Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố lần thứ 10

Sáng 21/11, Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVII đã khai mạc Hội nghị lần thứ 10, xem xét, thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của TP.

 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có các đại biểu T.Ư, các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên, lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện của TP…

Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII xem xét, thảo luận về các nội dung cụ thể: Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách năm 2022, dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp TP năm 2023; Kế hoạch tài chính ngân sách Nhà nước 3 năm giai đoạn 2023-2025; Báo cáo tổng quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021 của TP; Tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2022; Kế hoạch đầu tư công năm 2023 của TP; Cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 của TP Hà Nội.

Hội nghị cũng xem xét, cho ý kiến vào Quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách của TP; Định mức phân bổ ngân sách của TP giai đoạn 2023-2025; Đề án quản lý, sử dụng tài sản công của TP Hà Nội; Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát năm 2023 của Thành ủy; Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP, Ban Thường vụ Thành ủy; Báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện 2 khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thử XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, để chuẩn bị cho Hội nghị quan trọng ngày hôm nay, trong thời gian qua, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND Thành phố, các Ban xây dựng Đảng, Văn phòng Thành ủy và các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị các Báo cáo, Đề án, Tờ trình; đã trình xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và đã được tiếp thu, hoàn thiện để trình ra Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố ngày hôm nay.

Về một số vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công năm 2022, năm 2023 và kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm giai đoạn 2023-2025 của Thành phố, Bí thư Thành ủy cho biết, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII và các chương trình, kế hoạch trung hạn 5 năm 2021 - 2025 của Thành phố. Bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức và tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, song với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp của Thành phố, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô năm 2022 đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả khá quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy, tình hình kinh tế - xã hội cả nước cũng như Thành phố đang phải đương đầu nhiều vấn đề lớn, dự báo nhiều khó khăn, thách thức; khả năng huy động nguồn lực cho phát triển là khó khăn. Do đó, đòi hỏi cần nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình để đưa ra định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp và những quyết sách đúng, trúng đưa Thủ đô phát triển bền vững trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Từ đó, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và đầu tư công năm 2022 của Thành phố. Trong đó tập trung đánh giá kết quả thực hiện chủ đề năm 2022 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và sự cần thiết đề xuất tiếp tục thực hiện chủ đề này trong năm 2023. Đồng thời đánh giá các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, như: vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, cải cách hành chính và thủ tục hành chính và chỉ ra các nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, nhất là các nguyên nhân chủ quan để đề xuất các giải pháp khắc phục một cách căn cơ.

Về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ ngân sách thành phố Hà Nội, Bí thư Thành uỷ cho biết, tại Hội nghị Thành ủy chuyên đề tháng 8/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đã thông qua Đề án phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố. Trên cơ sở đó, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Để đảm bảo đồng bộ giữa các quy định phân cấp của Thành phố và căn cứ tình hình thực tiễn của Thành phố, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố đã đề xuất cập nhật, điều chỉnh Quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ ngân sách của Thành phố cho giai đoạn 2023-2025.

Từ đó, Bí thư Thành uỷ đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến cụ thể về nội dung phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi các cấp ngân sách, tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách của Thành phố; định mức phân bổ chi ngân sách Thành phố giai đoạn 2023-2025, đảm bảo tính hợp lý và hiệu quả khi tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó tập trung cho ý kiến đối với việc điều chỉnh định mức phân bổ chi thường xuyên đối với một số lĩnh vực; việc tăng tỷ lệ điều tiết tiển sử dụng đất cho các quận, huyện, thị xã; việc phân chia khoản thu thuế thu nhập cá nhân…

Về Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030, Bí thư Thành uỷ cho biết, tài sản công là nguồn lực nội sinh quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của cả nước nói chung và của Thành phố nói riêng còn chưa hiệu quả.

Nhận thức được tầm quan trọng của tài sản công và nhằm triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Thành ủy đã xác định việc nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của thành phố Hà Nội là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ này và các nhiệm kỳ tiếp theo. Đồng thời đã được cụ thể hóa tại Chương trình công tác số 02-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy và Chương trình hành động số 14-CTr/TU ngày 31/5/2021 thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố.

