Hương cốm gọi thu về

Khi ánh nắng mùa hè dần nhường chỗ cho sắc vàng hanh hao cùng những cơn gió heo may thì đó là thời điểm Hà Nội vào thu và cũng là lúc hương cốm dịu nhẹ lan tỏa khắp phố phường. Hương cốm gọi thu về.

Hương cốm gọi thu về

Cốm - thứ quà của lúa nếp non, từ lâu đã đươc xem là đặc sản của mùa thu Hà Nội. Những ngày này, trên khắp các phố, chợ Hà Nội đâu đâu cũng nồng nàn hương cốm. Các bà, các chị quẩy đôi gánh xinh xinh, giắt bó lúa non đã tuốt hạt trên đôi quang, đi dọc các phố mà rao “ai cốm đây...” nghe thật ngọt ngào.

Hương cốm, hương của lúa mới dịu nhẹ len lỏi vào những chật chội của phố phường, của lòng người… làm dịu đi tất cả những ồn ào.

Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Tôi nhớ những ngày thu đã xa…

Hà Nội mùa cốm về dường như bình thản và chậm hơn. Nhưng bên trong làng cốm Mễ Trì, làng Vòng lại thêm phần tất bật...

Dù là ngày xưa hay bây giờ, mùa thu - hương cốm và những người phụ nữ làng cốm với đôi quang đòng đưa gánh mùa thu xanh non vào phố.

Những người phụ nữ làng cốm với đôi quang đòng đưa gánh mùa thu xanh non vào phố.

Thức quà giản dị, thanh tao của người Hà Nội 

Làm cốm gia truyền ở Làng Mễ Trì 40 năm nay, cứ đến mùa thu, chị Vũ Thị Phúc - chủ thương hiệu Cốm Mộc Lam lại tất bật cho vụ cốm lớn nhất trong năm. Hàng ngày, chị đều đặn thức dậy từ 2 - 3 giờ sáng, chăm chút từng công đoạn sản xuất, để kịp làm những mẻ cốm thơm dẻo.

Để làm nên những hạt cốm thơm ngon, những người làm cốm phải trải qua rất nhiều công đoạn và phải đặt tình yêu vào sự tỉ mỉ, trong từng nguyên liệu, từ sàng lọc thóc, rang thóc, giã cốm và cuối cùng là công đoạn gói cốm. Trong năm công đoạn để làm nên cốm, công đoạn rang thóc là công đoạn khó nhất. Người rang phải vừa giữ lửa làm sao để hạt thóc khi cho vào không bị chín quá và cũng không được để sống. Muốn hạt cốm được mềm và dẻo cũng phụ thuộc hết vào công đoạn này.

Có lẽ vì sự cầu kỳ, tỉ mỉ này mà cốm xanh được người Hà Nội chọn làm món quà vừa dân dã vừa ngon để đem đi biếu bạn bè, người thân như một chút gợi nhớ về mùa thu Hà Nội.

Cốm - thứ quà của lúa nếp non, từ lâu đã đươc xem là đặc sản của mùa thu Hà Nội.

Bắt đầu tháng 7 Âm lịch, tiết trời dần chuyển sang thu, không khí mát mẻ, rất hợp để thưởng thức hương vị ngọt lành của món cốm.

Ở Hà Nội, mỗi người tự chọn cho mình những cách khác nhau để thưởng thức cái hương vị đồng quê mộc mạc ấy như làm cốm xào, chả cốm, xôi cốm, chè cốm, bánh cốm, cốm chấm chuối… là những món ngon gói trọn hương vị thanh nhã, tinh khiết của mùa thu Hà thành.

Cốm không phải là thức quà để ăn no mà là ăn lấy thơm tho, là thức quà quê nhà mộc mạc, giản dị, bình dân mà tao nhã, sang trọng. Thưởng cốm là thưởng thức hương vị thanh khiết, mộc mạc nhất của đất trời vì thế cần sự nhẩn nha, thong thả và ngẫm nghĩ. Những món ngon từ cốm được nhiều người yêu thích và gây nhớ thương khi xa Hà Nội. Các món ăn từ cốm trứ danh, nhâm nhi đĩa cốm xào dẻo, dền, uống ngụm trà sen thơm thảo như gói trọn hương mùa thu Hà Nội.

Không chỉ là món ăn vặt tao nhã, cốm cũng phù hợp để làm quà. Tặng cốm cũng như cách chia sẻ mùa thu - mùa gây thương nhớ.

Các sản phẩm từ cốm của làng ngày càng đa dạng, đáp ứng theo mọi nhu cầu của người tiêu dùng.

