Khi bình yên là chốn quay về

Ta không thể lựa chọn cuộc đời, nhưng có thể thay đổi suy nghĩ về cuộc đời. Ta chọn lấy những giây phút mỉm cười, chậm rãi mà bước qua những hối hả xuôi ngược. Ta đối diện với những gian nan bằng cái gật đầu bình thản. Bởi cuối cùng dọc theo những nhọc nhằn, bươn chải, bước qua những tháng ngày chênh vênh của cuộc đời, phải chăng, bình yên chính là nơi chốn để chúng ta quay về?

Chiều nay, bạn Hoàng Hạnh sẽ chia sẻ những dòng cảm xúc của mình với chương trình.

Có một chiều tự tình với góc phố tư lự, tôi đã đọc được những dòng tâm sự cuối cùng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về Huế, nơi quê hương yêu dấu của ông: “Khi bạn có một xứ sở tuổi thơ để trở về hoặc để thỉnh thoảng trở về thì bạn còn có hạnh phúc nhiều lắm. Ở đó bạn có một dòng sông, một ngọn núi, và bạn tìm lại được những đứa bạn một thời tóc xanh nay đã lốm đốm bạc đầu...”

Và quả thật khi đã bước qua những quãng đường tuổi trẻ, đối diện với sự trưởng thành và già dặn theo từng tháng năm, người ta cũng chợt giật mình nhận ra có những khoảng trống cô độc đang ngày một lớn dần và len lỏi. Ta chợt thèm hơi ấm của vòng tay gia đình. Ta ước ao có một sáng thức giấc được trở về là một đứa trẻ thơ ngây vô tư lự. Ta đau đáu đắm chìm trong những ôm ấp hoài niệm về những tháng ngày xưa cũ mà lòng vời vợi những hư hao.

Đường về nhà tưởng gần mà lại hóa xa xôi... Những dấu vết thời gian đã hằn in nếp gấp vô hình lên những khoảng trống sâu trong tâm tưởng. Chỉ biết rằng, sự dịch chuyển dù là vô cùng chậm rãi, cũng đã làm ta vơi cạn từng ngày những ánh nhìn trong trẻo và những nhịp rung động hồn nhiên của ngày ấy.

Có nhiều mùa xuân, ta đã lỡ hẹn với chính mình. Lỡ hẹn trong những lần dặn lòng buông bỏ những gánh nặng xô bồ để trở về với quê hương tha thiết. Lỡ hẹn với những bữa cơm đầm ấm quây quần bên mâm cơm gia đình trong một chiều ba mươi hội ngộ. Và cuối cùng, ta cũng trót lỡ hẹn với những lời yêu thương mà ta từng ấp ủ dành tặng cho những người mà ta luôn hằng ghi nhớ. Ta vẫn thường tự huyễn hoặc bản thân rằng: “Chúng ta vẫn còn có nhiều cơ hội” mà không hề hay biết, có những cuộc hội ngộ lại chính là lần cuối cùng trong đời chúng ta còn được mỉm cười với nhau một cách trọn vẹn.

Mỗi một mùa xuân qua đi, con đường tìm về với xứ sở tuổi thơ càng trở nên xa vời vợi và chỉ còn lại lốm đốm những mảng màu ký ức đã phai nhạt. Để rồi trong những khoảnh khắc hiếm hoi thường nhật, ta chợt chạnh lòng se sắt hay bất giác mỉm cười trong niềm hân hoan, vui sướng khi vô tình bắt gặp ở đâu đó một hình ảnh hao hao giống như thời thơ ấu, miệng lẩm nhẩm một điệu lý, câu hò quen thuộc, hay đơn giản chỉ là một sáng đẹp trời ra vườn mót được củ khoai rồi nhảy cẫng lên sung sướng giống như một đứa trẻ. Khoảnh khắc đưa ta trở về với những rung động tự nhiên nhất của một tâm hồn từ lâu đã hóa chai sần và cằn cỗi. Lúc ấy, ta mới thực sự nhận ra, có những niềm vui giản dị xuất hiện trong những khoảnh khắc bình yên giống như hồi ta còn thơ bé.

