Indonesia có thể trở thành 'thế lực kinh tế' mới?
Triển vọng và thành tích kinh tế ấn tượng
Với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt hơn 1 nghìn tỷ đô la Mỹ, “quốc gia vạn đảo” đã vượt qua những thách thức toàn cầu, từ các căng thẳng thương mại đến ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, để ghi dấu ấn bằng khả năng phục hồi và tăng trưởng ấn tượng.
Vị trí chiến lược, tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng lực lượng lao động trẻ và chất lượng cao được xem là chìa khóa cho sự vươn mình của Indonesia. Theo số liệu thống kê, Indonesia tăng trưởng trung bình ở mức 5%/năm kể từ năm 2000.
Báo cáo Triển vọng kinh tế của Ngân hàng Thế giới mới đây cũng dự báo nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định trong những năm tới nhờ vào nhu cầu tiêu dùng và đầu tư mạnh mẽ.
Tổ chức nghiên cứu Atlantic Council có trụ sở tại Washington, Mỹ, còn nhận định Indonesia có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới (xét theo sức mua tương đương) vào năm 2026 nếu thúc đẩy tốc độ tăng trưởng lên mức 6 - 7%/ năm.
Dữ liệu chính thức từ Cục Thống kê Indonesia cho thấy GDP của quốc gia này trong quý II/2024 tiếp tục duy trì đà tăng dao động ở mức 5% nhờ tiêu dùng và đầu tư hộ gia đình tăng.
Cụ thể, tiêu dùng hộ gia đình, lĩnh vực chiếm một nửa nền kinh tế Indonesia, tăng 4,93% nhờ tín hiệu tích cực trong lĩnh vực vận tải và khách sạn. Trong khi đó, xuất khẩu tăng 8,28% so với cùng kỳ năm trước, do lượng khách du lịch nước ngoài đến Indonesia tăng.
Trong quý III và quý IV năm nay, Ngân hàng Trung ương Indonesia dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ được tiếp sức bằng kế hoạch kích thích tài khóa từ 2,3% lên 2,7% GDP, cùng với xuất khẩu tăng do nhu cầu mạnh hơn từ các đối tác thương mại chính của Indonesia.
Indonesia dự kiến duy trì tăng trưởng trong nước vững chắc, hướng đến mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2024 là 5%.
Với kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất toàn cầu, đặc biệt là kỳ vọng về chính sách tiền tệ của FED ôn hòa hơn, triển vọng kinh tế của Indonesia trong năm 2025 có vẻ đầy hứa hẹn.
Bà Hosianna Situmorang, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Danamon.
Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng thành tựu kinh tế của Indonesia trong thời gian qua được hỗ trợ bởi các chính sách kinh tế vĩ mô của chính phủ, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển bền vững.
Trong báo cáo mới nhất có tiêu đề Triển vọng kinh tế Indonesia ấn bản tháng 6/2024, WB tuyên bố rằng khuôn khổ chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng và nhất quán đã trở thành cơ sở cho những thành công kinh tế ở Indonesia và được thị trường thế giới công nhận.
Theo báo cáo trên, tỷ lệ hoán đổi nợ xấu và chênh lệch chỉ số trái phiếu thị trường mới nổi JP-Morgan (EMBI) ở Indonesia đã liên tục giảm kể từ đại dịch Covid-19 và thấp hơn so với một số quốc gia tương đương. Cơ quan xếp hạng tín dụng này đã duy trì xếp hạng mức đầu tư cho tín dụng chính phủ, trong đó có triển vọng ổn định, nhờ đó Indonesia đã vượt qua các cú sốc bên ngoài, thu hút đầu tư mạnh mẽ.
Trong năm 2023, đầu tư vào Indonesia tăng trưởng 3,7%, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 47,3 tỷ USD, sau khi tăng 46,6% vào năm 2022. Khoảng 1/3 vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chủ yếu từ Trung Quốc, vào các ngành công nghiệp khai thác mỏ và kim loại của Indonesia.
WB dự báo nền kinh tế Indonesia sẽ tăng trưởng bền vững với tốc độ ổn định trong năm nay và nhiều năm tới. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia được dự đoán sẽ đạt trung bình 5,1% mỗi năm từ năm 2024 đến năm 2026, mặc dù phải đối mặt với những trở ngại ngày càng tăng từ giá hàng hóa giảm, biến động giá lương thực và năng lượng cũng như bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng.
