Iran phóng tên lửa vào Israel, Tel Aviv cam kết đáp trả

Đêm qua (1/10, giờ địa phương), Iran đã bắn hơn 100 quả tên lửa vào Israel. Đây được xem là động thái nhằm trả đũa Tel Aviv sau hàng loạt các cuộc ám sát hàng loạt nhắm vào các chỉ huy của lực lượng Hamas, Hezbollah và lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, báo hiệu một sự leo thang nghiêm trọng trong cuộc xung đột đang diễn ra tại Trung Đông.

Còi báo động đã vang lên tại nhiều thành phố của Israel, trong đó có Tel Aviv Jerusalem và Haifa. Cùng với đó, tiếng nổ lớn cũng nghe được ở Jordan khi tên lửa của Iran bị đánh chặn lúc bay qua không phận nước này.

“Hệ thống phòng không Israel đang hoạt động tốt, phát hiện và đánh chặn các mối đe dọa ở bất cứ đâu và vào bất cứ thời điểm nào”, chuẩn đô đốc Daniel Hagari, phát ngôn viên Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết. “Chúng tôi đang đối phó nhiều loại mục tiêu khác nhau, do đó có khả năng cảnh báo được phát trên các khu vực rộng lớn”.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố hầu hết các tên lửa đã bị đánh chặn, tuy nhiên theo hãng tin CNN, một số mảnh tên lửa đã rơi xuống đất và dường như đã gây ra thiệt hại.

Iran công bố hình ảnh vụ phóng tên lửa vào Israel. Nguồn: Reuters

Theo hãng truyền thông bán chính thức Mehr News của Iran, trong vụ tấn công đêm qua, Iran lần đầu tiên đã sử dụng tên lửa siêu thanh Fattah 1. Fattah được coi là tên lửa siêu thanh đầu tiên do Iran sản xuất trong nước. Quân đội Iran đã công bố vũ khí này vào năm ngoái, cho biết nó có thể di chuyển với tốc độ gấp 15 lần tốc độ âm thanh và có khả năng "nhắm mục tiêu vào các hệ thống phòng thủ tên lửa".

Thế giới nín thở khi Israel cam kết đáp trả

Theo các nhà phân tích, cuộc tấn công của Iran vào Israel có thể làm thay đổi cán cân trong tình hình vốn đã vô cùng căng thẳng ở Trung Đông khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố Tehran “sẽ phải trả giá”. Cho đến nay, Iran chủ yếu sử dụng các lực lượng ủy nhiệm của mình trong khu vực: Hamas ở Gaza, Hezbollah ở Liban và Houthi ở Yemen để tấn công Israel. Khi Iran tấn công trực tiếp Israel vào tháng 4, sau cáo buộc Tel Aviv không kích khu phức hợp ngoại giao của Iran ở Syria, cuộc tấn công dường như chỉ nhằm gây hiệu ứng hơn là tác động. Tuy nhiên tính chất cuộc tấn công bằng tên lửa hôm 1/10  có vẻ khác.

Israel báo động phòng không trên khắp cả nước trong vụ tấn công tên lửa của Iran. Nguồn: Reuters

Lầu Năm Góc cho biết, cuộc tấn công của Iran lần này lớn gấp đôi so với đợt tấn công của Iran vào Israel vào tháng 4. Theo tuyên bố của Iran, đợt tấn công này là để đáp trả vụ giết hại thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah và những người khác. Sự việc diễn ra chỉ vài giờ sau khi Israel tuyên bố tiến hành chiến dịch trên bộ "có giới hạn và cục bộ" chống lại Hezbollah ở Liban - điều mà Iran coi là sự leo thang lớn.

Không giống như cuộc tấn công hồi tháng 4, khi Israel có nhiều ngày để chuẩn bị cho các cuộc tấn công, họ nhận được rất ít cảnh báo vào hôm qua. Tel Aviv chỉ biết về mối đe dọa sắp xảy ra chỉ vài giờ trước khi Tehran phát động cuộc tấn công.

Bất cứ điều gì Israel quyết định làm để đáp trả đều có thể định hình giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột. Họ đã chọn phản ứng hạn chế vào tháng 4 sau lời kêu gọi kiềm chế của Mỹ và các đồng minh khác. Nhưng những từ ngữ mà các quan chức Israel sử dụng vào thứ Ba cho thấy phản ứng lần này có thể mạnh mẽ hơn.

Loạt tên lửa của Iran phóng về phía Israel. Nguồn: Reuters

Người phát ngôn của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF), Chuẩn đô đốc Daniel Hagari gọi cuộc tấn công là "cuộc tấn công nghiêm trọng" và nói rằng "sẽ có hậu quả nghiêm trọng". Ông Hagari không nói rõ những hậu quả này có thể là gì.

