Houthi tấn công, giải pháp nào cho vận tải qua Biển Đỏ?

Dữ liệu mới nhất từ một cơ quan tư vấn kinh tế Đức cho thấy vận chuyển container qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez tiếp tục sụt giảm do xung đột ở Trung Đông, đặc biệt là sau những chiến dịch tấn công của lực lượng Houthi.

Trong báo cáo Chỉ số Thương mại công bố ngày 11/3, Viện Kinh tế Thế giới Kiel cho biết hiện có khoảng 40 tàu container đang tiếp tục sử dụng tuyến đường biển kết nối châu Âu với châu Á mỗi ngày, giảm đáng kể so với hơn 100 tàu một năm trước.

Vận chuyển qua Biển Đỏ tiếp tục sụt giảm

Kể từ khi xung đột giữa Israel-Hamas ở Dải Gaza leo thang vào tháng 10 năm ngoái, lực lượng Houthi đóng tại Yemen đã thực hiện nhiều cuộc tấn công vào các tàu thương mại đi qua Biển Đỏ nhằm gây sức ép với Israel. Mỹ và Anh đã thực hiện nhiều đợt tấn công nhắm vào hàng chục mục tiêu của Houthi ở Yemen, nhằm đối phó với mối đe dọa đặt ra đối với quyền tự do hàng hải ở một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới, tuy nhiên tình hình vẫn liên tục bất ổn. Mối nguy hiểm đối với thủy thủ đoàn, hàng hóa và tàu thuyền đã buộc các hãng vận tải phải định tuyến lại tuyến đường vận chuyển.

Hiện có khoảng 40 tàu container đang tiếp tục sử dụng tuyến Biển Đỏ mỗi ngày, giảm đáng kể so với hơn 100 tàu một năm trước.

Sau khi giảm xuống mức thấp nhất vào giữa tháng 1, con số tàu thương mại di chuyển trên tuyến Biển Đỏ đã tăng lên khoảng 50, nhưng hiện đã giảm trở lại.

Đáng chú ý, hôm 6/3, ít nhất 3 thành viên thủy thủ đoàn đã thiệt mạng và 4 người khác bị thương khi Houthi tấn công tàu hàng True Confidence treo cờ Barbados trên Vịnh Aden. Đây là lần đầu tiên các đòn tấn công của Houthi gây thương vong cho thủy thủ, đánh dấu căng thẳng leo thang đáng kể tại tuyến đường hàng hải quan trọng này.

Tàu True Confidence bị tấn công hôm 6/3.

Theo công ty phân tích rủi ro hàng hải Windward, số lượng tàu đi qua Biển Đỏ và kênh đào Suez có vẻ như đang giảm sau cuộc tấn công mới nhất. Số lượng tàu chở hàng ngừng di chuyển, neo đậu bên ngoài các cảng ở phía bắc và phía nam kênh đào Suez, đã tăng 225% sau thời điểm xảy ra vụ tấn công. Windward đồng thời dự đoán lượng tàu qua kênh đào Suez, tuyến hàng hải vận chuyển 10-15% giá trị thương mại thế giới, sẽ còn tiếp tục giảm.

Theo các chuyên gia, gián đoạn càng kéo dài và càng có nhiều tàu chuyển hướng thì việc giao hàng hóa và nhiên liệu càng bị chậm trễ, có nguy cơ đẩy giá lên cao.

Làm sao để bảo vệ an ninh cho tàu hàng?

Arsenio Dominguez, tổng thư ký của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), đã kêu gọi một giải pháp “nhiều mặt” cho cuộc khủng hoảng vận tải Biển Đỏ đang diễn ra.

“Quyền tự do hàng hải là điều tối quan trọng. Giải pháp phải đa diện: tăng cường an ninh tàu thuyền; chấm dứt hoạt động thù địch nhằm vào những thủy thủ vô tội; và cần các nỗ lực khu vực và quốc tế nhằm đạt được giải pháp hòa bình cho vấn đề này”, ông Dominguez cho hay.

Hiện tại, bên cạnh các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen, hải quân Mỹ và Anh đang cung cấp lực lượng phòng thủ chính bằng các tàu khu trục phòng không của họ ở các vị trí gác cổng giữa bờ biển Yemen và các kênh vận chuyển ở Biển Đỏ và Vịnh Aden. Các lực lượng hải quân khác cũng cung cấp sự hỗ trợ và hộ tống trực tiếp cho các tàu có giá trị cao, hoặc những tàu có khả năng bị tấn công lớn nhất.

Mỹ và Anh đang cung cấp lực lượng phòng thủ hỗ trợ ở Biển Đỏ.

Theo Salvatore Mercogliano, phó giáo sư lịch sử tại Đại học Campbell, biện pháp bảo vệ tốt nhất cho hoạt động vận chuyển ở Biển Đỏ sẽ là sự tiếp tục triển khai hải quân và quân sự hiện tại.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành công ty vận tải Maersk, Vincent Clerc, cho rằng các hoạt động quân sự ở Biển Đỏ không thể đảm bảo an toàn cho hoạt động vận tải thương mại trong khu vực. Theo ông Clerc, sự gián đoạn ở Biển Đỏ đã ảnh hưởng đến khoảng 1/3 khối lượng container của công ty. “Số lượng hoặc phạm vi vũ khí được sử dụng cho các cuộc tấn công này đang mở rộng. Vẫn chưa có gì rõ ràng về thời điểm và cách thức cộng đồng quốc tế có thể đảm bảo lối đi an toàn cho chúng tôi.”, ông nói.

