Iran phóng tên lửa tấn công Israel, Trung Đông rực lửa

Tình hình căng thẳng tại khu vực Trung Đông vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi Iran vào đêm 1/10 phóng hàng loạt tên lửa hướng về phía lãnh thổ Israel.

Trong khi lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran khẳng định vụ tấn công được thực hiện trong khuôn khổ quyền tự vệ hợp pháp của Iran và dựa trên luật pháp quốc tế, thì Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đánh giá đây là hành động “sai lầm”, đồng thời tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng.

Iran dội mưa tên lửa xuống Israel

Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết họ đã sử dụng nhiều loại tên lửa tiên tiến được sản xuất trong nước nhắm vào các địa điểm chiến lược ở Israel, trong đó có Cơ quan Tình báo Israel (Mossad), Căn cứ Không quân Nevatim và Căn cứ Không quân Tel Nof.

Các quả đạn do Iran phóng bay trên bầu trời Israel ngày 1/10. Ảnh: AFP.

Theo hãng tin CNN, trong loạt tấn công lần này, Iran có thể đã sử dụng tên lửa đạn đạo Shahab-3 và tên lửa siêu thanh Fattah-2, cho phép Tehran vượt qua hệ thống phòng không tiên tiến của Israel. Tuyên bố của IRGC cho biết, 90% tên lửa được sử dụng trong chiến dịch tấn công này đã bắn trúng các mục tiêu Israel, đã phá hủy một lượng lớn xe tăng, máy bay chiến đấu, cũng như một số hệ thống radar phòng thủ loại Arrow 2 và Arrow 3 hiện đại của Israel.

Chúng tôi tấn công Israel nhằm trả thù việc Tel Aviv giết hại các chỉ huy và lãnh đạo của Hamas, Hezbollah, lực lượng vệ binh cách mạng Iran, vi phạm chủ quyền quốc gia của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. Chúng tôi có khả năng tấn công cơ sở hạ tầng kinh tế của Israel, nhưng chúng tôi chỉ nhắm vào các căn cứ quân sự. Nếu Israel không biết điểm dừng và có hành động chống lại Iran, chúng tôi sẽ nhắm vào tất cả các cơ sở hạ tầng của họ.

Thiếu tướng Mohammad Bagheri, Tư lệnh lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran.

Trong khi đó, Israel thông báo gần 200 tên lửa được phóng về lãnh thổ nước này, tuy nhiên vụ việc không gây ra bất kỳ tổn hại nghiêm trọng nào cho Israel hoặc lực lượng không quân của nước này. Đa số tên lửa bị hệ thống phòng không của Israel, với sự hỗ trợ của Mỹ đánh chặn. Nhà Trắng cũng cho rằng, cuộc tấn công của Iran không hiệu quả.

Đây là lần thứ hai trong năm nay Iran bắn tên lửa vào Israel và Mỹ đã giúp Israel bắn hạ tên lửa. Điều này đặt ra nhiều nghi vấn về năng lực phòng không của Israel, tiêu biểu là hệ thống Vòm Sắt lừng danh. Một số nhà phân tích nhận định rằng hệ thống Vòm Sắt đã quá tải trong việc đẩy lùi một cuộc tấn công ồ ạt bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái từ Iran và các đồng minh.

Israel sẽ phản đòn ra sao sau vụ tấn công tên lửa?

Các quan chức Mỹ từ lâu đã đánh giá rằng cả Iran và giới lãnh đạo cấp cao của Hezbollah đều muốn tránh chiến tranh toàn diện với Israel, ngay cả khi cả hai đã giao tranh trong những tháng gần đây. Hồi tháng 4 vừa qua, Iran đã bắn hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái vào Israel, trong một động thái mà một số chuyên gia cho rằng chỉ nhằm gây phô diễn hơn là tác động. Tuy nhiên cuộc tấn công bằng tên lửa hôm 1/10 có nhiều điểm khác biệt, bởi quy mô của nó được đánh giá lớn gấp đôi vụ tập kích mà Tehran thực hiện cách đây 6 tháng.

Theo các nhà phân tích, không giống như cuộc tấn công hồi tháng 4, khi Israel có nhiều ngày để chuẩn bị cho các cuộc tấn công, họ nhận được rất ít cảnh báo vào đêm 1/10. Tel Aviv chỉ biết về mối đe dọa sắp xảy ra chỉ vài giờ trước khi Tehran phát động cuộc tấn công. Do đó, cuộc tấn công của Iran vào Israel có thể làm thay đổi cán cân tình hình vốn đã vô cùng căng thẳng ở Trung Đông khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố Tehran “sẽ phải trả giá”.

