Kênh đào Funan Techo: sông Mê Kông đối mặt thách thức?

Campuchia đang chuẩn bị khởi công dự án kênh Funan Techo nối sông Mê Kông với biển với tổng kinh phí đầu tư 1,7 tỷ USD. Kênh đào trị giá tỷ đô này dự kiến sẽ mang lại nhiều giá trị kinh tế lớn cho Campuchia. Tuy nhiên, dự án cũng vấp phải những nghi ngại về tác động đối với hệ sinh thái và nguồn nước sông Mê Kông.

Dự án trị giá 1,7 tỷ USD

Theo thông báo của phía Campuchia, kênh đào Funan Techo sẽ nối cảng sông Phnom Penh với vịnh Thái Lan ở Tây Nam Campuchia, đi qua bốn tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep. Quá trình xây dựng kênh đào sẽ bắt đầu vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, dự kiến kéo dài bốn năm. Theo tài liệu Campuchia trình lên Ủy hội sông Mê Kông tháng 8/2023, kênh Funan Techo sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2028.

Hoạt động đường thủy ở Phnom Penh. Ảnh: AFP.

Dự án dự kiến sẽ nâng cấp và cải tạo 180 km tuyến kênh/sông. Các đoạn kênh được thiết kế với kích thước đủ lớn (bề rộng đáy kênh 50 m, bề rộng mặt kênh từ 80 - 120 m và chiều sâu mực nước trong kênh 4,7 m) để các tàu tải trọng đến 1.000 tấn có thể đi qua. Kênh có hai làn, các phương tiện có thể ra vào và tránh nhau an toàn.

Trên kênh này có ba công trình âu thuyền tại ba vị trí: Âu thuyền nơi kết nối với sông Bassac (sông Hậu); Âu thuyền tại tỉnh Takeo; Âu thuyền nơi cửa ra tỉnh Kep. Âu thuyền với kích thước cơ bản dài x rộng x sâu là 135 m x 18 m x 5,8 m. Lượng nước xả tối đa qua âu thuyền là 3,6 m3/giây.

Sơ đồ kênh đào Funan Techo của Campuchia. Ảnh: Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam.

Hội đồng Bộ trưởng Campuchia ngày 19/5/2023 đã phê chuẩn dự án Hệ thống Logistics và Điều hướng Tonle Bassac, còn gọi là kênh đào Funan Techo, sau khi hoàn tất 26 tháng nghiên cứu với sự tham gia của các chuyên gia môi trường, xã hội, kỹ thuật.

Tháng 7/2023, Campuchia thiết lập ủy ban liên bộ để triển khai dự án. Tháng 10 cùng năm, giới chức Campuchia ký thỏa thuận cho phép Tổng Công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) nghiên cứu tính khả thi của dự án.

Chính phủ Campuchia kỳ vọng dự án sẽ giúp khai thác tối đa tiềm năng vận tải đường thủy bằng cách kết nối sông Mê Kông ra Vịnh Thái Lan, thiết lập các cửa ngõ logistics và thương mại, tạo thêm việc làm, thúc đẩy quy hoạch, đô thị hóa và phát triển thị trường bất động sản, phát triển "cực kinh tế thứ tư" của nước này.

"Cực kinh tế" là những khu vực địa lý tập trung hoạt động kinh tế. Campuchia xác định 5 cực kinh tế của đất nước gồm các tỉnh Phnom Penh, Preah Sihanouk và Siem Reap cùng hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc đất nước.

Các quan chức chính phủ và giới phân tích Campuchia tin rằng dự án sẽ tạo thuận lợi cho dòng chảy hàng hóa từ cảng tự trị Phnom Penh đến cảng nước sâu ở tỉnh Sihanoukville. Thủ tướng Campuchia Hun Manet cho biết kênh đào sẽ cho phép các tàu chở 3.000 tấn hàng hóa trong mùa khô và 5.000 tấn hàng hóa trong mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển container, giảm thời gian đi lại và giảm khoảng 16% chi phí vận tải.

