Houthi trình làng vũ khí mới đáng gờm

Ansar Allah, Văn phòng truyền thông của Houthi, mới đây đã công bố đoạn phim về một phương tiện không người lái dưới nước có hình dạng giống ngư lôi đang tham gia vào các cuộc tập trận quy mô lớn.

Hình ảnh được công bố cho thấy phương tiện này lướt trên mặt biển hướng về một tàu mục tiêu giả định đang đứng yên và tung một đòn tấn công trực diện, sau đó một tàu không người lái trên mặt nước sẽ tiến đến để tiêu diệt con tàu bị hư hại.

Từ tháng 11 năm ngoái, lực lượng dân quân Houthi tại Yemen đã tiến hành hàng loạt vụ tấn công nhằm vào tàu thuyền trên Biển Đỏ có liên quan đến Israel và phương Tây để thể hiện ủng hộ đối với người Palestine trong cuộc xung đột ở Gaza. Nhóm này vừa bổ sung thêm một vũ khí đáng gờm vào kho vũ khí của mình - đó là tàu lặn không người lái Al-Qaria.

Al-Qaria có gì đặc biệt?

Tàu lặn mới của Houthi được đặt tên là Al-Qaria (có nghĩa là “Đại họa” hoặc “Thảm họa lớn”, ám chỉ một câu thơ trong Kinh Koran về Ngày phán xét). Al-Qaria được điều khiển từ xa, khảo sát môi trường xung quanh nhờ camera gắn trên thân tàu.

Tàu lặn mới của Houthi được đặt tên là Al-Qaria, có nghĩa là “Đại họa”.

Đoạn video cho thấy Al-Qaria lướt gần mặt nước tiến về phía mục tiêu, thỉnh thoảng nhô lên cách mặt nước vài cm, khi camera của nó bật lên trong giây lát để tàu định hướng, trước khi con tàu chìm xuống trở lại và tiếp tục hành trình.

Kích thước nhỏ của Al-Qaria (theo hình ảnh trong video thì chỉ khoảng vài mét) và khả năng lặn dưới sóng biển dự kiến ​​sẽ khiến nó trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng đối với cả tàu thương mại và tàu chiến hoạt động ở Biển Đỏ và các khu vực lân cận.

Al-Qaria có màu vàng và đen. Tuy nhiên, biến thể chiến đấu của nó có thể có màu sắc gần với màu của môi trường biển hơn để khiến đối phương khó phát hiện và tiêu diệt.

Các phương tiện truyền thông Israel và Iran chỉ ra rằng nó được phát triển sau vụ Houthi thu giữ một tàu không người lái trinh sát dưới nước Remus 600 của Hải quân Mỹ ở ngoài khơi bờ biển Yemen vào năm 2018. Loại tàu không người lái do Mỹ sản xuất này được thiết kế để lập bản đồ đáy biển, khảo sát dưới nước, tìm kiếm và thu hồi cùng các nhiệm vụ đối phó với thủy lôi. Tàu dài 3,25 mét, đường kính 32,4 cm, trọng lượng 240 kg, thời gian chịu đựng nhiệm vụ lên tới 70 giờ, tốc độ tối đa 5 hải lý/giờ và độ sâu tối đa 600 mét.

Hình ảnh kết hợp này cho thấy sự khác biệt giữa tàu lặn không người lái cảm tử của Houthi Al-Qaria và tàu AUV Remus 600 do Mỹ chế tạo.

So sánh giữa hai loại cho thấy một số điểm tương đồng giữa Remus và Al-Qaria, bao gồm cả lớp sơn màu vàng tươi và đen. Tuy nhiên, thiết kế của Houthi một cánh quạt và bộ ổn định cánh riêng biệt, vỏ cánh quạt vòng bảo vệ và mũi hình nón thủy động hơn, cho thấy Houthi đã có những điều chỉnh căn cứ vào khả năng sản xuất tại địa phương hoặc tự chế tạo hoàn toàn, chỉ sử dụng thiết kế của Mỹ để tham chiếu.

Năng lực quân sự của Houthi

Theo một nguồn tin quân sự cấp cao của Yemen được al-Mayadeen trích dẫn, các cảnh quay về ngư lôi mới đã được đưa lên mạng khi Houthi tiến hành các cuộc tập trận trên bộ và trên biển quy mô lớn được thực hiện “trong khuôn khổ chuẩn bị và sẵn sàng cho bất kỳ cuộc đối đầu nào sắp tới với Washington và các thế lực bên ngoài”.

