Iran cùng các nhóm 'trục kháng chiến' tuyên bố trả đũa Israel

Các nhà lãnh đạo Iran cùng các nhóm được Iran hậu thuẫn, hay còn gọi là “trục kháng chiến” tuyên bố sẽ trả đũa Israel một cách mạnh mẽ, đẩy Trung Đông trên bờ vực chiến tranh toàn diện. Hiện Iran sẽ tấn công khi nào và với kịch bản như thế nào đang trở thành vấn đề được dư luận quốc tế quan tâm.

Iran sẵn sàng trả đũa Israel 

Iran đã tuyên bố sẽ trả thù cho cái chết của ông Ismail Haniyeh, một lãnh đạo chính trị cấp cao của Hamas bị sát hại ở Tehran sau khi ông và các nhà lãnh đạo khác của các nhóm Hamas tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran. Các nhà lãnh đạo Israel không xác nhận cũng không phủ nhận có đứng sau vụ ám sát hay không.

Một trong những quan điểm được ủng hộ ở Iran là họ cần phải thể hiện phản ứng kiên quyết, mạnh mẽ và sẵn sàng tham gia vào một cuộc chiến để giảm leo thang. Các nhà lãnh đạo Iran cho rằng nếu không làm như vậy, thì Israel sẽ không dừng lại và các quan chức Iran có thể bị Israel nhắm mục tiêu công khai sau đó.

Ông Hamidreza Azizi - Chuyên gia về Iran tại Doha (Qatar).

Có nhiều dấu hiệu cho thấy một cuộc tấn công sẽ sớm xảy ra. Lãnh tụ tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, đã ra lệnh cho Iran tấn công trực tiếp trả đũa Israel. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, Nasser Kanaan, hôm 5/8 cũng khẳng định Iran sẽ tấn công trả đũa Tel Aviv.

Giới quan sát Mỹ cho rằng có hai kịch bản được đưa ra về những gì mà Iran dự kiến sẽ trả đũa Israel.

Lãnh tụ tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei.

Chuẩn đô đốc Mỹ về hưu Mark Montgomery cho rằng Iran sẽ không lặp lại cùng một kiểu tấn công mà họ đã phát động đáp trả Israel vào ngày 13/4, trong đó chủ yếu dựa vào máy bay không người lái. Một số cuộc tấn công bằng tên lửa khi đó đã nhanh chóng bị quân đội Mỹ, Israel và các nước láng giềng đẩy lùi.

Ông Montgomery cho rằng lần này Iran có thể sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung và tên lửa hành trình chống lại các mục tiêu của Israel.

Chuẩn đô đốc Hải quân Mỹ Mark Montgomery. Ảnh: PACOM.

Kịch bản thứ hai là một cuộc tấn công chủ yếu liên quan đến các loạt tên lửa được bắn từ các lực lượng ủy nhiệm ở Liban, Syria và Iraq.

Jonathan Ruhe, người đứng đầu công tác chính sách đối ngoại tại Viện Do Thái về An ninh Quốc gia Mỹ, nhận định, một cuộc tấn công như vậy có thể áp đảo hệ thống phòng thủ của Israel và khiến quân đội Israel có ít thời gian hơn để phản ứng.

Ông Jonathan Ruhe cho rằng các tín hiệu của Tehran đưa ra trước cuộc tấn công trả đũa hồi tháng 4 đã cho Israel đủ thời gian để phản ứng, vì vậy Iran sẽ không muốn mắc sai lầm đó một lần nữa.

Nhà phân tích chính trị Iran cho rằng Iran sẽ tấn công theo từng giai đoạn.

Kế hoạch của Iran nhằm đối phó với Israel là toàn diện và sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn, giai đoạn cuối cùng sẽ là hành động quân sự. Điều này có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Iran sẽ sử dụng các biện pháp ngoại giao để tìm kiếm giải pháp chống lại Israel, nhưng cũng sẽ sử dụng chiến tranh mạng, tâm lý và điện tử. Iran cũng sẽ hành động chống lại Israel phối hợp với mặt trận kháng chiến. Chúng tôi sẽ cố gắng phá hủy khả năng thực hiện động thái tiếp theo của Israel.

Ông Hossein Kanani Moghaddam - Nhà phân tích chính trị Iran.

Trang tin Axios dẫn lời ba quan chức Mỹ cho biết cơ quan tình báo nước này dự đoán một kịch bản bao gồm hai làn sóng tấn công vào Israel: một đợt từ Hezbollah và một đợt từ Iran cùng một số lực lượng ủy nhiệm khác.

Phía Washington vẫn chưa xác định cách thức diễn ra các cuộc tấn công và bên nào sẽ thực hiện cuộc tấn công trước.