Trên cơ sở đó, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố nghiên cứu, xây dựng “Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030”. Đến nay, Đề án đã được Ban cán sự đảng UBND Thành phố chuẩn bị công phu, khoa học, nội dung khá đầy đủ, toàn diện với dung lượng 74 trang, kèm theo hệ thống 23 phụ lục chi tiết.

Để Đề án được hoàn thiện hơn nữa và đảm bảo tính khả thi, hiệu quả khi được thông qua và đi vào tổ chức thực hiện, Bí thư Thành uỷ đề nghị các đồng chí đại biểu tập trung, thảo luận cho ý kiến về sự cần thiết, phạm vi của Đề án; đánh giá thực trạng công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của Thành phố nói chung và tại cơ quan, đơn vị, địa phương nơi công tác nói riêng, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; đề xuất quan điểm, mục tiêu và các giải pháp khắc phục nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công. Đặc biệt là đối với quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho thuê; quỹ đất 20-25%; quỹ đất, nhà tái định cư; quỹ đất dự kiến đối ứng BT trước đây...

Quang cảnh hội nghị.

Về nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Bí thư Thành uỷ cho biết, thời gian qua, Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức nghiên cứu, triển khai các bước lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy trình quy định. Hiện nay, nhiệm vụ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 07/3/2022.

Tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 7, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đã họp, cho ý kiến đối với Báo cáo về định hướng nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với quy hoạch thành phố Hà Nội và định hướng phát triển đô thị Thành phố Hà Nội. Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đã thống nhất về định hướng nghiên cứu Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô gồm 5 mục tiêu; 8 quan điểm; 8 định hướng chính và 3 nhóm giải pháp trọng tâm.

Trên cơ sở Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 01/3/2022 và Kết luận số 49-KL/TU ngày 07/3/2022 của Thành ủy; Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố đã nghiên cứu, hoàn thiện nhiệm vụ Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội trình Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố xem xét, cho ý kiến về chủ trương theo Quy chế làm việc của Thành ủy. Dự thảo nhiệm vụ đã được tiếp thu ý kiến của các Sở, ban, ngành; các quận, huyện, thị xã; các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư theo quy định. Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã họp và cho ý kiến góp ý đối với dự thảo.

Tại Hội nghị ngày hôm nay, Bí thư Thành uỷ đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích đánh giá và tham gia cụ thể về những mục tiêu, quan điểm, định hướng và các giải pháp trọng tâm. Trong đó cần lưu ý, mục tiêu, định hướng việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô lần này cần bám sát định hướng phát triển Thủ đô được nêu tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị và phải được nghiên cứu đồng bộ, thống nhất với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chuyên ngành khác.

Bên cạnh đó, cần góp ý, thảo luận sâu về các vấn đề như: Thực trạng dân số của Hà Nội hiện nay cũng như dự báo dân số đến năm 2030, 2050 để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển của Thủ đô vì đây là vấn đề rất quan trọng và còn nhiều ý kiến khác nhau, nhất là về hiện trạng dân số hiện nay của Thành phố. Xác định tính chất, tầm nhìn phát triển Thủ đô theo Quan điểm số 2 của Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị là phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại” là điểm riêng có của Hà Nội cần được phát huy lên và là điểm nhấn của Quy hoạch lần này. Ngoài ra, cần đánh giá, rà soát các thế mạnh cũng như nhu cầu phát triển của từng địa phương để đề xuất đóng góp những giải pháp phát triển quan trọng, phù hợp để khi đồ án được ban hành đạt hiệu quả cao nhất.

Về dự thảo Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2023 của Thành ủy, Bí thư Thành uỷ cho biết, đây là công việc thường xuyên hàng năm của Thành ủy và là nội dung rất quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Thành phố.

Trên cơ sở tham mưu, đề xuất của Ủy ban kiểm tra Thành ủy, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp và thống nhất trình Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố xem xét, cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2023 của Thành ủy Hà Nội với 1 cuộc kiểm tra liên quan đến việc thực hiện các chủ trương, quy định về công tác cán bộ và 2 cuộc giám sát chuyên đề liên quan đến việc thực hiện các Chương trình, Nghị quyết về phát triển văn hóa và việc thực hiện sau kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, đây là những vấn đề rất bức thiết trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, đề nghị các đại biểu thảo luận, cho ý kiến cụ thể về số lượng, về nội dung các cuộc kiểm tra, giám sát năm 2023 của Thành ủy Hà Nội.

