Israel sẵn sàng tấn công vào Rafah bất chấp mọi rào cản
Israel chuẩn bị cho cuộc tấn công
Thành phố Rafah nằm dọc biên giới phía Nam của Gaza với Ai Cập, hiện là nơi sinh sống của khoảng 1,4 triệu người Palestine từ phía Bắc Gaza đến đây lánh nạn. Israel cho rằng ban lãnh đạo và 4 tiểu đoàn quân sự Hamas cuối cùng đang trú ẩn tại đây, sử dụng con tin Israel làm lá chắn sống. Thủ tướng Netanyahu khẳng định Israel không thể đạt được mục tiêu chiến thắng toàn diện nếu không phát động cuộc tấn công vào thành phố Rafah. Israel sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự ở Rafah bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều phía. Hôm 9/4, Isarel cho biết đã ấn định kế hoạch tấn công Rafah, nhưng không tiết lộ thời gian cụ thể.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố: "chúng tôi sẽ giáng thêm những đòn mạnh hơn vào Hamas - và điều đó sẽ sớm xảy ra. Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ tăng áp lực quân sự và chính trị lên Hamas vì đây là cách duy nhất để giải phóng con tin của chúng tôi và đạt được chiến thắng".
Chính quyền Palestine cho biết một loạt cuộc không kích đã khiến hàng chục người Palestine thiệt mạng, phần lớn trong số họ là phụ nữ và trẻ em.
Để chuẩn bị cho kế hoạch tấn công, quân đội Israel cho biết họ đã huy động hai lữ đoàn dự bị để thực hiện các hoạt động tác chiến trên mặt trận Gaza. Nhiều nguồn thông tin cho rằng pháo binh và xe bọc thép chở binh lính Israel đã được triển khai đến ngoại vi Dải Gaza.
Thực tế là Nội các chiến tranh đang họp để thảo luận về cách tiêu diệt những tàn tích cuối cùng, một phần tư còn lại của các tiểu đoàn Hamas ở Rafah và những nơi khác ở Gaza. Hamas đã từ bỏ mọi thỏa thuận tiềm năng mặc dù Israel đã nỗ lực hết sức để đưa các con tin trở về, chính Hamas đã rời đi.
Ông David Mencer - Người phát ngôn Chính phủ Israel.
Thông tin của phóng viên quân sự đài truyền hình Italia cho biết, theo kế hoạch được trình bày với Mỹ và các quốc gia trong khu vực, cuộc tấn công của quân đội Israel vào Rafah sẽ tiến hành theo từng giai đoạn và chia theo các khu vực.
Cùng với việc chuẩn bị lực lượng, Thủ tướng Netanyahu cũng cho biết Israel đã có kế hoạch sơ tán dân thường trước chiến dịch quân sự. Theo kế hoạch này, Israel sẽ chuyển người dân Gaza đến các khu vực nhân đạo được xây dựng trong Dải Gaza, đồng thời đảm bảo cung cấp thực phẩm, nước uống, lều trú ẩn và các dịch vụ y tế cho người dân.
Theo các quan chức Ai Cập, Israel đang chuẩn bị di tản dân thường từ Rafah đến Khan Younis, cách đó 5km và các khu vực khác. Bộ Quốc phòng Israel đã mua 40.000 lều bạt, mỗi lều có sức chứa 10-12 người, để cung cấp cho người dân ở Rafah phải di dời trước khi quân đội Israel phát động tấn công. Đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy hàng loạt lều bạt màu trắng đang được dựng lên ở Khan Younis.
Các quan chức Ai Cập tiết lộ hoạt động sơ tán sẽ được thực hiện với sự phối hợp của Mỹ, Ai Cập và các nước Arab khác như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Áp lực bủa vây từ nhiều phía
Israel đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ đồng minh và cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt chiến dịch quân sự kéo dài đã hơn 200 ngày qua ở Dải Gaza, sau cuộc tấn công ngày 7/10 năm ngoái của Hamas. Gần đây, Mỹ và các đồng minh của Isarel tiếp tục hối thúc Israel xem xét lại kế hoạch tấn công quy mô lớn vào Rafah. Theo các nhà phân tích, việc Israel quyết không từ bỏ chiến dịch này bất chấp lời chỉ trích của Mỹ, sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ giữa Israel với Mỹ, cũng như uy tín của Israel trên trường quốc tế.
Mặc dù Tổng thống Mỹ vừa ký thông qua gói viện trợ 95 tỷ đô la Mỹ cho một số nước, trong đó có Israel, nhưng Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ không ủng hộ chiến dịch này của Israel, đồng thời lưu ý các mục tiêu chiến tranh của Israel có thể đạt được bằng biện pháp khác.
