Hương xuân mùi Tết

Mặc dù không có hình, có dáng nhưng mùi hương lại có sức mạnh đặc biệt khi có thể chiếm trọn cảm xúc, tâm trí, ký ức của chúng ta. Trong số nhiều mùi hương đã bám rễ trong tâm hồn mình, với tôi mùi của Tết sâu đậm, có khả năng gợi nhớ và có ý nghĩa thiêng liêng hơn cả. Những mùi hương thân quen ấy đã đi theo tôi qua bao năm năm tháng cuộc đời và giờ đây đã chiếm một vị trí quan trọng trong tâm thức. Để mỗi khi Tết đến, những mùi hương kỳ diệu ấy lại thức dậy khiến lòng dạ tôi nôn nao với những cảm xúc phấn chấn, bồi hồi khó tả.

Tản văn của Thiên Lương

Những ngày giáp Tết này, tâm hồn tưởng như chai sạn của tôi bỗng lại trở nên nhạy cảm và rung động khi gặp lại những mùi hương Tết quen xưa. Trong số rất nhiều mùi đặc trưng của Tết, tôi ấn tượng hơn cả với ba mùi gắn bó đậm sâu với thế hệ mình mà tôi vẫn thường hay đùa đó là "mùi Tết bao cấp".

Mùi thuốc pháo

Đã lâu lắm rồi không mấy ai còn được ngửi thấy mùi thơm đặc biệt đó nữa, nhưng nếu cố nhớ thì trong ký ức tôi nó là một thứ mùi hơi giống khói diêm mới cháy, nhưng thơm và thanh hơn rất nhiều. 

Còn nhớ, vào những ngày Tết xa ấy, bọn trẻ con lóc nhóc chúng tôi mỗi khi thấy nhà ai đốt cả bánh pháo dài là lại xông vào tìm nhặt những quả lép chưa nổ, mặc cho người lớn ra sức ngăn cản. Thực ra những quả pháo tép hồi ấy cũng khá vô hại vì chúng chỉ bé cỡ đầu đũa nên dù có nổ trên tay thì cũng chẳng gây thương tích gì đáng kể. Về sau người ta cứ ghép nhiều quả pháo đùng (pháo lớn cỡ hai ngón tay hoặc gần bằng cổ tay) vào bánh pháo nên mới nguy hiểm và sau này nhà nước mới cấm.

Thực sự thì cấm pháo là một quyết sách hợp lý. Nhưng tết xưa có sự khác biệt lớn so với bây giờ là ở mùi thơm thuốc pháo và màu hồng xác pháo rải khắp các con phố nội thành và những sân nhà ngoại ô. Biết đâu đấy, một năm nào đó, pháo sẽ được cho đốt lại ở một vài khu vực nhất định, chẳng hạn ở các làng quê.

Mùi bếp than

Còn một mùi đặc biệt nữa mà tôi còn nhớ là mùi bếp than. Không hiểu tại sao, nhưng năm nào bố tôi cũng duy trì một lễ nghi đặc biệt là để bếp than đang cháy ngay giữa nhà vào đêm 30 tết. Dường như ông nghĩ rằng than đỏ sẽ mang lại vận may, còn hơi nóng của than vừa làm ấm nhà, vừa thanh tẩy bớt những điều không may năm cũ. Dĩ nhiên ông chỉ để đó qua giao thừa rồi dọn đi ngay vì để bếp than lâu trong nhà cũng không tốt cho sức khỏe.

Có thể với nhiều người thì mùi bánh chưng, hương mùi già, nhang trầm, vàng mã… vẫn gợi lên những tết xưa. Nhưng thực lòng thì với tôi, chúng chẳng hề gợi lên một ký ức nào cả. Có lẽ vì ngày nay chúng ta dùng những thứ đó quá thường xuyên. Nhưng có những đêm muộn cuối tháng, ra sân nhìn lên bầu trời đen thăm thẳm, tự dưng cảm thấy đâu đây thoang thoảng hương cỏ cựa mình vươn lên dưới mùi đất hôi nồng. Một thứ hương làm rạo rực lòng người, lại thấy sực nhớ lại một ngày tết nọ, khi gia đình còn đủ, khi bà còn sống và các bác các cô các anh các chị còn lên chúc tết sáng mùng 1.

Mùi khói xe máy

Mùi khói xe máy, lạ thay, cũng là một trong những mùi dễ gợi lại những tết xưa. Những năm bao cấp, ai có chiếc xe máy chạy cũng đã là thành đạt lắm rồi. Và mùi khói xe máy, nhất là mùi khói xe Vespa, chạy xăng pha nhớt của những vị khách giàu có đến chúc tết, đôi khi cũng giúp người ta nhớ lại một buổi sáng mùng 2 nào đó: bố mẹ chạy ra chạy vào, con cháu hớn hở đón khách đến mừng tuổi. Mùi khói xanh thơm nhẹ trong buổi sáng an lành, với những vị khách má đỏ hồng vì chạy xe máy trong giá lạnh,…

Những hương xưa mùi cũ ấy có lẽ không còn hiểu nổi với những thế hệ sinh sau năm 2000, khi đất nước đã vươn mình đứng dậy và đã đỡ khó khăn. Nhưng năm nào cũng thấy người lớn nhắc lại với nỗi niềm nuối tiếc rõ rệt về một dĩ vãng đã không bao giờ còn quay về nữa.