Iran đã phạm một sai lầm lớn vào đêm nay - và họ sẽ phải trả giá. Chúng tôi sẽ tuân thủ quy tắc mà chúng tôi đã xác định từ lâu: Bất kỳ ai tấn công Israel - Israel sẽ tấn công họ.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Chỉ vài giờ sau cuộc tấn công tên lửa của Iran, lực lượng phòng vệ Israel (IDF) lại tiếp tục không kích vào các mục tiêu của lực lượng Hezbollah ở miền Nam Liban, đồng thời kêu gọi người dân khu vực này sơ tán. Ngay trong chiều 2/10, IDF đã quyết định điều động thêm một sư đoàn nữa tham gia hoạt động quân sự trên bộ ở Liban, nâng tổng số binh sĩ tham gia chiến dịch này lên khoảng 12.000 - 14.000 binh sĩ cùng hàng chục khí tài quân sự.

Nhiều lãnh đạo trên thế giới đã lên tiếng kêu gọi Iran và Israel kiềm chế nhằm hạ nhiệt căng thẳng và tránh đẩy toàn bộ khu vực Trung Đông vào cuộc xung đột toàn diện. Dự kiến, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn vào khoảng 21h tối 2/10 (giờ Việt Nam) để thảo luận về tình hình leo thang xung đột ở khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, rõ ràng là xung đột có leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện hay không phụ thuộc một phần vào cách Israel lựa chọn đáp trả.

Khói bốc lên ở khu vực ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut của Liban.

Chỉ cách đây vài tuần, một số quan chức cấp cao của Mỹ vẫn tin rằng thông qua các nỗ lực ngoại giao và răn đe của mình, Washington sẽ giúp ngăn chặn thành công một cuộc tấn công quy mô lớn của Iran vào Israel. Thế nhưng các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào Israel vào đêm 1/10 đã đánh dấu một diễn biến khác ở Trung Đông mà chính quyền Tổng thống Joe Biden, dù hy vọng có thể tránh được, nhưng đã không thể. Hy vọng của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc kết thúc chiến tranh ở Gaza trước khi rời nhiệm sở và ngăn chặn một cuộc chiến khu vực ở Trung Đông dường như mờ nhạt hơn bao giờ hết.

Các chuyên gia chính sách đối ngoại nhận định những cuộc không kích và tấn công trên bộ của Israel ở Liban cho thấy khả năng gây ảnh hưởng của Mỹ đối với chính quyền Thủ tướng Israel Netanyahu là có giới hạn, thậm chí ông Netanyahu đang tiến gần hơn đáng kể đến tham vọng lôi kéo Mỹ vào cuộc chiến chống Iran.

Trong bối cảnh chỉ còn 5 tuần nữa nước Mỹ sẽ bước cuộc bầu cử tổng thống, các nhà quan sát cho rằng tình hình bạo lực leo thang ở Trung Đông sẽ làm tổn hại đến cơ hội kế nhiệm Tổng thống Joe Biden của bà Kamala Harris tại Nhà Trắng, và đưa triển vọng sự trở lại của ông Donald Trump đến gần hơn.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Gã khổng lồ trò chơi điện tử của Nhật Bản Nintendo đã chính thức khai trương bảo tàng game đầu tiên tại thành phố Kyoto, trưng bày các sản phẩm trứ danh đã làm nên tên tuổi thương hiệu cũng như cung cấp các trải nghiệm tương tác hấp dẫn cho người hâm mộ.

Tại thành phố Georgetown, bang Texas, Mỹ, ngôi nhà đầu tiên tại khu phố in 3D lớn nhất thế giới đã được giới thiệu đến công chúng.

Cung điện Peterhof nằm cách thành phố St. Petersburg 29 km, được mệnh danh là “Versailles của Nga”, có tới 173 đài phun nước, trong đó nổi tiếng nhất là hệ thống đài phun nước ngoạn mục nhất thế giới có tên gọi Thác nước lớn.

Gần một tháng sau khi được bổ nhiệm, tân Thủ tướng Pháp Michel Barnier đã ra mắt Quốc hội và có bài phát biểu đầu tiên công bố chính sách tổng thể với các ưu tiên thuế khoá, cải cách hưu trí, an ninh và nhập cư.

Ngoại trưởng Israel Katz thông báo Israel cấm Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhập cảnh vào nước này, với cáo buộc nhà lãnh đạo này đã "không lên án rõ ràng” cuộc tấn công tên lửa của Iran vào Israel.

Nằm cách Paris khoảng 21km vể phía tây, lâu đài Versailles là biểu tượng quyền lực tối thượng của các triều đại phong kiến Pháp, với các công trình kiến trúc cực kì đồ sộ và lộng lẫy.