Tổng thống Biden đã nói rất rõ ràng về điều này, chúng tôi không thể hỗ trợ một chiến dịch quân sự lớn ở Rafah. Một động thái như vậy sẽ gây ra hậu quả khủng khiếp đối với bất kỳ thường dân nào còn ở lại thành phố.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
Theo các nhà phân tích, cuộc tấn công quân sự lớn này là một canh bạc chiến lược đối với Israel. Bởi nếu số dân thường thiệt mạng cao, hành động này sẽ làm xói mòn vị thế quốc tế của Israel và làm suy yếu mối quan hệ giữa nước này với Mỹ. Còn nếu từ bỏ kế hoạch này để giảm thương vong cho dân thường thì Israel có thể phải hứng chịu rủi ro quân sự và không đạt được mục tiêu đã đặt ra.
Trang tin Axios cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ công bố các biện pháp trừng phạt đối với tiểu đoàn Netzah Yehuda của IDF vì bị cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Palestine ở Bờ Tây. Đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ thực hiện một động thái như vậy. Axios cho biết lệnh trừng phạt bao gồm việc cấm chuyển giao vũ khí của Mỹ cho đơn vị bộ binh cực đoan chính quy và ngăn cấm binh lính của họ huấn luyện với lực lượng Mỹ hoặc tham gia bất kỳ hoạt động nào với sự tài trợ của Mỹ.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngay lập tức cho biết ông sẽ đấu tranh chống lại các biện pháp trừng phạt áp đặt đối với bất kỳ đơn vị quân đội nào của Israel.
Tôi sẽ quyết liệt bảo vệ IDF, quân đội và các chiến binh của chúng tôi. Nếu ai đó nghĩ rằng họ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một đơn vị của IDF - tôi sẽ chiến đấu bằng tất cả sức mạnh của mình.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Về bước đi tiếp theo của Israel vào thành phố Rafah, nhiều quốc gia đã đưa ra cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng. Ai Cập, ngày 24/4, tuyên bố bất kỳ sự hiện diện nào của quân đội Israel ở khu vực biên giới sẽ cấu thành hành vi vi phạm hiệp ước hòa bình Ai Cập - Israel được ký năm 1979.
Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Volker Turk đã lên án mạnh mẽ các cuộc không kích mới đây của Israel vào Rafah, đồng thời cảnh báo một chiến dịch quân sự toàn diện của Israel vào thành phố này sẽ gây ra thảm họa. Ông Turk nhấn mạnh hành động quân sự như vậy sẽ vi phạm luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, dẫn đến nhiều thương vong hơn nữa.
Các tổ chức nhân đạo quốc tế cũng cho rằng, với điều kiện thiếu thốn hiện nay của người dân ở Gaza sau 6 tháng hứng chịu chiến tranh, một cuộc tấn công quy mô lớn nữa của Israel sẽ gây ra thảm họa nhân đạo cho dân thường, không chỉ ở Gaza mà trên khắp Trung Đông.
Công tác cứu trợ cho dân thường trong những tháng qua đã gặp trở ngại do sự kiểm soát quân sự của Israel. Mối lo ngại hiện nay là cuộc tấn công vào Rafah sẽ khiến hoạt động cứu trợ càng trở nên khó khăn.
Với mối đe dọa về một cuộc đổ bộ của Israel vào Rafah, những người Palestine di tản đến Rafah lại tiếp tục chuẩn bị cho một đợt di tản nữa. Hiện người dân đang thu dọn đồ đạc và dựng lều ở khu vực ven biển al-Mawasi của Deir al-Balah.
Chúng tôi ở biên giới và phải vật lộn rất nhiều khi đi từ nơi này đến nơi khác. Đây là lần thứ ba chúng tôi phải di dời - từ biên giới Rafah đến Khan Younis và bây giờ là đến Deir (al-Balah), không có sự an toàn nào cả, tất cả dân thường đều có thể trở thành mục tiêu. Chúng tôi là dân thường và không làm gì sai cả, chúng tôi quá mệt mỏi. Hãy tìm cho chúng tôi một giải pháp.
Bà Umm Mahmoud Abu Musa - người di tản từ Bắc Gaza.
Theo Bộ Y tế Palestine, hơn 34.000 người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc chiến mới nhất giữa Israel và Hamas. Theo dữ liệu của Israel, khoảng 1.200 người Israel đã thiệt mạng và 250 người bị bắt làm con tin trong các cuộc tấn công ngày 7/10/2023.
Những con số thương vong vẫn không ngừng tăng lên, đã dẫn đến làn sóng biểu tình ủng hộ Palestine và phản đối chiến dịch của Israel tại nhiều trường đại học ở Mỹ và lan rộng ra nhiều nước khác. Tình trạng bất ổn ngày càng tăng trong các trường đại học, cùng với sự gia tăng chủ nghĩa bài Do Thái, đã khiến chủ tịch của một số trường đại học của Mỹ phải từ chức và buộc Quốc hội Mỹ phải tổ chức nhiều phiên điều trần để làm rõ vấn đề.
