Israel hung hăng đổ quân sang Liban

Lực lượng bộ binh Israel đã tiến vào miền Nam Liban vào sáng sớm thứ Ba, đánh dấu sự leo thang đáng kể trong cuộc tấn công chống lại Hezbollah và mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến kéo dài một năm chống lại các đối thủ được Iran hậu thuẫn.

Trong một thông báo ngắn, quân đội Israel cho biết, họ đang tấn công các mục tiêu của Hezbollah ở những khu vực gần biên giới Israel và các đơn vị không quân và pháo binh hỗ trợ lực lượng mặt đất. Không có báo cáo nào về các cuộc đụng độ trực tiếp, nhưng trong suốt buổi tối, các đơn vị pháo binh Israel đã tấn công các mục tiêu ở miền nam Liban và tiếng máy bay không kích vang lên khắp Beirut.

Cuộc xâm lược diễn ra sau nhiều tuần Israel tấn công vào Hezbollah bằng nhiều cách khác nhau -  bao gồm một cuộc không kích giết chết thủ lĩnh lâu năm của nhóm này, Hassan Nasrallah. Lần gần đây nhất Israel và Hezbollah giao chiến trên bộ là cuộc chiến kéo dài một tháng vào năm 2006.

Israel hành động táo bạo hơn sau những chiến thắng gần đây trên chiến trường và dường như có ý định giáng một đòn chí mạng vào kẻ thù không đội trời chung của mình. Tuy nhiên, chiến dịch trên bộ đánh dấu một giai đoạn giao tranh mới và có khả năng rủi ro. Sự leo thang này cũng đe dọa tàn phá thêm Liban, nơi hàng trăm người đã thiệt mạng trong các cuộc không kích gần đây của Israel và hàng trăm nghìn người đã phải đi sơ tán.

Người dân Liban đi lánh nạn

Hezbollah là một lực lượng dân quân được huấn luyện bài bản, được cho là có hàng chục nghìn chiến binh và kho vũ khí gồm 150.000 tên lửa và rocket. Cuộc chiến gần đây nhất vào năm 2006 đã kết thúc trong bế tắc, không phân thắng bại.

Các quan chức Israel khẳng định chiến dịch trên bộ vào miền Nam Liban có phạm vi hạn chế, sẽ "không có sự chiếm đóng lâu dài" nhưng từ chối nêu rõ thời gian cụ thể. Quân đội Israel sẽ tập trung vào việc loại bỏ "các mối đe dọa trước mắt" khỏi các ngôi làng Liban dọc biên giới.

Mọi lằn ranh đỏ đều bị vượt qua: Liệu Israel có sẵn sàng cho cơn thịnh nộ của thế giới Hồi giáo?

Vụ ám sát Hassan Nasrallah, thủ lĩnh của nhóm Hezbollah người Shiite ở Liban, đã làm tăng đáng kể nguy cơ xảy ra xung đột quân sự quy mô lớn ở Trung Đông - một cuộc xung đột có thể gây ra thảm họa cho khu vực và thậm chí là cho toàn thế giới.

Căng thẳng, vốn đã lên đến mức nghiêm trọng, giờ đây có thể bùng phát thành một cuộc chiến tranh toàn diện không chỉ ảnh hưởng đến Liban và Israel mà còn có thể ảnh hưởng đến các nước lớn khác trong  khu vực như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Với việc Hezbollah - lực lượng quân sự và chính trị chủ chốt của Iran trong khu vực - hiện đã mất thủ lĩnh, một câu hỏi cấp bách được đặt ra: Tehran có phản ứng không và sẽ phản ứng như thế nào?

Cái chết của thủ lĩnh Nasrallah có thể gây ra một loạt các cuộc tấn công trả đũa và các hoạt động quân sự quy mô lớn, điều này sẽ làm mất ổn định thêm tình hình trong khu vực và gây ra mối đe dọa đối với thị trường năng lượng toàn cầu và an ninh quốc tế. Xem xét các vụ ám sát gần đây đối với thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran và một trong những người sáng lập Hezbollah, Fuad Shukr, ở Beirut, rõ ràng là Israel sẽ không dừng lại.

