Hồi sinh cây xanh Hà Nội sau bão số 3 | Hà Nội tin mỗi chiều
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Công điện số 17, ngày 14/9, về việc tập trung đẩy mạnh công tác thu dọn cây xanh gãy, đổ sau bão số 3 trên địa bàn các quận nội thành.
Trong số hơn 40.000 cây xanh ở Hà Nội bị gãy đổ trong những ngày qua, dự kiến có khoảng 3.000 cây có thể cứu, phục hồi, trong đó có khoảng 100 cây quý hiếm.
Nhiều cổ thụ cả trăm năm tuổi, gắn với nhiều địa danh lịch sử của Hà Nội bị bật gốc, gãy đổ khiến nhiều người tiếc nuối. Theo số liệu thống kê của Công viên Thống Nhất, quận Hai Bà Trưng, có đến 116 cây đổ bên trong công viên, bên ngoài có 26 cây đổ. Nhiều người tiếc nuối bởi cây đa Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng vào năm Canh Tý 1960 khi kêu gọi cả nước hưởng ứng phong trào Tết trồng cây, đã bị gãy ngang thân. Đại diện Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất cho biết cây đa này bị lệch tán, gãy ngang thân. Công ty sẽ đưa ra phương án tối ưu để khôi phục.
Tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, cây đa nhiều năm tuổi vốn đã thân thuộc với người dân Thủ đô cũng bị gãy làm đôi. Cây si to lớn ở biệt thự 49 Trần Hưng Đạo cũng bật gốc. Trên nhiều tuyến đường, đặc biệt là những tuyến đường có hàng cây lâu năm, nhiều bóng mát nổi tiếng như Thanh Niên, Phan Đình Phùng… nhiều cổ thụ, cây đa bật gốc, gãy đổ. Trên đường Hoàng Diệu, một cổ thụ bật gốc, đổ ngang đường. Cây sưa lâu năm ở gần trụ sở Bộ Ngoại giao, phố Tôn Thất Đàm, quận Ba Đình, cũng đã bị bão số 3 quật ngã. Đây từng là địa điểm được rất nhiều người yêu thích đến check in mỗi khi cây sưa ra hoa.
Những ngày này, một trong những việc cấp bách được lãnh đạo thành phố Hà Nội chỉ đạo sát sao là tranh thủ thời gian sớm nhất, dùng mọi biện pháp hữu hiệu để trồng, phục hồi, cứu tối đa cây xanh bị gãy đổ, bật gốc... Một vấn đề khác mang tính dài hạn cũng được đặt ra là quy hoạch, lựa chọn cây đô thị phù hợp hơn cho Thủ đô.
Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị Đặng Văn Hà cho biết, nhiều cây xanh gãy, đổ thuộc các loài bàng, sấu, bằng lăng, keo…, vốn là cây trồng phù hợp lấy bóng mát ở đô thị, có sức chịu gió tốt. Tuy nhiên, bão số 3 khi vào đến Hà Nội có sức gió ở cấp 8-9, giật cấp 10, 11 nên những cây có chiều cao lớn hoặc mới trồng, rễ chưa kịp cắm sâu sẽ không thể chống chịu.
Tại các đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh như Hà Nội, khoảng không gian cho cây xanh phát triển tự do đang dần thu hẹp lại. Do ảnh hưởng của các công trình xây dựng, một số loại cây phát triển lệch, gây mất cân đối giữa chiều cao và đường kính trụ. Trong khi đó, đặc thù đất của Hà Nội trũng, độ ẩm cao, đặc biệt các mạch nước ngầm trong thành phố cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cây xanh đô thị dễ bị đổ khi gặp thời tiết cực đoan.
Ngay sau khi cơn bão số 3 quét qua Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3, đã yêu cầu, đối với cây xanh gãy đổ, cây nào cứu được phải hết sức cứu, dựng lại được phải dựng lại để chăm sóc, bất đắc dĩ mới phải cưa bỏ, vì trồng được một cây không dễ và mất rất nhiều thời gian.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khi đi thị sát sau cơn bão đã chỉ đạo các Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách các địa bàn cần quan tâm việc bảo vệ, khôi phục cây xanh, tránh làm vội sẽ thiệt hại, khó khắc phục. Phải cố gắng bảo vệ, hồi sinh tối đa các cây xanh trên địa bàn, đặc biệt là các cây xanh quý hiếm.
Để giữ gìn, khôi phục lại những cây xanh đã bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết Sở Xây dựng Hà Nội đang nỗ lực cùng với các bộ phận chuyên môn chuẩn bị phương án tổng thể, với các giải pháp hữu hiệu để khôi phục những cây đã đổ, gãy cành với hy vọng giữ được tối đa có thể. Đặc biệt, những cây quý, cây cổ thụ sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ.
PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, cho rằng để phục hồi cây xanh, thành phố Hà Nội nên tận dụng trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà vườn có kinh nghiệm để đưa ra các giải pháp tổng thể bền vững. Không nên giải quyết theo kiểu tình huống, thấy cây đổ thì dựng lên, có thể tạo ra sự lãng phí lớn về tài nguyên cây xanh, ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh Lại Thanh Hải cho biết, để hạn chế cây gãy, đổ, nghiêng, cắt tỉa là giải pháp quan trọng. Ngoài ra, ngay từ khi trồng cây, cần tạo hố đủ lớn, đủ sâu và bổ sung đất màu để bảo đảm cân đối về khả năng lèn giữ, tạo không gian và đáp ứng dinh dưỡng cho bộ rễ phát triển. Nếu trước đây, hố đào chỉ gấp 2-3 lần thì nay phải đào gấp 4-5 lần bầu cây rồi đổ đất màu để bảo đảm tạo khoảng mềm và dinh dưỡng cho rễ cây ăn ra, phát triển.
Đưa ra ý kiến về giải pháp trồng lại cây xanh gãy đổ ở Hà Nội sau bão số 3, ông Lê Huy Cường, chuyên gia cây xanh thuộc Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam, cho biết: "Trước khi trồng lại phải quy hoạch diện tích trồng, bảo đảm cây có không gian để phát triển hệ rễ, chọn đúng chủng loại cây trồng. Cần tham vấn ý kiến chuyên gia, đơn vị có chuyên môn".
Rút ra bài học từ bão số 3, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội kiến nghị các chủ đầu tư dự án thực hiện thi công hạ ngầm, cải tạo hè, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật trên các tuyến đường, phố phải có biện pháp bảo đảm tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến hệ thống cây xanh; có biện pháp gia cố, bảo vệ cây xanh, trong quá trình thi công không làm cây bị nổi bầu, bật gốc, nghiêng, đổ. Bên cạnh đó, người dân cũng cần nâng cao ý thức chăm sóc, bảo vệ cây xanh, phối hợp với đơn vị quản lý cây xanh trong việc phát hiện các trường hợp cây nguy hiểm, xử lý sự cố cây xanh trên địa bàn Thủ đô Hà Nội kịp thời, chính xác để bảo vệ tối đa cây xanh, bảo vệ tài sản quý giá của Thủ đô Hà Nội.
- Ám ảnh kinh hoàng từ những trận bão lũ Giáp Thìn | Hà Nội tin mỗi chiều
- Cùng đồng bào vượt bão | Hà Nội tin mỗi chiều
- Hà Nội: Báo động lũ trên sông Tích | Hà Nội tin mỗi chiều
- Hà Nội di dời khẩn cấp cư dân nhà A7 Tân Mai | Hà Nội tin mỗi chiều
- Ứng phó khẩn cấp với siêu bão Yagi để giảm thiểu thiệt hại | Hà Nội tin mỗi chiều
Dự phòng gần 2500 xe khách dịp Tết Nguyên đán; Vietnam Airlines mở rộng hạng ghế phổ thông đặc biệt; Cần sớm khắc phục bất cập dốc kết nối đê sông Hồng... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.
Có người luôn tự hỏi: trong những sở thích của mình, điều gì thực sự khiến mình say mê; điều gì chỉ như ngọn lửa bập bùng, rồi vụt tắt khi gió thổi qua? Thích thì dễ, nhưng để đi đến cùng, lại là câu chuyện đòi hỏi nhiều hơn thế.
Ngăn chặn mua hóa đơn để nhập lậu, trốn thuế dịp Tết; Vượt 500 nghìn tỷ đồng thu ngân sách, TP.HCM cán đích sớm; Những tỷ phú kiếm nhiều tiền nhất năm 2024... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.
Giá nhà Hà Nội tăng cao không phải do giá đất mới; Dự án NƠXH tại Đông Anh khởi công quý I/2025; Chung cư hạ nhiệt nhưng giá vẫn cao phi lý... là một số nội dung đáng chú ý trong Bản tin hôm nay.
Vượt qua hơn 700 thí sinh, 15 thí sinh tại vòng chung kết Tiếng hát Hà Nội bước vào đêm chung kết với phần dự thi hai tiết mục bao gồm bài hát tự chọn theo phong cách âm nhạc và một ca khúc về chủ đề Hà Nội. Không chỉ “khoe” giọng hát nội lực, các thí sinh còn thể hiện sự đầu tư dàn dựng khi có sự kết hợp cùng nhạc cụ và vũ đạo. 15 thí sinh là 15 màu sắc âm nhạc khác nhau, tạo nên đêm chung kết chất lượng và đầy cảm xúc.
Thời tiết Hà Nội ngày 26/12 vẫn duy trì ấm áp vào ban ngày, rét về đêm và sáng sớm. Nhiệt độ dao động 21-22 độ, độ ẩm 53-65%, hanh khô đã giảm đi chút ít.
0