Hơn 10.000 học sinh Hà Nội sẽ được miễn học phí | Hà Nội tin mỗi chiều

Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã quyết định miễn 50% học phí cho hơn 10.000 trẻ mầm non và học sinh phổ thông hộ cận nghèo trên địa bàn Thủ đô; Việc đồng bộ tất cả các khâu từ phân loại, thu gom, đặc biệt là xử lý tái chế rác thải sinh hoạt là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của phân loại rác tại nguồn... là những thông tin đáng chú ý trong chương trình hôm nay.

Chiều qua tại Kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ học phí trẻ mầm non và học sinh phổ thông hộ cận nghèo. Theo đó, trẻ em mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên các trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc hộ cận nghèo đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ được giảm 50% học phí năm học 2023 - 2024.

Cùng với đó, theo quy định tại Nghị định số 81 năm 2021 của Chính phủ, trẻ em mẫu giáo và học sinh phổ thông khuyết tật, mồ côi, hộ nghèo... được giảm học phí. Trong đó, học sinh thuộc hộ cận nghèo được giảm 50% học phí. Với mức thu học phí của năm học 2023-2024, mức học phí của các trường hợp này thấp nhất 25.000 đồng/tháng, và cao nhất 150.000 đồng.

Hơn 10.000 học sinh Hà Nội sẽ được miễn học phí

Thực hiện chỉ tiêu chương trình của Thành ủy Hà Nội về "phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025", Hà Nội sẽ hỗ trợ số học phí còn lại phải đóng (tức là 50% học phí) sau khi đã hưởng chính sách giảm học phí của trung ương. Như vậy, sau khi áp dụng đồng thời các chính sách của Chính phủ và của thành phố Hà Nội, trẻ mầm non và học sinh thuộc hộ cận nghèo sẽ không phải đóng học phí.

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định thời gian áp dụng hỗ trợ từ ngày 1/1/2024, theo thời gian học sinh học thực tế, tối đa không quá 9 tháng/năm học. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo phân cấp. Hà Nội cũng dự kiến tổng kinh phí thực hiện chính sách này trong năm học 2023 - 2024 khoảng hơn 6,7 tỷ đồng. Tổng số trẻ, học sinh được hưởng chính sách khoảng hơn 10.000 em, trong đó, học sinh công lập khoảng hơn 6,5 tỷ đồng và học sinh dân lập, tư thục khoảng 134 triệu đồng. Trong đó kinh phí cấp thành phố khoảng hơn 1,9 tỷ đồng, cấp huyện khoảng hơn 4,7 tỷ đồng.

Để tránh trùng lặp các đối tượng được hỗ trợ, thời gian tới các ban ngành của thành phố sẽ khảo sát, phân tích rõ thêm đặc điểm của nhóm đối tượng là học sinh thuộc hộ cận nghèo học tập tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông dân lập, tư thục của TP Hà Nội và nghiên cứu giải pháp để học sinh thuộc hộ cận nghèo được ưu tiên học lại các trường công lập.

Hai năm qua, để giảm bớt khó khăn cho nhân dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tất cả các  địa phương cả nước đều có chính sách miễn, giảm học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông với mức 50-100%. Năm nay, nhiều địa phương đã dừng chính sách này, trừ một số tỉnh, thành như Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Bình, Hà Nam. Việc HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ học phí trẻ mầm non và học sinh phổ thông hộ cận nghèo trên địa bàn cũng là tạo tiền đề và bảo đảm điều kiện thuận lợi để mỗi người dân có cơ hội được thụ hưởng công bằng thành quả của nền giáo dục, để “không ai bị bỏ lại phía sau” như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Những năm qua, việc miễn, giảm học phí cho các đối tượng chính sách đã tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, vì thế, từ những tác động tích cực mà chính sách miễn giảm học phí mang lại, hi vọng chính sách nhân văn này sẽ sớm lan tỏa, nhân rộng ra các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là các thành phố lớn có tiềm lực kinh tế mạnh.

Ngoài ra còn có một thông tin đáng chú ý khác. Những năm gần đây, hình ảnh những thùng rác sơn thành ba màu tương ứng ba loại rác vô cơ, hữu cơ và rác tái chế đã trở nên quen thuộc với cư dân từ thành thị tới nông thôn. Bước đầu người dân cũng đã hình thành thói quen phân loại… Nhưng có triệt để, đồng bộ, hiệu quả hay chưa thì vẫn là vấn đề,  khi cảnh tượng ùn ứ rác thải sinh hoạt trộn lẫn, chất đống ở cả nội đô lẫn nơi thu gom, bãi rác ngoại thành vẫn diễn ra.

Từ 1/1/2025,  phân loại chất thải rắn sinh hoạt sẽ là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Đến thời điểm đó, nếu không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 45 ngày 7/7/2022 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Bộ Tài nguyên và môi trường cũng đã ban hành Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Theo đó, 3 nhóm chất thải chính sẽ được phân loại gồm:

-  Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (như giấy thải; nhựa thải; kim loại thải; thủy tinh thải; vải, đồ da; đồ gỗ; cao su; thiết bị điện, điện tử thải bỏ).

