Israel có phải nhà nước hiếu chiến?
Trung Đông đang đứng trước ngã rẽ nguy hiểm với những diễn biến khó lường sau khi hai lãnh đạo cấp cao của hai nhóm vũ trang tại khu vực đã bị ám sát cách nhau chỉ vài giờ. Nếu như chỉ huy quân sự cấp cao nhất của lực lượng Hezbollah ở Liban, ông Muhsin Shukr thiệt mạng trong một cuộc không kích ngay tại thủ đô Beirut của Liban thì thủ lĩnh chính trị của lực lượng Hamas tại Palestine, ông Ismail Haniyeh đã bị ám sát tại thủ đô Tehran của Iran.
Nguy cơ bùng nổ chiến tranh toàn diện
Phong trào Hamas của Palestine cáo buộc, sáng 31/7, Israel đã bắn tên lửa vào một nhà khách ở Thủ đô Tehran của Iran khiến thủ lĩnh chính trị của họ, ông Ismail Haniyeh, cùng vệ sĩ thiệt mạng.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều thông tin khác nhau liên quan tới cái chết của ông Haniyeh. CNN ngày 1/8 dẫn các nguồn thạo tin cho hay một quả bom dường như đã được gài sẵn trong nhà khách nơi ông Ismail Haniyeh nghỉ ở Tehran, từ khoảng hai tháng trước khi vụ ám sát xảy ra. Quả bom được kích hoạt từ xa khi ông Haniyeh có mặt bên trong căn phòng. Giới chức Iran hiện chưa bình luận về thông tin trên.
Vụ ám sát ông Haniyeh xảy ra chưa đầy 24 giờ sau khi ông Muhsin Shukr, người phụ trách hoạt động quân sự của lực lượng Hezbollah ở Liban bị thiệt mạng trong một vụ không kích tại thủ đô Beirut. Các quan chức Israel xác nhận đã tiến hành cuộc không kích ngày 30/7 nhằm đáp trả vụ tấn công bằng tên lửa của lực lượng này hôm thứ Bảy tuần trước khiến hàng chục thanh thiếu niên đang chơi bóng đá thiệt mạng ở Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát.
Mặc dù Israel trước đó đã đe doạ sẽ đáp trả vụ tấn công của Hezbollah, nhưng đây là lần đầu tiên nước này tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào Hezbollah ngay tại thủ đô của Liban và ông Shukr cũng là thủ lĩnh cấp cao nhất của nhóm này bị Israel sát hại trong trong nhiều năm qua.
Dù với nguyên nhân nào thì hai vụ ám sát diễn ra trong vòng chưa đầy 24 giờ ở Liban và Iran đang làm dấy lên nỗi lo sợ mới về một cuộc chiến tranh toàn diện bùng nổ ở khu vực, vốn đang rất bất ổn suốt gần 10 tháng qua vì xung đột Israel - Hamas ở Dải Gaza và căng thẳng leo thang giữa Israel và Hezbollah ở Liban.
Cánh quân sự của Hamas tuyên bố vụ ám sát thủ lĩnh Haniyeh đẩy cuộc chiến với Israel “lên cấp độ mới” và sẽ gây ra “hậu quả lớn cho toàn khu vực”.
Theo giới quan sát, mặc dù đến nay Israel chưa chính thức lên tiếng về vụ ám sát thủ lĩnh Hamas, nhưng nếu đây là một cuộc tấn công “kép” của Israel thì nước này đang đặt cược vào một nước cờ nguy hiểm, có nguy cơ gây ra một cuộc chiến tranh toàn diện ở Trung Đông.
Iran sẽ phản ứng thế nào?
Việc thủ lĩnh Hamas Haniyeh bị ám sát ngay sau khi ông cùng các chức sắc nước ngoài tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của tân tổng thống Iran, đã đẩy mức độ nguy hiểm lên một cấp độ mới.
Không chỉ là đòn giáng với Hamas, vụ việc còn được coi là hành động vi phạm trắng trợn nhất đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Iran trong nhiều năm qua. Hiện mọi con mắt đang đổ dồn vào phản ứng của Iran, với mối liên hệ với cả Hamas và Hezbollah, cũng như lực lượng Houthi ở Yemen, các nhóm vũ trang đang tấn công chống lại Israel. Vậy Iran sẽ phản ứng thế nào khi một vị khách đến dự một buổi lễ cấp nhà nước mà lại bị ám sát?
