Israel tiến thoái lưỡng nan sau đòn tập kích của Iran

Israel đang phải cân bằng áp lực quốc tế để một mặt thể hiện sự kiềm chế, đồng thời tìm kiếm phản ứng thích hợp trước một cuộc tấn công chưa từng có nhằm vào nước này.

Nội các chiến tranh của Israel hôm 15/4 vẫn quyết tâm đáp trả cuộc tấn công của Iran mà Tehran tuyên bố là nhằm đáp trả cuộc tấn công bị nghi ngờ do Israel thực hiện nhằm vào toà nhà ngoại giao của Iran ở thủ đô Damascus, Syria, hôm 1/4. Bất chấp áp lực từ các đồng minh rằng không nên leo thang xung đột, Nội các Israel vẫn đang tranh luận về thời điểm và phạm vi phản ứng, hai quan chức Israel nói với CNN.

Trong bối cảnh ấy, Thủ tướng Benjamin Netanyahu hiện phải cân nhắc giữa lời kêu gọi của liên minh cánh hữu về một phản ứng mạnh mẽ và nguy cơ bị quốc tế cô lập hơn nữa nếu mở rộng cuộc chiến mà không có sự hỗ trợ quốc tế.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu triệu tập cuộc họp Nội các chiến tranh sau cuộc tấn công của Iran, ngày 14/4/2024. Ảnh: Reuters

Các nhà phân tích nhận định rằng Israel chỉ có ít lựa chọn và mỗi lựa chọn đó đều phải trả giá, đặc biệt khi nước này còn đang tiến hành cuộc chiến tàn khốc kéo dài 6 tháng với lực lượng vũ trang Hamas ở Dải Gaza và phải đối đầu với nhiều chiến binh được Iran hậu thuẫn ở khu vực.

Một cuộc tấn công trực tiếp vào Iran sẽ tạo ra một tiền lệ khác. Mặc dù Israel được cho là đã tiến hành các hoạt động bí mật ở Iran trong nhiều năm qua, thường nhắm vào các cá nhân hoặc cơ sở được coi là mối đe dọa đối với an ninh của nước này, nhưng đến nay Tel Aviv vẫn chưa bao giờ tiến hành một cuộc tấn công quân sự trực tiếp vào lãnh thổ Iran.

Ông Raz Zimmt, chuyên gia về Iran tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) ở Tel Aviv, cho biết: “chúng ta chắc chắn đang ở một giai đoạn mới, một giai đoạn rất nguy hiểm trong cuộc đối đầu giữa Israel và Iran”. “Có thể sẽ có nhiều đợt tấn công trực tiếp hơn trong tương lai”.

Cũng theo ông Zimmt, mặc dù Israel khó có thể không trả đũa Iran nhưng nước này có thể sẽ không tiến hành một “cuộc tấn công quân sự toàn diện ngay lập tức nhằm vào các mục tiêu bên trong Iran” vì Tehran đã thề sẽ trả đũa bằng một phản ứng thậm chí còn lớn hơn cuộc tấn công được phát động vào cuối tuần qua.

Một hệ thống chống tên lửa hoạt động sau khi Iran phóng máy bay không người lái và tên lửa về phía Israel. Ảnh chụp từ Ashkelon, Israel, ngày 14/4. Ảnh: Reuters

“Ưu tiên của Israel là tiếp tục và tập trung vào việc đạt được các mục tiêu chính ở Gaza chứ không phải mở các mặt trận mới”, ông Zimmt nói với CNN.

Trong khi đó, ông Alon Pinkas, một nhà ngoại giao Israel, nhận định khó có khả năng Israel sẽ trả đũa bằng cách tấn công trực tiếp vào Iran. Nhưng nếu điều đó xảy ra, hậu quả sẽ phụ thuộc vào các mục tiêu. Ông nói các mục tiêu có thể bao gồm tài sản quân sự hoặc chương trình hạt nhân của Cộng hòa Hồi giáo: “mỗi mục tiêu đều đại diện cho một mức độ leo thang khác nhau”.

