Khi đào phai rơi cánh
Chiều nay, Hường và bạn sẽ cùng nghe câu chuyện của Xuân Chinh chia sẻ những dòng ký ức của mình về người cha kính yêu và vườn đào phai…
Miếng đất bìa rừng bố cải tạo lại rồi trồng đào phai. Giống ban đầu mua vườn ươm, rồi sau bố lấy hạt giống bên ông nội tự ươm cây. Đào phai là tên gọi theo màu sắc của cánh hoa. Thứ hoa cánh mỏng, hồng phớt duyên dáng, nhã nhặn, khiêm nhường nhưng sức sống thì mãnh liệt. “Rừng làng ta, trước kia, đào phai nở khắp triền gần, thung lũng xa”…
Ngày lại ngày, thấm thoắt qua nhanh như bóng câu qua cửa. Đào hợp đất, hợp tiết trời, người lại dày công chăm bón nên cứ mơn mởn xanh tươi. Mấy sào ruộng ngoài đồng không dám bỏ bê nhưng dường như mồ hôi bố mẹ giờ đây đổ nhiều vào vườn đào hơn cả. Gà gáy rạng đông, sương còn mơ màng trên lá và đất vườn còn ngái ngủ, bố đã lụi hụi vác cuốc ra vườn đào, tranh thủ xới cỏ kẻo nắng lên cao. Chỉ khi đom đóm chong đèn khắp bờ rào đầu ngõ, ếch nhái ộp oạp vẳng tiếng lại đập vào sườn rừng, bố tôi mới được thảnh thơi ngồi ăn miếng kẹo lạc, nhâm nhi chén nước chè ở hiên nhà. Ống quần bố xắn tới gối vẫn lem lấm cỏ may, đất thịt.
Người trồng đào xóm tôi hao tổn thời gian, tâm huyết uốn thế đào cho ra dáng phượng múa rồng bay, tấn tài tấn lộc. Bố tôi lại kiên trì để đào vườn mọc tự nhiên. Cành đào sum suê như một cây đa thu nhỏ. Cành to mọc ra từ thân cây, rồi lại cành nhỏ tua tủa từ cành to, cành nhỏ hơn nữa nhú lên tiếp nối. Nhiều lúc ngồi ngắm đào, tôi chợt liên tưởng mỗi cây đào cũng như một dòng sông cái, rồi nước từ nó ăm ắp đầy phụ lưu, chi lưu… Hy hữu lắm bố mới can thiệp vào dáng dấp của một cây đào khi nó bị bệnh, bị gãy cành sau trận gió hoặc nó mọc lan man tùy tiện quá.
Tiền học phí của tôi học trên phố ngày một tăng. Bố trồng xen thêm rau ngót, rau thơm dưới tán đào. Mẹ cứ cách ngày lại mang rau ra chợ. Mẹ lọ mọ hái rau trong vườn từ tối hôm trước, mãi mới được một làn rau treo ghi đông và một thúng rau chằng gác ba ga xe đạp vào tinh mơ hôm sau. Vườn đào bao dung chia sẻ dinh dưỡng đất đai để nhân ra nhiều màu xanh cho vườn tược. Mẹ bán rau, bố lại vác cuốc ra vườn đào, xới cỏ, bón phân.
Trông ngóng nhiều vào vụ đào Tết sau ba năm chăm bẵm nhưng năm hết Tết đến, bố mẹ tôi cũng không bớt vất vả. Đào phai vụ đó nở sớm quá, chưa tới Tết ông công ông táo mà hoa đào nhiều cây đã bung hoa tưng bừng. Người mua đào tất nhiên thủng thẳng chối từ, chỉ cần ngó thấy hoa nở rộ. Người mua đào lại phong thủy cho rằng, cành đào đẹp là có đủ nụ, hoa, lộc, lá. Đào nhà tôi ít nụ, hoa nở nhiều, chơi Tết không được lâu, vận chuyển lại khó. Mấy vườn đào bích, đào trắng, đào thất thốn trong xóm nườm nượp người xe lại qua. Chập choạng tối trời, bố vẫn ngồi hiên nhà, vẫn ống quần xắn gối, vẫn hớp ngụm chè quen thuộc, nhưng tôi nghe được tiếng thở dài.