Lãnh đạo Hamas bị ám sát sau khi tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian trong lúc an ninh được thắt chặt nhất để đón các chức sắc nước ngoài từ hơn 80 nước tham dự. Vụ ám sát được coi là thất bại an ninh của Iran, đã gây sốc cho các quan chức nước này, và họ tuyên bố hành động này vượt ranh giới đỏ.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran tuyên bố “Iran và mặt trận kháng chiến” sẽ đáp trả mạnh mẽ. Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian nói rằng Iran sẽ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, danh dự, và sẽ khiến “những kẻ chiếm đóng”, từ thường dùng để chỉ Israel, hối tiếc vì hành động hèn hạ của họ.
Theo tờ New York Times của Mỹ, tại một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh quốc gia tối cao, lãnh tụ tối cao Iran đã ra lệnh cho Iran tấn công trực tiếp vào Israel, để trả thù vụ sát hại thủ lĩnh Hamas ở Tehran.
Trong suốt 10 tháng chiến sự ở Dải Gaza, Iran vẫn luôn cố gắng cân bằng, vừa gây áp lực lên Israel bằng các cuộc tấn công của đồng minh và lực lượng ủy nhiệm trên khắp khu vực, vừa tính toán để tránh chiến tranh toàn diện giữa hai quốc gia.
Vẫn chưa rõ lần này Iran sẽ phản ứng mạnh mẽ đến mức nào và liệu họ có điều chỉnh cuộc tấn công để tránh leo thang hay không. Các quan chức Iran cho biết, các chỉ huy quân đội nước này đang cân nhắc một cuộc tấn công kết hợp bằng máy bay không người lái và tên lửa vào nhiều mục tiêu quân sự ở khu vực lân cận Tel Aviv và Haifa, nhưng sẽ tránh tấn công mục tiêu dân sự. Một lựa chọn đang được cân nhắc là tấn công phối hợp từ Iran và các mặt trận khác, bao gồm Yemen, Syria và Iraq, để đạt hiệu quả tối đa.
Trong khi đó, Israel tuyên bố đã chuẩn bị ứng phó mọi tình huống, cả phòng thủ lẫn tấn công, sau khi Iran đe dọa sẽ đáp trả vụ ám sát thủ lĩnh Hamas.
Tới nay hầu như tất cả giới chức tại Israel, Iran và Liban đều cho rằng một cuộc xung đột toàn diện sẽ gây hậu quả tàn phá đối với tất cả các bên. Tuy nhiên, trong những nỗ lực có rủi ro cao nhằm thể hiện sức mạnh quân sự, thì nguy cơ tính toán sai lầm cũng gia tăng và chỉ cần một bước đi sai của bất cứ bên nào thì một cuộc chiến toàn diện vẫn có thể xảy ra.
Tương lai ngừng bắn mờ mịt
Hai cuộc ám sát lãnh đạo Hamas và Hezbollah xảy ra khi các nhà trung gian quốc tế đang nỗ lực đưa Israel và Hamas tiến tới một ngừng bắn để chấm dứt cuộc chiến tàn khốc ở Gaza và giải thoát con tin đang bị giam giữ. Các nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ cũng đang được tiến hành để giảm căng thẳng giữa Israel và Hezbollah sau nhiều tháng giao tranh xuyên biên giới.
Tuy nhiên vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran và vụ tấn công nhằm vào chỉ huy cấp cao của Hezbollah Muhsin Shukr ở Beirut đã làm đảo ngược tất cả những nỗ lực khó khăn nhằm tháo ngòi nổ cho “thùng thuốc súng” ở Trung Đông.
Trước đây, ông Haniyeh từng là người dẫn đầu các cuộc đàm phán về một lệnh ngừng bắn nhằm sớm kết thúc cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Gaza. Bởi vậy, cái chết của ông đã phủ bóng đen lên nỗ lực đạt được thỏa thuận, cũng như hy vọng giảm căng thẳng giữa Israel và các đối thủ thân Iran trong khu vực.
Ông Ismail Haniyeh được sinh ra trong trại tị nạn năm 1962 trong một gia đình người Hồi giáo Palestine tại Dải Gaza. Ông gia nhập Hamas khi lực lượng được thành lập trong Intifada lần thứ nhất năm 1987 và trở thành người đứng đầu văn phòng chính trị của Hamas vào năm 2017.
Vai trò của ông Haniyeh được đánh giá là quan trọng trong việc định hình chiến lược và chính sách của Hamas, đặc biệt là liên quan Israel và Chính quyền Palestine. Tuy nhiên, ông không tham gia vào các hoạt động quân sự của Hamas tại Dải Gaza. Ông Haniyeh là nhà đàm phán hàng đầu của Hamas trong cuộc đàm phán ngừng bắn nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Dải Gaza. Ông được coi là người ôn hòa so với các thành viên cứng rắn của Hamas.