Ta không thể lựa chọn cuộc đời. Nhưng ta có thể thay đổi suy nghĩ về cuộc đời. Ta chọn lấy những giây phút mỉm cười, chậm rãi mà bước qua những hối hả xuôi ngược. Ta thực hiện lời hứa với chính mình để sau này ta sẽ không còn gì phải băn khoăn hối tiếc. Ta đối diện với những gian nan bằng cái gật đầu bình thản. Bởi cuối cùng dọc theo những nhọc nhằn, bươn chải, bước qua những tháng ngày chênh vênh của cuộc đời, phải chăng, bình yên chính là nơi chốn để chúng ta quay về?

Bỏ lại những hành lý cồng kềnh cùng những lý sự rườm rà, tôi mang theo những yên bình để rời xa thị thành. Tôi bước theo cánh cò trong câu ca dao, lần về với mênh mang đất mẹ. Thăm thẳm trải dài những núi, những sông, có những bóng hình thân thương vẫn đang chờ đón chúng tôi – những đứa trẻ “lớn đầu” quay bước trở về với miền xứ sở xa xôi, của những tháng ngày bình yên đã vô tình đánh mất./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trải qua các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đất nước ta đã sản sinh ra những thế hệ thanh niên đại diện cho mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước. Như thế hệ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; thế hệ một thời hoa đỏ 'xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước'; thế hệ 'sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử' trong chiến tranh bảo vệ biên giới...

Con đường ngày xưa chúng tôi đi học, lòng đường bé tin hin bằng hai gang bàn tay người lớn, thêm sỏi đá mấp mô ngáng bánh xe đạp không thương tiếc. Bữa nào vừa nhấn bàn đạp mải miết, vừa ngúc ngoắc đầu nói chuyện là gặp hòn đá xóc nảy người, chiếc cặp nhẹ tênh có khi giật mình rơi khỏi giỏ xe cà tàng. Con đường “huyền thoại” ấy chưa đi vào thơ ca nhạc họa của văn nghệ sĩ bao giờ nhưng nó đi vào ký ức tuổi thơ của chúng tôi cho tới tận hôm nay.

Sự hiện hữu của thời gian trở nên rõ rệt là khi trên khuôn mặt xuất hiện thêm những nếp gấp, một vài vết tàn nhang cùng màu tóc dần ngả bạc. Thời gian vô tình khiến những hoạt động mà mình vốn yêu thích bỗng trở nên khó thực hiện, mặc dù lòng nhiệt huyết vẫn còn nhưng tuổi tác và khuôn mặt đã không còn phù hợp nữa rồi.

Phố bắt đầu ngày mới bằng những sắc hoa thuỳ mị trong chợ hoa Quảng Bá. Đường Âu Cơ tươi xinh màu sắc trong tia nắng dịu nhẹ chưa vương mùi bụi khói. Tâm thức anh chợt lạc về câu chuyện em nói với anh ngày xưa khi anh cùng em ngang qua đoạn đường này.

Thấm thoắt, ngoại tôi đã về miền mây trắng đoàn tụ với ông bà tổ tiên được mười sáu năm rồi. Từ ngày ngoại mất, số lần tôi theo mẹ về quê chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mỗi năm tới ngày giỗ ngoại, tuy không nói ra nhưng tôi cảm nhận được nỗi buồn nghẹn lại trong lồng ngực mẹ nếu năm đó mẹ không thể sắp xếp về quê thắp cho ngoại nén hương.

Thuở bé, mỗi lần được nằm gối đầu lên đùi mẹ, lắng tai nghe những giai điệu trong trẻo mà sâu lắng từ những câu hát ầu ơ quen thuộc, lòng tôi mỗi lúc ấy đều cảm thấy dễ chịu và ấm áp lạ thường. Sau này, khi năm tháng trôi đi, bôn ba trên khắp các nẻo đường xuôi ngược, hễ vô tình được nghe thấy thứ âm thanh giản dị và thân thương ấy, thì những ký ức tuổi thơ trong tôi lại nối tiếp theo tiếng hát tìm về.