Từ món ăn bình dị của những gánh hàng rong dân dã, thức quà thanh tao ấy đã trở thành đặc sản của Thủ đô mỗi độ thu sang. Để cảm nhận vẹn nguyên hương cốm, người Hà thành chọn cách khoan thai, chậm rãi chụm năm đầu ngón tay, nhón vài hạt cốm thả vào miệng, nhỏ nhẹ nhấm nháp từng hạt để vị ngọt bùi, dẻo thơm của hạt gạo cứ thế tan dần, thấm sâu nơi đầu lưỡi. Cốm chính là cầu nối mang hương vị của Hà Nội đến với người phương xa, để bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận được vẻ đẹp và sự phong phú của văn hóa ẩm thực nơi đây.

Tinh hoa nghề cốm gia truyền hơn một thế kỷ

Làng Mễ Trì ở quận Nam Từ Liêm có thôn Thượng và thôn Hạ, với hơn 100 hộ gia đình theo nghề làm cốm. Từ đầu tháng 7 đến tháng 10 Âm lịch hàng năm, người dân tại làng cốm Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại tất bật cho vụ cốm lớn nhất trong năm. Bà con thức dậy từ 2 - 3 giờ sáng để làm cốm.

Với truyền thống lâu đời, nghề cốm Mễ Trì vẫn gìn giữ vẹn nguyên bí quyết làm cốm mà không nơi nào có được. Nguyên liệu làm cốm là các loại lúa nếp non như lương phượng, nếp thơm, nếp tan, nếp quýt, nếp hoa cái hoa vàng… Chục năm về trước, người làng Mễ Trì còn làm nông nghiệp, tự trồng lúa nếp để làm cốm. Nay nhiều hộ gia đình sang Đông Anh thuê ruộng để trồng lúa nếp làm nguyên liệu.

Trước đây, cốm hoàn toàn làm thủ công từng bước. Ngày nay, máy móc đã được sử dụng hỗ trợ một số công đoạn giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí sản xuất, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm cốm. Ví dụ ngày trước khi giã cốm phải cần hai người, một người đạp chày, một người ngồi đảo tay. Giờ đây đã có máy móc thay thế, chỉ cần một người ngồi đảo cốm cho đều.

Dần dần, các sản phẩm từ cốm của làng ngày càng đa dạng, đáp ứng theo mọi nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài cốm tươi, chả cốm, bánh cốm, xôi cốm, cốm xao... sau này còn có thêm xúc xích cốm, xu xê cốm, sữa chua cốm, mochi cốm, bánh chưng cốm... Đây đều là những món ăn được nhiều người yêu thích.

Năm 2019, nghề cốm Mễ Trì đã được đưa vào danh mục 17 Di sản văn hóa Phi vật thể Quốc gia,

Năm 2019, nghề cốm Mễ Trì đã được đưa vào danh mục 17 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, theo quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Người dân tự hào khi làng Mễ Trì từng đón Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm vào năm 2016. Năm 2018, các sản phẩm cốm tươi, xôi cốm, chả cốm của Mễ Trì được giới thiệu tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Trung tâm báo chí trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên.

Cùng với sắc trời trong veo, nắng vàng dịu ngọt, hương hoa sữa, gió heo may... hòa quyện vào nhau làm nên một mùa thu Hà Nội lãng mạng, một nét văn hóa đã khắc sâu vào tâm hồn của người Hà Thành xưa và nay. Hương cốm mới cũng dịu dàng gói trọn mùa thu ở lại, chầm chậm gọi mùa về.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Mặc dù còn tồn tại những vấn đề như không gian hạn chế hay an toàn vệ sinh thực phẩm, ẩm thực đường phố vẫn giữ được sức hút mạnh mẽ, tạo nên dấu ấn độc đáo của Thủ đô.

Nếu như người Sài Gòn có thú vui bình dân là uống cafe bệt, thì người Hà Nội có trà đá vỉa hè. Không cầu kỳ trong cách pha chế, không kén chọn khách uống, trà đá vỉa hè thân thiện, bình dị mà giản đơn.

Ăn phở xào phố Hàng Buồm là cách để nhiều người tận hưởng tiết trời lạnh của Thủ đô thêm phần trọn vẹn hơn.

Tiếp nối thành công của lễ hội năm 2023, Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 diễn ra trong 3 ngày, ngày 29, 30/11 và 01/12, tại Công viên Thống Nhất, phố Trần Nhân Tông, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng.

Thời tiết se lạnh dần chuyển mùa, không có gì tuyệt vời hơn khi được dạo quanh phố cổ Hà Nội, thưởng thức ẩm thực trong các con ngõ nhỏ với những quán hàng là địa chỉ quen thuộc của người sành ăn.

Nhắc đến phố cổ Hà Nội là nhắc đến những con ngõ dài, chỉ rộng khoảng 1m, sâu hun hút. Thế nhưng, những con ngõ này lại có sức hấp dẫn “khó thể chối từ” đối với mỗi người dân Thủ đô, bởi nằm sâu trong đó đều là thiên đường ẩm thực, nơi có rất nhiều món ăn mang đậm hương vị truyền thống.