Israel hung hăng trước Hamas khiến thế giới lo ngại
Israel tuyên bố đã chuẩn bị sẵn sàng cho chiến dịch hiệp đồng trên bộ, trên biển và trên không để đáp trả Hamas ở Dải Gaza, khiến ngay cả các đồng minh phương Tây của Israel cũng phải lên án.
Nguy cơ dẫn đến một thảm họa khi Israel tấn công Hamas
Ngày 15/10, một số lượng lớn quân đội và thiết bị quân sự của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã tập trung ở biên giới Dải Gaza. Máy bay chiến đấu, trực thăng và xe bọc thép của Israel đã tập trung tại Ashkelon, một thành phố ở miền nam Israel chỉ cách phía Bắc Gaza năm phút lái xe. Xe tăng chiến đấu chủ lực Merkava cũng xuất hiện trong đoàn xe quân sự. Cho đến nay, Israel đã hai lần triệu tập 360.000 quân dự bị để chuẩn bị cho kế hoạch tấn công hung hãn vào dải Gaza nhằm hủy diệt lực lượng Hamas.
Cái giá phải trả về sinh mạng trong nỗ lực tiêu diệt Hamas của Israel sẽ là mối quan ngại sâu sắc đối với các tổ chức nhân đạo và cả thế giới, trong bối cảnh nhiều người Palestine hiện không thể rời khỏi Dải Gaza.
"Cuộc xâm lược trên bộ sẽ cực kỳ đẫm máu cho cả hai bên. Gaza có thể giống như một cuộc tắm máu, bất chấp nỗ lực của Israel kêu gọi người dân di chuyển khỏi dải Gaza." bà Nomi Bar-Yaacov người liên kết tại Chương trình An ninh quốc tế Chatham House tỏ ra lo ngại.
Các nhà phân tích nhận định rằng cuộc tấn công vào Gaza có thể cũng sẽ gây thiệt hại đối với chính Israel.
"Hamas có thế lực mạnh hơn rất nhiều ở Gaza, vì thực tế là họ đã xây dựng những đường hầm này trong 16 năm. Họ đã quản lý Gaza, họ có một thị trấn dưới lòng đất mà họ kiểm soát, chứ không phải quân đội Israel. Vì vậy, quân đội Israel cũng như người dân Gaza sẽ phải hứng chịu hậu quả nặng nề. Cuộc chiến ở Gaza này là chưa từng có về mặt quy mô.'' - bà Nomi Bar-Yaacov cho biết thêm
Trong nhiều ngày gần đây, Israel đã cắt quyền tiếp cận điện, thực phẩm và nước của người dân Gaza. Quân đội Israel đồng thời yêu cầu hơn 1 triệu người dân Palestine di rời khỏi dải Gaza trước khi Israel mở cuộc tấn công quân sự vào dải Gaza nhằm xóa xổ lực lượng Hamas. Theo Liên hợp quốc, hành động này sẽ dẫn đến một thảm họa nhân đạo tàn khốc.
Tình hình ở dải Gaza đã xấu đi một cách nguy hiểm, hàng chục nghìn người Palestine cố gắng chạy trốn khỏi các cuộc không kích và tấn công trên bộ của Israel.Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đưa ra cảnh báo “Chúng ta đang bên bờ vực thẳm ở Trung Đông” đồng thời đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp tới Israel.
“Chúng ta cần tiếp cận nhân đạo ngay lập tức trên khắp Gaza để có thể cung cấp nhiên liệu, thực phẩm và nước uống cho mọi người có nhu cầu. Ngay cả khi chiến sự nổ ra cũng cần có quy tắc. Luật nhân đạo quốc tế và luật nhân quyền phải được tôn trọng và duy trì. Thường dân phải được bảo vệ và được đảm bảo rằng không bao giờ bị lợi dụng làm lá chắn sống". Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhận định.
Trải qua 10 ngày giao tranh, số người thiệt mạng trong xung đột Israel - Hamas đã tăng lên hơn 4.000 người. Cơ quan y tế Palestine cho biết tổng cộng 2.726 người Palestine đã thiệt mạng và hơn 10.800 người bị thương trong đợt giao tranh này. Xung đột căng thẳng hơn trong khi các nỗ lực quốc tế vẫn chưa thể tìm ra được giải pháp cho tình hình hiện nay, buộc nhiều nước đẩy nhanh kế hoạch sơ tán công dân từ Israel về nước. Đức, Australia điều các chuyến bay đưa công dân rời khỏi Israel. Mỹ điều tàu chở công dân rời Israel bằng đường biển.
Phản ứng quốc tế trước việc Israel chuẩn bị tấn công Hamas
Nga vốn là nước có quan hệ với cả các nước Ả Rập, Iran và Hamas cũng như với Israel. Sau khi xảy ra xung đột giữa Israel và Hamas, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Nga có thể và sẽ tiếp tục đóng vai trò giải quyết xung đột, đồng thời sẽ duy trì đối thoại và giữ khoảng cách bình đẳng với cả phía Israel và Palestine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng kêu gọi các bên đàm phán, giải quyết xung đột bằng các giải pháp hòa bình. Tổng thống Putin cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine.
"Những nỗ lực tập thể là cần thiết hơn cả vì lợi ích của lệnh ngừng bắn sớm và ổn định tình hình trên thực địa. Tôi muốn nhấn mạnh rằng Nga sẵn sàng phối hợp với tất cả các đối tác có tinh thần xây dựng. Chúng tôi tin rằng không có sự thay thế nào khác ngoài giải quyết xung đột Palestine-Israel thông qua đàm phán". - Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16/10 đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Putin cho biết ông sẵn sàng nỗ lực hướng tới chấm dứt cuộc đối đầu giữa người Palestine và Israel cũng như đạt được một giải pháp hòa bình thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao.
Trước đó, Tổng thống Putin đã khẳng định rằng Israel có quyền tự vệ trước lực lượng Hamas, nhưng việc thực hiện một cuộc tấn công trên bộ ở Gaza sẽ dẫn đến việc nhiều người dân thường bị sát hại là điều "hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Một quốc gia đang có sức ảnh hưởng ngày càng lớn trên thế giới là Trung Quốc cũng lên tiếng về vấn đề xung đột Israel - Hamas. Sau thành công trong việc thúc đẩy thỏa thuận nối lại quan hệ giữa Ả rập Xê út và Iran hồi tháng 3 năm nay, vị thế của Trung Quốc tại Trung Đông ngày càng tăng. Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị cho biết nước này sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc giải quyết các vấn đề điểm nóng toàn cầu. Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi triệu tập hội nghị hòa bình quốc tế sớm nhất có thể, đồng thời cảnh báo xung đột đang leo thang và có nguy cơ vượt tầm kiểm soát.
Ngày 15/10, đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Trung Đông Trạch Tuyển đã xác nhận sẽ tới Trung Đông trong tuần này để giúp hạ nhiệt tình hình và thúc đẩy các cuộc hòa đàm giữa Palestine và Israel.
“Kể từ khi bắt đầu đợt xung đột lần này, Trung Quốc đã liên lạc và phối hợp với các bên liên quan. Các bên đều hy vọng thúc đẩy ngừng bắn và chấm dứt bạo lực, lên án những hành động gây tổn hại đến dân thường, kêu gọi tránh thảm họa nhân đạo và mong muốn nối lại tiến trình hòa bình Trung Đông.” Ông Trạch Tuyển, đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Trung Đông nhận định. Ông Trạch Tuyển cũng nhấn mạnh lối thoát cho cuộc xung đột lần này là 'giải pháp hai nhà nước' và hiện thực hóa việc chung sống hòa bình của Palestine và Israel.
Từ châu Âu, Chủ tịch hội đồng Châu Âu Charles Michel cho biết sẽ triệu tập hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của các nhàlãnh đạo Liên minh châu Âu EU để thảo luận về cuộc khủng hoảng. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói rằng EU phải thúc đẩy hòa bình, tìm kiếm giải pháp ngăn chặn xung đột leo thang trong khu vực, đồng thời phản đối việc Israel mở chiến dịch tấn công Hamas dẫn đến một cuộc thảm sát đẫm máu đối với dân thường.
Tại Mỹ, Bộ ngoại giao Mỹ cho biết, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kéo dài chuyến công du Trung Đông trong bối cảnh xung đột tại dải Gaza có nguy cơ lan rộng. Ông Blinken đã có chuyến công du con thoi tới các nước Trung Đông trong tuần qua. Một sứ mệnh quan trọng của ông Blinken trong chuyến đi này là nhằm nỗ lực giải quyết vấn đề bảo vệ dân sự, viện trợ nhân đạo và ngăn chặn xung đột leo thang hơn nữa trong khu vực.
Ông Blinken đã có cuộc gặp với Thái tử Ả Rập Xê út Mohammed bin Salman ở thủ đô Riyadh. Tại cuộc gặp, cả hai bên tái khẳng định cam kết bảo vệ thường dân và thúc đẩy ổn định khắp Trung Đông. Tại Tel Aviv, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Washington luôn sát cánh cùng Tel Aviv, nhưng cho rằng Palestine có "khát vọng chính đáng”. Ông Blinken cũng nhiều lần khẳng định sự ủng hộ của Washington đối với "giải pháp hai nhà nước" trong khu vực.
Ngoài ra, theo hãng tin AP, trong các cuộc điện đàm với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thúc giục hai nhà lãnh đạo này cho phép viện trợ nhân đạo vào khu vực, cũng như ủng hộ các nỗ lực bảo vệ thường dân. Theo kế hoạch, tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến Israel vào ngày 18/10 để họp bàn với người đứng đầu Israel về tình hình xung đột.
Vai trò hòa giải của các nước trong khu vực
Nhiều nước lớn trên thế giới ngỏ ý sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải cho xung đột tại Trung Đông. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, chính các nước Hồi giáo và Trung Đông phải giữ vai trò đi đầu trong việc này. Bởi các nước trong khu vực là những nước có quan hệ mật thiết với Israel hoặc Palestine, họ sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất và nặng nề nhất nếu xung đột lan rộng. Chỉ khi an ninh trong khu vực được đảm bảo thì an ninh của mỗi nước mới được đảm bảo.
Ai Cập, nước từng thành công trong vai trò trung gian hòa giải giúp chấm dứt xung đột hồi tháng 5/2021 giữa Hamas và Israel, đang duy trì liên lạc với cả hai bên để ngăn chặn bạo lực leo thang. Ai Cập cho biết, nước này đã đề nghị tổ chức một cuộc họp đa phương để tìm cách giảm leo thang xung đột giữa Israel và phong trào Hamas, cũng như tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Palestine.
Ai Cập có cửa khẩu biên giới với Israel mà người dân Gaza có thể sử dụng để rời khỏi lãnh thổ bị phong tỏa.Nhà lãnh đạo của Ai Cập, Abdel Fattah el-Sisi, nhấn mạnh cần thiết phải cho phép viện trợ nhân đạo vào Gaza qua cửa khẩu này. Ai Cập đã tăng cường nỗ lực ngoại giao để phá vỡ thế bế tắc tại cửa khẩu. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng cho biết cửa khẩu biên giới do Ai Cập kiểm soát vào Gaza sẽ mở cửa trở lại. Phía Mỹ đang làm việc với Ai Cập, Israel và Liên Hợp Quốc để nhận được hỗ trợ thông qua tuyến đường này.“Ai Cập đã thực hiện rất nhiều hỗ trợ vật chất cho người dân ở Gaza. Cửa khẩu Rafah sẽ mở cửa trở lại. Chúng tôi đang cùng với Liên hợp quốc, Ai Cập, Israel và các nước khác thiết lập cơ chế để nhận được sự hỗ trợ cho người dân Gaza.” - Ông Antony Blinken - Ngoại trưởng mỹ nhận định.
