Israel tiến quân vào Liban: Tham vọng hay cái bẫy sa lầy?

Israel vừa mở một chiến dịch tấn công trên bộ nhằm vào miền Nam Liban - một động thái leo thang căng thẳng bất chấp những lời kêu gọi hòa bình từ cộng đồng quốc tế sau khi quốc gia này công bố đã tiêu diệt 10/11 thủ lĩnh quân sự Hezbollah. Tham vọng của Israel trong chiến dịch này là gì và liệu hành vi dùng bạo lực để dập bạo lực của Israel có mang lại hiệu quả?

Tấn công trên bộ: Dấu mốc leo thang mới trong xung đột Israel và Hezbollah

Vào rạng sáng nay (1/10), Israel đã tuyên bố thực hiện chiến dịch tấn công trên bộ với quy mô “giới hạn” và di chuyển quân dọc biên giới với Liban. Mục đích của cuộc tấn công này được cho là nhằm vào lực lượng Hezbollah sau hàng loạt cuộc không kích và chiến dịch ám sát được Israel tổ chức trong những ngày qua khiến căng thẳng trong khu vực được đẩy lên cao.

Israel thực hiện chiến dịch tấn công trên bộ nhằm vào miền Nam Liban với kinh nghiệm và những bài học rút ra từ sai lầm trong cuộc xung đột năm 2006. Và Hezbollah cũng vậy. Toan tính của Israel là gì, và chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo khi Israel thực hiện chiến dịch này?

Cuộc xung đột giữa nhóm Hezbollah ở Liban và Israel đã gia tăng trong những tháng gần đây, đặc biệt trầm trọng hơn khi Israel thực hiện đồng thời các cuộc tấn công vào Gaza. Điều từng được các chuyên gia quân sự và giới quan sát chính trị lo ngại - và giờ đây là sự thật - không kém phần gây sốc: Một cuộc chiến toàn diện giữa Hezbollah và Israel đang diễn ra.

Trong 13 ngày qua, đã có sự gia tăng đáng kể về bạo lực giữa Hezbollah và quân đội Israel.

Mossad đã thực hiện một loạt kế hoạch ám sát diện rộng nhằm vào lực lượng Hezbollah và những thủ lĩnh quân sự thông qua các cuộc không kích tấn công bằng tên lửa cũng như kích nổ một lượng lớn thiết bị liên lạc, gây ra con số thương vong lên tới hàng nghìn người.

Sơ đồ ban lãnh đạo quân sự Hezbollah mà quân đội Israel đăng tải cho thấy hầu hết chỉ huy cấp cao đã bị loại bỏ. Ảnh: X/IDF

Một loạt các cuộc tấn công tên lửa qua lại giữa hai bên đã diễn ra trong những ngày qua. Vào ngày 23 tháng 9, sau khi đe dọa người dân ở phía Nam Liban rời khỏi ngay lập tức hoặc phải đối mặt với sự hủy diệt - một động thái được nhận định là mang tính hình thức để giảm nhẹ dư luận, Israel đã phát động chiến dịch không kích lớn nhất trong nhiều năm nhằm vào miền Nam Liban. Không quân của Israel tham chiến với hơn 1.300 mục tiêu tấn công trên toàn Liban, chủ yếu là ở phía Nam – cuộc không kích với cường độ hỏa lực cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Bốn ngày sau, Hassan Nasrallah - một thủ lĩnh Hezbollah đã bị hạ sát trong một cuộc họp cùng với nhóm các chỉ huy cấp cao của Hezbollah, khi 85 quả bom ‘bunker-buster’ được thả xuống một vùng ngoại ô phía Nam Beirut, trong một cuộc tấn công tàn bạo và vấy máu của Israel nhằm tiêu diệt lãnh đạo Hezbollah. Cuộc tấn công cũng đã san phẳng nhiều tòa nhà trong khu vực dân cư đông đúc ở miền Nam Liban. Bị thiệt hại nặng nề, Hezbollah tiếp tục bắn tên lửa vào lãnh thổ của Israel – các hành động bạo lực tại khu vực không hề thuyên giảm theo kỳ vọng dùng bạo lực dập bạo lực của Israel. Một chiến dịch không kích quy mô lớn nhằm đè bẹp lực lượng Hezbollah dường như sẽ không phải là giải pháp tốt đối với Israel. Hezbollah đã chuẩn bị kế hoạch đối phó với tình huống này trong nhiều năm và đã phân tán lực lượng tên lửa của mình trên khắp lãnh thổ Liban. Vậy kế hoạch là gì?

Tấn công trên bộ: Tham vọng của Israel là gì?

Sau khi gửi thêm quân tiếp viện lên phía Bắc - Sư đoàn 98 thuộc lực lượng bộ binh đổ bộ, đồng thời kích hoạt dự lệnh với các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh phía Bắc, Israel đang gửi một tín hiệu tới toàn thế giới: Họ đang rất quyết liệt với ý định dập tắt hoàn toàn ngọn lửa có thể bùng lên bất kỳ lúc nào từ phía lực lượng Hezbollah. Nhưng điều đó có ý nghĩa gì về mặt thực tiễn? Mục tiêu được cho là “chiến thắng” của Israel sẽ như thế nào?