Một quan chức Israel nói với CNN hôm thứ Hai rằng một trong số các lựa chọn quân sự đang được xem xét là tấn công vào một cơ sở của Iran nhằm gửi thông điệp tới Tehran, nhưng tránh gây thương vong.

Bị ràng buộc bởi đồng minh

Tuy nhiên, phản ứng của Israel có thể bị hạn chế bởi thực tế nước này đã hoạt động như một phần của liên minh không chính thức khi chống lại loạt tên lửa và máy bay không người lái của Iran, ông Tamir Hayman - cựu giám đốc cơ quan tình báo quân sự của Israel cho biết trên X.

Các cuộc tấn công đã bị ngăn chặn với sự giúp đỡ của các đồng minh bao gồm Mỹ, Anh và Pháp, Jordan.

Ông Hayman, người hiện đứng đầu Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) ở Tel Aviv, cho rằng: “điều này quan trọng và mang lại hiệu quả, nhưng sẽ hạn chế quyền tự do hành động đáp trả của Israel”. Các đồng minh phương Tây và Ả-rập của Israel đều đã ngăn cản nước này đáp trả cuộc tấn công của Iran.

Theo các quan chức Mỹ hiểu biết vấn đề này, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các thành viên cấp cao trong nhóm an ninh quốc gia của ông đã nói với những người đồng cấp Israel rằng Mỹ sẽ không tham gia vào bất kỳ hành động tấn công nào chống lại Iran. Ông Biden đã tìm cách coi việc Israel đánh chặn thành công cuộc tấn công dữ dội của Iran là một chiến thắng lớn - với gợi ý rằng phản ứng tiếp theo của Israel là không cần thiết.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp các thành viên của Cơ quan An ninh quốc gia sau cuộc tấn công của Iran vào Israel ngày 13/4.

Những cân nhắc chính trị trong nước

Israel cũng có thể sẽ phải cân nhắc đến các vấn đề chính trị trong nước. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang lãnh đạo một liên minh cánh hữu nhất trong lịch sử nước này, và việc giữ cho chính phủ đó không sụp đổ sẽ cần đến sự xoa dịu những người theo đường lối cứng rắn.

Ông Netanyahu đã bị chỉ trích dữ dội ở trong nước vì không thể ngăn chặn cuộc tấn công của lực lượng Hamas sang lãnh thổ Israel hôm 7/10/2023 và việc ông không thể đảm bảo để hơn 100 con tin vẫn còn ở Gaza được trả tự do.

Nhà ngoại giao Pinkas nhận định bất kỳ quyết định trả đũa nào của Israel sẽ đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi liên minh cực hữu của ông Netanyahu và nhu cầu chính trị sống còn của chính thủ tướng.

“Với ông Netanyahu, tất cả chỉ là về chính trị và sự sống còn của chính ông ấy, cũng như việc duy trì liên minh, cũng như mong muốn mở rộng cuộc chiến để tránh xa sự kiện 7/10 và cuộc tấn công của Hamas”, ông Pinkas nói.

Ông Pinkas cho biết công chúng Israel hiện không muốn mở ra một mặt trận khác, trong khi quân đội vẫn đang chiến đấu ở Gaza.

Ông nói: “mọi người vẫn còn bàng hoàng và sốc về những gì đã xảy ra vào tháng 10, vì vậy tôi nghĩ công chúng không có mong muốn leo thang và mở ra một cuộc xung đột hoàn toàn trực tiếp với Iran”.

Tại các thành phố như Tel Aviv và Jerusalem, cuộc sống của người dân đã trở lại bình thường chỉ vài giờ sau cuộc tập kích tên lửa và máy bay không người lái của Iran. Nhiều người Israel bày tỏ họ không muốn một cuộc chiến với Iran.