Kỷ niệm đẹp đôi khi chỉ vì nó là kỷ niệm, đừng cố gán cho nó những ý nghĩa nào đó quá sức nó. Tết thời bao cấp dễ làm xao lòng người đứng tuổi bây giờ vì thời đó quá khó khăn cơ cực, kiếm được tấm bánh chưng, cân giò đã có tết.

Còn nhớ khi tôi mới đi làm ở một ngân hàng lớn, các cô chú anh chị trong đó còn kể là thời bao cấp, cả phòng được thưởng tết một gói hạt tiêu cỡ bàn tay, mọi người tự chia cho nhau, mỗi người mấy chục hạt gì đó. Khổ quá nên cái gì thơm ngon một chút cũng đều thành kỷ niệm đẹp. Nhiều khi người ta hay tô hồng lên những ký ức xa, cho rằng thời xưa con người đối xử tử tế với nhau hơn. Nhưng đôi khi họ quá hiền cũng vì yếu đuối, muốn ác được cũng phải là kẻ mạnh.

Những mùi hương tết thời bao cấp, khi xã hội còn nghèo, khi phân chia giai cấp còn chưa rõ rệt, vẫn đi theo những người thời ấy cho đến già. Và những mùi hương tết năm nay cũng sẽ là ký ức của những bạn nhỏ còn đang háo hức, tò mò với cuộc đời. Người lớn hãy cố gắng cho các bạn ấy có được những mùi hương đậm tình quê hương, đất tổ để mãi sau này, khi đã lớn lên, dù lưu lạc phương trời nào, một mùi thơm nhẹ nhàng nơi góc phố xa lạ nào đó vô tình cũng có thể gợi lại cả một ngày tết xa xưa, bên cha mẹ, gia đình và tổ quốc.

Tết xưa của người Hà Nội mang nét rất riêng, đặc trưng mà ai đã từng trải qua đều khó có thể nào quên.

Tết với nhiều người Hà Nội xưa đôi khi đơn giản là cành đào thắm, hộp mứt thập cẩm, hương thơm của nước lá mùi già hay cảnh cả nhà quây quần gói bánh chưng, háo hức đón giao thừa trong tiếng pháo nổ đì đùng...

Tết xưa trong ký ức của người Hà Nội là cảnh tinh mơ xếp hàng ở cửa hàng mậu dịch để mua vài hộp mứt tết, miếng bóng bì, lạng măng khô. Là trong cái giá lạnh ngày đông nhưng ai cũng hối hả, háo hức đi sắm cho gia đình một cành đào Tết.

Tết xưa đơn sơ là thế nhưng thân thương, ấm áp vô cùng. Những bận rộn, lo lắng, nôn nao, ngóng chờ cho giây phút đoàn viên, đoàn tụ gia đìnhh, dòng tộc.

Những kỉ niệm về Tết Hà Nội xưa đã trở thành một phần ký ức không bao giờ phai màu trong tâm trí những người Hà Nội đã đi qua thời gian.

Không khí ngày giáp Tết luôn khiến chúng ta nhớ về những kỷ niệm xưa. Và những ký ức ấy đã được nhiều người trải lòng để lưu giữ những kỷ niệm đẹp và cũng là để nhắc nhớ các thế hệ sau cùng gìn giữ những giá trị,nét đẹp văn hóa Tết truyền thống của Người Hà Nội.

---

Còn kỷ niệm về Tết Hà Nội của bạn thế nào, hãy cùng chia với Hanoionline trong chuyên mục Ký ức Tết Hà Nội xưa. bằng cách gửi bài viết về địa chỉ email ttnoidungso@daihanoi.vn hoặc tài khoản Zalo 0865.116.699.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Thành phố thức giấc bởi những âm thanh quen thuộc mỗi ngày. Sự vận động của các con phố, từng ngôi nhà tạo nên nét riêng cho khu phố cổ Hà Nội.

Chuyện ở làng quê có nhiều cái lạ với một nhà văn già sống ở thành phố. Nhiều phong tục, tập quán được gìn giữ hàng bao đời nay, mà các nhà văn hóa thường gọi là bản sắc dân tộc. Nó đáng quý và gắn bó đời sống cộng đồng thành một khối gọi là làng. Các cụ xưa thường nói còn làng là còn nước phải không?

Trong mắt những người yêu Hà Nội, thì Hà Nội không phải chỉ có 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, mà Hà Nội còn có những mùa hoa, mùa nắng, mùa mưa...và mùa lá rụng rất đẹp, lãng mạn, đầy quyến rũ.

Giật mình tỉnh giấc giữa canh khuya, có tiếng con chim cuốc văng vẳng dội vào không gian vắng lặng, lọt qua thính giác xâm chiếm tâm hồn tôi. Thanh âm da diết ấy khuấy động khiến trong tôi khắc khoải bao nỗi niềm mà không sao nối tiếp giấc mơ còn dang dở.

Vậy là tháng tư đã về. Vào một ngày tháng tư năm đó có một cô gái đến Hà Nội, và cô xa Hà Nội cũng vào một ngày tháng tư. Người xa khuất, tháng năm như nước chảy qua cầu, chỉ còn ký ức là ở lại. Hà Nội và tháng tư không biết tự bao giờ đã để lại trong trái tim cô một nỗi nhớ sâu đậm khó phai.

Có một người con gái miền Nam biết tới món bánh giò của Hà Nội qua lời kể của ba. Cái dẻo bùi của bột gạo, cái beo béo đặc trưng của bánh giò, chỉ đơn giản vậy nhưng lại khiến người ta nhớ mãi. Và giờ cô ấy đã hiểu sao ngày xưa ba mình lại ưa món bánh giò đến vậy.