Kênh đào Bình Lục - Công trình giao thông thủy lợi gây chú ý nhất trên thế giới

Kênh đào Bình Lục dài hơn 130 km, xuyên núi, đang được xây dựng tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Đây là dự án xương sống của Trung Quốc nhằm tạo dựng hành lang nối đất liền với biển, khi hoàn thành sẽ kết nối giao thương giữa Trung Quốc và các nước Asean. Dự án có tổng kinh phí ước tính 72,7 tỷ nhân dân tệ (hơn 10 tỷ USD).

Sau kênh đào Kinh Hàng Đại Vận Hà được xây dựng thời nhà Nguyên cách đây 700 năm, đây là lần đầu tiên Trung Quốc xây dựng thêm một con kênh mới là kênh Bình Lục ở tỉnh Quảng Tây. Dự án bắt đầu từ cửa sông Bình Đường ở khu vực hồ chứa Tây Tân, thành phố Hoành Châu, Nam Ninh, kết thúc ở hạ lưu sông Khâm thuộc huyện Linh Sơn, thành phố Khâm Châu, nơi đổ ra Vịnh Bắc Bộ. Kênh có tổng chiều dài khoảng 134 km, khởi công ngày 28/8/2022, dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Đây cũng sẽ là kênh đào lớn nhất thế giới nối giữa sông và biển, với tổng khối lượng đào đắp hơn 339 triệu mét khối.

Tính đến tháng 11 năm 2023, dự án kênh Bình Lục đã bước vào giai đoạn thi công xây dựng hạng mục chính và đã hoàn thành đầu tư 21 tỷ nhân dân tệ.

Dự án kênh đào Bình Lục đã bước vào thi công hạng mục chính

Kể từ khi khởi công xây dựng vào ngày 28/8/2022, Quảng Tây đã coi kênh Bình Lục là công trình xương sống trong việc xây dựng hành lang nối đất liền với biển ở phía Tây Trung Quốc, hiện thực hóa sự liên kết sông - biển, tích hợp cảng, kết nối khu công nghiệp và thành phố, thúc đẩy tối ưu hóa và điều chỉnh bố trí công nghiệp dọc tuyến, hình thành vành đai kinh tế kênh đào.

Dự án không chỉ được coi là cơ hội phát triển khu vực Tây Nam tỉnh Quảng Tây, mà còn thể hiện kỹ thuật xây dựng hiện đại và tư duy chiến lược của Trung Quốc. Các nhà phân tích nhận định kênh Bình Lục sẽ đem lại những lợi ích toàn diện dọc tuyến kênh và cho cả khu vực.

Kênh Bình Lục được kỳ vọng sẽ hoàn thiện hệ thống kết nối cơ sở hạ tầng, giúp giảm tải giao thông cho sông Dương Tử và sông Châu Giang, cho phép Quảng Tây kết nối toàn diện với thị trường các nước Đông Nam Á thông qua đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không.

Kênh Bình Lục sẽ giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ Quảng Tây đến các nước Đông Nam Á

Hiện nay các tàu container muốn đi từ Trung Quốc đến các nước ASEAN qua đường biển phải đi vòng qua tỉnh Quảng Châu để ra biển, thời gian thường là từ 7-10 ngày.  Kênh đào này sẽ giúp rút ngắn đáng kể thời gian các tàu container chở hàng hóa từ Nam Ninh, thủ phủ của tỉnh Quảng Tây, đến các nước Đông Nam Á và chiều ngược lại, giúp tiết kiệm được nhiều chi phí.

Ông Trần Hồng Khởi, Bí thư Đảng ủy Sở Giao thông vận tải Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây cho biết “hàng hóa từ khu vực Tây Nam được vận chuyển qua kênh Bình Lục ra biển, giúp rút ngắn khoảng cách di chuyển nội địa hơn 560 km so với đi vòng qua tỉnh Quảng Châu. Sau khi kênh đào hoàn thành sẽ hình thành kênh liên vận tải đường sông và đường biển có năng suất lớn, hiệu quả cao, giá thành thấp và bao phủ phạm vi rộng.”

Theo một báo cáo của cơ quan chức năng Trung Quốc, dự án kênh Bình Lục được cho là có khả năng vận chuyển 108 triệu tấn hàng hóa vào năm 2035, tăng lên 130 triệu tấn vào năm 2050. Báo cáo cũng cho biết con kênh sẽ chủ yếu vận chuyển than đá, khoáng sản, xi măng, ngũ cốc, khai khoáng, vật liệu xây dựng và container.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Tây còn đẩy mạnh nghiên cứu đặc biệt về khoa học và công nghệ, thực hiện thiết kế kênh xanh thông minh, đẩy nhanh nghiên cứu các công nghệ chủ chốt như giao thông kết hợp sông-biển, giám sát thông minh và giám sát an toàn cơ sở, đồng thời triển khai 13 dự án khoa học công nghệ lớn trong hoạt động Khoa học và Công nghệ Quảng Tây “tiên phong” để cung cấp hỗ trợ khoa học và công nghệ cho việc xây dựng và phát triển con kênh.

Dự án kênh Bình Lục bao gồm xây dựng hành lang sinh thái dọc kênh

Dự án kênh Bình Lục còn bao gồm xây dựng hành lang sinh thái dọc kênh. Trong tương lai, sẽ khởi công xây dựng các dự án năng lượng xanh tại ba trung tâm lớn, quy hoạch bố trí các hành lang năng lượng sạch dọc tuyến kênh, thúc đẩy xây dựng các bến xanh tại các cảng sông nội địa dọc tuyến, thúc đẩy ứng dụng thí điểm tàu năng lượng mới, tạo ra một con kênh "gần như không có carbon.”

"Việc xây dựng kênh đào sẽ được kết hợp với việc quản lý toàn diện sông Tần Giang để duy trì và mở rộng các chức năng sinh thái của dòng sông ban đầu, đồng thời đạt được những bước đột phá trong công nghệ xây dựng kênh sinh thái xanh, bao gồm xây dựng các khu bảo tồn sinh thái, đường dẫn cá, bờ bảo vệ sinh thái, v.v.", chuyên gia thiết kế và lập kế hoạch dự án kênh Bình Lục, Ngô Bành, thông tin.

Dự án kênh Bình Lục đã được Bộ giao thông vận tải Trung Quốc đưa vào danh sách dự án kiểu mẫu về công trình kỹ thuật chất lượng trăm năm về an toàn giao thông đường bộ và đường thủy.

(Theo Tân Hoa Xã, Mạng tin tức Quảng Tây)

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã chỉ định bà Pam Bondi, cựu Tổng chưởng lý bang Florida làm lãnh đạo Bộ Tư pháp thay thế ứng cử viên Matt Gaetz vừa rút lui.

Trái với phản ứng gay gắt của chính giới Israel cùng nhiều quốc gia đồng minh, nhiều quốc gia khu vực đã yêu cầu các bên nghiêm túc tuân thủ lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu do Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành.

Ngay sau khi Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) ban bố lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người ở dải Gaza, giới chức Israel đã lập tức lên tiếng phản đối và chỉ trích gay gắt động thái của ICC.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xuất hiện trong một video, tuyên bố Moscow đã tấn công một cơ sở quân sự của Ukraine bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa siêu vượt âm tầm trung.

Ứng viên cho vị trí Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, cựu Hạ nghị sỹ Matt Gaetz tuyên bố rút lui khỏi đề cử của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Ngày 21/11, Công ty vũ trụ tư nhân SpaceX của tỷ phú Mỹ Elon Musk đã phóng thêm 24 vệ tinh internet Starlink lên quỹ đạo.