Theo giới quan sát, việc ông Haniyeh bị ám sát có lẽ sẽ ít ảnh hưởng đến cách thức Hamas tiến hành cuộc chiến với Israel, nhưng gần như chắc chắn sẽ là một cú sốc lớn đối với các cuộc đàm phán ngừng bắn đang diễn ra giữa hai bên, mà một quan chức Mỹ mô tả vào tuần trước là đang trong “giai đoạn kết thúc”.
Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani, người đóng vai trò hòa giải chủ chốt trong các cuộc đàm phán Israel-Hamas, viết trên mạng xã hội X: “Các vụ ám sát chính trị và việc tiếp tục nhắm mục tiêu vào dân thường ở Gaza trong khi các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục khiến chúng tôi đặt câu hỏi, làm thế nào hòa giải có thể thành công khi một bên giết hại người đàm phán ở phía bên kia?”.
Vụ ám sát ông Haniyeh, bao gồm cả việc Israel nhắm mục tiêu vào các nhân vật Hezbollah ở Beirut, đang khiến số phận của các cuộc đàm phán hoà bình trở nên bất định. Nhiều nhà quan sát - bao gồm cả gia đình các con tin - cáo buộc Thủ tướng Israel Netanyahu, với mức tín nhiệm thấp nhất mọi thời đại, đang cố tình trì hoãn các cuộc đàm phán và không muốn chấm dứt chiến tranh vì sợ rằng điều đó có thể làm sụp đổ chính phủ liên minh cực hữu của ông và dẫn tới một cuộc bầu cử sớm.
Trita Parsi thuộc Viện Quincy, một tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại có trụ sở tại Mỹ, nhận định trong một bài đăng trên X: “Ông Netanyahu đã hủy hoại một cách có hệ thống các cuộc đàm phán ngừng bắn vì việc kết thúc chiến tranh có thể sẽ chấm dứt sự nghiệp chính trị của ông ấy”.
Tại Israel, ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi ngừng bắn để giải cứu những các con tin còn bị giam giữ ở Gaza, đồng thời giảm bớt áp lực cho quân đội Israel, vốn đang cạn kiệt thiết bị, đạn dược và quân dự bị.
Theo giới quan sát, hai vụ ám sát ở Beirut và Tehran đã gần như giết chết hy vọng về một lệnh ngừng bắn ở Gaza. Có một thực tế là mặc dù cả Israel và Iran cũng như các lực lượng thân Iran đều không muốn một cuộc chiến diện rộng nhưng họ lại đang tiến gần hơn đến một cuộc chiến tranh khu vực thảm khốc. Một cuộc chiến như vậy sẽ không có giải pháp quân sự khả thi và không bên nào có thể chiến thắng, trong khi chỉ có dân thường vô tội là những người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.
Gần 200 người đã thiệt mạng trong trận lũ quét ở vùng Valencia, miền Đông Tây Ban Nha. Trận lũ lụt chết người nhất ở Tây Ban Nha trong nhiều thập kỷ là một lời nhắc nhở đau thương rằng châu Âu chưa chuẩn bị đối phó với hậu quả của bầu khí quyển quá nóng.
Cuộc bầu cử Quốc hội Gruzia đã kết thúc với chiến thắng thuyết phục thuộc về đảng Giấc mơ Gruzia cầm quyền. Phe đối lập dựa vào sự ủng hộ của bên ngoài, không công nhận kết quả bầu cử và cố gắng tìm cách lật ngược kết quả thông qua các cuộc biểu tình và khiêu khích sử dụng vũ lực. Những diễn biến này giống với những cuộc cách mạng màu của những năm trước.
Ngày 31/10, Triều Tiên xác nhận đã phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Đây là vụ phóng thử ICBM đầu tiên sau gần một năm, cho thấy khả năng tấn công hạt nhân tầm xa tiềm tàng của nước này.
Từ một tỉ phú, ngôi sao truyền hình, ngày 20/1/2017, ông Donald Trump đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Trong nhiệm kỳ 4 năm của mình, ông trở thành vị Tổng thống gây nhiều tranh cãi. Dù sẽ còn mất nhiều năm lẫn nhiều giấy mực để các nhà sử học và báo chí nhận định về nhiệm kỳ của ông, nhưng những dấu ấn mà ông tạo ra có lẽ sẽ còn lưu lại rất lâu.
Trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng mạnh tại khu vực Trung Đông, các nhà phân tích cảnh báo hậu quả kinh tế của kịch bản xung đột lan rộng là rất nghiêm trọng.
Trong chặng đua nước rút vào Nhà Trắng, hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Donald Trump tích cực tiến hành các cuộc vận động ở các bang quan trọng, hay còn gọi là bang chiến địa. Đặc biệt, một nhóm đối tượng cử tri mà cả hai ứng cử viên đều muốn hướng tới là cử tri da màu.
0