Iran toan tính gì giữa xung đột Israel – Hezbollah?

Các cuộc không kích trả đũa lẫn nhau giữa Israel và Hezbollah đang dần biến Liban thành một Gaza thứ hai và có nguy cơ kéo theo nhiều bên tham gia. Liệu Iran, với tư cách là bên hỗ trợ Hezbollah, có sẵn sàng tham gia cuộc chiến?

Mồi lửa bùng cháy

Lực lượng Hezbollah tại Liban và Israel giao tranh gần như hàng ngày ở khu vực biên giới giữa hai nước kể từ khi xung đột ở Gaza nổ ra vào tháng 10/ 2023. Tuy nhiên, trong 1 tuần qua, căng thẳng Israel – Hezbollah đã leo thang nguy hiểm sau hàng loạt vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên Hezbollah tại Liban hôm 17 và 18/9 . Hezbollah và Liban cáo buộc Israel đứng sau hàng loạt vụ nổ này.

Israel báo bỏ cáo buộc. Tuy nhiên, việc Israel tuyên bố chuyển trọng tâm chiến dịch quân sự về phía Bắc, đối đấu với Hezbollah, cho thấy dường như Israel thừa nhận đứng đằng sau các vụ nổ máy liên lạc. Theo truyền thông phương Tây, những tờ báo trước đây vốn ủng hộ Israel, coi hàng loạt vụ nổ này là hành động vượt ranh giới đỏ của Iran, khởi đầu cho một cuộc chiến toàn diện giữa Israel và nhóm chiến binh Hezbollah tại Liban.

Liên tiếp những ngày gần đây, các cuộc giao tranh xuyên biên giới đã tăng thêm một cấp độ mới khi hai bên nã hàng loạt tên lửa vào mục tiêu của nhau. Trong đó, ngày 23/9 đã trở thành ngày thứ Hai đẫm máu khi Israel phát lệnh tấn công ồ ạt vào lực lượng Hezbollah tại miền Nam Liban, khiến hơn 500 người thiệt mạng, hàng nghìn bị thương, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em.  

Israel không kích vào miền nam Liban khiến hơn 500 người thiệt mạng hôm 23/9.

Trong cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 79 đang diễn ra tại New York, Mỹ, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell, đã mô tả cuộc xung đột leo thang giữa Israel và Hezbollah gần như là một “cuộc chiến toàn diện”.

Quốc tế đã lên tiếng kêu gọi tìm giải pháp ngoại giao cho xung đột giữa Israel và Hezbollah. Tuy nhiên, cho đến nay, những nỗ lực ngoại giao dường như không có nhiều tác động.

Israel cho biết sự gia tăng gần đây trong các cuộc không kích vào các mục tiêu của Hezbollah ở Liban được thiết kế để buộc nhóm này phải đồng ý với một giải pháp ngoại giao, ngừng các cuộc tấn công của họ vào Israel hoặc đơn phương rút quân khỏi khu vực gần biên giới đang tranh chấp. Trong khi đó, Hezbollah cho biết sẽ tấn công Israel “không giới hạn” cho đến khi Israel đồng ý rút quân khỏi dải Gaza.

Cuộc giao tranh giữa Israel và Hezbollah những ngày qua đã làm dấy lên lo ngại rằng Mỹ, đồng minh thân cận của Israel, và Iran, quốc gia hậu thuẫn cho Hezbollah sẽ bị lôi kéo vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn.

Mối quan hệ giữa Iran và Hezbollah

Hezbollah được thành lập vào năm 1982 trong cuộc nội chiến ở Liban, dưới sự hậu thuẫn của Iran. Mục tiêu ban đầu của Hezbollah là chấm dứt sự chiếm đóng của Israel ở miền Nam Liban. Iran đã hỗ trợ Hezbollah về mặt tài chính, chiến lược và chắc chắn cung cấp phần lớn vũ khí, tên lửa và những thứ tương tự. Ngược lại, Hezbollah là một yếu tố quan trọng trong chiến lược của Iran khi muốn chống lại các đối thủ bên ngoài biên giới của mình. Iran coi Hezbollah ở Liban và Hamas ở Gaza là các lực lượng ủy nhiệm của mình.

Sự ủng hộ của Iran đã giúp Hezbollah củng cố vị thế là lực lượng chính trị hùng mạnh nhất của Liban cũng như là lực lượng quân sự được Iran hỗ trợ mạnh nhất trên toàn Trung Đông.

Giờ đây, Hezbollah, lực lượng ủy nhiệm mạnh nhất của Iran, đang phải chịu một cuộc tấn công tàn khốc chưa từng có từ Israel. Sự suy yếu của Hezbollah về cơ bản có nghĩa là Iran sẽ trở nên dễ bị tổn thương hơn nhiều.

Tại sao Iran chưa tham chiến?

