Kamala Harris phá bỏ rào cản về sắc tộc và giới tính
Suốt hành trình từ một người nhập cư đến khi hoạt động chính trị, có thể nói, bà Kamala Harris chính là người tiên phong phá bỏ các rào cản vô hình về sắc tộc và giới tính của nước Mỹ.
Gia đình - những người truyền cảm hứng
Bà Kamala Harris sinh năm 1964 tại California trong một gia đình nhập cư gốc Ấn Độ và Jamaica. Từ nhỏ, bà Harris đã nhận được sự giáo dục đầy đủ của mẹ, một nhà nghiên cứu ung thư vú nổi tiếng, và cha, nhà kinh tế học - vốn đều là các nhà hoạt động xã hội.
Bà Harris chưa bao giờ để xuất thân nhập cư và màu da trở thành chướng ngại trong cuộc sống. Ngược lại, chính nguồn gốc và quá trình tiếp xúc với hai chủng tộc đã tạo nên một Kamala Harris mang nhiều bản sắc và tràn đầy khát vọng.
Trong cuốn hồi ký “The Truths We Hold” xuất bản năm 2019, bà giải thích rằng tên Kamala có nghĩa là “hoa sen” trong tiếng Ấn, như để tôn vinh một biểu tượng văn hóa quan trọng của đất nước Nam Á. Bà luôn được dạy để trân trọng cội nguồn của bản thân và di sản văn hóa da màu.
Trong hành trình trưởng thành, bà Harris coi mẹ mình là hình mẫu lý tưởng để noi theo và luôn ghi nhớ một điều: “Mẹ quyết tâm dạy tôi và em gái trở thành những người phụ nữ da màu tự tin và đáng tự hào khi lớn lên”, bà chia sẻ.
Trên Instagram, bà Kamala Harris từng ca ngợi mẹ mình vì đã dạy bà tầm quan trọng của việc phấn đấu để trở nên tốt hơn. “Mẹ đã dạy chúng tôi giá trị cổ xưa của sự chăm chỉ. Bà ấy dạy chúng tôi không chỉ ước mơ mà còn phải hành động”.
Sau khi cha mẹ ly hôn vào năm 1972, bà Harris chuyển đến Canada cùng mẹ và chỉ quay lại Mỹ sau khi học xong trung học. Bà Harris lựa chọn theo học chuyên ngành Khoa học Chính trị và Kinh tế tại Đại học Howard, một ngôi trường có lịch sử truyền thống dành cho người da màu ở Washington, DC. Bà Harris đã viết trong hồi ký của mình rằng chính tại Howard đã giúp bà nhận thấy rõ cơ hội phát triển của những người da màu ở nước Mỹ.
Sau khi tốt nghiệp trường Howard, bà Kamala Harris học thêm ngành luật tại trường Luật Hastings, Đại học California. Bà ấp ủ trở thành công tố viên vì muốn thay đổi hệ thống tư pháp để bảo vệ nhóm thiểu số trong xã hội. Năm 1990, bà gia nhập văn phòng công tố viên quận Alameda ở Oakland với tư cách là trợ lý công tố viên quận, chuyên truy tố các vụ xâm hại trẻ em.
Bà Harris cho biết gia đình, đặc biệt mẹ là người đã truyền cảm hứng nhiều nhất cho mình. Cha mẹ bà đều là những người tích cực tham gia phong trào dân quyền vào những năm 1960, và khi còn nhỏ bà Harris vẫn thường được mẹ, một nhà hoạt động nổi tiếng trong cuộc đấu tranh giải phóng người da màu, đưa đến các sự kiện.
Trong sự nghiệp chính trị của mình, Phó Tổng thống Mỹ cũng là người tích cực tham gia các phong trào nữ quyền. Nhắc đến bản sắc chính trị của bà Harris không thể không nhắc đến những đóng góp của bà trong việc bác bỏ đạo luật cấm phá thai ở Mỹ.