Indonesia đặt mục tiêu đạt được tầm nhìn Indonesia Vàng vào năm 2045, trong đó đưa quốc gia trở thành nền kinh tế phát triển với tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người hơn 30.000 USD, GDP 9.800 tỷ USD và 70% dân số thuộc nhóm trung lưu.
Trong nỗ lực thực hiện mục tiêu này, quốc gia Đông Nam Á đang thúc đẩy các cuộc đàm phán để trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) - vốn được mệnh danh là “câu lạc bộ các nước giàu”.
Indonesia không bắt đầu từ con số 0 cho quá trình trở thành thành viên OECD. Indonesia đã hợp tác với OECD nhiều năm trong các lĩnh vực, làm đối tác chính của OECD vào năm 2007, và năm 2014 đã giúp khởi động chương trình Đông Nam Á của tổ chức này.
Chúng tôi hy vọng việc gia nhập OECD có thể hỗ trợ các ưu tiên của Chính phủ Indonesia, bao gồm nền kinh tế xanh, số hóa, phát triển nguồn nhân lực, quản trị tốt và đưa Indonesia thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Ông Airlangga Hartarto, Bộ trưởng điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia.
Indonesia cũng tuyên bố sẽ nộp đơn gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong năm nay. Theo Bộ điều phối kinh tế Indonesia, việc trở thành thành viên của CPTPP sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa hoạt động xuất khẩu của Indonesia, bảo vệ tốt hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn đóng góp tới 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia Đông Nam Á này.
Nusantara và tham vọng mới của Indonesia
Indonesia - trong hành trình hiện thực hóa các mục tiêu tham vọng, một siêu dự án không thể không nhắc tới đó là kế hoạch di dời thủ đô từ Jakarta trên đảo Java đến thủ đô mới Nusantara ở tỉnh Đông Kalimantan.
Nằm giữa khu rừng nhiệt đới trên đảo Borneo, thủ đô mới của Indonesia đang từng bước hoàn thiện hạ tầng và dự kiến khánh thành giai đoạn 1, với một số hạng mục quan trọng vào ngày 17/8 tới, nhân dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh Indonesia.
Đợt tái định cư đầu tiên sẽ diễn ra khoảng một tháng sau lễ khánh thành. Thủ đô mới Nusantara không chỉ được xem là niềm tự hào của người dân và chính phủ Indonesia với nhiều kỳ vọng mới, mà siêu dự án trị giá 32 tỷ đô la Mỹ này còn thu hút nhiều sự chú ý của các tỷ phú và nhà đầu tư lớn.
Trong chuyến thị sát hồi cuối tháng 7 vừa qua, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết các nhà đầu tư nước ngoài đã gửi khoảng 300 lá thư bày tỏ mong muốn đầu tư vào Nusantara.
Nằm cách Jakarta 1.200 km, siêu dự án Nusantara được công bố từ năm 2019, với kỳ vọng thay thế thủ đô Jakarta đang phải đối mặt quá nhiều vấn đề như kẹt xe, sụt lún. Dự án được chia thành 5 giai đoạn xây dựng cho đến năm 2045. Việc xây dựng giai đoạn đầu tiên bắt đầu từ năm 2022 và dự kiến sẽ hoàn thiện trước lễ kỷ niệm Ngày Độc lập vào ngày 17/8 tới.
Đây là một siêu dự án, với thời hạn từ 15 đến 20 năm. Nhiều người nghĩ rằng chúng tôi đang chạy theo thời hạn, nhưng không phải vậy, chúng tôi đang thực hiện theo tiến độ, theo kế hoạch và các giai đoạn chúng tôi đã đặt ra.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo.
Theo Bộ máy nhà nước và Cải cách hành chính Indonesia, sẽ có hơn 10.000 công chức từ 38 bộ, ngành và các cơ quan của chính phủ chuyển đến Nusantara trong giai đoạn đầu. Nhóm công chức này sẽ nhận được một số hỗ trợ từ nhà ở cho đến phụ cấp sinh hoạt và chi phí di chuyển.
Sau giai đoạn 1, Indonesia sẽ bắt tay vào giai đoạn 2 đến giai đoạn 5 kéo dài từ năm 2025 – 2045, với 20% nguồn vốn là từ kinh phí nhà nước, còn lại là nguồn đầu tư tư nhân.
Để thu hút vốn, Tổng thống Widodo đã ký một sắc lệnh về ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào phát triển dịch vụ và hạ tầng ở Nusantara. Các ưu đãi bao gồm đảm bảo một số quyền sử dụng đất như quyền trồng trọt, có thể tới 190 năm.