Tuy nhiên, cái chết của thủ lĩnh Hezbollah không thực sự bất ngờ. Tình báo Israel đã truy lùng Nasrallah trong nhiều năm và ngay cả khi các sự kiện bi thảm ngày 7/10 không xảy ra, thì vụ ám sát chỉ là vấn đề thời gian. Ông Nasrallah đã không xuất hiện trước công chúng trong nhiều năm và liên tục di chuyển từ nơi này sang nơi khác, rõ ràng là đã có nhưng tính toàn để tính mạng của mình được an toàn.

Tại sao Iran vẫn im lặng?

Trước những sự kiện này, cả các chuyên gia và người dân đều tự hỏi: tại sao Iran vẫn im lặng ? Trong những tuần gần đây, Lãnh tụ tối cao của Cộng hòa Hồi giáo, Đại giáo chủ Ali Khamenei và Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian, cùng với nhiều nhân vật chính trị và quân sự Iran, đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ, đặc biệt là sau các vụ nổ hàng loạt máy nhắn tin và các thiết bị khác ở Liban khiến hàng chục người thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương, giết chết cả thành viên lực lượng Hezbollah và thường dân vô tội.

Về phía Iran, cho đến nay họ vẫn chưa có hành động nào, mặc dù đã hai tháng trôi qua kể từ vụ ám sát ông Ismail Haniyeh ở Tehran. Vào ngày 21/9, Iran đã thử một tên lửa khác bên ngoài Tehran, được cho là để cảnh báo Israel. Tuy nhiên, Israel rõ ràng không hề nao núng trước những lời đe dọa này, vì một tuần sau đó họ đã loại bỏ thủ lĩnh Hezbollah Nasrallah.

Lần này, lời lẽ của Iran về việc trả thù Israel đã được kiềm chế hơn nhiều. Một mặt, các đối thủ trong khu vực của Iran coi đây là một cú sốc khiến Tehran bất ngờ, khiến họ không chắc chắn về cách phản ứng. Điều này có thể giải thích cho các báo cáo về việc Lãnh tụ tối cao Iran Khamenei được chuyển đến một nơi an toàn hơn do lo ngại rằng Israel có thể "tiến xa hơn".

Mặt khác, những phát biểu gần đây của Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian tại Liên hợp quốc có thể tiết lộ điều gì đó về lập trường hiện tại của Iran. Trong một cuộc họp với các nhà báo Mỹ, ông đã ám chỉ rằng Iran có thể không thực hiện hành động quân sự nếu Israel thực hiện một bước tương tự. Tuyên bố này trái ngược với lập trường của Iran được nêu ra cách đây chưa đầy hai tháng - vào thời điểm đó, sau cái chết của Haniyeh, Iran đã tuyên bố sẽ trả đũa một cách cứng rắn.

Rõ ràng, Iran không muốn chiến tranh - không phải vì sợ hãi, mà vì họ hiểu được hậu quả của một bước đi như vậy. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Netanyahu vẫn tin vào sự bất khả chiến bại của mình và coi Iran là “con hổ giấy” có thể dễ dàng xử lý. Trên thực tế, tình hình còn nguy hiểm hơn nhiều. Phương Tây muốn bắt đầu một cuộc chiến tranh khác bằng cách tận dụng những căng thẳng hiện tại, nhưng không trực tiếp tham gia, mà thay vào đó họ sử dụng Israel làm đại diện.

Sự bất lực của Mỹ

Chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu vừa phát động giai đoạn tiếp theo của cuộc tấn công chống lại Hezbollah, mà Lực lượng Phòng vệ Israel gọi là "chiến dịch trên bộ hạn chế" vào Liban - bất chấp nhiều tuần Washington yêu cầu kiềm chế. Điều này diễn ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Joe Biden nói rằng "Chúng ta nên ngừng bắn ngay bây giờ". Bình luận của ông chỉ nhấn mạnh thêm hố sâu ngăn cách giữa chính phủ Mỹ và Israel vào một ngày khi Thủ tướng Netanyahu nói với người Iran trên truyền hình rằng "Không có nơi nào ở Trung Đông mà Israel không thể tiếp cận được".

