Israel đã lập bản đồ vị trí của Hezbollah từ năm 2010
Israel và cơ quan tình báo Mossad bị cáo buộc thực hiện vụ nổ hàng nghìn máy nhắn tin của các thành viên Hezbollah trên khắp Liban hôm 17/9. Các thiết bị liên lạc vô tuyến mà Hezbollah sử dụng phát nổ đã khiến 12 người thiệt mạng và gần 3.000 người bị thương, bao gồm cả đại sứ Iran tại Liban Mojtaba Amani.
Israel cũng bị tình nghi đứng sau một loạt vụ nổ các thiết bị bộ đàm ở nhiều khu vực của Liban chỉ một ngày sau đó (tức hôm 18/9), khiến ít nhất 20 người thiệt mạng, 450 người bị thương.
Theo các phương tiện truyền thông Israel và phương Tây, Mossad và quân đội Israel đã hợp tác để cài thuốc nổ vào các thiết bị. Israel hiện vẫn chưa đưa ra bình luận nào.
Nhà phân tích quân sự Elijah Magnier cho biết, các cuộc tấn công liên tục vào hệ thống thông tin liên lạc ở Liban là phát súng khởi đầu trước khi Isarel phát động một chiến dịch quân sự lớn.
"Thông thường trong mọi cuộc chiến, cuộc tấn công đầu tiên là vào căn cứ chỉ huy kiểm soát. Nhưng ở đây Israel đang tấn công vào hệ thống kiểm soát, tức là hệ thống thông tin liên lạc. Làm tê liệt hệ thống thông tin liên lạc là điều cần thiết trong bất kỳ cuộc chiến nào vì đây là xương sống chính của quân đội”, nhà phân tích quân sự Magnier nói trên trang Al Jazeera.
Các chỉ huy và chiến binh Hezbollah hiện sẽ phải quay lại sử dụng điện thoại di động và "người Israel có thể kết nối với máy đó" và xác định vị trí của chúng, ông Magnier nói. Ông Magnier lưu ý: "Họ (quân đội Israel) có quyền truy cập vào tất cả các hệ thống thông tin liên lạc vì họ đã lập bản đồ toàn bộ khu vực từ năm 2010 bằng trí tuệ nhân tạo AI. Bây giờ, với hệ thống mà họ đã sử dụng, họ đã đợi hơn 24 giờ để phá hủy hệ thống thông tin liên lạc thứ hai của Hezbollah".
Israel trước đây đã từng thực hiện các vụ tấn công tương tự?
Một bài đăng trên trang Aljazeera cho rằng phương pháp và quy mô của cuộc tấn công này là chưa từng có nhưng thực ra trước đó, Israel đã thực hiện các vụ ám sát và phá hoại trong nhiều thập kỷ.
Bất chấp sự lên án và căng thẳng leo thang trong khu vực, Israel đã ám sát những người đối lập theo những cách không ai ngờ. Israel lợi dụng ưu thế trên không để thực hiện các vụ tấn công. Cơ quan tình báo của Israel thu thập thông tin tình báo cho các hoạt động thông qua giám sát vệ tinh và trên không, cũng như mạng lưới các đặc vụ Israel và người địa phương ở nhiều quốc gia. Họ cũng được cho là có sự hỗ trợ của thông tin tình báo từ các đồng minh phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Sử dụng phần mềm gián điệp Pegasus, trong nhiều năm, Israel đã trích xuất thông tin bí mật từ người dân, quan chức chính phủ, nhà báo và công ty, cùng nhiều đối tượng khác.
Nhiều nhân vật quân sự và chính trị cấp cao của Iran, Palestine và Liban đã thiệt mạng kể từ khi Israel bắt đầu cuộc chiến ở Gaza, bao gồm cả quan chức cấp cao của Hamas là Saleh al-Arouri trong một cuộc tấn công vào vùng ngoại ô Dahiyeh của Beirut vào đầu tháng 1 năm 2024.
Cuộc tấn công gây chú ý nhất vào Syria kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Gaza xảy ra vào đầu tháng 4 năm nay, khi tên lửa Israel phá hủy tòa nhà lãnh sự của phái bộ Iran tại Damascus, giết chết 16 người, trong đó có hai tướng lĩnh cấp cao của Quân đoàn vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Iran đã phóng hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái vào Israel để trả đũa vụ việc. Sau đó, Israel đã đáp trả bằng cách phóng nhiều máy bay bốn cánh quạt vào một căn cứ quân sự ở trung tâm Isfahan, làm hỏng hệ thống radar của một khẩu đội phòng thủ tên lửa của Iran.
Vào ngày 31 tháng 7 năm 2024, thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh và chỉ huy cấp cao của Hezbollah Fuad Shukr đã bị ám sát chỉ cách nhau vài giờ tại Tehran và Beirut, làm trì hoãn triển vọng ngừng bắn ở Gaza.
Fuad Shukr, một thành viên của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), hai trẻ em và một phụ nữ đã thiệt mạng trong một cuộc không kích tấn công vào một khu vực đông dân cư ở vùng ngoại ô Beirut của Liban.
Trong khi đó, thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh và vệ sĩ của ông đã bị sát hại tại một nơi ở của các quan chức ở thủ đô Tehran của Iran. Vũ khí và tầm bắn chính xác vẫn chưa được xác nhận chính thức, nhưng quả đạn đã sát hại ông Ismail Haniyeh có thể là một tên lửa nhỏ gọn, có điều khiển, được bắn từ khoảng cách chỉ vài km, tránh được hệ thống phòng không.