Về thời gian Iran tiến hành tấn công trả đũa, theo Sky News Ả rập, Iran dự kiến thực hiện các cuộc tấn công vào ngày 12 - 13/8, đúng dịp lễ tưởng niệm và ăn chay của người Do Thái. Tuy nhiên, hôm 5/8 phía Iran cho biết vẫn giữ bí mật về cách đáp trả và thời gian đáp trả Israel.

Liban liên quan như thế nào đến cuộc khủng hoảng?

Vụ sát hại thủ lĩnh Hamas Haniyeh xảy ra một ngày sau khi một cuộc không kích của Israel ở Beirut sát hại Fuad Shukr, một chỉ huy cấp cao của Hezbollah, lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn tại Liban.

Vụ việc đã làm gia tăng căng thẳng vốn đã lên cao giữa Israel và Iran cùng các lực lượng ủy nhiệm của nước này trong khu vực. Tuần trước, thủ lĩnh Hezbollah, Hassan Nasrallah, cho biết xung đột của họ với Israel đã bước vào giai đoạn mới và đe dọa sẽ trả đũa mạnh mẽ để đáp trả vụ ám sát thủ lĩnh của Hezbollah.

Ismail Haniyeh - thủ lĩnh chính trị của Hamas đã bị ám sát tại Tehran, Iran, ngày 31/7. Ảnh: AFP.

Trong nhiều tháng qua, Hezbollah đã bắn hàng nghìn quả tên lửa và máy bay không người lái vào Israel, để thể hiện sự đoàn kết với Hamas - lực lượng cũng được Iran hậu thuẫn.

Đáp lại, Israel đã trả đũa bằng cách không kích vào các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Liban, cũng như sơ tán hàng chục nghìn công dân của mình ở miền Bắc Israel gần biên giới với Liban.

Israel đã trả đũa bằng cách không kích vào các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Liban.

Các cuộc giao tranh xuyên biên giới giữa Hezbollah và Israel gần như diễn ra hàng ngày. Mặc dù các cuộc tấn công không phải là một phần của cuộc trả đũa lớn mà Hezbollah đã đe dọa, nhưng người dân ở Liban và Israel vẫn tiếp tục chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh toàn diện tiềm tàng.

Sau những căng thẳng gia tăng gần đây, Liban đã thông qua một kế hoạch khẩn cấp cho kịch bản chiến tranh có khả năng xảy ra với Israel vào cuối tháng 10 năm nay. Theo đó, Liban dự kiến sẽ bắt buộc di dời 1 triệu người dân trong vòng 45 ngày.

Các cuộc giao tranh xuyên biên giới giữa Hezbollah và Israel gần như diễn ra hàng ngày.

Tổ chức Y tế Thế giới hôm 5/8 cho biết họ đã chuyển 32 tấn vật tư y tế khẩn cấp cho Liban trong trường hợp xảy ra xung đột rộng hơn, trong khi Bộ Y tế Liban quyết định nâng cao khả năng sẵn sàng của tất cả các bệnh viện và toàn bộ ngành y tế của nước này.

Israel chuẩn bị cho mọi tình huống

Trong khi chưa rõ Iran sẽ tiến hành bước đi nào cho việc trả đũa thì Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 4/8 đã tổ chức một cuộc họp với các quan chức an ninh để đánh giá tình hình và đưa ra quyết định cuối cùng về các biện pháp phản ứng tiếp theo.

Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã trình kế hoạch tấn công phủ đầu Iran, Hezbollah, có thể bao gồm cả các địa điểm ở Liban hoặc các khu vực khác nếu cần thiết. Israel cũng đã khởi động hệ thống vòm sắt của mình để đánh chặn các tên lửa của đối phương.

Hệ thống Vòm sắt của Israel đánh chặn tên lửa phóng từ Dải Gaza. Ảnh: Reuters.

Các nguồn tin từ Israel cho biết, các các quan chức an ninh nước này đều chưa chắc chắn về phản ứng từ Iran, tuy nhiên, lực lượng này đang chuẩn bị cho một số kịch bản cực đoan, như các cuộc tấn công vào căn cứ của IDF ở quy mô chưa từng có bằng thiết bị bay không người lái (UAV), tên lửa và các cuộc tấn công bằng rocket vào các mục tiêu từ cơ sở hạ tầng quốc gia đến biên giới phía Bắc tới Haifa và thậm chí cả Tel Aviv. Tehran sẽ cân nhắc cẩn thận phạm vi và cường độ của một hành động quân sự đáp trả.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết Israel đã chuẩn bị cho mọi tình huống để đáp trả trục kháng chiến của Israel.

