Hơn 100.000 thí sinh Hà Nội làm thủ tục dự thi vào lớp 10| Hà Nội tin mỗi chiều

Hơn 100.000 thí sinh Hà Nội làm thủ tục dự thi vào lớp 10; Rà soát kê khai, nộp thuế sau những phiên livestream bán hàng triệu USD; Mở thêm cánh cửa phát triển công nghiệp văn hóa cho Hà Nội... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hơn 100.000 thí sinh Hà Nội làm thủ tục dự thi vào lớp 10

Sáng 7/6, hơn 100.000 thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 có mặt tại 201 điểm thi để làm thủ tục dự thi.

Trong buổi làm thủ tục dự thi sáng 7/6, các thí sinh đã được giám thị phổ biến về quy chế thi, lịch thi từng môn, đồng thời chỉnh sửa những sai sót về thông tin cá nhân (nếu có).

Hơn 100.000 thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 có mặt tại 201 điểm thi để làm thủ tục dự thi. Ảnh: Thanh Niên.

Quy chế thi lớp 10 quy định rõ những vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi, gồm: Bút viết, thước kẻ, bút chì, tẩy chì, ê ke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình, máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ, Atlat Địa lí Việt Nam được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác)...cũng được các giáo viên phụ trách công tác coi thi nắm rõ để phổ biến đến thí sinh.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tính đến 19h00 ngày 6/6, 100% điểm thi trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hoàn tất công tác chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng đón thí sinh.

201 nhà giáo được giao nhiệm vụ làm trưởng điểm thi đã chính thức nhận nhiệm vụ. Các điểm thi cũng đã nhận đầy đủ văn phòng phẩm theo quy định. Hệ thống camera an ninh tại phòng bảo quản đề thi, bài thi; máy photocopy, máy phát điện tại 100% điểm thi đã được vận hành thử và bảo đảm yêu cầu.

Kiểm tra máy phát điện tại Trường THCS Lê Ngọc Hân. Ảnh: Quang Thái/ Hanoimoi.

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thi cho biết kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được cả xã hội quan tâm. Dù diễn ra hàng năm nhưng các đơn vị, địa phương tuyệt đối không chủ quan, cần chuẩn bị chu đáo, rà soát kỹ lưỡng mọi mặt, dự báo được các tình huống phát sinh, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh tham dự kỳ thi.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thành lập 201 điểm thi với hơn 4.500 phòng thi chính thức, hơn 400 phòng thi dự phòng, huy động gần 15.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi. Trong đó, điểm thi Trường THPT Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) có nhiều phòng thi nhất với 40 phòng; tiếp sau là THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ) có 39 phòng thi; THCS Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) có 38 phòng thi. Với quy mô thí sinh dự thi lớn, tính cạnh tranh cao, việc bảo đảm an ninh an toàn ở mọi khâu, đặc biệt là khâu coi thi được Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh các cấp và các điểm thi chú trọng. 100% cán bộ coi thi đã được tập huấn quy chế thi trước khi nhận nhiệm vụ tại điểm thi.

Thí sinh bị gãy tay sẽ được bạn đồng hành hỗ trợ chép lại bài thi. Ảnh: Báo Lao động.

Được biết, năm nay, 10 điểm thi đã có phương án bố trí phòng thi riêng dành cho các thí sinh có vấn đề về sức khỏe. Tính đến 19h00 ngày 6/6, có 10 thí sinh được ghi nhận có vấn đề về sức khỏe cần hỗ trợ. Trong đó, 8 thí sinh bị gãy tay không thể tự làm bài thi sẽ được các điểm thi bố trí một học sinh lớp 8 đồng hành trong các buổi thi để chép lại nội dung bài làm do thí sinh bị gãy tay đọc trong thời gian làm bài thi; hai trường hợp còn lại cần tiêm insulin 24/24 giờ đã được hướng dẫn quy trình kiểm soát các thiết bị hỗ trợ trong suốt thời gian thi bảo đảm đúng quy chế. Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh thành phố lưu ý các điểm thi tiếp tục rà soát các trường hợp đặc biệt để chủ động có phương án hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho thí sinh. Kỳ thi tuyển sinh vào trường công lập không chuyên 2024 - 2025 diễn ra vào ngày 8 và 9/6; thi chuyên vào ngày 10/6 và thi song bằng vào ngày 11 và 12/6.

Rà soát kê khai, nộp thuế sau những phiên livestream bán hàng triệu USD

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế vừa ban hành Công điện số 01 yêu cầu Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cục Thuế doanh nghiệp lớn quyết liệt triển khai hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Trong đó, Tổng cục Thuế yêu cầu triển khai rà soát, kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hoá đơn điện tử của các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tiếp thị liên kết, cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ hoạt động quảng cáo, cung cấp phần mềm, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, phát video trực tiếp (livestream) bán hàng hóa, dịch vụ.