Tiêu diệt hoàn toàn lực lượng Hezbollah? Điều này là khó khả thi. Hezbollah đã tồn tại và có ảnh hưởng mạnh mẽ trong xã hội Liban, đặc biệt là trong cộng đồng Shia ở phía Nam đất nước. Cuộc chiến dùng bạo lực, bom đạn và tên lửa hỏa lực mạnh cùng các chiến dịch ám sát của tình báo Israel nhằm chống lại Hezbollah sẽ chỉ khiến Hezbollah mạnh mẽ hơn. Khi Israel tuyên bố vào năm 2006 rằng sẽ nhanh chóng tiêu diệt tận gốc Hezbollah trong thời gian ngắn, Hezbollah hoàn toàn không bị xóa sổ. Và mục tiêu của Israel tại thời điểm đó đã thất bại.

Khu vực miền Nam Liban hứng hỏa lực của Israel đêm 30/9. Ảnh: AFP.

Một cuộc đột kích chết chóc với quy mô lớn và cường độ mạnh? Một lần nữa, điều này rất rủi ro với cả Israel và khu vực. Tấn công vào các địa điểm tên lửa và các trung tâm chỉ huy của Hezbollah trên mặt đất không những không tiêu diệt hoàn toàn được Hezbollah mà sẽ kích hoạt sức mạnh của lực lượng này. Hezbollah đã từng có rất nhiều kinh nghiệm chiến tranh du kích và phân tán lực lượng thực tế trong nhiều năm, đặc biệt là từ cuộc chiến ở Syria.

Kích động sự bất đồng và một cuộc xung đột nội bộ trong xã hội Liban? Kịch bản này hoàn toàn không khả thi. Israel đang tận dụng tâm lý bất đồng âm ỉ của một số cộng đồng trong xã hội Liban đối với lực lượng Hezbollah, đặc biệt là tâm lý chung của xã hội xuất hiện sau khi nhóm này giúp đàn áp các cuộc biểu tình chống lại các chính sách gây ra khủng hoảng kinh tế trong xã hội Liban năm 2019. Ý tưởng sẽ là khiến cho Hezbollah tập trung vào các vấn đề nội bộ thay vì hướng vào Israel. Đây sẽ là một chiến lược dài hạn nhưng không có nhiều yếu tố đảm bảo thành công bởi bất kỳ cuộc xung đột nội bộ nào, tại một vùng lãnh thổ quốc gia nào cũng có thể thay đổi về quy mô và diễn biến, khi mà cả quốc gia đó có cùng chung một mục tiêu hướng tới, trong trường hợp này là sự cố kết chống lại các chiến dịch quân sự chết chóc của Israel nhằm vào Liban.

Tạo ra một khu vực đệm, và đẩy các lực lượng Hezbollah ra xa khỏi biên giới giữa Israel và Liban? Israel có thể đạt được mục đích này có thể, nhưng thực tế hoàn toàn có thể dẫn tới thảm họa cho khu vực.

Vùng đệm an toàn - cái bẫy sa lầy dành cho Israel?

Tạo một vùng đệm an toàn tại biên giới Israel - Liban nhằm cách ly nguy cơ tấn công từ Hezbollah, có vẻ là một tính toán hợp lý với Israel về mặt lý thuyết. Tuy nhiên, thực tế xung đột leo thang trong những ngày qua cho thấy, bất kỳ nỗ lực nào của Israel trong việc dùng bạo lực để tạo ra sự an toàn này đang tạo ra những diễn biến rất xấu, khiến bạo lực tiếp tục leo thang.

Để tạo ra một vùng đệm, ngoài các chiến dịch không kích với hỏa lực mạnh, Israel sẽ bắt buộc phải sử dụng các lực lượng mặt đất duy trì quyền kiểm soát tại khu vực này. Các ngọn núi và địa hình hiểm trở tại miền Nam Liban đang trở thành một thách thức với Israel trong việc triển khai lực lượng tăng thiết giáp, pháo binh và bộ binh đồn trú. Địa hình hiểm trở vốn là môi trường chiến đấu phù hợp với chiến thuật du kích của Hezbollah, sẽ tạo ra những cái bẫy chết người cho bộ binh Israel khi thực hiện các cuộc hành quân và các nhiệm vụ duy trì kiểm soát thực địa.