Phó Tổng thống Mỹ đã nhiều lần lên tiếng về những hạn chế của đạo luật này và bảo vệ sức khỏe người mẹ, hay rộng hơn là “Đấu tranh vì quyền tự do sinh sản”. Bà gọi lệnh cấm phá thai hiện đang bao trùm miền Nam nước Mỹ là “một cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe” và coi quyền bỏ thai là vấn đề tự do cá nhân.
Trên cương vị thành viên của Ủy ban Tư pháp Thượng viện, bà Harris từng tranh biện với thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ để chỉ ra sự bất công bằng về giới, rằng “liệu có bất kỳ luật nào yêu cầu một người đàn ông phải làm gì với cơ thể của mình, như luật cấm bỏ thai như đối với phụ nữ hay không?”.
Nhân vật của những "lần đầu tiên" trong lịch sử nước Mỹ
Con đường sự nghiệp của bà Kamala Harris từ công tố viên đến chính trị gia như hiện tại đã được ghi dấu bởi nhiều lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.
Năm 2010, bà trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên được bầu làm Tổng chưởng lý bang California.
Năm 2016, bà được bầu vào Thượng viện Mỹ, là phụ nữ da màu thứ 2 và là phụ nữ gốc Nam Á đầu tiên trở thành Thượng nghị sĩ Mỹ.
Năm 2020, bà trở thành ứng cử viên Phó Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ.
Năm 2024, bà Harris trở thành người phụ nữ gốc Á đầu tiên, phụ nữ da màu đầu tiên được đảng Dân chủ, một đảng lớn của Mỹ, chọn làm ứng cử viên tranh cử phó Tổng thống Mỹ trong cuộc đua vào Nhà Trắng và hiện bà đang đứng trước cơ hội lớn trở thành nữ tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ.
Một thống kê cho thấy 40% các quốc gia đã từng có một nhà lãnh đạo là phụ nữ. Nhưng nếu bà Harris đắc cử tổng thống Mỹ và điều hành một trong những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, điều đó sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ trên toàn cầu.
Theo Chỉ số chuẩn mực xã hội về giới năm 2023, một dự án của Liên hợp quốc biên soạn dữ liệu khảo sát từ hơn 90 quốc gia, 49% người dân trên toàn thế giới vẫn nghĩ rằng nam giới là những nhà lãnh đạo chính trị tốt hơn phụ nữ. Một nhiệm kỳ tổng thống của bà Harris sẽ là cơ hội để xóa bỏ định kiến dai dẳng này, mang lại cho phụ nữ và trẻ em gái ở khắp mọi nơi sự tự tin rằng họ cũng có thể vượt qua mọi rào cản để đạt được thành công.
Mika Brzezinski, một phóng viên kỳ cựu của kênh truyền hình CNBC, đã mô tả thành công của bà Kamala Harris giống như “một vết nứt trên trần nhà”, tưởng rằng nhỏ bé, nhưng có thể ảnh hưởng sâu rộng tới bức tranh chính trị tại Mỹ.
Thông điệp mà chiến thắng của bà Harris gửi đi sẽ còn vang dội hơn nữa tại thời điểm quan trọng này trong lịch sử nước Mỹ và thế giới, khi người dân Mỹ đang phải đối mặt với sự lựa chọn khắc nghiệt giữa bà Harris và cựu Tổng thống Donald Trump.
Bà Harris, một cựu công tố viên đã nhấn mạnh rằng toàn bộ sự nghiệp của bà đều dành cho việc bảo vệ luật pháp Mỹ và đối thủ của bà, ông Trump là người đã trắng trợn coi thường Hiến pháp, luật pháp và các chuẩn mực xã hội vốn từ lâu đã định nghĩa nên nền dân chủ Mỹ.
Không chỉ vậy, với tư cách nguyên thủ của một siêu cường, bà Harris cũng có thể xoá bỏ những nghi ngờ lâu nay về khả năng của phụ nữ trong việc đưa ra các quyết định về chiến tranh và hòa bình. Trong một cuộc thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Pew được tiến hành vào năm 2018, 35% người Mỹ cho rằng nam giới xử lý danh mục an ninh và quốc phòng tốt hơn phụ nữ, so với 6% cho rằng phụ nữ có khả năng hơn nam giới.