Cộng đồng quốc tế lo ngại rằng Israel có thể quyết định nhắm vào một số cơ sở hạt nhân của Iran. Đó là điều mà Israel đã không làm vào tháng 4 - có thể là vì họ lo lắng về cách Hezbollah sẽ phản ứng với một động thái mạnh mẽ như vậy. Thay vào đó, họ đã chọn tấn công các hệ thống phòng thủ quân sự gần các cơ sở này. Với việc Hezbollah bị suy yếu đáng kể sau loạt cuộc tấn công gần đây của Israel nhằm vào các quan chức cấp cao của mình, rủi ro từ Hezbollah hiện có thể đóng vai trò nhỏ hơn nhiều trong tính toán của Israel.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố đáp trả vụ tấn công của Iran ngày 1/10/2024. Nguồn: Reuters

Cuộc tấn công rạng sáng nay là cuộc tấn công trực diện thứ hai của Iran vào Israel sau cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào tháng 4 nhằm trả đũa việc Israel không kích tòa lãnh sự trong đại sứ quán nước này tại Syria khiến 13 người thiệt mạng, trong đó có 7 quan chức Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ lo ngại về cuộc tấn công, khẳng định các động thái leo thang nối liền leo thang sẽ khiến xung đột khu vực lan rộng.

Phản ứng của Mỹ về vụ tấn công

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết tại một cuộc họp báo hôm 1/10 rằng, cuộc tấn công của Iran “có vẻ đã bị đánh bại và không hiệu quả”. Ông Sullivan cho biết Mỹ và lực lượng phòng vệ Israel (IDF) vẫn đang cố gắng đánh giá tác động của cuộc tấn công và nhấn mạnh rằng vẫn còn sớm để đánh giá. Ông gọi vấn đề này là "một tình huống bất định".

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan. Nguồn: Reuters

Nhà Trắng cũng ra tuyên bố cho biết, Tổng thống Joe Biden này 1/10 đã ra lệnh cho quân đội Mỹ “hỗ trợ phòng thủ cho Israel” và bắn hạ các tên lửa của Iran. Các tàu khu trục của Hải quân Mỹ đã đánh chặn khoảng một chục tên lửa của Iran

Trong khi Bộ ngoại giao Mỹ đã cảnh báo công dân Mỹ về khả năng leo thang các cuộc tấn công, ông Sullivan cho biết Mỹ vẫn chưa kích hoạt lệnh sơ tán khẩn cấp cho công dân Mỹ và không có ý định làm như vậy vào thời điểm này".

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã triệu tập một cuộc họp tại Phòng Tình hình của Nhà Trắng, nơi họ gặp gỡ các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu. Theo Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo đã "xem xét tình hình để giúp đồng minh Israel chống lại các cuộc tấn công này và bảo vệ lực lượng Mỹ trong khu vực".

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nga đã thông báo với Áo rằng sẽ tạm dừng cung cấp khí đốt qua Ukraine vào hôm nay (16/11), báo hiệu việc cung cấp khí đốt từ Nga sang Liên minh châu Âu (EU) sắp kết thúc.

Lãnh đạo vùng Valencia, Tây Ban Nha, hôm qua đã có bài phát biểu trước các nhà lập pháp tại khu vực này, thừa nhận sai sót trong xử lý khủng hoảng lũ lụt. Thảm kịch xảy ra vào cuối tháng 10 vừa qua tại Valencia đã khiến hơn 200 người thiệt mạng.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell đã đề xuất khối này đình chỉ đối thoại chính trị với Israel, với lý do có thể xảy ra các hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế trong cuộc xung đột tại Dải Gaza.

Ủy ban Bầu cử Sri Lanka đã công bố kết quả cuộc bầu cử Quốc hội ở nước này, trong đó đảng liên minh Quyền lực Nhân dân quốc gia (NPP) của tân Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayake đã giành chiến thắng vang dội, giành quyền lực để thúc đẩy các kế hoạch chống đói nghèo, trong bối cảnh quốc gia này vẫn đang phải nỗ lực phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế.

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Lima, Peru, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru, thảo luận về các thách thức an ninh khu vực và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược trong bối cảnh địa chính trị có nhiều biến động.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Iran, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi đã gặp các quan chức cấp cao Iran và thăm 2 địa điểm hạt nhân quan trọng của nước này, trong đó Iran đưa ra tín hiệu sẵn sàng khởi động lại các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân.