Khai mạc Hội nghị Ngoại giao 31 - Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động thích ứng

(HanoiTV) - Sáng 15/12, Hội nghị Ngoại giao 31 với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động thích ứng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh)

Mở đầu bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, Hội nghị đối ngoại được tổ chức với quy mô toàn quốc đóng vai trò quan trọng trọng việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác đối ngoại trong thời gian tới.

Trong bối cảnh thế giới còn có nhiều biến động, đặc biệt là diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, Thủ tướng đánh giá cao chủ đề của Hội nghị lần này là “Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động thích ứng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, thể hiện sự quyết tâm, tính chiến đấu của toàn ngành ngoại giao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra những thay đổi, biến động nổi bật trong hai năm vừa qua mà ngành ngoại giao cần xác định rõ để đề ra những đường hướng phù hợp trong thời gian tới.

Đề cập đến những nỗ lực không ngừng nghỉ của các cán bộ làm công tác đối ngoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số thành tựu xuất sắc mà ngành ngoại giao đã đạt được trong thời gian qua.

Theo Thủ tướng, có được những thành tích nêu trên là nhờ ngành Ngoại giao đã cụ thể hóa, thực hiện nghiêm túc đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết thống nhất, phát huy truyền thống ngành Ngoại giao, linh hoạt thích ứng với tình hình mới; với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, địa phương và bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng gợi mở những vấn đề ngành Ngoại giao phải chú ý tập trung giải quyết như nghiên cứu chiến lược, tích lũy cơ sở dữ liệu để có được một kho tàng cơ sở dữ liệu đầy đủ, toàn diện trên các mặt để phân tích kỹ càng, thông tin chính xác; ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển bền vững từ chiều rộng sang chiều sâu; phát huy hợp tác kinh tế tiềm năng ở những địa bàn có tính chất chiến lược; nâng cao cơ sở vật chất, đời sống tinh thần của cán bộ ngoại giao.

Trong 2 năm tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần phải dự báo tình hình quốc tế trên cơ sở đánh giá những kết quả đã làm được và chưa làm được, để từ đó định hình công tác đối ngoại cho phù hợp để hóa giải thách thức, tận dụng thời cơ để phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong nước, Việt Nam nói chung và ngành đối ngoại nói riêng cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ quan trọng theo cương lĩnh, Hiến pháp, là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không bỏ qua an sinh xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần;

Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; hướng tới mục tiêu 2045 và trước mắt triển khai nghị quyết Đại hội XIII về đối ngoại; vừa chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ từ sớm từ xa bằng các biện pháp ngoại giao; kết hợp chặt chẽ, phát huy quan hệ hữu cơ giữa công tác đối nội và đối ngoại; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Với những thành quả của 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, lịch sử, chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Việt Nam từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu, trải qua những khó khăn của chiến tranh, bao vây cấm vận, phải hoạt động dựa vào viện trợ quốc tế, thì ngày nay đã trở thành nước có nền kinh tế năng động nhất Đông Nam Á.

Thủ tướng cho rằng, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc ngày 14/12 đã khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đối ngoại, khẳng định những nền tảng quan trọng, quan điểm cơ bản để phát triển ngành ngoại giao phục vụ lợi ích quốc gia dân tộc tối thượng, nhân ái, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh phương châm “14 chữ”: “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả và cùng phát triển”; đổi mới tư duy với với lợi ích quốc gia là tối thượng; cương quyết nhưng kiên định, mềm mại, linh hoạt, hiệu quả.

Về 3 trụ cột ngoại giao, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, về ngoại giao chính trị, Việt Nam cần kiên trì đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước và là thành viên có trách nhiệm, tích cực chủ động hội nhập quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Thủ tướng cho rằng, công tác đối ngoại cần xây dựng hình ảnh tình cảm, chân thành và tin cậy với bạn bè quốc tế và các doanh nghiệp, tuân thủ tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, làm cho họ hiểu về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, đáp ứng xu thế của thời đại là hòa bình, hợp tác và phát triển.

Thay mặt cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gửi lời cảm ơn chân thành tới Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính là những định hướng, chỉ đạo khái quát toàn diện, sâu sát, có trọng tâm cho ngành Ngoại giao trong thời gian tới, đặc biệt là trong 2 năm 2022 và 2023. Đây là nguồn động viên, khích lệ lớn lao, tiếp thêm sức mạnh cho ngành Ngoại giao quyết tâm thực hiện thắng lợi đường lối Đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, vì sự phát triển ổn định của đất nước.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, sau Hội nghị, ngành Ngoại giao sẽ đưa ra nghị quyết, chương trình hành động để tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhất là Tổng Bí thư; đưa những ý kiến chỉ đạo này thành những đề án, kế hoạch cụ thể, để tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả cả trong nước và các cơ quan đại diện.

Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 31 đã diễn ra Lễ trao khen thưởng cho một số tập thể và cá nhân có thành tích nổi bật trong thời gian vừa qua./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
Từ khóa:
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tiếp tục Phiên họp thứ 41, chiều 6/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Ngày 6/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai công tác năm 2025 của ngành ngoại giao.

Sáng 6/1, tại tỉnh Gia Lai, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác Trung ương đã làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh Gia Lai về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI.

Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc có ý nghĩa chính trị to lớn, tác động đến toàn bộ các lĩnh vực trong đời sống xã hội, được cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân quan tâm và đồng tình ủng hộ.

Sáng 06/01, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai công tác năm 2025 của ngành ngoại giao. Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Chiều ngày 6/1, Ban Đối ngoại Trung ương đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác đối ngoại nhân dân năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung chủ trì hội nghị.