Thời gian qua, hai hoạt động đặt ra nhiều băn khoăn nhất liên quan đến nghĩa vụ thuế là livestream bán hàng và tiếp thị liên kết. Trong đó, các chuyên gia thương mại điện tử khẳng định rằng livestream bán hàng về cơ bản chính là tiếp thị liên kết khi người bán không trực tiếp bỏ vốn ra mua sản phẩm cũng như không cung ứng sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Nếu như người bán chưa đăng ký kinh doanh thì sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Tổng cục Thuế yêu cầu triển khai rà soát kê khai, nộp thuế với các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, phát video trực tiếp (livestream) bán hàng. Ảnh minh hoạ: Vneconomy.

Ông Mai Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết cần sự hỗ trợ rất lớn của các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an cùng với cơ quan thuế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông để tập hợp cơ sở dữ liệu lại, sơ đồ hóa công tác quản lý. Yêu cầu các Cục Thuế tuyên truyền hỗ trợ cá nhân kinh doanh kê khai, trong trường hợp trây ỳ sẽ phối hơp để xử lý vi phạm.

Năm 2023, ngành thuế đã quản lý doanh thu thương mại điện tử lên đến 3,5 triệu tỷ đồng.
Ảnh minh hoạ: Kinh tế & Đô thị.

Năm 2023, ngành thuế đã quản lý doanh thu thương mại điện tử lên đến 3,5 triệu tỷ đồng và đã thu về 97.000 tỷ đồng cho ngân sách, tăng 16% so với năm 2022. Người bán hàng online không thể giấu danh tính và phải công khai doanh thu, kê khai và nộp thuế. Sẽ có hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn, trong đó có kết nối, chia sẻ dữ liệu của nhiều cơ quan quản lý để không "bỏ lọt" các khoản thuế phải thu đối với thương mại điện tử. Đó cũng là những mục tiêu được đặt ra trong Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Những tháng đầu năm nay, thương mại điện tử tăng trưởng mạnh. Riêng 5 sàn thương mại điện tử tại Việt Nam tăng trưởng tới gần 79% trong quý I. Ngành thuế xác định, để thương mại điện tử hoạt động lành mạnh, minh bạch và chống thất thu thuế rất cần sự liên thông chia sẻ dữ liệu nhiều hơn nữa giữa các bộ ngành. Đồng thời phải xây dựng được một mô hình quản lý chung cho toàn quốc với sự tham gia tích cực của chính quyền các tỉnh và các ban ngành có liên quan. Bộ Tài Chính đang làm đề xuất sửa quy định theo hướng yêu cầu các sàn thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn, trong đó có cả livestream. Theo đó, sẽ chỉ cần một đầu mối khai và nộp thuế thay vì hàng chục nghìn cá nhân.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn.

Trước vấn đề này, đại diện các nền tảng cũng cho biết họ có đầy đủ công cụ và giải pháp để thực hiện. Ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện Tiktok Việt Nam cho biết đơn vị này sẽ làm việc rất chặt chẽ với ngành thuế để bảo đảm không có câu chuyện lách thuế, trốn thuế ở đây. Thương mại điện tử ở trên nền tảng chính thức có quản lý thì việc thu thuế của Nhà nước sẽ đảm bảo hơn rất nhiều. Mới đây, trong phiên chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, cơ quan này cũng sẵn sàng phối hợp với các đơn vị chức năng trong việc quản lý hoạt động thương mại trực tuyến trên cơ sở dùng công nghệ để quản lý hiệu quả công nghệ.

Mở thêm cánh cửa phát triển công nghiệp văn hóa cho Hà Nội

Hai đêm diễn của Westlife mang tên “The Hits Tour 2024” tại Việt Nam, trong hành trình lưu diễn tại nhiều quốc gia đã đưa tên của Thủ đô Hà Nội trên bản đồ âm nhạc thế giới đồng thời mở ra thêm cánh cửa phát triển công nghiệp cho thành phố.

3 thành viên của nhóm nhạc đình đám Westlife biểu diễn tại Hà Nội. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Đêm nhạc Westlife “The Hits Tour 2024” do Trung tâm Tổ chức Biểu diễn Nghệ thuật và Sự kiện Văn hóa - Nhà hát Lớn Hà Nội phối hợp với một công ty tổ chức. Đây là sự kiện âm nhạc quốc tế hướng tới kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô cũng như chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hoá. Mỗi đêm ước tính tầm 8.000 khán giả trong đó có nhiều người hâm mộ cứng của Westlife trong những ngày đầu nhóm thành lập từ nhiều nơi đổ về Hà Nội đã được chiêu đãi bữa tiệc âm nhạc và thị giác ấn tượng. Như vậy, khoảng 16.000 người hâm mộ của ban nhạc đình đám thế giới đã tề tựu tại Thủ đô, hòa cùng đam mê cháy bỏng với những phút giây thăng hoa cùng thần tượng.