Nguồn tin này ám chỉ đến các báo cáo gần đây rằng Lầu Năm Góc đang cân nhắc tăng cường các hoạt động chống lại Houthi, rằng “Mỹ và Anh phải hiểu rằng họ sẽ không thoát khỏi bất kỳ cuộc phiêu lưu nào ở Yemen và nên rút kinh nghiệm từ những thất bại trước đây về hải quân và không quân”.

Năng lực tên lửa và máy bay không người lái ngày càng tinh vi của lực lượng dân quân Yemen đã không thoát khỏi sự chú ý của đối thủ khi lực lượng này chế tạo và triển khai một loạt tên lửa và máy bay không người lái có tầm bắn xa và chính xác hơn, có thể vươn tới Israel và đe dọa các tàu chiến Mỹ hoạt động trong khu vực.

Tuần trước, một tạp chí liên kết với học viện quân sự West Point của Hải quân Mỹ tiết lộ rằng một tên lửa Houthi đã rơi xuống chỉ cách siêu tàu sân bay USS Eisenhower 200 mét trong một lần triển khai vào mùa hè này.

Đầu năm nay, một tên lửa Houthi đã tránh được hai lớp phòng thủ của tàu khu trục tên lửa USS Gravely, buộc tàu phải kích hoạt hệ thống vũ khí tầm gần (CIWS) phòng thủ cuối cùng để hạ gục tên lửa.

Tạp chí nhấn mạnh: “Sự kết hợp giữa giám sát diện rộng, theo dõi mục tiêu ở cự ly gần và dẫn đường đầu cuối đã giúp Houthi đạt được một số thành tích bắn tên lửa ấn tượng”.

Houthi đã phát động chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa nhằm vào Israel vào tháng 10 năm 2023 và tiếp theo là đóng cửa một phần tuyến đường thương mại chiến lược Biển Đỏ một tháng sau đó để thể hiện đoàn kết với Gaza. Houthi đã tuyên bố sẽ tiếp tục các hoạt động chống lại Israel và các đồng minh của nước này cho đến khi Tel Aviv dừng các hoạt động quân sự ở Gaza và Liban.

Mỹ và Anh đã bắt đầu chiến dịch ném bom nhắm vào Houthi để cố gắng làm suy yếu năng lực của họ vào tháng 1, nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt được mục tiêu. Đầu tháng này, một báo cáo của Dự án Chi phí Chiến tranh của Đại học Brown tiết lộ rằng Mỹ đã chi hơn 5 tỷ USD cho các đợt triển khai của mình ở Trung Đông trong năm qua, bao gồm 2,4 tỷ đô la chi phí liên quan đến chiến dịch chống lại Houthi.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sáng 31/10, Nhật Bản cùng Hàn Quốc và Mỹ đã lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới nhất của Triều Tiên, cho rằng hành động này vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Theo hãng tin Yonhap, ngày hôm nay 31/10, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết nước này đã công bố danh sách các mặt hàng sử dụng để phát triển tên lửa đạn đạo nguyên liệu rắn phải giám sát xuất khẩu.

Theo chính quyền địa phương, ngày 31/10, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra ở quận Vũ Hầu thuộc thành phố Thành Đô, miền Tây Nam Trung Quốc, khiến hơn 20 người phải nhập viện.

Lưu lượng xe gia tăng để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân là điều tất yếu, nhưng đi cùng với đó, không khí ô nhiễm. Do đó, tại các nước phát triển, vùng phát thải thấp và vùng không phát thải đã được lập ra để cải thiện chất lượng không khí.

Một chiếc moto điện do châu Phi sản xuất, đã hoàn thành hành trình lịch sử dài 6.000 km trong vòng 17 ngày và chỉ sử dụng năng lượng mặt trời.

Những cây đàn piano lớn, thường chỉ có mặt tại các khán phòng lớn hoặc nhạc viện, thì nay đã được đặt tại một số địa điểm mang tính biểu tượng ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha để bất cứ ai cũng có thể chơi đàn và chia sẻ tình yêu âm nhạc của họ với công chúng.