Hơn 5 triệu USD tiền hối lộ và báo cáo ảo | Hà Nội tin mỗi chiều
Theo kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB cùng các đơn vị có liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố 86 bị can; trong đó, 13 bị can từng là cán bộ và lãnh đạo đơn vị chuyên môn thuộc Ngân hàng Nhà nước. Đặc biệt, bị can Đỗ Thị Nhàn – cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước bị đề nghị truy tố về tội nhận hối lộ khi nhận 5,2 triệu USD để bao che, bưng bít cho các sai phạm của bà Trương Mỹ Lan và Ngân hàng SCB. Việc báo cáo không trung thực của bị can này khiến Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm của Ngân hàng SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm, tạo điều kiện cho Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB thực hiện những hành vi sai phạm nối tiếp sai phạm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Với vai trò Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước, bị can Đỗ Thị Nhàn nhận hối lộ đến 5,2 triệu USD, tương đương hơn 118 tỷ đồng. Theo Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên, đây là vụ nhận hối lộ lớn nhất từ trước đến nay được phát hiện.
Thanh tra là lực lượng chuyên trách chống tham nhũng, tiêu cực; thế nhưng, tham nhũng lại xảy ra ngay trong chính lực lượng này. Sai phạm trong hoạt động thanh tra nguy hiểm hơn rất nhiều so với sai phạm trong các hoạt động khác của Nhà nước; bởi thanh tra không phát hiện ra sai phạm ở những nơi có tham nhũng, thì đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho những kẻ đục khoét tiền bạc của Nhà nước và nhân dân. Còn, nếu phát hiện sớm và đề xuất các biện pháp ngăn chặn, thậm chí chuyển sang cơ quan điều tra, chắc chắn hậu quả đã không nghiêm trọng như hiện nay.
Vấn đề tiền tệ luôn luôn rất quan trọng đối với sự điều hành nền kinh tế của một đất nước. Sai phạm trong vụ án này gây thất thoát số tiền cực kỳ lớn. Đầu tiên, phải trả lời được cho dư luận một cách minh bạch, rõ ràng: Vấn đề để lọt báo cáo sai, nằm ở khâu nào? Về nguyên tắc, báo cáo Chính phủ phải là người đứng đầu, đại diện Ngân hàng Nhà nước. Vậy tại sao lại có việc lọt lưới báo cáo này khiến các sai phạm không bị ngăn chặn kịp thời. Trách nhiệm thuộc về ai? Bộ phận thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước được quản lý rất chặt chẽ, vậy, để lọt "báo cáo" không đúng như vậy là do đâu? Thanh tra viên không phát hiện ra thì phải xem đó là do trình độ hay là do bao che. Thậm chí, nếu có tình trạng cố tình làm sai để tham nhũng xảy ra, cần phải khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự những người liên quan. Bởi, việc xử lý tham nhũng không đủ tính răn đe, chính là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho “căn bệnh” này trở nên khó chữa./.
- Từ giao thông xanh đến đô thị xanh | Hà Nội tin mỗi chiều
- Tặng quà thầy cô như thế nào cho đúng nghĩa tri ân? | Hà Nội tin mỗi chiều
- Cư dân bức xúc vì chủ đầu tư lộng quyền | Hà Nội tin mỗi chiều
- Giáo viên cần được dạy thêm trong tâm thế đàng hoàng | Hà Nội tin mỗi chiều
- Đề xuất Thủ đô có mô hình thành phố trong thành phố | Hà Nội tin mỗi chiều
Hiện nay, tình trạng vỉa hè tại nhiều tuyến đường đang bị lấn chiếm một cách vô tội vạ. Lối đi dành riêng cho người đi bộ giờ lại hoá thành nơi buôn bán.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, khi có những tiêu chí thế nào là mê tín dị đoan, Bộ sẽ phát triển các công cụ mà nhìn vào hình ảnh có thể đánh giá được hành vi và báo sang Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xử lý.
Trong phiên trả lời chất vấn đại biểu liên quan đến thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, đặc biệt là đối với giới trẻ.
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 đã chính thức khai mạc tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám. Sự kiện do UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc phối hợp với các đơn vị tổ chức là nơi kết nối và đánh thức tinh thần sáng tạo của người Thủ đô.
Thành phố Hà Nội vừa có dự thảo nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện xác định vùng phát thải thấp để hạn chế phương tiện gây ô nhiễm môi trường và dự kiến sẽ được thí điểm vào đầu năm sau. Khu vực thí điểm đầu tiên là tại hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận của quận Hoàn Kiếm.
Nhiều người Hà Nội và du khách giờ đây đã dần quen với việc sử dụng các phương tiện vận tải công cộng, trong đó có đường sắt trên cao. Sáng 9/11, Lễ vận hành thương mại đoạn trên cao dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đã diễn ra.
0