Cùng chung quan điểm, Bjorn Hojgaard, người đứng đầu Anglo-Eastern, công ty quản lý tàu lớn nhất thế giới, cho biết ông thấy rất ít cơ hội để các con tàu sớm nhận được sự bảo vệ thích hợp khi đi qua Biển Đỏ. Chừng nào lực lượng Houthi còn bắn tên lửa vào các tàu chở hàng ở Biển Đỏ, các tàu chở hàng sẽ tiếp tục tránh tuyến đường qua kênh đào Suez.

Vận tải đường sắt – Sự lựa chọn mới

Căng thẳng leo thang ở Biển Đỏ đã thúc đẩy các công ty vận tải thay đổi hoạt động vận chuyển, trong đó vận tải đường sắt nổi lên như một sự lựa chọn mới.

Khi việc định tuyến lại các tàu đi qua Mũi Hảo Vọng của Châu Phi không chỉ khiến hành trình vận tải biển kéo dài thêm 10-15 ngày mà còn gây ra nhiều khoản phụ phí và tăng chi phí cho người gửi hàng, các công ty logistics đang cân nhắc các tuyến đường sắt để vận chuyển hàng hóa từ châu Á đến châu Âu.

Vận tải đường sắt từ châu Á đến châu Âu tăng vọt.

Tờ Financial Times trích dẫn báo cáo từ công ty DHL của Đức cho biết nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường sắt qua Nga đã tăng vọt khoảng 40% kể từ tháng 12/2023. Công ty vận tải RailGate Europe cũng báo cáo nhu cầu tăng 25-35%, và công ty Rail Bridge Cargo của Hà Lan ghi nhận lưu lượng hàng hóa đường sắt qua Nga tăng 31% so với thời điểm này năm ngoái.

Theo DHL, một phần đáng kể hàng hóa vận chuyển đường sắt từ châu Á đến châu Âu sử dụng “hành lang phía tây” - qua Kazakhstan vào Nga và Belarus, trong khi một số hàng hóa đi theo “hành lang phía bắc” - đi thẳng từ Trung Quốc vào Nga ở phía đông Mông Cổ.

Vận tải đường sắt đang trở nên hấp dẫn đối với các chủ hàng do tính hiệu quả về mặt chi phí so với vận tải hàng không và thời gian giao hàng nhanh hơn so với vận tải đường biển. Chẳng hạn, vận chuyển đồ nội thất, đồ chơi, quần áo và phụ tùng ô tô từ Trung Quốc qua Nga đến các nước châu Âu, mất từ ​​14 đến 25 ngày tùy thuộc vào điểm xuất phát và điểm đến, nhanh hơn đáng kể so với thời gian đi biển.

Vẫn chưa có giải pháp nào thực sự hiệu quả để bảo đảm an toàn cho vận tải hàng hóa trên tuyến Biển Đỏ.

Cho đến nay, vẫn chưa có giải pháp nào thực sự hiệu quả để bảo đảm an toàn cho vận tải hàng hóa trên tuyến Biển Đỏ. Trước thực trạng này, giới chuyên gia khuyến cáo các doanh nghiệp cần phân luồng hàng hóa và tuyến đường thay thế; đa dạng nguồn cung ứng hàng hóa; xây dựng kế hoạch phòng ngừa và phản ứng nhanh; tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin, đánh giá tình hình và ứng phó đối với các tình huống tương tự trong tương lai.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Thành phố New York, Mỹ, hiện là thành phố giàu nhất thế giới khi có khoảng 359.500 triệu phú và 60 tỷ phú (tính bằng USD). Người dân thành phố này đang sở hữu số tài sản hơn 3.000 tỷ USD, lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Brazil, Italia hoặc Canada.

Hãng sản xuất ô tô hàng đầu Nhật Bản Toyota đã công bố kế hoạch đầu tư khoảng 2.000 tỷ yên (tương đương 12,9 tỷ USD) trong năm tài khóa 2024 để tăng cường quản lý chuỗi cung ứng và phương tiện di chuyển trong tương lai.

Giới chức Brazil cho biết ít nhất 100 người đã thiệt mạng và gần 100.000 ngôi nhà bị phá hủy hoặc hư hại nặng nề sau hơn một tuần mưa lũ kỷ lục ở bang Rio Grande do Sul, miền Nam nước này.

Litva, quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cho biết sẵn sàng triển khai lính tới Ukraine để làm nhiệm vụ huấn luyện, bất chấp Nga phản đối ý tưởng này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo, Mỹ sẽ ngừng cung cấp đạn pháo và các loại vũ khí khác cho Israel nếu nước này tấn công thành phố Rafah ở Gaza. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Biden công khai cảnh báo Israel về việc ngừng cung cấp vũ khí và sử dụng ngôn từ quyết liệt nhất, cho thấy sự rạn nứt ngày càng tăng giữa Mỹ và đồng minh thân cận nhất ở Trung Đông.

Quốc hội Ukraine đã phê chuẩn các dự luật gia hạn thiết quân luật và tổng động viên thêm 90 ngày. Đây là cuộc bỏ phiếu thứ 11 của Quốc hội Ukraine nhằm gia hạn thiết quân luật và huy động quân kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022.