Vào năm 2006, Hezbollah từng nhiều lần phục kích thành công các đoàn xe bọc thép cũng như các cuộc tuần tra của lực lượng. Các đơn vị chiến đấu của Israel đã gặp khó khăn trong việc phản công và hóa giải chiến thuật du kích của Hezbollah và mắc phải hàng loạt sai lầm chết người trên chiến trường. Ít nhất 20 xe tăng đã bị phá hủy hoặc hư hỏng không thể sửa chữa trong các cuộc tấn công đó khi các chỉ huy Israel không có nhiều kinh nghiệm, thực hiện các cuộc hành quân vào các ổ phục kích được chuẩn bị kỹ lưỡng của Hezbollah. Với những bài học được trả bằng máu vào năm 2006, quân đội Israel đang kỳ vọng sẽ không đi vào các vết xe đổ đó trong cuộc tấn công trên bộ lần này.

Một cuộc tấn công của Israel vào làng Rachaya Al-Fokar ở miền nam Liban ngày 12 tháng 7 năm 2006. Ảnh: Reuters

Nhưng Hezbollah cũng đã học được nhiều kinh nghiệm từ chiến trường cho các chiến thuật du kích, và lực lượng cũng đã tăng lên đáng kể so với năm 2006. Vào năm 2006, có khoảng 5.000 chiến binh Hezbollah đóng ở phía Nam Liban. Con số ở thời điểm hiện tại là khoảng 20.000 đến 30.000, chưa kể lực lượng dự bị. Đơn vị tinh nhuệ của Hezbollah, lực lượng Radwan hiện có khoảng 3.000 quân được huấn luyện chuyên biệt để hoạt động ở mặt trận phía Nam và hiểu rất rõ thực địa khu vực này.

Cả hai bên đều sử dụng các vũ khí khí tài có yếu tố công nghệ, đặc biệt là máy bay không người lái để trinh sát theo dõi đối thủ. Hezbollah có một kho vũ khí lớn với nhiều loại chống tăng hiện đại, như tên lửa Kornet, từng là ác mộng với xe tăng Merkava của Israel.

Bất kỳ nỗ lực tạo ra vùng đệm nào cũng có nghĩa là Israel phải giữ quân để trấn giữ, đồng thời phải thường xuyên duy trì các cuộc tuần tra trên mặt đất có sự giám sát và yểm trợ của không quân. Bất kỳ lực lượng mặt đất nào cũng sẽ là mục tiêu liên tục cho các quả bom gài ven đường, hoạt động bắn tỉa, phục kích và tấn công tên lửa từ phía các chiến binh du kích của Hezbollah.

Xe quân sự Israel gần biên giới Liban. Ảnh: AFP.

Ngay cả khi duy trì được một vùng đệm, Israel vẫn không thể đảm bảo ngăn chặn được các tên lửa và máy bay không người lái của Hezbollah phóng qua biên giới. Lực lượng tham mưu quân sự của Israel có thể sẽ hoạch đinh các kế hoạch mở rộng vùng đệm vào sâu bên trong lãnh thổ Liban. Tuy nhiên, Hezbollah có một kho vũ khí đủ lớn để phóng tên lửa được bố trí từ bất kỳ vị trí nào tại Liban mà vẫn đảm bảo tiếp cận được các mục tiêu chiến lược trong lãnh thổ Israel.

Thực tế đó đang tạo ra một nguy cơ hiện hữu, kéo quân đội Israel sa lầy vào vùng đệm do chính họ tạo ra trong tương lai. Bế tắc quân sự và ngoại giao tại Trung Đông chắc chắn sẽ còn tiếp diễn khi các hành vi dùng bạo lực để dập tắt bạo lực vẫn tiếp tục leo thang trong thời gian tới, cho tới khi các cuộc đàm phán hòa bình tại Dải Gaza có kết quả tích cực.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Một năm đã trôi qua kể từ khi vòng xung đột mới giữa Palestine và Israel bắt đầu nhưng cuộc xung đột vẫn chưa có dấu hiệu nào sẽ lắng xuống. Cuộc xung đột không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, làm hàng triệu người phải đi lánh nạn mà còn phá hủy hoàn toàn một loạt di tích lịch sử văn hóa của vùng đất này.

Phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra hôm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi cảnh báo Israel không được tấn công Iran, nhấn mạnh rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào cơ sở hạ tầng của Iran sẽ phải đối mặt với đòn trả đũa mạnh mẽ hơn.

Trung Quốc sẽ đạt được các kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội đã đề ra trong năm nay. Đây là khẳng định của các quan chức Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc trong buổi họp báo ngày 8/10.

Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan, nước này cần đón ít nhất 10,5 triệu lượt du khách quốc tế trong Quý IV/2024 để đạt mục tiêu thu hút 36,7 triệu khách nước ngoài trong cả năm 2024.

Bộ Quốc Phòng Nga ngày 7/10 cho biết, quân đội Nga đã nhắm mục tiêu vào một doanh trại dã chiến của Lữ đoàn Cơ giới độc lập số 72 của Ukraine ở thành phố Pavlograd bằng tên lửa đạn đạo Iskander.

Cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương là nội dung chính cuộc hội đàm song phương giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Maldives Mohamed Muizzu, diễn ra tại New Delhi.