Thủ tướng Campuchia Hun Manet cho biết kênh đào sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển container, giảm khoảng 16% chi phí vận tải. Ảnh: FB Thủ tướng Campuchia Hun Manet.

Hiện tại, khoảng 33% hàng hóa đến và đi từ Campuchia sử dụng các cảng của Việt Nam vận chuyển qua sông Mê Kông cho hoạt động thương mại toàn cầu. Việc mở kênh đào Funan sẽ giảm tỷ lệ này xuống còn 10%.

Nếu dự án được triển khai, dự kiến đến năm 2028, Campuchia sẽ có tuyến đường thủy ra biển đầu tiên phục vụ cho việc vận tải hàng hóa ra khu vực và quốc tế.

Ngoài ra, theo báo Khmer Times, kênh đào Funan Techo là dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn mới nhất nhằm đưa Campuchia trở thành một trung tâm kinh tế và logistics mới trong khu vực.

Nước này kỳ vọng kênh đào cũng sẽ mở đường cho việc mở rộng hơn nữa các lĩnh vực như nuôi trồng thủy sản, tạo thêm việc làm tại cảng Sihanoukville, cảng Phnom Penh.

Phía Campuchia cho biết kênh đào sẽ do Tổng Công ty Cầu đường Nhà nước Trung Quốc xây dựng theo phương thức thực hiện dự án xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) phối hợp với chính phủ Campuchia.

Tuy nhiên, các quan chức Campuchia phủ nhận dự án kênh đào Funan Techo là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Thủ tướng Campuchia Hun Manet khẳng định nước này không vay tiền từ Trung Quốc để thực hiện dự án, đồng thời nhấn mạnh công ty Trung Quốc là bên chịu rủi ro tài chính. Bên cạnh đó, các quan chức Campuchia cũng bác bỏ các luồng thông tin cho rằng tuyến đường thủy này sẽ tiếp nhận tàu chiến của Trung Quốc.

Kênh Funan có ảnh hưởng đến dòng chảy sông Mê Kông?

Từ khi dự án kênh đào Funan Techo bắt đầu được khởi xướng, đã có nhiều lo ngại cho rằng dự án sẽ tác động đến dòng chảy chính của sông Mê Kông. Bởi đây là một trong những dòng sông quốc tế dài nhất châu Á, chảy qua 6 quốc gia, trong bối cảnh hạn mặn, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, gây ra tình trạng thiếu nước ngày càng gia tăng tại khu vực hạ lưu của con sông.

Các nghiên cứu do Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson, trụ sở tại Mỹ, tiến hành cho thấy kênh đào khi được xây dựng sẽ đóng vai trò như một con đập, ngăn nước từ thượng nguồn chảy tới những khu vực quan trọng ở hạ nguồn sông Mê Kông.

Bối cảnh kênh đào Funan Techo. Ảnh: Cắt từ video Bộ Giao thông Công chính Campuchia phát trên FB.

Việc chuyển hướng dòng chảy từ sông Mê Kông vào kênh đào Funan Techo có thể tạo ra vùng trũng ngập ở phía Bắc con kênh và vùng khô hạn ở phía Nam. Điều đó sẽ tác động đáng kể đến các hoạt động nông nghiệp, đe dọa môi trường sống của các loài sinh vật trong khu vực.

Quá trình thi công cũng đòi hỏi phải di dời lượng lớn trong 1,6 triệu dân hiện sinh sống dọc hai bên kênh đào dự kiến. Điều này sẽ tạo ra nhiều gián đoạn, bất tiện cho nhiều cộng đồng dân cư, theo Chương trình Đông Nam Á.

Trước những quan ngại trên, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen cho biết kênh đào Funan Techo khẳng định kênh Funan Techo sẽ không ảnh hưởng đến dòng nước trên sông Mê Kông. Bản đánh giá tác động môi trường do Campuchia nộp cho Ủy hội sông Mê Kông cho rằng việc bố trí ba đập đường thủy dọc kênh đào sẽ giúp đảm bảo "kiểm soát hiệu quả" xả nước, ngăn thay đổi dòng chảy sông Mê Kông. Phía Campuchia cho biết kênh Funan Techo sẽ tận dụng dòng nước từ sông Hậu, một nhánh của sông Mê Kông. Dự án được đề xuất sẽ chỉ hút 5 m3 nước mỗi giây, tương đương 0,053% lưu lượng sông Mê Kông, giải quyết những lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn nước.

Đồ họa đường đi của kênh đào Funan Techo được Bộ Giao thông Công chính Campuchia cung cấp, cùng với đó là nhận định dự án chỉ tác động tối thiểu đến môi trường. Ảnh: THE PHNOM PENH POST.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nhiều thông tin công khai về cách thức Campuchia dự định triển khai để giảm thiểu tác động của dự án kênh đào Funan Techo đến cuộc sống của người dân ở khu vực liên quan dòng chảy sông Mê Kông.

Trước những thông tin bước đầu được cung cấp của dự án, các chuyên gia cho rằng các số liệu về dự án kênh đào Funan Techo hiện vẫn chưa đầy đủ, nhất là trong mục đích sử dụng nước nên vẫn chưa thể tính toán tác động xuyên biên giới đến các khu vực ở hạ lưu sông Mê Kông.

Campuchia cần phối hợp chặt chẽ với Ủy hội sông Mê Kông (MRC) để cung cấp thêm thông tin chi tiết về dự án và tham gia đầy đủ vào các nghiên cứu về tác động môi trường nhằm giúp MRC và các nước thành viên hiểu, đánh giá và chuẩn bị đầy đủ cho mọi tác động có thể có của dự án này.

Ông Wesley Holzer - Nhân viên quan hệ truyền thông tại Đại sứ quán Mỹ ở Phnom Penh.

Là một bên có thể chịu sự tác động của dự án này, Việt Nam đang tiếp cận vấn đề phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bà Phạm Thu Hằng - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ảnh: Minh Đức/TTXVN.

Bà Phạm Thu Hằng - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định trong ngày 5/5 rằng: “Đối với dự án kênh đào Funan Techo, Việt Nam rất quan tâm và tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia theo tinh thần của Hiệp định Mê Kông năm 1995, phù hợp với các quy định liên quan của Ủy hội sông Mê Kông và quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Việt Nam mong rằng, Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mê Kông chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác động của dự án này đối với nguồn nước, tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mê Kông cùng các biện pháp quản lý phù hợp nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông, quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước và tài nguyên nước sông Mê Kông, vì sự phát triển bền vững của lưu vực, tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia ven sông và tương lai của các thế hệ mai sau”.

Hiệp định Mê Kông năm 1995 quy định rằng các hoạt động ảnh hưởng đến các nhánh của sông Mê Kông, bao gồm cả Biển Hồ, phải được thông báo cho Liên hợp quốc.

Sông Mê Kông - Dòng sông quốc tế 

Sở dĩ hệ sinh thái và nguồn nước của sông Mê Kông được quan tâm như vậy là bởi đây là một trong những dòng sông lớn nhất, có mức đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Sông Mê Kông dài gần 4.900 km, bắt nguồn từ độ cao 5.000 m trên cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc), chảy qua lãnh thổ của 6 nước gồm Trung Quốc, Myanma, Lào, Thái Lan và Campuchia và Việt Nam, đem lại sinh kế cho hàng triệu người sống dọc theo dòng sông.

Diện tích của lưu vực sông Mê Kông của bốn nước hạ lưu là khoảng 795.000 km2 với khoảng 65 triệu dân của trên 100 dân tộc và có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế của các nước ven sông. Hạ lưu sông Mê Kông tạo ra cơ hội thương mại, giao thông, an ninh lương thực, thu nhập và đồng thời là nguồn thủy sản nội địa lớn nhất thế giới, hằng năm đem lại hơn bốn triệu tấn cá và các loài thủy sản khác.