Bà Cecile Smulowitz, một người dân Jerusalem chia sẻ với Reuters: “Iran là một quốc gia lớn và hùng mạnh và chúng tôi hy vọng quân đội Israel sẽ có thể trụ vững và làm những gì họ phải làm. Chúng tôi hy vọng sẽ có hòa bình trong khu vực, đó là tất cả những gì chúng tôi mong muốn và các con tin sẽ trở về an toàn”.

‘Sự ủng hộ quốc tế’

Israel đang ngày càng bị cô lập hơn trên trường thế giới do hành động của nước này trong cuộc chiến ở Gaza, nơi đã có hơn 33.000 người Palestine thiệt mạng. Tuy nhiên, kể từ sau cuộc tấn công của Iran, các đồng minh của Israel đã tập hợp xung quanh nhà nước Do Thái và ủng hộ quyền tự vệ của họ.

Một số chính trị gia Israel đã kêu gọi chính phủ tận dụng sự ủng hộ có được sau vụ tấn công để đáp trả. Một số khác kêu gọi Israel tranh thủ “sự ủng hộ quốc tế” để tấn công Tehran hoặc tấn công thành phố Rafah ở dải Gaza, nơi hơn 1 triệu người Palestine đang trú ẩn và nơi mà Israel cho là thành trì cuối cùng của Hamas. Kế hoạch tấn công Rafah của Israel đã bị trì hoãn do vấp phải sự phản đối của toàn thế giới.

“Chúng ta cần phải đáp trả - và có hai lựa chọn tốt: hoặc, chúng ta lợi dụng cuộc tấn công ngày hôm qua để tấn công Iran, hoặc đạt được thỏa thuận với Mỹ để tiến vào Rafah và loại bỏ Hamas ở đó,” ông Yakov Amidror, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng Netanyahu nói với tờ Jerusalem Post hôm thứ Hai.

Chính phủ Israel nhận thức được sự hỗ trợ và thiện chí quốc tế từ các đồng minh của mình và không muốn lãng phí điều đó. Đồng thời, họ thừa nhận rằng họ không thể cho phép cuộc tấn công đầu tiên của Iran vào đất Israel không bị đáp trả.

Hai quan chức Israel nói với CNN rằng ông Benny Gantz, một thành viên chủ chốt của Nội các chiến tranh, đã thúc đẩy phản ứng nhanh chóng hơn trước cuộc tấn công của Iran. Các nguồn tin cho biết ông Gantz tin rằng Israel càng trì hoãn phản ứng trước cuộc tấn công của Iran thì càng khó thu hút được sự ủng hộ của quốc tế dành cho nước này.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác không đồng ý, cho rằng hành động trả đũa từ Israel khiến căng thẳng leo thang, sẽ chỉ làm nước này bị cô lập hơn nữa, đặc biệt là với các quốc gia Ả-rập vùng Vịnh mà Israel đang tìm cách bình thường hóa quan hệ.

Mối quan hệ với các nước Ả-rập gặp rủi ro

Các quốc gia Ả-rập, bao gồm cả những quốc gia thân thiện với Israel, đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ leo thang sau cuộc tấn công của Iran, nhưng đến nay chưa lên án thẳng thừng hành động này. Israel cho biết hầu hết máy bay không người lái được bắn từ Iran đều bị chặn bên ngoài không phận của nước này. Jordan đã bắn hạ một số máy bay không người lái trong số đó và vấp phải sự chỉ trích trong thế giới Ả-rập vì hành động này. Jordan lập luận rằng nước này chỉ bảo vệ công dân của mình và đáp lại những hành vi vi phạm không phận.

Tuy nhiên, bất chấp vai trò của mình trong việc bảo vệ Israel, Jordan vẫn không né tránh việc trừng phạt chính phủ Israel. Trong cuộc phỏng vấn với Becky Anderson của CNN, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi dường như ủng hộ quan điểm của Iran rằng cuộc tấn công của Tehran là để trả đũa việc Israel ném bom tòa nhà ngoại giao Iran ở Damascus.

