờ học đã là thói quen thường nhật của mỗi học sinh trường THCS - THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội. Học sinh Vũ Quỳnh Anh chia sẻ: "Quy định trường đưa ra hợp lý, giúp học sinh không sao nhãng việc học tập và giúp học sinh tăng tương tác với thầy cô, bạn bè".

Thầy giáo Trần Ngọc Phong, Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh, cho biết: "Khi các con không quá tập trung vào sử dụng điện thoại thì có nhiều thời gian giao lưu với bạn bè, các con chia sẻ nhiều hơn và thêm thấu hiểu bạn bè".

Nếu học sinh cần mang điện thoại vào lớp, phụ huynh phải viết cam kết.

Học sinh không được mang điện thoại đến trường học, nếu phụ huynh có nhu cầu liên hệ với con thì học sinh và phụ huynh phải ký cam kết không được sử dụng điện thoại trong suốt thời gian học từ 7h15-17h là quy định tại trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

"Các lớp có thùng để điện thoại khóa lại và cuối ngày khóa lại, nếu trong suốt thời gian ở trường mà em nào sử dụng thì sẽ bị thu điện thoại và cuối năm mới trả và phụ huynh phải cam kết thực hiện đúng quy định", bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du cho biết.

Với những tiết học cần đến điện thoại để nâng cao hiệu quả giảng dạy thì giáo viên phải đăng ký trước với ban giám hiệu. Đồng thời, quá trình học sinh sử dụng điện thoại trong tiết học đó cũng được giáo viên giám sát chặt chẽ.

Nhiều quốc gia trên thế giới cấm điện thoại trong lớp học

Mới đây, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc khuyến nghị nên hạn chế, thậm chí cấm sử dụng điện thoại trong môi trường học đường bởi hàng loạt những hệ lụy kèm theo.

Trước nguy cơ quấy rối trên mạng đối với trẻ em ở trường học và làm giảm sự tập trung của học sinh, một số quốc gia đã bắt đầu thực hiện lệnh cấm hoàn toàn đối với điện thoại thông minh trong trường học.

Tại Pháp, lệnh cấm sử dụng điện thoại di động ở các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông đã được luật phê chuẩn vào năm 2018. Gần 200 trường đã cam kết sẽ tiến xa hơn trong năm nay bằng cách thử nghiệm tổng thể dự án "không kỹ thuật số". Như vậy sẽ có khoảng 50.000 học sinh trung học phải để điện thoại ở ngoài lớp học và chỉ được nhận lại vào cuối ngày. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Quốc gia Pháp cho biết việc thực hiện biện pháp này với quy mô lớn có thể diễn ra sớm nhất là vào tháng 1/2025.

Hy Lạp cũng đã công bố quy định mới về cấm sử dụng điện thoại di động trong trường học kể từ ngày 11/9, ngày khai giảng năm học mới 2024-2025. Theo quy định, học sinh vẫn được mang điện thoại đến trường nhưng không được sử dụng. Quy định mới cũng yêu cầu học sinh không được chụp ảnh, quay video hoặc không được ghi âm nội dung trao đổi với bạn học, giáo viên nếu chưa có sự đồng ý. Nếu không tuân thủ, học sinh có thể bị đình chỉ từ 1-3 ngày.

Nhiều quốc gia đã cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học.

Ngoài Hy Lạp, và Pháp, một số quốc gia châu Âu khác cũng đã triển khai các quy định tương tự. Ở Hà Lan, biện pháp này đã được áp dụng đối với học sinh tiểu học. Kể từ tháng 1/2025, việc cấm học sinh sử dụng thiết bị thông minh tại trường sẽ được áp dụng với tất cả cấp học trên toàn quốc.

Tháng 2 vừa qua, Anh cũng đã ban hành hướng dẫn mới khuyến khích các trường học toàn quốc cấm sử dụng điện thoại di động suốt cả ngày học, gồm cả giờ giải lao.

Đan Mạch cũng sẽ thử nghiệm các biện pháp này tại khoảng 200 cơ sở giáo dục. Quốc gia này đang tính đến việc có nên cấm sử dụng máy tính bảng hay không vì nhiều giáo viên cho rằng họ nhận thấy trong lớp các em vẫn có thể dùng máy tính bảng và có thể đăng nhập Snapchat trên máy tính bảng để trò chuyện với mọi người.

Đan Mạch tính đến việc cấm học sinh sử dụng cả máy tính bảng.

Câu chuyện tương tự diễn ra ở Australia, việc sử dụng điện thoại di động bị cấm ở tất cả các trường công lập cũng như ở nhiều trường công giáo và tư thục trên toàn quốc. Còn tại Mỹ, ít nhất 7 trong số 20 học khu lớn nhất nước này đã hoặc đang có kế hoạch cấm điện thoại di động trong toàn bộ giờ học. Khảo sát gần đây nhất vào năm 2021 cho thấy 43% trường trung học phổ thông và 77% trường trung học cơ sở Mỹ cấm sử dụng điện thoại di động trong lớp học ngoài mục đích học tập.

Tại châu Á, nhiều quốc gia cũng đã ban hành lệnh cấm. Bộ Giáo dục Trung Quốc cấm học sinh tiểu học và trung học mang điện thoại di động đến trường từ năm 2021. Hàn Quốc, Singapore cũng đang tăng cường các biện pháp hạn chế việc sử dụng điện thoại thông minh nhằm đảm bảo sức khỏe tâm thần và khơi dậy lại sự tương tác xã hội của học sinh.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Chiều qua 24/12 (theo giờ New York), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua bằng đồng thuận Công ước Liên hợp quốc về tội phạm mạng. Theo quy định tại Điều 64 của Công ước, Công ước sẽ được mở ký tại Thủ đô Hà Nội trong năm 2025, có tên gọi là “Công ước Hà Nội”.

Những ngày cuối năm, hoạt động mua bán tại các chợ đầu mối lớn của Hà Nội bắt đầu sôi động hơn, với hàng trăm tấn nông sản, thực phẩm, thủy hải sản… từ các tỉnh lân cận được trung chuyển qua mỗi ngày để cung cấp cho thị trường Thủ đô.

Chiều 24/12/2024 (giờ New York), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua bằng đồng thuận Công ước Liên hợp quốc về Tội phạm mạng. Theo quy định tại Điều 64 của Công ước, Công ước sẽ được mở ký tại Thủ đô Hà Nội trong năm 2025, có tên gọi là “Công ước Hà Nội”.

Việc xử lý sai cách dầu ăn đã qua sử dụng không chỉ gây hại cho môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Khi được tái chế đúng cách, dầu ăn đã qua sử dụng có thể chuyển hóa thành nhiên liệu sinh học như nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), một phần quan trọng trong nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại biến đổi khí hậu.

Để nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm du lịch đường thủy, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức hội nghị "Kết nối điểm đến du lịch dọc tuyến sông Hồng với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội".

Các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội đang ngày càng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng của địa phương.