Có lý do để tin rằng bà Harris có thể phá vỡ định kiến phân biệt giới tính đó. Từ Ủy ban Tình báo Thượng viện đến Phòng Tình hình Nhà Trắng, bà Harris đã rất quen thuộc với các chi tiết tuyệt mật về các mối đe dọa an ninh quốc gia và các chương trình được thiết kế để giải quyết chúng.
Với tư cách là phó Tổng thống, bà Harris từng phụ trách chính sách không gian, trí tuệ nhân tạo và các thách thức khu vực ở châu Phi, châu Á, châu Âu và châu Mỹ Latinh. Nói cách khác, bốn năm qua đã giúp bà Harris hiểu hơn về các mối quan tâm toàn cầu so với hầu hết các tổng thống mới nhậm chức.
Ngoài sự am hiểu các vấn đề của thời đại, bà đã chứng minh được những phẩm chất thiết yếu để đưa ra quyết định hiệu quả trong khủng hoảng, bao gồm tính cách thận trọng và cách tiếp cận có phương pháp để tìm kiếm bằng chứng, thách thức các lập luận, xem xét rủi ro và cân nhắc các lựa chọn.
Thách thức các khuôn mẫu và truyền cảm hứng cho thế hệ lãnh đạo nữ mới sẽ là những thành tựu quan trọng của nhiệm kỳ tổng thống của bà Harris nếu bà đắc cử. Nhưng chính quyền của bà còn có thể làm được nhiều hơn thế. Bà Harris cũng có thể sử dụng kinh nghiệm cùng hiểu biết sâu sắc của mình để thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trong thời kỳ hỗn loạn, áp dụng cách tiếp cận các vấn đề toàn cầu theo hướng mở rộng liên minh, chấp nhận cải cách quản trị toàn cầu để đưa ra những tiếng nói và ý tưởng mới, đồng thời đưa ra những chính sách giúp phụ nữ phát huy hết tiềm năng của mình, trong bối cảnh nhiều vấn đề được xác định là của phụ nữ như sức khỏe sinh sản, sự tham gia vào các hoạt động kinh tế đến bạo lực trên cơ sở giới vẫn chưa nhận được sự quan tâm và tài trợ xứng đáng.
Việc đưa chúng thành một phần không thể thiếu trong các chính sách của chính phủ có thể góp phần giải quyết nhiều vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội mà nước Mỹ và cả các quốc gia trên toàn thế giới đang phải đối mặt.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal cho biết, nước này đã nhận khoản tiền đầu tiên trị giá 1 tỷ USD trong khoản cho vay 20 tỷ USD của Mỹ được bảo đảm bằng tài sản Nga bị tịch thu. Trong khi đó, Moscow tuyên bố sẽ đáp trả “vụ trộm cắp” này.
Trả lời phỏng vấn trên Fox Business mới đây, ông Keith Kellogg, người được chỉ định làm Đặc phái viên về Ukraine trong chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho biết, ông Trump muốn đạt được một thế giới hòa bình và công bằng ở Ukraine.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tiếp tục từ chối lệnh triệu tập điều tra của cơ quan chống tham nhũng về vụ việc áp đặt thiết quân luật bất thành.
Theo Cơ quan Khí tượng Thủy văn Nhật Bản, sau đợt nắng nóng kéo dài trong mùa hè, với những thiệt hại nghiêm trọng cả về người và của, mùa đông năm nay đến chậm nhưng khắc nghiệt hơn những năm trước, với nhiệt độ và độ ẩm xuống thấp chưa từng có, cùng lượng tuyết dày kỷ lục kèm theo bão tuyết và cuồng phong nguy hiểm.
Chính quyền quân sự tại Syria hôm qua (24/12), tuyên bố đã đạt được thống nhất với toàn bộ các nhóm vũ trang trong nước về việc giải giáp vũ khí và hợp nhất vào một thực thể thống nhất dưới sự điều hành của Bộ Quốc phòng Syria.
Văn phòng cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cho biết ông đã xuất viện hôm 24/12, một ngày sau khi nhập viện vì bị sốt.
0