Hỏng da mặt sau khi tiêm meso trẻ hóa da
Tiền mất tật mang do làm đẹp không an toàn
TS. Nguyễn Hữu Quang - Phó trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, trường hợp biến chứng điển hình mà anh từng gặp là nam thanh niên 25 tuổi ở Hà Nội có hàng chục nốt sẩn trên má sau tiêm meso căng sáng da.
Không hài lòng với làn da sần sùi, kém mịn, nam thanh niên tìm đến spa tiêm mesotherapy (tiêm meso vi điểm) hai má. Theo như quảng cáo của spa, sau 2-3 ngày, các nốt sẩn sau tiêm sẽ tan dần vào da, trả lại gương mặt căng bóng, da sáng. Tuy nhiên, một tuần sau, hai bên má của anh vẫn nguyên nốt sẩn đỏ, vón thành những cục cứng trên da.
Nam thanh niên được nhân viên cơ sở này chích, nặn, tiêm thuốc giải filler mong nốt sẩn tan nhanh nhưng không đỡ. Sau 1 tháng, anh đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám với gương mặt chi chít nốt sần, tấy đỏ, cảm giác bứt rứt, khó chịu. Từ sau khi tiêm, thay vì da đẹp, anh lại phải đeo khẩu trang mỗi khi ra đường vì không muốn ai nhìn thấy gương mặt lạ.
"Bệnh nhân gặp phản ứng u hạt, viêm bán cấp biến chứng sau tiêm meso. Bệnh nhân được kê thuốc uống và sử dụng các loại thuốc chích vào vùng tổn thương, giúp giảm phản ứng u hạt, kháng viêm. Tuy nhiên đây là ca bệnh phức tạp, bệnh nhân được duy trì theo dõi trong thời gian dài nhưng đáp ứng thuốc rất chậm, hầu như chỉ giảm phản ứng viêm do bội nhiễm. Da mặt dù đã "chùng" xuống không còn sẩn, bệnh nhân vẫn còn các nốt tăng sắc tố trên má, tạo thành các vết thâm. Bệnh nhân phải mất thêm 1-2 năm để xử lý biến chứng với sự chăm sóc cẩn trọng để da trở lại bình thường" – TS. Quang thông tin.
Các bác sĩ tiếp tục cảnh báo tình trạng làm đẹp không an toàn gây hậu quả nặng nề cho sức khỏe. Đáng chú ý, lứa tuổi vào cấp cứu do gặp biến chứng nhiều nhất là 20-30, việc điều trị rất khó khăn.
Thế nào là tiêm meso?
Theo TS. Quang, tiêm meso là giải pháp đưa thuốc hoặc hoạt chất phân bố lại trên bề mặt da, để cải thiện tình trạng da sần vỏ cam, tăng sắc tố, giãn mạch, chống lão hóa, tăng sinh mọc tóc… Đây vốn là phương pháp làm đẹp an toàn nếu thực hiện ở cơ sở uy tín, song việc bệnh nhân gặp phản ứng u hạt có thể do nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất có thể do các loại tinh chất được đưa vào da bệnh nhân kém chất lượng hoặc bị trộn thêm collagen, vitamin C… trong khi đó, những thuốc trộn lẫn thường dẫn đến hiện tượng u hạt.
Một nguyên nhân khác là cách thức hay chỉ định tiêm đúng đối tượng hay không. Theo chuyên gia da liễu, kỹ thuật, quá trình tiêm tưởng chừng đơn giản nhưng nếu người thực hiện thủ thuật không được đào tạo bài bản, không nắm rõ giải phẫu tại vùng tiêm có thể dẫn đến sai sót. Lượng thuốc, tốc độ tiêm không được điều chỉnh phù hợp, vùng tiêm không đều, mất cân đối cũng có thể dẫn đến hình thành nốt sần, sưng tây, đau nhức, tăng khả năng gây phản ứng u hạt.
Thêm nữa, nếu không tuân thủ quy trình đảm bảo vô khuẩn, tiêm meso cũng dễ bị biến chứng, bội nhiễm do vi khuẩn xâm lấn... Những trường hợp u hạt phản ứng sau tiêm meso, tùy hoạt chất được tiêm vào da, có bệnh nhân cần chữa trị trong 1-2 tuần nốt sẩn tan hết, nhưng có trường hợp mất thời gian dài.
Liệu pháp meso là thủ thuật xâm lấn tối thiểu giúp làm trẻ hóa làn da, sáng da, thu nhỏ lỗ chân lông... ít thời gian nghỉ dưỡng, ít đau do đó đã hấp dẫn rất nhiều người muốn làm đẹp. Tuy nhiên bác sĩ lưu ý người dân phải hết sức thận trọng khi sử dụng dịch vụ này để tránh hậu quả đáng tiếc cho sức khỏe, làn da.
Cũng theo ThS.BS Trương Thị Huyền Trang - Khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương, với các phương pháp làm đẹp trẻ hóa, chăm sóc da, trên mạng rất nhiều thông tin nhưng để thực hiện thì luôn cần có tư vấn của người có kiến thức chuyên môn sâu để hiểu, để tư vấn đúng về lộ trình chăm sóc, điều trị. Một số trường hợp sẽ cần có lộ trình lâu dài để khắc phục cho tình trạng da chứ không phải 1-2 lần như các thông tin quảng cáo.
Khi làm đẹp, người dân cần gặp đúng bác sĩ chuyên khoa. Hiện nay các spa tiêm rất nhiều, nhiều người tiêm nhưng chỉ được đào tạo nghề chứ không phải là bác sĩ, y tá trong chuyên ngành.
Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ 3 ở phụ nữ từ 15-44 tuổi. Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị “Nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến chuyên ngành Sản - phụ khoa Hà Nội lần thứ 12 năm 2024” do Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tổ chức sáng 20/12.
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận vừa thông tin về tiến độ của 2 bệnh viện "nghìn tỷ" là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (Hà Nam).
Bốn nạn nhân nặng trong vụ phóng hoả vừa xảy ra ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, được điều trị chuyên sâu tại Bệnh viện Bạch Mai, sức khoẻ đang tiến triển tốt.
Bệnh viện đa khoa Thanh Trì và Bệnh viện Thanh Nhàn vừa ký kết hợp tác toàn diện trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân.
Hôm qua (19/12), Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp tục khai trương thêm một bệnh viện đa khoa hiện đại điều trị hiếm muộn tại Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong hôm nay (19/12), cả 4 bệnh nhân trong vụ cháy quán cà phê ở quận Bắc Từ Liêm đều sẽ được chuyển sang Viện bỏng Lê Hữu Trác.
0