Về Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Thành uỷ cho biết, chương trình công tác năm 2023 được xây dựng nhằm cụ thể hóa Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố gắn với việc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả 10 Chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII. Đồng thời định hướng các nội dung lớn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2023 của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy; làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện.

Cơ quan tham mưu là Văn phòng Thành ủy đã bám sát Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII và tổng hợp các đề xuất của các cơ quan, đơn vị để lựa chọn các nội dung phù hợp, đúng thẩm quyền đưa vào dự thảo Chương trình. Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp, cho ý kiến để cơ quan tham mưu tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Chương trình để hôm nay trình xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố.

Từ đó, đề nghị các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về các nội dung, tiến độ của các công việc trong dự thảo Chương trình công tác năm 2023. Trong đó tập trung cho ý kiến về một số nội dung bổ sung, điều chỉnh so với Chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy đã ban hành theo đề xuất của các cơ quan được giao chủ trì tham mưu. Đồng thời, đề nghị các đồng chí tiếp tục nghiên cứu có cần bổ sung và đưa thêm nội dung vào Chương trình công tác năm 2023 hay điều chỉnh tiến độ của nội dung hay không.

Về Báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện 2 khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Bí thư Thành uỷ cho biết, đây là các báo cáo định kỳ theo Chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy đã được gửi đến các đồng chí và để tiết kiệm thời gian, sẽ không trình bày tại Hội nghị. Đề nghị các đại biểu nghiên cứu, tham gia ý kiến trực tiếp vào văn bản và gửi lại Văn phòng Thành ủy, Ban cán sự đảng UBND Thành phố để tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo theo quy định.

“Những nội dung trình Hội nghị Ban chấp hành đảng bộ Thành phố lần này là những nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô năm 2023 và những năm tiếp theo. Tôi đề nghị các đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng để hoàn thiện các Báo cáo, Đề án, Dự thảo Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp” - Bí thư Thành uỷ nhấn mạnh.

Sau phát biểu khai mạc của Bí thư Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã nghe các báo cáo, tờ trình của Ban cán sự Đảng UBND TP về các nội dung nêu trên. Sau đó, các ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội tiến hành thảo luận tại tổ về các Tờ trình, Dự thảo Chương trình, Nghị quyết được trình tại Hội nghị. Hội nghị dự kiến diễn ra trong 3 ngày (từ 21- 23/11/2022).

Video: Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố lần thứ 10

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Chiều 4/11, tại Hội trường Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt Xô, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ 4, năm 2024, đã tổ chức phiên trù bị. Tham dự của 250 đại biểu là những người gương mẫu, tiêu biểu, đại diện cho các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn thành phố.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sáng nay Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Để hạn chế tối đa tình trạng ban hành các thủ tục hành chính rồi lại rà soát để cắt giảm thì việc tổng hợp, lấy ý kiến người dân với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật là vô cùng quan trọng. Song, công việc này vẫn còn hình thức và chưa mang lại hiệu quả cao. Đây là phản ánh của đại biểu Quốc hội về chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong phiên thảo luận 4/11.

Phát biểu tại phiên họp Quốc hội chiều 4/11, Đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn ĐBQH TP. HCM đề nghị Chính phủ quan tâm quản lý các trang thông tin trên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông để kiểm soát các hoạt động mua bán sữa mẹ trái phép và cần có các chính sách để vận động hiến tặng sữa mẹ, giống chính sách vận động hiến máu tình nguyện.

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 4/11, các đại biểu đã bày tỏ sự quan tâm đến nhiều vấn đề nóng của xã hội trên các lĩnh vực: lao động việc làm, y tế, giáo dục... Đặc biệt là những vấn đề cần quan tâm sau siêu bão Yagi vừa qua.

Phát biểu tại phiên họp Quốc hội sáng 4/11, đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình kiến nghị nhân dân và cử tri mong muốn xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình khẩn cấp để trục lợi.