- Chất thải thực phẩm.

- Chất thải rắn sinh hoạt khác (chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; chất thải khác).

Như vậy là chỉ còn hơn một năm để mọi người dân, gia đình hình thành thói quen phân loại rác. Có thể thấy, các địa phương sẽ còn rất nhiều việc phải làm, từ việc tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng, đến việc đồng bộ trong tất cả các khâu từ đầu tư hạ tầng thu gom, vận chuyển, đến xử lý tái chế rác thải sinh hoạt.

Cách đây nhiều năm, TP Hà Nội cũng thí điểm phân loại rác tại nguồn, tuyên truyền đến người dân, khu dân cư… nhưng cũng không đạt hiệu quả mong muốn. Như tại quận Hoàn Kiếm, đã từng thí điểm phân loại rác tại nguồn từ cách đây gần 20 năm, nhưng nay quay trở lại tiếp tục triển khai việc này. Trong ba năm qua, quận Hoàn Kiếm đã thu gom được 2.500 tấn rác tái chế. Việc phân loại rác mặc dù chưa triệt để nhưng đã mang lại sự chuyển biến lớn về môi trường. Tuy nhiên, để không lặp lại câu chuyện rác sau phân loại đổ chung vào một xe thu gom và chưa được tái chế triệt để, khiến nhiều người dân không duy trì lâu dài, thì sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Khảo sát hồi đầu năm nay từ Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, thì 80,6% hộ gia đình và 75,5% doanh nghiệp nhận thức việc phân loại rác là việc dễ thực hiện và ủng hộ áp dụng tại hộ gia đình, doanh nghiệp. Nhưng họ lại thiếu động lực thực hiện nếu đổ chung rác sau khi phân loại.

Việc đồng bộ tất cả các khâu từ phân loại, thu gom, đặc biệt là xử lý tái chế rác thải sinh hoạt là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của phân loại rác tại nguồn. Chính vì vậy, việc đầu tư, huy động các nguồn lực cho hạ tầng xử lý, tái chế rác thải được rất nhiều địa phương quan tâm. Hàng ngày vẫn có tới 85% trong số trên 67.000 tấn chất thải sinh hoạt mỗi ngày trong cả nước đang xử lý theo hình thức chôn lấp không phân loại, khiến nhiều bãi rác quá tải và ô nhiễm nghiêm trọng. Lượng chất thải rắn phát sinh của Việt Nam có tốc độ tăng khoảng 10% mỗi năm. Ước tính mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng hơn 60.000 tấn, nhưng chỉ có khoảng 15% lượng rác thải thu gom được tái chế hoặc tái sử dụng. Phần còn lại sẽ là gánh nặng lên chi phí, nguồn lực để xử lý và ảnh hưởng môi trường, sức khỏe của chính chúng ta. Do vậy, phân loại có vai trò quan trọng để loại bỏ những tạp chất tồn đọng ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường và nâng cao hiệu quả xử lý rác. Từ đó rác sẽ nhanh chóng có một vòng đời mới, tái chế, cho rác thải hữu cơ được tái sinh có ích. Đồng thời, giảm gánh nặng lên môi trường từ quá trình chôn lấp, xử lý. Rác sẽ thực sự trở thành tài nguyên. Mỗi chúng ta sẽ góp phần vào lối sống xanh, bền vững./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tối 17/11, ở chùa Bái Đính, một chương trình đặc biệt - Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông với thông điệp "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” một lần nữa khiến hàng ngàn khán giả cả nước rơi nước mắt.

Sẽ có gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành giai đoạn 2024 - 2025. Thông tin này được Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra trong phần tham luận tại Diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” do Đài Hà Nội tổ chức ngày 16/11.

Với những người trẻ, các hoạt động sôi nổi ở phố đi bộ Hồ Gươm có lẽ là điểm đến không thể thiếu mỗi dịp cuối tuần. Những hoạt động tại phố đi bộ còn có cả các buổi phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội với ekip khá chuyên nghiệp. Thế nhưng, ngay dưới bộ dụng cụ hành nghề của những ekip này đều gắn logo quảng cáo trá hình cho trang web cờ bạc như OK VIP.

Khoảng 40 nghìn khách tham quan trong một ngày - gần bằng những ngày đông khách nhất tại Bảo tàng Louvre của Pháp năm 2019, với 45.000 lượt người. Đó là con số ấn tượng của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - cũng là lượng khách cao kỷ lục mà một bảo tàng có thể thu hút được.

Hiện nay, tình trạng vỉa hè tại nhiều tuyến đường đang bị lấn chiếm một cách vô tội vạ. Lối đi dành riêng cho người đi bộ giờ lại hoá thành nơi buôn bán.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, khi có những tiêu chí thế nào là mê tín dị đoan, Bộ sẽ phát triển các công cụ mà nhìn vào hình ảnh có thể đánh giá được hành vi và báo sang Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xử lý.