Trong hai đêm diễn tại Hà Nội, Westlife đã rất nhiều lần thể hiện tình cảm riêng của họ dành cho Việt Nam suốt từ đầu đến cuối chương trình. Ban nhạc đình đám tích cực giao lưu với khán giả bên dưới khi nói nhiều câu tiếng Việt đơn giản như: "Giơ tay lên", "Hạ tay xuống", "Xin chào", "Tôi yêu bạn", "Tôi yêu Hà Nội", "Tôi yêu Việt Nam".

Người hâm mộ chưa quên hai đêm diễn của các cô gái BlackPink thu hút khán giả từ khắp nơi trên thế giới đến với Hà Nội. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Sau hai đêm diễn tại Hà Nội, Westlife tiếp tục mang "The Hits Tour 2024" sang Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia. Như vậy, Hà Nội ngày càng trở thành điểm dừng chân hấp dẫn với các ban nhạc, nghệ sĩ nổi tiếng thế giới. Người hâm mộ chưa quên hai đêm diễn của các cô gái BlackPink thu hút khán giả từ khắp nơi trên thế giới đến với Hà Nội. Gần đây, hai buổi biểu diễn của "huyền thoại" Kenney G cùng MV ra mắt sau đó "Going home" đã khiến hàng ngàn trái tim khán giả xao xuyến.

Huyền thoại saxophone Kenny G biểu diễn tại Hà Nội. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Trước đó còn rất nhiều chuyến lưu diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới chọn Việt Nam và đặc biệt là Hà Nội là điểm dừng chân. Điều đó cho thấy, Hà Nội đã trở thành điểm đến hấp dẫn, là "điểm hẹn âm nhạc", là thành phố của âm nhạc, lễ hội, niềm tin và sự yêu mến tràn đầy. Với thông tin về các chuyến lưu diễn cùng điểm dừng chân là Hà Nội được thông báo trên toàn cầu, Hà Nội đã đưa tên mình trên bản đồ âm nhạc thế giới về một thành phố sôi động, mến khách, cơ sở vật chất thuận lợi cho những chương trình tầm cỡ quốc tế.

Cùng với những nỗ lực thu hút khách du lịch, phát triển các giá trị văn hóa, trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của mình, Hà Nội cũng mong muốn lan tỏa hình ảnh một Thủ đô hội nhập và trải thảm đón chờ các sự kiện văn hóa có ý nghĩa với thế giới. Nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, những chương trình như "The Hits Tour 2024" tiếp tục mang đến cho khán giả những bữa tiệc âm nhạc phong phú, lan tỏa tên tuổi Hà Nội và Việt Nam vang xa, thu hút đông đảo bạn bè quốc tế đến để trải nghiệm và yêu mến mảnh đất này.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tối 17/11, ở chùa Bái Đính, một chương trình đặc biệt - Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông với thông điệp "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” một lần nữa khiến hàng ngàn khán giả cả nước rơi nước mắt.

Sẽ có gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành giai đoạn 2024 - 2025. Thông tin này được Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra trong phần tham luận tại Diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” do Đài Hà Nội tổ chức ngày 16/11.

Với những người trẻ, các hoạt động sôi nổi ở phố đi bộ Hồ Gươm có lẽ là điểm đến không thể thiếu mỗi dịp cuối tuần. Những hoạt động tại phố đi bộ còn có cả các buổi phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội với ekip khá chuyên nghiệp. Thế nhưng, ngay dưới bộ dụng cụ hành nghề của những ekip này đều gắn logo quảng cáo trá hình cho trang web cờ bạc như OK VIP.

Khoảng 40 nghìn khách tham quan trong một ngày - gần bằng những ngày đông khách nhất tại Bảo tàng Louvre của Pháp năm 2019, với 45.000 lượt người. Đó là con số ấn tượng của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - cũng là lượng khách cao kỷ lục mà một bảo tàng có thể thu hút được.

Hiện nay, tình trạng vỉa hè tại nhiều tuyến đường đang bị lấn chiếm một cách vô tội vạ. Lối đi dành riêng cho người đi bộ giờ lại hoá thành nơi buôn bán.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, khi có những tiêu chí thế nào là mê tín dị đoan, Bộ sẽ phát triển các công cụ mà nhìn vào hình ảnh có thể đánh giá được hành vi và báo sang Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xử lý.