Hơn ba mươi năm thương nhớ đậm sâu

Ai cũng mong muốn có được một tình yêu đẹp, một gia đình hạnh phúc, một người tri kỷ bên mình. Và tình yêu sâu đậm của cha mẹ dành cho nhau sẽ mang tới cho con cái một động lực và niềm tin mạnh mẽ vào cuộc sống.

Chiều nay, Hường kể bạn nghe câu chuyện của Thùy Mỵ về tình yêu sâu đậm, lâu bền của ba má cô ấy dành cho nhau.

Tôi rất thích những buổi chiều tối được ngồi ôm má, nghe má kể về cái ngày tía má gặp nhau. Khi đó, mặt má đỏ bừng bừng còn tía thì cười khúc khích. Má kể cái ngày của hơn ba mươi năm về trước, má chèo xuồng ba lá để chở mớ cá ra chợ bán thì gặp tía theo người đồng đội về quê chơi mấy bữa. Không biết là do ngày đó má mặn mà, xinh xắn hay là do trúng tiếng sét ái tình mà tía tương tư ngay lần đầu gặp mặt. Tía nài nỉ đồng đội xuống tận nhà má. Qua chơi mấy bận, ngoại thấy tía thật lòng thật dạ cũng ưng ý mà gả má đi.

Ảnh minh họa

Qua những tấm ảnh còn sót lại sau những năm tháng bom đạn đi qua, tôi thấy được nét dịu dàng, đằm thắm của má, còn tía hiện lên như một lãng tử phong trần. Tía má dắt nhau qua nhiều nơi ở, từ Sua Đũa đến Cái Đôi Vàm rồi xuôi về Miệt Thứ an cư lạc nghiệp. Má thường bảo ngày đó má cũng thuộc hạng có nhan sắc, không biết sao mà lại phải lòng tía chứ má không lấy thì có khi tía ế đến giờ.

Tía nghe vậy thường cười kiểu đồng tình cho những điều má nói, không dám phản bác lại. Nhưng má vừa quay đi thì tía lấy ngay tấm ảnh cho tôi xem, thì thầm với tôi: “Ngày xưa tía mày cũng được đấy chứ con!” Tôi gật gù làm tía thấy vui vui. Tôi chắc chắn tía ngày trước cũng gây thương nhớ cho người đối diện. Dù không đẹp trai ngời ngời như diễn viên điện ảnh, nhưng tía vui tính, xởi lởi, tốt bụng lại rắn rỏi, cương nghị. Chắc vậy nên má mới thương.

Tía má thương nhau đôi lần làm tôi ngưỡng mộ. Khi má bắc nồi cơm lên bếp thì tía ra ao bắt cá, hái rau. Nồi cơm vừa chín thì nấu canh, kho cá cho bữa sáng yên bình. Vào tới mâm cơm, má gắp miếng cá, tía gắp đũa rau cho nhau mà tôi thấy trong lòng bừng lên niềm hạnh phúc. Sau bữa cơm tía lại phụ má dọn dẹp, kể cho má nghe những câu chuyện ngày đã qua. Tía kể ngày xưa con nước lớn mang theo nhiều tôm cá, khi về quê của má người ta chưa biết câu cá tía làm cần câu bằng cây trúc, câu mấy giờ liền mà đầy ắp cả một xô to. Kể từ bữa đó, cây trúc làm cần câu trở thành phổ biến. Đi đâu cũng thấy người ta đi câu cá câu tôm.

Tía kể ngày xưa trong sân bóng của trung đội, mùa mưa ếch nhái nhiều kêu rền vang cả đêm. Tía đi kiếm cái bao bố rồi bắt suốt một đêm. Mấy ngày sau tiểu đội có thêm thực đơn làm từ món ếch. Tía kể nhiều những chuyện xa xưa, nhưng tôi nhớ có một chuyện rất gần mà đơn sơ giản dị. Ngày 8/3 của mấy năm về trước, tía rút hết tiền để mua cái tủ lạnh tặng má. Tôi cũng bật cười sao tía không tặng hoa hay quà mà tặng cái tủ lạnh kia. Tía bảo cái tủ lạnh đã cũ, đèn đã hư theo bao năm tháng, còn đông đá nữa nên mỗi lần xài phải lấy đèn pin rọi và dọn dẹp tủ lạnh lại vất vả thêm. Tía mua tủ lạnh mới để má khỏi cực. Má đã cực quá nhiều khi theo tía sống nổi trôi từ Cà Mau đến vùng Miệt Thứ.