Nhân viên cứu hộ tìm kiếm trong đống đổ nát của tòa nhà cạnh Đại sứ quán Iran, một ngày sau cuộc không kích của Israel ở Damascus, Syria.

Phát biểu ngày 15/4, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi cho biết: “bây giờ tôi nghĩ rằng áp lực đang đè lên Israel là không leo thang và hướng tới mục tiêu mà tất cả chúng ta cùng chia sẻ, đó là giảm leo thang xung đột,” ông Safadi nói, đồng thời cảnh báo rằng Thủ tướng Israel Netanyahu đang tìm cách leo thang để chuyển trọng tâm ra khỏi cuộc chiến của Israel ở Gaza.

Israel cũng đang thực hiện sứ mệnh hàn gắn quan hệ với các quốc gia Ả-rập, một số quốc gia nằm đối diện Vịnh Ba Tư với Iran, là nơi đặt căn cứ quân sự của Mỹ và đã từng hứng chịu hỏa lực từ các nhóm đồng minh của Iran trong quá khứ. Những quốc gia này đã thực hiện một hành động cân bằng tinh tế giữa mối quan hệ với Tehran và với Israel, đồng thời cảnh giác với tác động của một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Iran và Israel đối với sự ổn định và xuất khẩu dầu của chính họ.

Ông Pinkas nói với CNN: “Một cuộc xung đột leo thang có thể làm tăng giá dầu và eo biển Hormuz bị đóng là điều các quốc gia vùng Vịnh không mong muốn nhất lúc này”. Ông cũng nói thêm rằng mối quan hệ của Israel với các quốc gia trong khu vực có thể bị ảnh hưởng nếu Tel Aviv bị coi là bên chịu trách nhiệm cho sự leo thang này./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Số lượng du khách tăng vọt gây ra tình trạng quá tải tại các thành phố ở châu Âu. Nhiều quốc gia trong khu vực này đã phải thúc đẩy các biện pháp kiểm soát du lịch như thu phí vào cửa hay hạn chế số lượng phương tiện chuyên chở du khách.

Tại Nhật Bản có một lễ hội thu hút sự chú ý của du khách từ khắp nơi trên thế giới là cuộc thi khóc Sumo. Lễ hội có niên đại khoảng 400 năm và được tổ chức tại các đền thờ trên khắp nước này.

Nhiều nước châu Á đang chứng kiến tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài, với nền nhiệt nhiều nơi lên tới hơn 50 độ C. Báo The Guardian (Anh) dẫn đánh giá của các chuyên gia khí hậu cho rằng, đợt nắng nóng khắc nghiệt hiện nay là “sóng nhiệt tháng 4 tồi tệ nhất trong lịch sử châu Á”. Tình hình nắng nóng được dự báo sẽ tiếp diễn phức tạp và nghiêm trọng, khi các nhà khoa học thậm chí còn chưa thể đưa ra dự đoán về ngày kết thúc chuỗi đợt nắng nóng kỷ lục này.

Nhiệt độ đã lên tới 50 độ C ở nhiều khu vực khác nhau trên khắp Philippines, do hiện tượng thời tiết El Nino làm tăng thêm sức nóng bao trùm cả nước.

Giới chức Israel hiện đang gấp rút chuẩn bị biện pháp đối phó với việc Tòa án Công l‎ý Quốc tế sắp ban hành lệnh bắt giữ các quan chức nước này, trong đó có Thủ tướng Benjamin Netanyahu, với cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế trong cuộc chiến tại Dải Gaza.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết tổn thất về binh sĩ của Ukraine đã vượt quá 8.000 người trong tuần qua, trong bối cảnh Nga tiếp tục tấn công vào khu vực Donbass của nước này.