Sông Mê Kông nhìn từ trên cao. Ảnh: luxurycruisemekong.com

Tuy nhiên, lưu vực sông Mê Kông hiện đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn liên quan đến vấn đề nguồn nước như tình trạng ngập mặn và những tác động của biến đổi khí hậu, hiện là một trong 5 lưu vực sông lớn trên thế giới có dòng chảy bị suy giảm nhiều nhất do hạn hán; tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính.

Hoạt động tích nước của các đập thủy điện trong bối cảnh xảy ra hiện tượng El Nino năm 2023, với đặc điểm là nắng nóng và khô hạn hơn trung bình, ở bán đảo Đông Dương đã khiến sông Mê Kông bị thiếu nước nghiêm trọng và xảy ra tình trạng biến đổi dòng chảy.

Chế độ dòng chảy của sông Mê Kông không còn tự nhiên, cụ thể là dòng chảy mùa khô cao hơn mức trung bình và trong mùa mưa dòng chảy lại thấp hơn. Điều này tiềm ẩn nhiều tiêu cực. Lượng cá giảm đáng kể và các cánh đồng trong lưu vực sông Mê Kông dần trở nên khô cằn.

Ông Anoulak Kittikhoun - Giám đốc điều hành Uỷ hội sông Mê Kông quốc tế.

Báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn protein từ cá sông đối với cuộc sống người dân các nước trong lưu vực sông Mê Kông. Bên cạnh đó, nó còn là sinh kế cho hàng triệu người dân sống dựa vào nghề khai thác thủy sản, trồng trọt trên các đồng bằng ven sông. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng việc phát triển kinh tế là điều quan trọng nhưng cần phải bảo đảm sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn nước trên sông, và việc này phải bắt đầu từ các khu vực thượng nguồn con sông.

Trong các khuôn khổ hợp tác hiện nay về lưu vực sông Mê Kông, Ủy hội sông Mê Kông quốc tế là tổ chức duy nhất có chức năng xây dựng các khuôn khổ pháp lý, trong đó có những quy chế ràng buộc đối với các quốc gia thành viên. Ủy hội sông Mê Kông quốc tế được thành lập theo Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông ký ngày 5/4/1995 giữa Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Là một thành viên trong Ủy hội, Campuchia cũng cần phải tuân thủ những quy chế ràng buộc đó, để các nước thuộc Ủy hội chia sẻ công bằng, hợp lý tài nguyên nước và cùng nhau bảo vệ môi trường sinh thái lưu vực sông bên cạnh chức năng thúc đẩy các dự án phát triển chung.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Từ trước khi Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình Ukraine diễn ra tại Thuỵ Sĩ, các nhà phân tích đã dự đoán rằng hội nghị này dường như không đạt được các mục tiêu đã nêu, cả về mặt đại diện tham dự và việc phát triển chương trình nghị sự thống nhất mà Kiev muốn thúc đẩy, khi không có sự tham gia của Nga.

Sau gần 25 năm cầm quyền, Tổng thống Vladimir Putin đã cho thấy tài năng của một trong những nhà lãnh đạo thành công nhất lịch sử nước Nga. Ông đã mở ra một kỷ nguyên phát triển mới ở Nga, đưa đất nước từ chỗ đang lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện sau khi Liên Xô tan rã, trở lại thành cường quốc hàng đầu thế giới.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo nhiều khả năng năm 2024 sẽ là một năm nắng nóng kỷ lục tiếp theo, phá vỡ kỷ lục về nắng nóng của năm 2023.

Tình trạng đầu cơ bất động sản đã và đang diễn ra ở nhiều thành phố lớn trên thế giới, không chỉ gây ảnh hưởng đến giá bất động sản trên thị trường mà còn khiến người thu nhập thấp không thể mua nổi nhà.

Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình Ukraine tổ chức tại Thụy Sỹ đang có nguy cơ thất bại khi không có sự tham gia của nguyên thủ một số nước quan trọng như Mỹ, Trung Quốc và đặc biệt là Nga.

Sau khi thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố giải tán Quốc hội để tổ chức tổng tuyển cử sớm, gây choáng váng cho cả chính trường Pháp và châu Âu.