Qua bao khó khăn thời túng thiếu, những ngày củ khoai lang độn với nắm gạo cho đủ đầy nồi cơm. Qua cái thời giọt mưa ngoài hiên cũng lạnh lẽo tâm can, khi nhà không cửa gió lại lùa trước lùa sau. Qua nhiều lắm những cơn bão cuộc đời, nhưng má vẫn nắm chặt tay tía mà chẳng buông. Dẫu ngược nắng băng bão hay ngược gió chướng, thì má cũng chưa nề hà sợ hãi. Bởi vậy, tía gắng là sắm sửa cho má để bù đắp thanh xuân luôn kề vai sát cánh. Nào là sữa tắm, chai dầu thơm đến quần áo, còn có cả chiếc lắc tay như lời cám ơn sâu sắc. Tía sắm sửa cho má nhiều mà chẳng thấy mua cho mình cái gì. Không biết là do tía không biết mua đồ hay tía chỉ biết mua đồ cho người mình thương.

Nhánh lục bình còn trôi mải miết theo con nước lớn nước ròng, còn tía thì trong lòng luôn nở hoa xuân, có khi lại khẽ khàng gọi má là “mình ơi”. Hơn ba mươi năm son sắt bên nhau, tía má cho tôi một niềm tin to lớn về tình yêu vĩnh cửu, một dạ một lòng chỉ biết có đối phương./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Con đường ngày xưa chúng tôi đi học, lòng đường bé tin hin bằng hai gang bàn tay người lớn, thêm sỏi đá mấp mô ngáng bánh xe đạp không thương tiếc. Bữa nào vừa nhấn bàn đạp mải miết, vừa ngúc ngoắc đầu nói chuyện là gặp hòn đá xóc nảy người, chiếc cặp nhẹ tênh có khi giật mình rơi khỏi giỏ xe cà tàng. Con đường “huyền thoại” ấy chưa đi vào thơ ca nhạc họa của văn nghệ sĩ bao giờ nhưng nó đi vào ký ức tuổi thơ của chúng tôi cho tới tận hôm nay.

Sự hiện hữu của thời gian trở nên rõ rệt là khi trên khuôn mặt xuất hiện thêm những nếp gấp, một vài vết tàn nhang cùng màu tóc dần ngả bạc. Thời gian vô tình khiến những hoạt động mà mình vốn yêu thích bỗng trở nên khó thực hiện, mặc dù lòng nhiệt huyết vẫn còn nhưng tuổi tác và khuôn mặt đã không còn phù hợp nữa rồi.

Phố bắt đầu ngày mới bằng những sắc hoa thuỳ mị trong chợ hoa Quảng Bá. Đường Âu Cơ tươi xinh màu sắc trong tia nắng dịu nhẹ chưa vương mùi bụi khói. Tâm thức anh chợt lạc về câu chuyện em nói với anh ngày xưa khi anh cùng em ngang qua đoạn đường này.

Thấm thoắt, ngoại tôi đã về miền mây trắng đoàn tụ với ông bà tổ tiên được mười sáu năm rồi. Từ ngày ngoại mất, số lần tôi theo mẹ về quê chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mỗi năm tới ngày giỗ ngoại, tuy không nói ra nhưng tôi cảm nhận được nỗi buồn nghẹn lại trong lồng ngực mẹ nếu năm đó mẹ không thể sắp xếp về quê thắp cho ngoại nén hương.

Thuở bé, mỗi lần được nằm gối đầu lên đùi mẹ, lắng tai nghe những giai điệu trong trẻo mà sâu lắng từ những câu hát ầu ơ quen thuộc, lòng tôi mỗi lúc ấy đều cảm thấy dễ chịu và ấm áp lạ thường. Sau này, khi năm tháng trôi đi, bôn ba trên khắp các nẻo đường xuôi ngược, hễ vô tình được nghe thấy thứ âm thanh giản dị và thân thương ấy, thì những ký ức tuổi thơ trong tôi lại nối tiếp theo tiếng hát tìm về.

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng. Trên những mảnh đất bom đạn ngày xưa, cỏ đã tô xanh màu máu đỏ. Màu xanh của hòa bình. Cỏ đã đắp da thịt lên vết thương chiến tranh, cỏ đã sống xanh hộ phần người. Nếu có một lần đến thăm nơi đó, xin đừng giẫm chân lên cỏ bởi mỗi một ngọn cỏ là một mặt trời, dưới mỗi ngọn cỏ là một trái tim đỏ thắm.