Quy luật tự nhiên, hoa nở rồi hoa tàn. Sắc đào phai cũng dần phai màu theo bước nàng xuân. Sau Tết, bố mẹ tạm bẵng vườn đào để lo mạ cấy vụ xuân. Đào lặng lẽ phai màu, rụng cánh. Để một sáng nắng xuân ấm áp, nhận ra e ấp sau chiếc lá là vô vàn quả đào non mới nhú. Bố đan thúng mới, sửa lại chiếc xe đạp cà tàng chuẩn bị cho một mùa đào mới sau mùa hoa Tết. Mùa quả đào. Bố chăm bẵm vườn đào quả bội thu. Mẹ rong ruổi cung đường làng cùng những mẻ trái đào đầy ắp thúng.
Mỗi mùa hoa đào qua, mùa quả đào lại tới. Bố tôi không còn thở dài khi đào trong vườn mỗi Tết bán không hết. Hoa tàn thì quả lại nhen lên. Hi vọng mùa sau, người nông dân nhìn thấy từ mùa trước. Nhấp ngụm chè xanh, bố chậm rãi: "Bán không hết đào Tết thì để hoa đậu quả. Bán hết quả thì cây vẫn còn đó. Sang năm lại được ngắm hoa..."
Mỗi cây đào phai ngoài kia, xuân nào cũng trẻ lại. Tôi bất giác nhìn sang mái tóc phai màu của bố mẹ. Mỗi mùa xuân đi qua trên cây đào, thước đo thời gian kia, mái đầu bố mẹ làm sao xanh lại dù cho chúng tôi có là quả ngọt trĩu cành./.
Nghề giáo vẫn được gọi là nghề cao quý. Nghề nào cũng có những nỗi niềm riêng. Và nghề giáo cũng có những câu chuyện cuộc sống đằng sau ánh hào quang cao quý.
Có một người đã dạy cô những con chữ đầu tiên, người dạy cô bao bài học thật thà; dạy cô phải biết nỗ lực vượt qua nghịch cảnh… Với cô, ba là người thầy vĩ đại nhất.
Cô bạn thuở hoa niên vừa gửi qua Zalo khoe rổ hoa dầu sớm nay mới nhặt trên đường tập thể dục về. Ôi những cánh hoa vươn dài, vừa mỏng manh vừa cứng cỏi. Một cái gì đó như bung vỡ. Một cảm giác thật khó định hình. Bồi hồi. Thảng thốt. Trái tim ai đó bỗng lỗi mấy nhịp. Điều gì vừa gần gụi vừa xa xăm. Sài Gòn và anh!
Cuối năm thiệp mời cưới bay tá lả, đó là lúc chị em cố gắng giảm cân để mặc đồ cho đẹp. Hôm nào cũng hỏi thăm nhau giảm được bao kg rồi, để còn tụ tập đi ăn cưới.
Sau những chuyến muộn phiền, có người lại về ngồi với khu vườn, lặng yên nghe tiếng chim hót. Đôi khi ngửa mặt lên trời nhìn mây trôi về muôn nẻo. Mây trôi nhẹ tênh, trong thoáng chốc cô ước gì hồn mình cũng nhẹ như mây. Để tự do bay bổng, để đi về hướng nào mình muốn và để tan ra hay làm mưa xuống. Không như mình vẫn ngồi đây để tự hỏi, rồi cuộc đời mình sẽ đi về đâu?
Trong ký ức của một người con, có một căn nhà xưa sơ sài tới mức không có cổng, nhưng trong căn nhà nhỏ ấy, lại đầy ắp tình yêu thương của mỗi thành viên trong gia đình dành cho nhau…
0