Thỏa thuận con tin giữa Israel - Hamas rơi vào bế tắc
Ở trong nước, chính quyền của Thủ tướng Netanyahu phải đối mặt với áp lực từ những cuộc biểu tình của người dân yêu cầu Israel nhanh chóng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn với Hamas để giải cứu con tin. Làn sóng biểu tình dâng cao khi hơn 3 tháng qua hầu như chưa có thêm con tin nào được giải cứu. Trong khi đó, các cuộc đàm phán ngừng bắn do Mỹ, Ai Cập và Qatar làm trung gian gần như đã rơi vào bế tắc do Israel và Hamas không thể thống nhất về các điều kiện và thời hạn của lệnh ngừng bắn, cũng như danh tính, số lượng con tin và tù nhân hai bên sẽ trao trả.
Hôm 25/4, lãnh đạo 18 nước gồm Mỹ và các đồng minh Anh, Pháp kêu gọi Hamas thả con tin. Hãng tin AFP dẫn tuyên bố chung của 18 nước cho biết: “Chúng tôi kêu gọi thả ngay lập tức tất cả các con tin bị Hamas giam giữ ở Gaza trong hơn 200 ngày, bao gồm cả công dân của chúng tôi. Chúng tôi nhấn mạnh rằng thỏa thuận trên bàn đàm phán về việc thả con tin sẽ mang lại lệnh ngừng bắn ngay lập tức và kéo dài ở Gaza, điều đó sẽ tạo điều kiện tăng cường hỗ trợ nhân đạo bổ sung được chuyển đến khắp Gaza và dẫn đến sự chấm dứt chiến sự một cách đáng tin cậy".
Trước đề nghị của 18 nước, phong trào Hồi giáo Hamas khẳng định “để ngỏ” với mọi đề xuất ngừng bắn. Tuy nhiên, Hamas khẳng định đề xuất này không đáp ứng được những yêu cầu của người Palestine cũng như điều kiện cần thiết để đưa đến một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, đó là Israel phải rút quân khỏi Dải Gaza. Yêu cầu chính này của Hamas phải được đáp ứng, nếu không Hamas sẽ không đồng ý thả tự do cho tất cả con tin.
Trong khi đó, Israel nhiều lần bác bỏ những đề xuất về việc ngừng bắn vĩnh viễn mà Hamas đưa ra. Ngày 26/4, một phái đoàn Ai Cập đã đến Israel nhằm nối lại các cuộc đàm phán về việc chấm dứt xung đột ở Gaza và trao trả các con tin Israel đang bị Hamas giam giữ. Ai Cập đang tìm cách khởi động lại đàm phán bằng đề xuất mới, mà Hamas sẽ thả 33 con tin bao gồm phụ nữ, người già và người ốm yếu. Số lượng con tin này giảm so với mức 40 người được nêu ra trong cuộc đàm phán trước đó. Israel ước tính 129 trong số khoảng 250 người bị bắt cóc vẫn còn ở Gaza, trong đó có 34 người có thể đã chết.
Theo một quan chức Israel, cuộc thảo luận rất tốt đẹp, tập trung và tiến triển về mọi mặt. Quan chức này đánh giá Ai Cập dường như sẵn sàng gây áp lực lên Hamas để hướng tới đạt được thỏa thuận con tin. Quan chức cấp cao này cũng tiết lộ Israel đã cảnh báo sẽ không đồng ý để Hamas trì hoãn thỏa thuận con tin nhằm ngăn chặn hoạt động của lực lượng phòng vệ Israel (IDF). Ông đồng thời lưu ý rằng lực lượng dự bị đã được huy động và khẳng định Israel đã cảnh báo về “cơ hội cuối cùng” cho một thỏa thuận ngừng bắn, trước khi Tel Aviv tiến hành chiến dịch ở Rafah.
Trong khi các cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn chưa thể đạt được thống nhất, kế hoạch của Isael tấn công vào Rafah càng khiến cho cuộc xung đột Israel và Hamas thêm bế tắc. Mặc dù Mỹ phản đối kế hoạch của Isarel, tuy nhiên, hồi cuối tháng 3, Mỹ cho biết sẽ chuyển giao vũ khí, khí tài cho Israel trị giá hàng triệu đô la Mỹ. Mới đây, Tổng thống Biden cũng ký thông qua luật về gói viện trợ cho các nước, trong đó có 17 tỷ đô la cho Israel nhằm nâng cấp hệ thống phòng không của nước này. Động thái này càng khiến cho cục diện tại Dải Gaza cũng như khu vực Trung Đông thêm phức tạp và khó kiểm soát.
Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.
Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.
Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.
Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.
Việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ được dư luận quốc tế nhìn nhận như một thách thức mới cho quan hệ Mỹ - Trung, vốn đã trải qua nhiều sóng gió trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
0