Tổng thống Joe Biden nói rằng "Chúng ta nên ngừng bắn ngay bây giờ".

Cách tiếp cận này của Israel thường khiến chính quyền Biden có vẻ như là một khán giả hơn là một người tham gia tích cực vào các sự kiện, theo cách mà một siêu cường nên làm. Nhiều tháng ngoại giao con thoi mệt mỏi của Ngoại trưởng Antony Blinken hầu như không mang lại kết quả gì. Rõ ràng, Israel hoàn toàn phớt lờ những yêu cầu, cảnh báo của Mỹ. Uy tín cá nhân của Tổng thống Joe Biden và sức mạnh toàn cầu của Mỹ, đặc biệt là với các đồng minh đã có phần suy giảm bởi thái độ cũng như phản ứng phớt lờ, bất chấp của Israel.

Ông Biden, người từ lâu đã là một trong những chính trị gia ủng hộ Israel nhất trong lịch sử Mỹ, đã không muốn sử dụng đòn bẩy mà ông có - ví dụ, cắt đứt vĩnh viễn nguồn cung cấp quân sự của Mỹ cho Israel, một bước đi sẽ có tác động chính trị lớn trước cuộc bầu cử, nhưng lại khiến ông bị buộc tội bỏ rơi một đồng minh đang chiến đấu chống khủng bố. Ông Netanyahu dường như thường lợi dụng điểm này của ông Biden để đưa ra những hành động được coi là vượt qua lằn ranh đỏ.

Tính hai mặt trong lập trường của Mỹ đối với cuộc xung đột có thể thấy ở việc những quả bom 2.000 pound do Mỹ sản xuất có khả năng đã được sử dụng trong cuộc tấn công nhằm vào thủ lĩnh Hezbollah Nasrallah, đe dọa sẽ châm ngòi cho cuộc xung đột khu vực và gây tổn hại đến lợi ích và mục tiêu ngoại giao của Mỹ.

Các sự kiện xảy ra năm ngoái đã đẩy Mỹ và Israel vào tình huống lợi ích quốc gia quan trọng xung đột trực tiếp. Chính phủ của ông Netanyahu đã diễn giải các cuộc tấn công ngày 7/10 như một biểu hiện rõ ràng của mối đe dọa hiện hữu đối với nhà nước Israel và người Do Thái ở Trung Đông. Và tạo cảm giác rằng Israel đang tiến hành một cuộc chiến để sinh tồn khiến các nhà lãnh đạo dễ dàng biện minh cho bản thân về sự thương vong dân sự lớn của người Palestine do chiến dịch của Israel chống lại Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Liban, cho dù cả thế giới coi cuộc tàn sát này là hoàn toàn không cân xứng.

Nhưng nhìn nhận qua lăng kính chiến lược và lịch sử của Washington, những chiến thắng ngắn hạn của Israel là không bền vững và có thể chỉ đơn giản là đặt ra tiền đề cho nhiều thập kỷ bất ổn và chiến tranh hơn. Lợi ích quốc gia của Mỹ không chỉ nằm ở việc bảo vệ Israel. Nhà Trắng đang muốn tránh bị cuốn vào một cuộc xung đột tàn khốc khác ở Trung Đông, khi mà phải mất hai thập kỷ để rút quân đội Mỹ khỏi Iraq và Afghanistan.

Những tác động toàn cầu và chính trị trong khu vực cũng rất lớn. Ví dụ, nhiều tháng tấn công vào tàu thương mại ở Biển Đỏ khiến tàu vận chuyển hàng hóa phải chuyển hướng sang tuyến đường dài hơn quanh châu Phi. Những tác động kinh tế do ảnh hưởng từ việc chuỗi cung ứng chậm lại cũng rất đáng kể. Các cuộc đụng độ khó có thể kết thúc trong khi Israel tấn công Gaza và Liban.

Tại sao Mỹ không ngừng cung cấp vũ khí cho Israel?

Khi Mỹ viện trợ quân sự cho Israel, chính phủ Israel không bỏ tiền vào túi của mình. Phần lớn số tiền mà Mỹ phân bổ cho Israel mỗi năm phải được chi ra để mua vũ khí của Mỹ. Nhìn chung, cũng giống như viện trợ quân sự của Mỹ cho các quốc gia khác, chẳng hạn như Ukraine. Những vũ khí của Mỹ mà Israel mua được sản xuất tại các nhà máy trên khắp nước Mỹ. Vì vậy, nhiều nhà lập pháp Mỹ quan tâm đến việc duy trì viện trợ đó vì số tiền đó cuối cùng sẽ chảy vào các tiểu bang của họ và tạo ra việc làm cho người dân địa phương.

Một Israel mạnh về quân sự giúp Mỹ chống lại kẻ thù chung. Sau Chiến tranh Lạnh, giá trị chiến lược của Israel đối với Mỹ đã giảm sút. Nhưng nó đã tăng trở lại sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9 vì Israel có kinh nghiệm chống khủng bố và khả năng thu thập thông tin tình báo tốt. Gần đây hơn, trong khoảng một thập kỷ qua, Israel đã hợp tác với Mỹ để chống lại sự mở rộng ảnh hưởng của Iran trong khu vực và làm chậm chương trình hạt nhân của Iran. Mặc dù hai đồng minh này bất đồng về chiến thuật - đặc biệt là về thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran - nhưng cả hai đều coi sức mạnh ngày càng tăng của Iran trong khu vực là mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định của khu vực và cả hai đều muốn ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Vì vậy, theo quan điểm của Mỹ, Israel có thể giúp Mỹ đạt được các mục tiêu chiến lược của mình trong khu vực mà không cần quân đội Mỹ hiện diện và hành động. Israel cũng được coi là một đồng minh đáng tin cậy hơn và ít gây rắc rối hơn so với các đồng minh lớn khác của Mỹ trong khu vực, chẳng hạn như Ai Cập, Ả-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuối cùng, mặc dù cách đối xử của Israel với người Palestine và cuộc chiến của nước này ở Gaza đã khiến nhiều thành viên đảng Dân chủ phẫn nộ, đặc biệt là những người tiến bộ, hầu hết các nhà hoạch định chính sách của Đảng Dân chủ, bao gồm cả bà Harris, vẫn tin rằng việc ủng hộ Israel là vì lợi ích của Mỹ. Và việc cung cấp viện trợ quân sự cho Israel vẫn được coi là cách tốt nhất để Mỹ thực hiện điều đó.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã chỉ định bà Pam Bondi, cựu Tổng chưởng lý bang Florida làm lãnh đạo Bộ Tư pháp thay thế ứng cử viên Matt Gaetz vừa rút lui.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Moscow có quyền tấn công cơ sở quân sự của các quốc gia cho phép sử dụng vũ khí của họ nhắm vào lãnh thổ Nga.

Trái với phản ứng gay gắt của chính giới Israel cùng nhiều quốc gia đồng minh, nhiều quốc gia khu vực đã yêu cầu các bên nghiêm túc tuân thủ lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu do Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành.

Ngay sau khi Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) ban bố lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người ở dải Gaza, giới chức Israel đã lập tức lên tiếng phản đối và chỉ trích gay gắt động thái của ICC.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xuất hiện trong một video, tuyên bố Moscow đã tấn công một cơ sở quân sự của Ukraine bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa siêu vượt âm tầm trung.

Thủ tướng Liban Najib Mikati cho biết quân đội nước này đang chuẩn bị tăng cường sự hiện diện quân sự ở miền Nam Liban, trong bối cảnh xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hezbollah và Israel chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.