Chúng tôi đã chuẩn bị cho mọi tình huống cả về phòng thủ và tấn công. Chúng tôi sẽ phản ứng và đòi một cái giá đắt cho bất kỳ hành động thù địch nào đối với chúng tôi, từ bất kỳ phương diện nào.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đưa ra phương án tấn công phủ đầu Iran để răn đe, mặc dù vẫn nhấn mạnh chỉ hành động như vậy nếu họ nhận được thông tin chính xác rằng chắc chắn Iran sẽ tấn công Israel. Đề xuất của IDF nhấn mạnh: "Phải cho kẻ thù biết rằng chúng ta không ngồi đợi. Bất kể thế nào vẫn sẽ dẫn đến khả năng leo thang ở mặt trận phía Bắc. Sẽ là khôn ngoan nếu chúng ta đánh phủ đầu đối thủ".

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Nguồn tin cho biết đề xuất đã được xem xét và đánh giá nhưng vẫn chưa được giới chính trị Israel chấp nhận.

Tờ Jerusalem Post cho biết, đối với mỗi tình huống, IDF đều có biện pháp phòng thủ và tấn công. IDF có các hệ thống phòng thủ chủ động nằm trong số những hệ thống tốt nhất thế giới là Vòm Sắt, Magic Wand và hệ thống Arrow 2 và 3.

IDF đều có biện pháp phòng thủ và tấn công.

Hầu hết công dân của nước này đều có không gian được bảo vệ khỏi tên lửa và rocket. Trong một cuộc tấn công, IDF có khả năng áp đảo về hỏa lực, độ chính xác và phạm vi rộng. Không quân Israel được huấn luyện và luôn trong tình trạng báo động cao, kết hợp với lực lượng đáng gờm của hải quân.

Mặc dù vậy người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố "việc phòng thủ không phải là tuyệt đối - mọi công dân phải hành động có trách nhiệm". Về phần mình, Cơ quan An ninh Israel (Shin Bet) đã thiết lập một hầm chỉ huy ngầm tại Jerusalem, nơi các nhà lãnh đạo chính trị cấp cao nước này dự kiến sẽ trú ẩn trong thời gian tình trạng khẩn cấp được ban bố. Hầm chỉ huy này được trang bị đầy đủ các hệ thống chỉ huy và kiểm soát và được gia cố để chống lại tất cả các loại vũ khí.

Phản ứng của quốc tế

Những tín hiệu của Iran và Hezbollah về việc tấn công trả đũa Israel, cũng như kế hoạch đáp trả của Tel Aviv đã làm dấy lên lo lắng trong dư luận quốc tế về một cuộc chiến tranh lan rộng tại khu vực Trung Đông. Mỹ đã triển khai lực lượng tàu chiến, tàu sân bay đến Trung Đông để hỗ trợ Israel đẩy lùi cuộc tấn công. Trong khi Nga cũng chuyển hệ thống phòng không tối tân cho Iran. Trước bối cảnh đó, các nước khác đang nhanh chóng sơ tán công dân tại Iran và Liban về nước.

Mỹ điều tàu sân bay đến Trung Đông để ngăn cuộc chiến Israel - Hamas lan rộng. Ảnh minh họa AP.

Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ Tướng Michael Kurilla, đã đến Israel vào ngày 5/8 để tiến hành công tác phối hợp cuối cùng và xem xét các phương án ứng phó với một cuộc tấn công vào bên trong Israel, tương tự như cuộc tấn công của Iran vào tháng 4 vừa qua. Việc liên quân do Mỹ dẫn đầu bổ sung vào mặt trận Israel sẽ tăng thêm một lực lượng phòng thủ rất đáng kể, bao gồm cả việc triển khai thêm tàu sân bay, tàu chiến và các tài sản quân sự khác.

Người phát ngôn của chính quyền Mỹ cũng lưu ý rằng mục đích của việc triển khai lực lượng là "răn đe" Iran và bảo vệ Israel. Washington nhấn mạnh rằng họ không tìm cách leo thang và vẫn giữ nguyên lập trường của mình, như đã nhấn mạnh trong tất cả các cuộc đàm phán với Israel rằng chỉ có một thỏa thuận thả con tin mới có thể khởi đầu một quá trình hạ nhiệt căng thẳng.

Việc tăng cường lực lượng đáng kể của Mỹ thực sự được coi là nhằm mục đích ngăn chặn và bảo vệ Israel chủ yếu khỏi một cuộc tấn công của Iran.