Indonesia cũng triển khai chương trình thị thực dài hạn có tên gọi “Thị thực vàng”, nhằm mời gọi “các nhà đầu tư chất lượng tốt” đến với nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Theo hãng tin Reuters, nếu đầu tư vào khu vực thủ đô mới Nusantara, cá nhân cần 5 triệu USD cho thị thực 5 năm và 10 triệu USD cho thị thực 10 năm. Đổi lại, các nhà đầu tư có thể nhận được một số lợi ích - bao gồm quyền cư trú dài hạn, gia đình được bảo lãnh, trợ cấp nhập cảnh nhiều lần và tiềm năng hoàn vốn đầu tư.
Chính phủ Indonesia đang nghiên cứu các chính sách để thu hút các công ty tài chính công nghệ đầu tư vào thủ đô mới. Chính phủ đã tiết lộ một số ưu đãi như các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng và ngành dịch vụ sẽ được miễn thuế doanh nghiệp trong 30 năm cho các dự án được thực hiện từ năm 2022 đến 2035, và 25 năm cho các dự án từ năm 2036 đến 2045.
Các công ty cũng sẽ được hưởng lợi ở các khoản khấu trừ thuế 100% trong 10 năm nếu họ xây dựng trụ sở tại Nusantara hoặc di dời các chi nhánh sang thủ đô mới.
Indonesia muốn đăng cai tổ chức Olympic 2036 tại thủ đô mới
Nhằm nâng tầm vị thế toàn cầu, Indonesia đang đẩy mạnh quá trình vận động đăng cai Thế vận hội Olympic 2036 tại thủ đô mới Nusantara. Indonesia đang lên kế hoạch xây dựng các cơ sở hạ tầng thể thao theo tiêu chuẩn của Ủy ban Olympic trong tham vọng trở thành chủ nhà của sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh.
Theo các chuyên gia, nếu có thể vận động đăng cai thành công, sự kiện sẽ không chỉ là lời chào ấn tượng của Nusantara với bạn bè quốc tế, mà còn cải thiện hình ảnh và uy tín của Indonesia, từ đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, phát triển đất nước.
Ủy ban Olympic quốc gia Indonesia cho biết nước này đang phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Olympic quốc tế như một phần trong nỗ lực vận động đăng cai Thế vận hội Olympic mùa hè vào năm 2036. Để chuẩn bị cho mục tiêu này, từ tháng 7 vừa qua, một phái đoàn với tư cách quan sát viên đã đến Olympic Paris 2024 để học hỏi cũng như quan sát quá trình chuẩn bị cho Thế vận hội.
Dù chưa từng đăng cai Thế vận hội Olympic, nhưng Indonesia đã có kinh nghiệm tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế lớn như Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) năm 2018, nhiều lần tổ chức SEA Games, Para Games. Ngoài ra, với lợi thế là một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới và nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, Indonesia có nhiều điều kiện thuận lợi để tổ chức sự kiện thể thao danh giá nhất hành tinh.
Tôi nghĩ là vào năm 2036, Indonesia có thể tạo một dấu ấn trước dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Độc lập, tức là vào năm 2045. Bởi Indonesia hiện là động lực tăng trưởng của thế giới.
Dân số Indonesia không hề nhỏ, khoảng 285 triệu người, nếu kết hợp với các nước ASEAN, thì con số đó gần một tỷ người. Ngoài ra, Indonesia cũng là điểm đến hàng đầu cho khách du lịch và mọi người ở khắp nơi.
Ông Anindya Bakrie, trưởng đoàn Indonesia tham dự Olympics Paris.
Ngoài Indonesia, Ấn Độ, Nga, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đều đang quan tâm đến việc tổ chức Olympic 2036. Nếu thành công, Indonesia sẽ là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên giành quyền đăng cai Thế vận hội được tổ chức 4 năm một lần này.
Indonesia, với mối quan hệ thương mại chặt chẽ và mở rộng trên khắp châu Á, châu Âu và châu Mỹ, đang đứng trước nhiều cơ hội để thúc đẩy sự hội nhập toàn cầu. Sau hơn một thập kỷ tăng trưởng kinh tế bền vững, Indonesia được dự báo sẽ bắt kịp Trung Quốc và Ấn Độ để trở thành một “thế lực kinh tế mới” trong những năm tới, đồng thời trở thành trụ cột trong việc định hình trật tự tương lai của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và xa hơn nữa.
Đây được xem là di sản đáng tự hào mà Tổng thống Joko Widodo, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 10 tới, để lại cho người kế nhiệm.
Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.
Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.
Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.
Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.
Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.
0