Trước đó, hồi tháng 7, Iran đã thề sẽ trả đũa vụ Thủ lĩnh chính trị của Hamas Hasmail Haniyeh bị ám sát tại Tehran. Iran đã đổ lỗi cho Israel đã đứng đằng sau vụ ám sát, xâm phạm chủ quyền Iran. Israel chưa công khai xác nhận họ đứng sau vụ tấn công. Mỹ và Israel vào thời điểm đó cho biết họ lo ngại Iran sẽ tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào Israel, tương tự như vụ tấn công hồi tháng 4. Nhưng hai tháng sau, Iran vẫn chưa trả đũa.

Phó Tổng thống Iran Mohammad Javad Zarif cho biết Iran có quyền trả đũa vào thời điểm mà họ lựa chọn. Tuy nhiên, về nguyên nhân tại sao đến nay Iran vẫn chưa thực hiện vụ trả đũa, ông Zarif cho biết, "chúng tôi đã được cộng đồng quốc tế yêu cầu kiềm chế để chấm dứt chiến tranh ở Gaza, nhưng lời hứa về một thỏa thuận ngừng bắn đã không bao giờ thành hiện thực”.

Mới đây một đại sứ Iran cũng đã bị thương trong vụ nổ máy nhắn tin tại Liban. Quốc tế một lần nữa đặt câu hỏi liệu Iran có tham gia tấn công Israel để trả đũa?

Trang tin Axios đưa tin, hai quan chức Israel và một nhà ngoại giao phương Tây cho biết gần đây Hezbollah đã thúc giục Iran phát động một cuộc tấn công vào Israel khi giao tranh giữa nhóm chiến binh này và quân đội Israel leo thang đáng kể, nhưng cho đến nay Iran vẫn kiềm chế.

Có một số ý kiến cho rằng Israel đang cố tình “bẫy” Iran tham gia cuộc chiến bằng cách tăng cường tấn công vào Hezbollah, hoặc trước đó là tấn công các mục tiêu ở bên trong lãnh thổ Iran.  Hai quan chức Israel cho biết các quan chức Iran đã nói với những người đồng cấp Hezbollah của họ rằng "thời điểm này không thích hợp" để phát động một cuộc tấn công vào Israel vì tổng thống Iran Masoud Pezeshkian hiện đang ở New York để tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Nhà phân tích Jackie Northam của tờ NPR cho rằng “Có rất ít khả năng Iran sẽ tham gia vào cuộc chiến trừ khi Israel phát động một cuộc tấn công nghiêm trọng vào các tài sản của Iran tại quốc gia này, chẳng hạn như quân đội hoặc một cơ sở hạt nhân”.

Ngoài ra, một cuộc tấn công trực tiếp của Iran vào Israel sẽ làm mất ổn định khu vực và có khả năng kéo Mỹ tham gia cuộc chiến. Từ trước đến nay, Iran vẫn luôn dè dặt không tham gia cuộc chiến, bởi vì, nếu Iran trả đũa Israel, Mỹ sẽ tham gia vào cuộc chiến, lúc đó Iran sẽ không muốn đối đầu trực tiếp với Mỹ.  

Thời điểm này, Tổng thống Pezeshkian, người vừa mới nhậm chức cách đây vài tháng, đang muốn nối lại hợp tác với các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015, được ký giữa Iran và nhóm P5+1 gồm 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nếu các cam kết của thỏa thuận được thực hiện đầy đủ và thiện chí, việc đối thoại về các vấn đề khác có thể được tiến hành.

Vì vậy trong thời điểm này, Iran sẽ cố gắng tránh tham gia vào bất cứ cuộc chiến nào nếu cuộc chiến đó không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nước này.

Iran nói gì?

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian hôm 24/9 cho biết Iran không muốn một cuộc chiến tranh lớn hơn ở Trung Đông và một cuộc xung đột như vậy sẽ không có bên nào chiến thắng. “Chúng tôi không muốn chiến tranh... Chúng tôi muốn sống trong hòa bình”, ông Masoud Pezeshkian nói với các phóng viên tại New York khi tham dự Hội nghị của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Tổng thống Iran phát biểu tại Đại hội đồng LHQ tại New York, Mỹ hôm 24/9. Ảnh AFP

Ông Pezeshkian nhấn mạnh “Chúng tôi không muốn trở thành nguyên nhân gây ra bất ổn trong khu vực". Ông Pezeshkian kêu gọi đối thoại để giải quyết tình hình bất ổn ở Trung Đông và đổ lỗi cho Israel đã gây căng thẳng và kích động xung đột. Ông trích dẫn các vụ ám sát ở Tehran và những nơi khác mà ông cho biết Israel đã thực hiện.

“Chúng tôi biết rõ hơn bất kỳ ai khác rằng nếu một cuộc chiến tranh lớn hơn nổ ra ở Trung Đông, thì sẽ không có lợi cho bất kỳ ai trên toàn thế giới”. Ông cho biết chính Israel đang tìm cách tạo ra cuộc xung đột lớn hơn này.

Tổng thống Pezeshkian cũng chỉ trích Mỹ và các nước phương Tây khác vì những gì ông gọi là tiêu chuẩn kép khi họ chỉ trích Iran về vấn đề nhân quyền nhưng lại phớt lờ "những hành động tàn bạo" của Israel ở Gaza.