Trước đó, hàng trăm tấn hàng viện trợ từ một số quốc gia đã bị giữ lại ở bán đảo Sinai của Ai Cập trong nhiều ngày để chờ thỏa thuận chuyển hàng an toàn tới Gaza và sơ tán một số người mang hộ chiếu nước ngoài qua cửa khẩu Rafah.
Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, thường xuyên ủng hộ người Palestine. Nước này cũng là nơi đặt văn phòng của Hamas và đã mời các nhà lãnh đạo cấp cao của Palestine tới Istanbul để đàm phán trong thời gian gần đây. Không giống như các đồng minh quân sự ở châu Âu và Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ không coi Hamas là tổ chức khủng bố.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm tăng cường nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được hòa bình cho Israel và Palestine.
“Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng làm những gì có thể để các cuộc đụng độ kết thúc càng sớm càng tốt và giảm bớt căng thẳng vốn đã gia tăng sau những diễn biến mới nhất. Chúng tôi quyết tâm tăng cường và tiếp tục những nỗ lực ngoại giao mà chúng tôi đã phát động để hòa bình được thiết lập trở lại.” - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bày bỏ quan điểm.
Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Israel chỉ mới được cải thiện gần đây, dẫn đến bình thường hóa vào năm 2022. Bất chấp mối quan hệ thân thiện, Tổng thống Thổ Nhĩ KỳRecep Tayyip Erdogan chỉ trích vụ đánh bom trả đũa của Israel vào Gaza. Ông Erdogan cũng chỉ trích việc Mỹ điều động tàu chiến vào khu vực. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã điện đàm với cả lãnh đạo Israel và Palestine cũng như các nhà lãnh đạo của Jordan, Algeria và Saudi Arabia nhằm hạ nhiệt căng thẳng.Ông Erdogan cũng khẳng định rằng giải pháp hai nhà nước là cách duy nhất để đạt được hòa bình khu vực, đồng thời phản ứng gay gắt trước việc Israel chuẩn bị tiêu diệt Hamas, sẽ gây tổn thất nặng nề đến tính mạng của dân thường.
Bất chấp những lời kêu gọi hòa bình, tương lai một lệnh ngừng bắn lúc này giữa Israel và Hamas dường như vẫn quá mờ mịt. Nhiều nhà phân tích cho rằng, với việc Israel ráo riết chuẩn bị mở chiến dịch trên bộ nhằm vào lực lượng Hamas ở dải Gaza, cuộc xung đột đang chuẩn bị bước sang một giai đoạn hủy diệt hơn, với con số thương vong và thiệt hại dự kiến sẽ còn tăng lên đáng kể. Cộng đồng quốc tế đang tăng cường liên lạc ở mọi cấp độ để đạt được lệnh ngừng bắn và bảo vệ dân thường ở cả hai bên.
Ngay khi Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) thông báo lệnh bắt giữ Thủ tướng và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel cùng một thủ lĩnh của lực lượng Hamas, cộng đồng quốc tế đã đưa ra những phản ứng trái chiều.
Theo hãng thông tấn TASS, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga luôn ưu tiên và hiện đã sẵn sàng giải quyết mọi tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tuy nhiên cũng nhấn mạnh nước này đã sẵn sàng cho mọi kịch bản.
Người phát ngôn Nhà Trắng, bà Karine Jean-Pierre cho biết Mỹ không có ý định sửa đổi học thuyết hạt nhân sau khi Nga đưa ra học thuyết hạt nhân sửa đổi.
Dữ liệu mới nhất từ Văn phòng Thống kê Quốc gia của Anh cho thấy tỷ lệ lạm phát tại nước này trong tháng 10 tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng qua, củng cố kỳ vọng của thị trường rằng sẽ không có đợt cắt giảm lãi suất nào khác trong năm nay.
Giá dầu thế giới tăng khoảng 1% vào ngày 21/11, sau khi Nga và Ukraine gia tăng các cuộc tấn công bằng tên lửa, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ căng thẳng nguồn cung dầu thô nếu xung đột lan rộng.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22/11 cho biết nước này đã thực hiện chính sách miễn thị thực cho 29 nước, trong đó có Đức và Pháp, nhằm thúc đẩy du lịch quốc tế.
0