Hungary phản đối gói trừng phạt mới của EU nhằm vào Nga
Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi tham dự hội nghị ngoại trưởng EU ở Brussels, Bỉ, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết nước này phản đối gói trừng phạt thứ 14 do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất nhằm vào Nga. Lý do được đưa ra là gói trừng phạt mới đi ngược lại lợi ích của Hungary và Budapest sẽ không ủng hộ điều này.
Các quan chức EU đã thảo luận về khả năng trừng phạt ngành khí tự nhiên hóa lỏng LNG của Nga và siết chặt các hành vi lách lệnh cấm vận trước đó.
Hungary từng chỉ trích các hạn chế đối với Nga và trước đây đã phản đối các gói trừng phạt của EU, cho rằng chúng gây tổn hại cho chính EU hơn là Nga.
Ông Peter Szijjarto cho biết Hungary cũng cam kết tiếp tục chặn gói viện trợ quân sự trị giá 6,5 tỷ euro (hơn 7 tỷ USD) cho Ukraine, bất chấp sự bất bình của các nhà ngoại giao trong khối.
“Chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh đến sự cần thiết của hòa bình, chấm dứt chết chóc vô nghĩa và ngăn chặn sự leo thang của cuộc chiến này, vì vậy chúng tôi chưa và sẽ không đồng ý rót thêm 6,5 tỷ euro nữa để tài trợ cho các chuyến hàng vũ khí đến Ukraine”, nhà ngoại giao Hungary nhấn mạnh.
Ông Szijjarto cũng thừa nhận đã có “cuộc tranh cãi gay gắt” với một số đồng nghiệp trong cuộc họp hôm thứ Hai, nhưng khẳng định sẽ giữ vững lập trường của Hungary.
“Đã có cuộc tranh luận gay gắt khi các đồng nghiệp Đức, Litva, Ireland, Ba Lan và những người khác chỉ trích tôi về vấn đề này, nhưng điều đó không thể làm lung lay quan điểm của chúng tôi”, Ngoại trưởng Hungary nói.
Một số ngoại trưởng của các quốc gia thành viên EU đã công khai bày tỏ thái độ bức xúc trước lập trường của Hungary về cuộc xung đột ở Ukraine và những nỗ lực của khối nhằm hỗ trợ Kiev chống lại Moscow. Trước cuộc họp hôm thứ Hai, Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis kêu gọi khối này tìm cách giải quyết quyền phủ quyết của Budapest.
Ông Gabrielius Landsbergis cho biết EU đã xem xét vấn đề này và dường như khoảng 41% nghị quyết của khối về Ukraine đã bị Hungary phủ quyết.
Hiện vẫn chưa rõ chính xác nhà ngoại giao Litva muốn giải quyết vấn đề này như thế nào, vì thực tế các quyết định tập thể của EU như áp đặt các biện pháp trừng phạt hoặc phân bổ ngân sách cho chiến sự phải được tất cả các bên nhất trí.
Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib cũng bày tỏ sự không hài lòng với Hungary, cho rằng khối này “phải đảm nhận trách nhiệm của mình và làm những gì cần thiết để hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự”.
Hungary là quốc gia thành viên EU và NATO nhưng phụ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Trong hơn 2 năm chiến sự, Hungary giữ quan điểm tương đối trung lập với cả Nga và Ukraine và nhiều lần kêu gọi đàm phán.
Các nhà ngoại giao EU tuần trước cho biết đang đẩy nhanh gói trừng phạt thứ 14 nhằm vào Nga trước khi Hungary đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên EU từ tháng 7 tới. Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người vẫn giữ mối quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trước đây đã cố gắng ngăn chặn viện trợ cho Ukraine và các biện pháp hạn chế đối với Moscow.
Trước nỗ lực của các nước Liên minh châu Âu EU nhằm trừng phạt xuất khẩu khí đốt hóa lỏng LNG của Nga, Vụ trưởng Vụ châu Âu thứ nhất, Bộ Ngoại giao Nga, ông Artem Studennikov cho rằng EU làm điều này là “tự bắn vào chân mình” và tuyên bố Nga không thiếu khách hàng mua khí hóa lỏng.
Nhà ngoại giao Nga nhắc lại việc EU trước đây đã áp đặt các hạn chế đối với việc nhập khẩu khí đốt qua đường ống từ Nga. Kết quả là châu Âu chìm vào cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng khi giá nhiên liệu phá vỡ kỷ lục trong nhiều tháng.
Tháng 4 vừa qua, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng các biện pháp trừng phạt của EU đối với nguồn cung cấp LNG của Nga thể hiện sự cạnh tranh bất hợp pháp và không công bằng, đồng thời khẳng định Moscow sẽ tìm cách vượt qua những trở ngại đó./.
Dữ liệu mới nhất từ Văn phòng Thống kê Quốc gia của Anh cho thấy tỷ lệ lạm phát tại nước này trong tháng 10 tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng qua, củng cố kỳ vọng của thị trường rằng sẽ không có đợt cắt giảm lãi suất nào khác trong năm nay.
Giá dầu thế giới tăng khoảng 1% vào ngày 21/11, sau khi Nga và Ukraine gia tăng các cuộc tấn công bằng tên lửa, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ căng thẳng nguồn cung dầu thô nếu xung đột lan rộng.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22/11 cho biết nước này đã thực hiện chính sách miễn thị thực cho 29 nước, trong đó có Đức và Pháp, nhằm thúc đẩy du lịch quốc tế.
Tại Pakistan, nhiều tay súng đã tấn công đoàn xe chở người Hồi giáo dòng Shiite, khiến ít nhất 42 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tại Baku, Azerbaijan đang dần tiến tới những giờ đàm phán cuối cùng, tuy nhiên các đại biểu vẫn chưa thể tìm ra tiếng nói chung đối với vấn đề lớn là tài chính khí hậu.
Tại cuộc họp báo ngày 21/11, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre xác nhận, Mỹ đã thông báo trước cho Ukraine và các đồng minh về kế hoạch phóng tên lửa tầm trung của Nga.
0