Ông Pezeshkian đắc cử Tổng thống Iran trong năm nay. Ông tự nhận mình là người tương đối ôn hòa. Ông Pezeshkian chủ trương mở cửa nhiều hơn với phương Tây để thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước.

Trong một cuộc phỏng vấn với NBC News, Phó Tổng thống phụ trách các vấn đề chiến lược của Iran, Mohammad Javad Zarif, cũng đồng tình với bình luận của Tổng thống Pezeshkian và cho biết chính phủ Iran đã sẵn sàng hợp tác với các quốc gia khác để chấm dứt xung đột ở Gaza. "Chúng tôi muốn tiến tới một thế giới hòa bình hơn, ổn định hơn cho công dân của chúng tôi và cho mọi người trên thế giới. Chúng tôi không tìm kiếm chiến tranh, nhưng chúng tôi sẽ tự vệ", ông Zarif nói.

Tuy bày tỏ không có ý định tham gia cuộc chiến, nhưng Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cho rằng Hezbollah "không thể đơn độc" chống lại Israel. “Hebzollah không thể đơn độc chống lại một quốc gia đang được các nước phương Tây, các nước châu Âu và Mỹ bảo vệ, hỗ trợ và cung cấp,” ông Pezeshkian nói với CNN. Ông Pezeshkian cho biết Iran không muốn Liban trở thành một Gaza khác và cam kết tiếp tục hỗ trợ Hezbollah.

Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi hôm 25 tháng 9 cho rằng khu vực Trung Đông đang bên bờ vực của một thảm họa toàn diện do căng thẳng leo thang giữa Israel và Hamas và cảnh báo rằng Tehran sẽ không thờ ơ trong trường hợp xảy ra chiến tranh ở Liban.

Phát biểu với các phóng viên bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Araqchi cho biết Israel đã vượt qua "mọi ranh giới đỏ" và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải can thiệp để khôi phục hòa bình và ổn định. "Chúng tôi luôn nói rằng chúng tôi ủng hộ Hezbollah vì mục đích chính đáng của họ là bảo vệ Liban và người dân Liban trước những hành động tàn bạo của Israel và chống lại sự chiếm đóng của họ".

Ông Arachi khẳng định “Iran đã thể hiện sự kiên nhẫn và kiềm chế to lớn vì hòa bình và ổn định trong khu vực. Iran kiên quyết bảo vệ quyền của mình trong việc bảo vệ các lợi ích sống còn. Và Iran sẽ không thờ ơ trong trường hợp xảy ra chiến tranh toàn diện ở Liban".

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei hôm 25/9  cũng khẳng định rằng Hezbollah của Liban đã suy yếu sau khi mất một số chỉ huy cấp cao trong các cuộc không kích của Israel, tuy nhiên họ sẽ tồn tại. “Một số lực lượng hiệu quả và có giá trị của Hezbollah đã tử vì đạo, điều này chắc chắn đã gây thiệt hại cho Hezbollah, nhưng đây không phải là thiệt hại có thể khiến nhóm này phải khuất phục”, ông Khamenei cho biết.

Ông Khamenei nói thêm rằng “Sức mạnh tổ chức và nguồn nhân lực của Hezbollah rất mạnh và sẽ không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc sát hại một chỉ huy cấp cao, ngay cả khi đó rõ ràng là một mất mát”.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Cuộc xung đột Nga – Ukraine kéo dài 2 năm rưỡi qua đã làm leo thang căng thẳng địa chính trị toàn cầu, thay đổi cấu trúc NATO, đồng thời dẫn tới sự gia tăng chi tiêu quân sự ở mức chưa từng có.

Ngày 26/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố gói viện trợ quân sự trị giá hơn 8 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm nhiều khí tài, đạn dược và thiết bị quân sự hiện đại.

Ngày 25/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ mới với các nước phương Tây. Ông cho biết, bất kỳ cuộc tấn công thông thường nào của một quốc gia vào Nga với sự hỗ trợ của một cường quốc hạt nhân sẽ được coi là một cuộc tấn công liên minh vào Liên bang Nga. Đây được coi là lời cảnh báo mạnh mẽ nhất từ trước nay của Điện Kremlin trước các cuộc thảo luận ở Mỹ và Anh về việc có nên cho phép Ukraine dùng tên lửa của phương Tây tấn công vào lãnh thổ Nga hay không.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Đây được coi là lần thử thách lớn đầu tiên đối với chính phủ thiểu số của đảng Tự do, hiện đang mất dần sự ủng hộ sau 9 năm cầm quyền của ông.

Tờ Thời báo New York của Mỹ dẫn lời các quan chức cho biết, đề xuất của Mỹ và các đối tác về lệnh ngừng bắn ở biên giới giữa Israel và Liban có thể được thông qua trong những giờ tới.

Trong thời gian nông nhàn, những người nông dân yêu thích cảm giác mạnh tại Thái Lan lại cùng nhau tham gia một cuộc thi đặc biệt, đua máy kéo trên cánh đồng.