Các nhà quan sát cho rằng, như vậy việc tăng cường lực lượng đáng kể của Mỹ thực sự được coi là nhằm mục đích ngăn chặn và bảo vệ Israel chủ yếu khỏi một cuộc tấn công của Iran. Tuy nhiên, điều này lại xuất phát từ mối lo ngại rằng nếu không có sự bảo vệ của Mỹ, Israel sẽ phải chịu một đòn tấn công nghiêm trọng, buộc nước này phải đáp trả. Trong một kịch bản như vậy, khả năng Mỹ sẽ phải gia tăng sự can dự của mình đáng kể, có thể đến mức phản ứng trực tiếp chống lại Iran.

Trong khi đó, tờ New York Times tiết lộ Nga đã bắt đầu chuyển giao các hệ thống phòng không và radar tiên tiến cho Iran, sau yêu cầu của Tehran để đối phó với các cuộc tấn công tiềm tàng của Israel. Thông tin được đưa ra cùng ngày, truyền thông nhà nước Iran đưa tin Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian tiếp thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergei Shoigu, người từng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga.

Tổng thống Iran Masoud Pezeshikan. Ảnh: AFP.

Tổng thống Pezeshkian nhấn mạnh trong cuộc gặp rằng: "Quan điểm chung giữa Iran và Nga trong việc thúc đẩy một thế giới đa cực chắc chắn sẽ dẫn đến an ninh và hòa bình toàn cầu lớn hơn".

Quan hệ giữa Nga và Iran đã được tăng cường trong những năm gần đây, khi cả hai nước đều đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây. Hai nước gần đây cũng đã ký một thỏa thuận mở rộng hợp tác quân sự và tình báo. Hiện chưa rõ Nga đã chuyển hệ thống phòng không gì cho Iran. Nước này trước đây đã có một số hệ thống tên lửa phòng không S-300 do Nga sản xuất.

Trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang nhanh chóng liên quan đến các cuộc tấn công đáp trả lẫn nhau giữa Israel với Iran và Liban, nhiều nước đã kêu gọi công dân rời Liban và Iran sớm nhất có thể.

Ngày 4/8, Pháp kêu gọi công dân nước này tạm thời rời khỏi Iran, cảnh báo không phận và sân bay ở Iran có thể đóng cửa do lo ngại gia tăng về xung đột trong khu vực. Trong khi đó, Mỹ cũng đang kêu gọi công dân rời khỏi Liban. Trước đó, nhiều nước cũng đã khuyến cáo công dân rời khỏi khu vực. Anh, Canada và Jordan, Ả Rập Xê Út, Hàn Quốc cũng kêu gọi công dân lập tức rời khỏi Liban càng sớm càng tốt.

Nhiều nước đã kêu gọi công dân rời Liban và Iran sớm nhất có thể. Ảnh: THX.

Ông Bassam Al-Salihi, thành viên Ủy ban điều hành Tổ chức Giải phóng Palestine cho rằng các hành động của Israel đã làm gia tăng căng thẳng trên khắp khu vực, bao gồm cả Liban, Iran, Yemen. Nếu Iran hay Liban tấn công trả đũa Israel, hậu quả sẽ là chiến tranh lan rộng trên nhiều mặt trận và kéo theo sự can dự của nhiều nước. Điều này sẽ tiếp tục đẩy Trung Đông vào một vòng xoáy mới không có hồi kết.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Khi cuộc chiến Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ 4, nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra ba kịch bản để giải quyết cuộc xung đột khi ông chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.

TikTok có thể xem là một trong những ứng dụng "xấu số" nhất thế giới. Dù có lượng người dùng đông đảo, ứng dụng này cũng đang bị cấm tại rất nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều lý do khác nhau.

Sáng 17/12, một thiết bị nổ được cài trong một chiếc xe scooter điện đã phát nổ gần lối vào của một tòa dân cư trên Đại lộ Ryazansky ở Moscow, vào đúng thời điểm người đứng đầu Lực lượng Phòng chống Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga Igor Kirillov cùng trợ lý của ông đi ngang qua, khiến hai người thiệt mạng.

Theo các nguồn tin Ukraine, tính đến tháng 11 năm nay, ít nhất 18 tướng, một đô đốc Nga đã thiệt mạng. Tuy nhiên, phía Nga mới xác nhận 8 trường hợp, và thêm trường hợp mới nhất là Trung tướng Igor Kirillov.

Ở tuổi 73, ông Francois Bayrou trở thành thủ tướng thứ 4 của nước Pháp chỉ trong vòng một năm. Ông sẽ đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua và vực dậy nền kinh tế.

Israel đã tận dụng khoảng trống quyền lực ở Syria để ném bom các mục tiêu trên khắp đất nước nước này. Israel tuyên bố chiến dịch quân sự của họ ở Syria chỉ là “biện pháp tạm thời” để đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn vũ khí của Syria rơi vào tay những kẻ cực đoan.