Tuy nhiên, các nguồn tin giấu tên của Israel đã tuyên bố trong các cuộc phỏng vấn với phương tiện truyền thông rằng một quả bom đã được đặt trong phòng từ trước đó. Israel chưa lên tiếng gì về vụ ám sát này. Tuy nhiên, một số thành viên Hamas cho rằng việc ông Ismail Haniyeh sử dụng WhatsApp hoặc thẻ SIM không an toàn có thể đã dẫn việc các đặc vụ Mossad xác định được vị trí chính xác của ông.
Nỗ lực ngăn cản chương trình hạt nhân của Iran
Tháng 11 năm 2020, nhà khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh đang lái xe cùng vợ và vệ sĩ gần Tehran thì bị ám sát bằng súng máy dẫn đường bằng vệ tinh giữa ban ngày.
Theo báo cáo của phương tiện truyền thông Israel và phương Tây, tình báo Mossad đã tháo dỡ một khẩu súng máy nặng một tấn thành từng mảnh và tuồn vào Iran. Sau đó, khẩu súng được đặt trên thùng xe bán tải đỗ bên lề đường. Giới chức Iran cho biết khẩu súng có công nghệ ngắm bắn thông minh, chỉ giết chết ông Fakhrizadeh ở ghế sau xe, còn vợ ông ngồi cạnh thì không bị thương. Sau đó, chiếc xe tải tự phát nổ để tiêu hủy bằng chứng.
Trong một thập kỷ trước khi xảy ra vụ ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh, ít nhất 5 nhà khoa học hạt nhân khác cũng được cho là bị Israel sát hại, trong nỗ lực cản trở chương trình hạt nhân của Iran. Một số bị các điệp viên đeo mặt nạ đi xe máy gài bom dính vào xe đang chạy của họ.
Iran cũng đổ lỗi cho Israel về nhiều cuộc tấn công phá hoại lớn nhằm vào các cơ sở hạt nhân của nước này, đáng chú ý nhất là các cơ sở ngầm Natanz ở Isfahan.
Israel và Mỹ đứng sau loại virus Stuxnet khét tiếng đã làm hỏng các hệ thống và phá hủy các máy ly tâm, giáng một đòn mạnh vào chương trình hạt nhân của Iran vào năm 2010.
Israel cũng đã thực hiện các hoạt động mạng bên trong Iran, bao gồm một cuộc tấn công mạng làm gián đoạn dịch vụ tại hầu hết các trạm nhiên liệu trên khắp Iran vào tháng 12 năm 2023. Các ngân hàng, cảng, hệ thống đường sắt, sân bay và các cơ sở hạ tầng dân sự khác tại Iran cũng đã bị tấn công trong những năm qua.
Năm 2018, Israel tuyên bố đã đánh cắp một kho tài liệu về chương trình hạt nhân của Iran vào đầu những năm 2000.
Các vụ ám sát khác trong quá khứ
Theo Aljazeera, các vụ ám sát đã là một phần trong chiến lược của Israel từ thời phong trào Zionist do Anh hậu thuẫn trước khi Israel được thành lập, bằng cách thanh trừng sắc tộc hàng trăm nghìn người Palestine vào năm 1948.
Trong các năm sau đó, đã có nhiều nhân vật của các nhóm đối lập bị sát hại. Tháng 7 năm 1956, Israel đã ám sát Trung tá quân đội Ai Cập Mustafa Hafez, người đã tuyển dụng những người Palestine bị cưỡng chế di dời, bằng một quả bom bưu kiện.
Ali Hassan Salameh, người mà người Israel tin là đứng sau vụ giết người ở Munich, đã bị sát hại ở Liban vào tháng 1 năm 1979, khi một tín hiệu vô tuyến kích nổ một quả bom trong xe của ông ta.
Wadi Haddad, lãnh đạo của Mặt trận Bình dân Giải phóng Palestine, được cho là đã bị đầu độc bằng sô cô la Bỉ tẩm thuốc độc ở Đông Đức vào năm 1978.
Fathi Shaqaqi, người đồng sáng lập và lãnh đạo của Tổ chức Hồi giáo Palestine Jihad, đã bị bắn trước một khách sạn ở Malta vào năm 1995.
Năm 1996, thủ lĩnh chế tạo bom của Hamas là Yahya Ayyash đã bị ám sát bởi chất nổ do Israel cài trong điện thoại di động.
Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa bế mạc tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil). Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này chính là vấn đề chống đói nghèo và bất bình đẳng.
Ngày 21/11, một nhóm vũ trang đã nã súng vào một số xe chở khách tại phía Tây Bắc Pakistan, khiến ít nhất 50 người thiệt mạng và 29 người bị thương.
Lễ hội Du lịch Quốc tế Sahara lần thứ sáu đã được tổ chức tại vùng sa mạc của Algeria, với hơn 400 đơn vị tham gia. Sự kiện kéo dài 4 ngày bao gồm nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa dân gian và là một trong những sáng kiến nhằm quảng bá du lịch ở Algeria.
Động thái của Tòa án Hình sự quốc tế ICC khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có nguy cơ bị giam giữ nếu ông đi đến một số quốc gia khác.
Lực lượng không quân Ukraine cho biết Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) từ vùng Astrakhan miền Nam nước này nhắm vào thành phố Dnipro của Ukraine. Đây là lần đầu tiên Nga sử dụng một tên lửa có tầm bắn xa và mạnh như vậy trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Một chàng trai người Ai Cập đã trở thành người nổi tiếng trên mạng xã hội, thu hút hơn 750.000 người theo dõi trên Instagram khi anh thực hiện hành trình đường bộ dài hơn chu vi trái đất từ Ai Cập tới Nhật Bản trong vòng 274 ngày.
0