Kẻ Mía, ngôi làng đá ong

Đường Lâm - tên nôm na gọi là Kẻ Mía - là quê hương của nhiều danh nhân như vua Ngô Quyền, Bố cái Đại Vương Phùng Hưng, Thám hoa Giang Văn Minh, bà Man Thiện - mẹ của Hai Bà Trưng, bà Chúa Mía - vương phi của Chúa Trịnh Tráng, Phan Kế Toại - Phó Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong 4 nhiệm kỳ...

Ngày nay, làng cổ Đường Lâm vẫn còn giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng Việt với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, điếm canh, giếng nước, ruộng, gò, đồi, miếu, chùa… và nhất là những ngôi nhà cổ cùng những bức tường đá ong nổi bật.

Cổng làng Mông Phụ

Nét cổ nhất của Đường Lâm nằm ở kiến trúc cổng làng và đình Mông Phụ. Cổng làng hội tụ bao lớp lang văn hoá với kiến trúc vòm, lớp đá ong cổ. Vốn dĩ làng có tới 5 cổng, một cổng lớn và 4 cổng trấn tứ phương. Hiện tại chỉ còn sót lại cổng làng Mông Phụ được xây dựng từ năm 1833.

Ngay từ con đường vào làng, ai cũng ấn tượng về chiếc cổng làng cổ kính. Cổng làng cổ nằm ở làng Mông Phụ, quay về hướng Đông Nam, là một ngôi nhà hai mái nằm ngay trên đường vào làng, bên cạnh là cây đa hơn 300 tuổi, bến nước, ao sen… tạo ra một cảnh quan nguyên vẹn hiếm có.

Từ cổng vào làng trên những con đường lát gạch sạch sẽ, đi giữa những bức tường đá ong có màu vàng sậm khiến cho du khách cảm nhận được sự ấm cúng, bình yên của ngôi làng.

Đá ong là nguyên liệu chính xây dựng lên nhiều công trình kiến trúc lạ mắt, độc đáo duy nhất có ở Việt Nam.

Đường xá được xây dựng theo hình xương cá với nhiều đường ngõ nhỏ tới đình làng Mông Phụ là khu vực trung tâm, với cấu trúc này nếu đi từ đình ra sẽ không bao giờ quay lưng vào cửa Thánh. Cấu trúc này cũng tạo ra một không gian rộng lớn ở trung tâm làng, là nơi giao lưu văn hóa, diễn ra các lễ hội truyền thống vào các ngày lễ, Tết… Và cấu trúc này cũng khiến cho cư dân trong làng có môi trường sống an toàn.

Làng Đường Lâm có hơn 950 ngôi nhà cổ, nằm ở các làng Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh. Có nhiều ngôi nhà được xây dựng từ rất lâu đời bằng loại vật liệu truyền thống của xứ Đoài là đá ong, tre, gỗ xoan, nứa, gạch đất nung, ngói, đất nện, trấu, mùn cưa… Nhà thường được xây dựng với mô hình 5 gian hay 7 gian, gắn liền với nhà là sân, vườn, bếp, nhà ngang, giếng nước, chuồng trại, bình phong, cao, cây rơm, cổng có mái che.

Nổi bật trong số những ngôi nhà cổ ở đây là nhà của ông Hà Nguyên Huyến, ông Nguyễn Văn Hùng, chị Dương Lan... bởi sự ra đời và lối kiến trúc cổ còn lưu giữ được đến ngày nay. Nhà của ông Hà Nguyên Huyến là di tích được xếp hạng nhà cổ dân sinh loại một. Ngôi nhà gây ấn tượng mạnh cho khách tới thăm bởi màu xanh cây cối.

Vốn có nghề nấu tương, ông Huyến dành hầu hết diện tích sân làm nơi chế biến. Các vại tương màu nâu trầm xếp hàng đều tăm tắp trên khoảng sân gạch. Là người đam mê chữ Hán nên ông Huyến trang trí nhà cửa bằng các câu đối có nét chữ đẹp mắt. Các vật dụng nhỏ như điếu bát, ấm chén sứ, đèn dầu… trong nhà làm bật lên được tính cách tinh tế, hoài cổ của chủ nhân.

Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Hùng cũng được xếp hạng nhà cổ dân sinh loại một. Ngay khi đến thăm, du khách sẽ ngạc nhiên trước chiếc cổng được xây dựng theo lối xưa bằng đất đá, bã trấu, bùn để tạo chất kết dính và lối vào rợp bóng bởi cây tơ hồng.

Cổng nhà gia đình ông Nguyễn Văn Hùng được xây dựng bằng đá ong,

Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1649, chủ yếu bằng gỗ mít và gỗ lim nhưng những nét chạm trổ tinh hoa trên cửa từ thời Hậu Lê vẫn còn nguyên vẹn. Ngôi nhà được kết cấu theo kiểu 5 gian 2 chái, 3 gian giữa là nơi thờ cúng tổ tiên, thêm bộ trường kỷ dùng để tiếp khách. Hai gian bên cạnh dùng làm nơi ngủ.

Còn ngôi nhà cổ của chị Dương Lan được xây từ năm 1780, lại không phải là nhà cổ dân sinh. Ngôi nhà vốn thuộc về cụ tổ chồng chị là quan đốc học Đỗ Doãn Chính. Bục cửa được thiết kế rất cao khiến cho người vào nhà đều phải cúi mình khi bước qua. Chị Lan lý giải, bục cửa xây cao như vậy là để nhắc nhở khách đến nhà phải luôn nhớ kính trọng một vị quan, một người thầy.

Trong nhà có những đồ trang trí như hình chiếc sừng chỉ có trong nhà của những người đỗ đạt làm quan. Nhà cổ có ưu điểm mùa hè mát còn mùa đông ấm. Ngoài ra, không gian thoáng đãng và khả năng tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên cũng là điểm mạnh của nhà cổ Đường Lâm.

Ngoài ra làng cổ Đường Lâm còn có một hệ thống các nhà thờ họ, miếu, quán đình, chùa, giếng cổ nằm trong một môi trường cảnh quan sinh động và trù phú đã tạo thành một điểm nhấn thú vị cho vùng đất này.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hồ Gươm không chỉ là một danh thắng nổi tiếng của Hà Nội, mà còn là di sản văn hóa, gắn liền với lịch sử ngàn năm văn hiến của mảnh đất Hà thành.

Tối 16/11, tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau tổ chức Lễ khánh thành và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đối với công trình tượng đài kỷ niệm "Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954".

Đình làng Mui tại xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội, là di tích lịch sử có từ lâu đời, thờ 4 vị thành hoàng - những anh hùng từng sát cánh cùng Hai Bà Trưng trong cuộc chiến chống quân xâm lược Hán.

Đã từ lâu, đối với người dân Việt Nam khi nói đến hồ Gươm là lại nhớ đến tháp Rùa, cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn. Đây không chỉ là những điểm đến hấp dẫn gắn liền với văn hóa và lịch sử của người Hà Nội mà còn là nơi tham quan và thư giãn lý tưởng.

Phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhân dân quận Ba Đình đã gìn giữ di tích đền Cống Yên và những giá trị văn hoá tinh thần của cha ông để lại.

Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 40km về phía Tây, đền Hát Môn, huyện Phúc Thọ, là một trong 3 ngôi đền thờ Hai Bà Trưng lớn và lâu đời nhất cả nước.